Hotline: 0973 549 00
Menu

"Cô giáo cung Bọ Cạp không đủ tư cách làm giáo viên"

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói: “Người có tài mà không có đức, xã hội không thể chấp nhận. Cô giáo đừng cậy giỏi mà có quyền lăng mạ học viên”.

Vừa qua, trên mạng xã hội tung clip "khẩu chiến" giữa cô giáo Trung tâm Anh ngữ Lê Na và hai học viên. Trong clip, cô giáo Lê Na tự xưng "cung Bọ Cạp" đã xưng hô mày - tao, mắng và đe dọa sinh viên.

Nữ giáo viên trung tâm ngoại ngữ xưng "mày - tao" và chửi học viên (Ảnh chụp từ clip)

Không đủ tư cách giáo viên

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, ông đã xem clip này và thấy cô giáo Lê Na dùng lời nói lăng mạ học sinh là không đủ tư cách làm giáo viên.

“Dù học sinh có sai, giáo viên nên khéo léo, không được dùng ngôn từ chợ búa để phản ứng. Như vậy, sao xứng đáng làm thầy được. Trong clip, cô giáo liên tục nói học viên “vô học” thì bản thân cô giáo cũng không thể là tấm gương cho học sinh noi theo”, ông Nhĩ nói.

Từ sự việc này, ông Nhĩ đề xuất cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, thậm chí phải cấm những người không đủ tư cách như cô Lê Na dạy học.

“Nếu tôi có nhân viên như cô Lê Na, tôi sẽ cho nghỉ việc, không để giáo viên đó giảng dạy một giờ, một phút nào”, ông Nhĩ nói.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ cũng cho biết, ông từng nghe thông tin "cô giáo cung Bọ Cạp" giỏi về chuyên môn. Tuy nhiên, người có tài mà không có đức, xã hội vẫn không thể chấp nhận. "Cô giáo đừng cậy giỏi mà có quyền lăng mạ học viên”, ông Nhĩ nói.

Ông Nhĩ kể: “Trong mấy chục năm làm nghề giáo, tôi cũng gặp một học sinh không chấp hành nội quy của ký túc xá (không gấp chăn, màn sau khi ngủ dậy). Trường yêu cầu kỷ luật học sinh này nhưng tôi không làm. Thay vào đó tôi tìm cách nói chuyện với em. Sau khi nói chuyện và nghe em thổ lộ: “Đây là thói quen khó sửa vì ở nhà em cũng vậy”. Tôi đã khuyên nhủ và em học sinh này đã sửa được”.

Từ tình huống này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhắn nhủ: Nếu học sinh sai trái thì giáo viên cũng nên có biện pháp giáo dục. Cô giáo đem hết lòng thương để khuyên nhủ, giải thích, chắc chắn học sinh sẽ hiểu.

Ông Nhĩ cũng cho biết, cô giáo Lê Na xưng "mày - tao" với học sinh không phải là trường hợp đầu tiên trong ngành giáo dục. Do đó, ngành giáo dục cũng phải chấn chỉnh lại đạo đức giáo viên. Hơn nữa, để hạn chế học sinh học thêm ở trung tâm, ngành giáo dục nên bố trí chương trình, đưa học sinh làm quen với Ngoại ngữ từ tuổi mầm non, tăng cường giờ dạy Ngoại ngữ trong trường học.

Theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cô giáo Lê Na dùng lời nói lăng mạ học sinh là không đủ tư cách giáo viên.

Thiếu nghiệp vụ sư phạm

TS.Vũ Thu Hương – Khoa Giáo dục Tiểu học – Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chia sẻ: “Xem clip, tôi sốc vì thấy cô giáo này có cách cư xử kiểu chợ búa. Dù chỉ là một trung tâm Anh ngữ bên ngoài thì đây cũng là một môi trường sư phạm, đòi hỏi cô giáo phải có tư cách”.

Bà Hương kể: Trong suốt gần 20 năm đi dạy, bà chưa từng gặp tình huống nào mắng chửi, dọa dẫm người học tương tự như trường hợp cô giáo Lê Na. "Mặc dù cũng có nhiều lần đang giảng bài, sinh viên cao hứng nói đế 1, 2 câu hơi... lạc đề nhưng không láo hỗn. Tuy cũng bực nhưng tôi vẫn dặn bản thân quên chuyện đó đi và coi như không có chuyện xảy ra”, bà Hương nói.

