Hotline: 0973 549 00
Menu

Tranh cãi gay gắt về tăng lương tối thiểu

Cuối chiều 5/8, VCCI cho biết, các thành viên đại diện người sử dụng lao động thống nhất đề nghị tăng lương tối thiểu năm 2016 là 10%. Mức này cao hơn tỷ lệ 6-7% đề xuất trước đó nhưng lại thấp hơn tỷ lệ tăng 16,5% của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam- đại diện cho người lao động.

Cuộc họp kín bàn về vấn đề tiền lương tối thiểu năm 2016 của Hội đồng tiền lương quốc gia sáng qua, 5/8 đã diễn ra rất căng thẳng, không đi đến kết quả thống nhất cuối cùng.

Chia sẻ với báo chí cuối chiều qua, VCCI- tổ chức đại diện Người sử dụng lao động cho hay, phương án ban đầu từ phía VCCI đưa ra trong cuộc họp là mức tăng lương từ 6-7%, tương ứng tăng từ 150.000-220.000 đồng/ tháng.

Trong khi đó, đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lại đề nghị phải tăng 16,5% so với hiện nay. Mức tuyệt đối tuỳ vùng sẽ tăng từ 350.000- 550.000 đồng/tháng. Theo đó, lương tối thiểu vùng 4 thấp nhất sẽ là 2,5 triệu đồng/tháng và cao nhất ở vùng 1, là 3,65 triệu đồng/tháng.

Nhiều tranh cãi gay gắt về vấn đề tăng lương tối thiểu

Sự chênh lệch quá lớn giữa hai bên đã dẫn đến nhiều tranh cãi gay gắt tại cuộc họp, bởi bên nào cũng đưa ra lý do chính đáng.

Trong đó, đại diện Tổng Liên đoàn lao động đã nhấn mạnh lộ trình tăng lương tối thiểu, làm sao đến năm 2017, lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Mức tăng 16,5% là đã được nghiên cứu trên cơ sở lạm phát, nhu cầu tối thiểu cả các gia đình... Vì vậy, tổ chức này không đồng tình với VCCI và cho rằng, mức 6-7% là quá thấp.

Ngược lại, phía VCCI dẫn chứng, tỷ lệ 16,5% là quá cao và sẽ làm khó khăn thêm tình hình hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.

Trong văn bản công bố quan điểm về vấn đề này, văn phòng giới chủ thuộc VCCI cho biết, thực trạng các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Trong 7 tháng đầu năm 2015 đã có 37,829 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng 1,2% so với cùng ký năm ngoài trong đó tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm và tỷ lệ người có việc làm giảm xuống.

Để có thể cải thiện đời sống cho người lao động thì yếu tố quyết định dựa vào việc tăng năng suất lao động như nâng cao tay nghề, ý thức và tác phong công nghiệp của người lao động, cải tiến máy móc thiết bị công nghệ và khả năng tận dụng các cơ hội kinh doanh khi tham gia các hiệp định thương mại.

Theo VCCI, hiện nay năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Vì vậy trong bối cảnh 70% doanh nghiệp làm ăn không có lãi thì việc đầu tư của doanh nghiệp vào việc đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tăng năng suất lao động sẽ bị hạn chế. Hơn nữa việc tận dụng một số cơ hội khi hội nhập cũng cần phải có thời gian.

Sau khi thảo luận và nghiên cứu thêm, các thành viên của giới chủ đã thống nhất nâng mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 6-7% ban đầu lên 10%.

"Với mức tăng lương tối thiểu 10%, thực tế người lao động ngoài mức lương tăng thêm đó, còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội cao hơn như chế độ nghỉ phép năm, thai sản, ốm đau, tiền làm thêm giờ…", VCCI phân tích.

Đặc biệt, 1/1/2016, khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn phải lo đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35% - 40% so với năm 2015.

Khi đó, mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm và kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp, hay nói cách khác là tổng thu nhập thực tế của người lao động. Do vậy, dù lương tối thiểu có mức tăng là 10% thì thực tế chủ sử dụng lao động đã phải trả các khoản cho người lao động với mức tăng lên từ 17-18% so với trước.