Trong tình huống này, theo TS.Vũ Thu Hương, học viên cũng cư xử không hợp đạo lý nên lúc đó cô giáo Lê Na mất bình tĩnh, mâu thuẫn đẩy lên cao trào. Tuy nhiên, là người truyền dạy tri thức cho học trò, dù trên lớp hay ở trung tâm, giáo viên phải hành xử mẫu mực.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hành vi mắng chửi, đe dọa của cô giáo Lê Na là thiếu nghiệp vụ sư phạm.

Theo ông Chất, đã là người thầy, không được phép bất nhã với học sinh. Trong trường hợp này, học sinh thắc mắc, cô giáo đã không nói rõ để học sinh hiểu mà còn xưng hô "mày – tao", đe dọa học viên.

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, người thầy được đào tạo, dạy những điều tốt đẹp chứ không phải lăng mạ học sinh. Nếu học sinh hỏi sai, giáo viên sẽ có cách giải thích. Hơn nữa, giáo viên chỉ có quyền truyền thụ kiến thức chứ không có quyền ngược đãi học sinh bằng giọng miệt thị, văng tục.

“Rõ ràng, cô này chỉ biết Tiếng Anh mà thiếu nghiệp vụ sư phạm. Những câu nói đó, không xứng đáng với người thầy. Người thầy không bao giờ dùng từ thô thiển như vậy”, ông Chất nói.

Ông Chất cho biết thêm, ông từng làm giáo viên, không bao giờ chấp nhận học sinh ứng xử sai. Nếu học sinh không đồng tình cũng nên nhã nhặn với cô giáo. Nếu cần phản ánh, nên nói lại với nhà quản lý, không nên làm mất danh dự cô giáo giữa đám đông.

Cô giáo trung tâm ngoại ngữ Lê Na: Học viên cũng đã nhắn tin dọa bắt cóc con tôi

Sau khi xưng mày tao và chửi học viên tại trung tâm tiếng anh, cô giáo Phạm Lê Na thừa nhận đã có những lời lẽ thiếu kiềm chế, chưa đúng mực và mong mọi người có thể bỏ qua. Nhưng cô khẳng định học viên cũng đã gửi email đe dọa bắt cóc con cô.

Sau khi clip cô giáo ở trung tâm ngoại ngữ xưng mày tao và chửi học viên gây bão cộng đồng mạng, mới đây, cô giáo Phạm Lê Na đã thừa nhận về những hành động trong clip là chưa đúng chuẩn mực của một người giáo viên. 

“Những lời nói trong clip cũng vì do lúc đó tôi không kiềm chế được. Tôi nhận khuyết điểm và mong các em sớm quay trở lại theo học để hoàn thành khóa học. Là người giáo viên, tôi luôn mong các em được nên người, học cao và thành đạt về sau” - cô Lê Na nói.

Tuy thẳng thắn nhận khuyết điểm song cô Lê Na cũng cho rằng cậu học viên đã chửi tục trước và có những lời lẽ không phải phép nên dẫn đến việc cô nổi nóng. “Cậu học viên T. không nên nói những lời tục tĩu với tôi trước. Tôi thành thật không muốn “chuyện bé xé ra to” như thế này”.

Cô Lê Na mong các bạn quay lại học để hoàn thành khóa học.

Cô Lê Na cho biết thêm, cách đây khoảng gần 1 năm, 2 học viên Bùi Y. và N.H.T đã đến trung tâm ngoại ngữ của cô để đăng ký học theo chương trình TOEIC. Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì hai bạn đã tự ý nghỉ học và không báo cáo.

Lớp học Tiếng Anh tại trung tâm của cô Lê Na luôn đông học viên theo học.

Đến ngày vừa rồi thì hai bạn đến đăng ký học tiếp nhưng do lịch học ở trung tâm trùng với thời gian biểu ở trường nên Y. và T. đã xin phép chuyển lịch học sang lớp mới. Trung tâm đã đồng ý và đổi lịch học mới. Tuy vậy, sau đó 2 bạn này vẫn đến lớp “bữa đực bữa cái”. Sau khi học được ít buổi thì đến gây sự với giáo viên Lê Na, không có chuyện làm khó dễ cho các bạn.

Hình ảnh cô Lê Na giằng co với học viên - (Ảnh cắt từ clip).

Sau khi gây sự với cô giáo Lê Na, cô khẳng định học viên T. còn văng tục với cô và gửi những email đe dọa đến gia đình, con nhỏ của cô. Những nội dung này cô Lê Na vẫn còn giữ lại. “Mày nghĩ sao về việc tao bắt cóc con mày? … Trong 24 giờ tiếp theo mày nên cẩn thận vì con mày có thể mất tích bất cứ khi nào. Xin đừng báo cảnh sát hay nhà chức trách vì họ chẳng giúp gì được cho mày đâu. Mày không tin ư. Xin lỗi vì tao chưa nói đùa bao giờ. Nếu con mày mất tích xin đừng lo lắng. Nó chỉ mất vài ngón tay thôi”. 

Đoạn tin nhắn đe dọa đến gia đình gửi đến cô giáo Lê Na - (Ảnh chụp màn hình).

Trước đó, ngày 31/7, đoạn clip dài 7 phút quay lại một sự việc xảy ra tại trung tâm ngoại ngữ Lê Na khiến nhiều người cảm thấy "sốc". Theo clip, hai học viên đến giải quyết việc đăng ký học lại nhưng cô giáo Lê Na cho biết đã hết hạn đăng ký và phải đóng một nửa tiền học phí để được gia hạn tiếp. Do trước đó các tư vấn viên của trung tâm cho biết có thể học lại thoải mái không bị giới hạn nên nữ học viên này không thấy thỏa đáng với cách giải quyết của cô giáo. Sau một hồi tranh cãi và giằng co giấy tờ, cô giáo Lê Na đã chỉ mặt hai học viên, mắng chửi họ vô học và đuổi về.

Gần 30.000 thí sinh không được phép xét tuyển vào ĐH, CĐ

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đối với những thí sinh dự kì thi THPT quốc gia do ĐH chủ trì muốn tham gia xét tuyển yêu cầu bắt buộc là không có môn thi nào bị điểm liệt. Với quy định này thì có đến gần 30.000 thí sinh hết cơ hội tham gia xét tuyển.

Bộ GD-ĐT cho biết, đối với thí sinh đăng ký vào trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, yêu cầu thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ; Tổng điểm các môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống.

Đối chiếu với phổ điểm của Bộ GD-ĐT đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ cho thấy: Hơn 20.000 thí sinh môn Toán bị điểm liệt, gần 600 dự thi môn Văn bị điểm liệt, trên 1.200 thí sinh bị liệt môn Lịch sử…Ước tính số thí sinh hết cơ hội xét tuyển vào ĐH khoảng gần 30.000 em.

Môn Toán có số lượng thí sinh mất quyền đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ là hơn 20.000 em

Với mức phổ điểm nay của thí sinh có sự biến đổi khá mạnh, tập trung chủ yếu ở dãi 4-6 đối với khối A,B nên ngưỡng điểm chất lượng có thể tăng hơn năm trước. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng hơn 100.000 thí sinh hết cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Theo phân tích của Dân trí, ngưỡng điểm chất lượng đối với hai khối này sẽ rơi trong phạm vi 15-16 điểm, nghĩa là trung bình khoảng 5 điểm/môn.

Đối với tổ hợp khối C, D thì tỷ lệ thí sinh đạt dưới ngưỡng điểm chất lượng sẽ thấp hơn, cơ hội rộng mở đối với thí sinh đăng ký vào các ngành có tuyển khối này. Phạm vi ngưỡng điểm chất lượng sẽ rơi trong phạm vi 14-15.

Dân trí sẽ có phân tích chi tiết về phổ điểm cũng như hướng dẫn cách phân tích để bạn đọc tham khảo ngay trong ngày hôm nay (27/7) để lựa chọn trường phù hợp.