VCCI khẳng định, 10% là mức tăng lương tối đa để doanh nghiệp có thể đảm bảo tồn tại, chiếm lĩnh thị trường và phát triển bền vững.

Trước nhiều ý kiến trái chiều này, Hội đồng tiền lương quốc gia đã quyết định hoãn phiên họp này và sẽ công bố kết quả thống nhất tăng lương trong 2 tuần tới.

Kiếm 1 tỷ/ngày từ phân bò: "Bầu" Đức có “nổ”?

Với 300.000 con bò thịt và bò sữa, theo tính toán, “Bầu” Đức dư sức kiếm hơn 20 triệu USD mỗi năm từ nguồn phân bò.

Mới đây, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 15-4-2015 tại TP.HCM, việc ông Đoàn Nguyên Đức (thường gọi là bầu Đức) tiết lộ thông tin khiến nhiều cổ đông phải sững sờ: mỗi ngày tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thu về khoảng 1 tỷ đồng từ… phân bò. Thông tin này, khiến không chỉ cổ đông của HAGL, mà giới cộng đồng mạng cũng lên “cơn sốt” tìm hiểu thông tin liên quan nhằm để chứng minh hay phản biện việc thu cả núi tiền từ phân bò, nhưng chung quy tất cả đang muốn biết liệu bầu Đức có “nổ”!?

“Ma trận” giá phân bò

Tìm đến một trong những địa chỉ nuôi bò thịt thuộc dạng nhất nhì cả nước là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chúng tôi được ông Huy, một lão nông tri điền cho hay, phân bò chính là một trong những mặt hàng hái ra tiền ở vùng đất này. Ông Huy lý giải, hiện nay nhu cầu mua phân bò rất nhiều, vì phân bò là nguyên liệu dành làm phân bón cho rất nhiều loại cây trồng.
 

Theo tính toán, với đàn bò 300.000 con, “Bầu” Đức sẽ thu về từ 900 tấn cho đến 1.500 tấn phân/ngày. Ảnh: HAGL

Hiện trong việc mua phân, tùy từng địa phương, nhưng thường phân bò được phân định thành 2 loại, bao gồm: phân bò vàng và phân bò sữa. Hiện ở Long An, giá phân bò tươi khoảng 4.000 đồng cho 1 bao 20kg, như vậy 1 tấn phân tươi vào khoảng 200.000 đồng.

Còn tại Củ Chi, TP.HCM một trong những địa phương có lượng bò sữa lên đến hơn 75.000 con, phân bò cũng là một “mặt hàng chiến lược”. Theo anh Long, một chủ trại ở xã Phước Hiệp, hiện ở đây, người ta thường tính theo xe cải tiến. Cứ một xe chở phân bò thịt tươi tầm 2,5 m3 giá khoảng 250.000 đồng, còn phân bò sữa sẽ là 650.000 đồng/xe với khối lượng tương ứng. Cách đây hai năm, khi giá cao su ở mức cao, phân bò được thu mua khá nhiều để bón cho cây cao su, lúc đó có thời điểm, 1 xe lên tới 800.000 đồng, thậm chí hơn 1 triệu đồng.

Còn ở tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, hai thủ phủ của vùng Tây Nguyên chuyên về trồng cây cà phê, hồ tiêu, cao su…, phân bò là một hợp chất dinh dưỡng khá hiệu quả cho các loại cây trồng này. Hiện giá phân bò khô (3kg phân tươi cho ra được 1kg phân khôn) ở Gia Lai dao động từ 500.000 đồng đến 800.000 đồng/tấn, tùy theo thời điểm. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, một trong những nguồn cung ứng loại nguyên liệu đặc biệt cho hai địa phương này chính là tỉnh Phú Yên.

Chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính trên địa bàn tỉnh Phú Yên, thời điểm đó mỗi tháng lượng phân bò xuất đi các tỉnh lên hàng trăm tấn. Thậm chí, một số xã như An Hiệp, An Chấn (Tuy An) có nhiều người làm nghề đi nhặt phân bò. Hằng ngày, họ rong ruổi khắp các tuyến đường nhặt phân bò phơi khô, thậm chí nặn thành bánh. Phân bò được mua theo hình dáng, nếu phân không có hình dáng giá 1 tấn khoảng 400.000 đồng, phân còn nguyên hình dạng như lúc con bò thải ra giá sẽ nằm khoảng 600.000 đồng.

Tiền phân bò đủ bao lương cho cả tập đoàn

Cách đây khoảng 1 năm, trước khi “Bầu” Đức công bố việc khởi động dự án, chi đầu tư khoảng 6.300 tỷ đồng cho chương trình nuôi 236.000 con bò thịt và bò sữa theo mô hình công nghệ cao, trong lúc trà dư tửu hậu “Bầu” Đức hóm hỉnh nói: “Chỉ cần nuôi đạt đủ số lượng bò như kế hoạch, mỗi năm lượng phân thu được sẽ đủ trả lương cho toàn bộ nhân viên tập đoàn mà không cần lấy ở nguồn khác”.

Và sau buổi đại hội cổ đông vừa diễn ra hôm 15.4, trao đổi với phóng viên, “Bầu” Đức đã có những giải đáp về điều này. Cầm chiếc máy tính trên tay, “Bầu” Đức bấm bấm cộng trừ nhân chia, rồi lý giải, cái lợi đầu tiên ông muốn nói đến là tiết kiệm tiền mua phân để bón cây trồng cho tập đoàn. Cụ thể theo “Bầu” Đức, hiện tập đoàn có qũy đất trồng cây nông nghiệp gần 100.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia, nếu mỗi năm mỗi 1 ha tốn khoảng 6 triệu đồng tiền phân bón, số tiền bỏ ra mua phân bón cho toàn bộ diện tích đất trên sẽ tương ứng 600 tỷ đồng.

“Còn khi có bò, số tiền mua phân sẽ giảm đáng kể và việc dùng phân có nguồn gốc thiên nhiên này sẽ tốt hơn rất nhiều cho cây trồng hay việc cải tạo đất xấu, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường nếu so với phân hóa học. Chính cái lợi từ việc không mua nhiều phân sẽ giảm chi nguồn tiền này và với số tiền như trên dư sức trả lương cho toàn bộ nhân viên, người lao động của tập đoàn với con số ước tính thời điểm đó là trên 21.000 người”, “Bầu” Đức tự tin nói.


“Bầu” Đức: “Chỉ cần nuôi đạt đủ số lượng bò như kế hoạch, mỗi năm lượng phân thu được sẽ đủ trả lương cho toàn bộ nhân viên tập đoàn mà không cần lấy ở nguồn khác”. Ảnh: Tuấn Hữu

Đặt vấn để về câu chuyện làm giàu từ phân bò với một chuyên gia kinh tế, ông này nhẩm tính mỗi con bò Úc, bình quân nếu ăn cỏ tươi 1 ngày, trọng lượng thức ăn sẽ tương đương 10% trọng lượng cơ thể, như vậy với một con bò 500kg, lượng thức ăn sẽ tương ứng 50kg cỏ tươi, còn nếu ăn thức ăn có tinh bột, lượng thức ăn cần khoảng hơn 20kg cho 1 con bò.

Như vậy, một con bò khả năng bài tiết sẽ vào khoảng từ 3 đến 5kg/ngày. Theo tính toán của chuyên gia này, nếu đàn bò 300.000 con, “Bầu” Đức sẽ thu về từ 900 tấn cho đến 1.500 tấn phân/ngày. Với giá tiền phân bò hiện nay, một mét khối bán được khoảng 600.000 đồng, tổng số tiền thu về nằm ở khoảng 540 triệu đồng cho đến 900 triệu/ngày.

“Nếu “Bầu” Đức dự kiến mỗi năm bán 300.000 con bò, ngoài việc tổng đàn nuôi thường trực là 300.000 con, mọi người cũng nên tính thêm số lượng khoảng 300.000 con đủ trọng lượng để bán ra thị trường, như vậy ta cứ nhân đôi, mỗi ngày “Bầu” Đức kiếm 1,08 tỷ đồng cho đến 1,8 tỷ đồng là nằm trong tầm tay”, vị chuyên gia này tính toán và khẳng định với 300.000 con bò thịt và bò sữa, một “Bầu” Đức dư sức kiếm hơn 20 triệu USD mỗi năm từ nguồn phân bò…

(Danviet.vn)