Bộ GD-ĐT cảnh báo tin nhắn lừa đảo tra cứu điểm thi THPT Quốc gia

Bộ GD-ĐT cảnh báo thí sinh và người dân đề phòng, tránh nhắn tin tra cứu điểm thi từ các tổng đài.Chiều 21.7, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay một số tổng đài mời gọi tra cứu điểm thi trong khi Bộ chưa công bố chính thức kết quả thi.

Trước tình hình này, Bộ GD-ĐT khẳng định, các tổng đài mời gọi tra cứu điểm thi là không đúng bởi Bộ GD-ĐT dự kiến ngày mai (22.7) mới công bố điểm thi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ sẽ quản lý cơ sở dữ liệu kết quả thi THPT Quốc gia 2015 và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT. Tất cả các thí sinh đều có thể truy cập để biết kết quả thi của mình miễn phí, không phải trả bất kỳ một khoản phí nào.

“Bộ GD-ĐT không chuyển cơ sở dữ liệu này cho bất kỳ một tổng đài hoặc một đơn vị viễn thông nào. Không có chuyện Bộ bắt tay với doanh nghiệp để công bố điểm thi” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Do đó, Bộ GD-ĐT cảnh báo thí sinh và người dân đề phòng, tránh bị lừa đảo.



Thí sinh có thể tra cứu kết quả thi qua website của Bộ GD-ĐT

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, hiện nay, Bộ đang cập nhật dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia từ các hội đồng chấm thi nên chưa có dữ liệu để thí sinh và người dân tra cứu điểm thi. Sau khi xử lý dữ liệu xong, Bộ GD-ĐT sẽ thông báo để thí sinh tra cứu trên trang http://thi.moet.gov.vn và thông qua các trang báo điện tử đã đăng ký kết nối với Bộ.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định, hình thức xem điểm thi năm nay khác với các năm trước.

Theo đó, thí sinh xem kết quả theo 3 cách: Thí sinh nhận giấy chứng nhận kết quả thi tại nơi đăng ký dự thi; Thí sinh tra cứu kết quả thi qua website của Bộ GD&ĐT theo địa chỉhttp://thi.moet.gov.vn; Thí sinh tra cứu kết quả thi qua mạng các báo điện tử đã đăng ký kết nối kết quả thi với Bộ GD-ĐT.

Được biết, chiều nay ( 21.7), Bộ GD-ĐT họp và đưa ra kết luận về thời gian công bố điểm thi.

Đã có thí sinh đạt điểm 10 môn Địa lý và Lịch sử

Qua thống kê sơ bộ ngày chấm thi đầu tiên môn Địa lý và Lịch sử ở cụm thi trường ĐH Thủy lợi và ĐH Vinh đã có thí sinh đạt điểm 10 môn Địa lý và Lịch sử.

Thí sinh dự thi tại cụm thi trường ĐH Kinh tế quốc dân

Tại cụm thi trường ĐH Thủy Lợi, qua buổi chấm thi môn Địa lý và Lịch sử ngày 7/7 đã có bài thi đạt điểm 9 môn Lịch sử.

GS.TS Trịnh Minh Thụ, trưởng Ban chấm thi cho biết, qua buổi chấm đầu, cán bộ chấm thi nhận định thí sinh làm bài khá tốt và phổ điểm trung bình tập trung ở mức 5 – 7 điểm.

Ông Thụ cho hay, với môn Toán và Ngữ văn cụm thi trường ĐH Thủy Lợi đã chấm xong vòng 1 của 40% bài thi. Với môn thi toán, đã có thí sinh bài thi đạt điểm 10 và nhiều bài thi đạt điểm 9. Phổ điểm trung bình của các bài thi môn toán đạt từ 5 – 7 điểm.

Được biết, cụm thi do trường ĐH Thủy lợi chủ trì có gần 16.000 thí sinh dự thi. Nhà trường chấm thi bắt đầu từ ngày 5/7. Các môn trắc nghiệm chấm từ ngày 7/7. Dự kiến nhà trường sẽ hoàn tất công tác chấm thi trước ngày 12/7.

Còn tại trường ĐH Vinh, theo Ban chỉ đạo chấm thi, qua chấm khoảng trên 100 túi bài thi ở các môn xã hội, môn toán và ngoại ngữ cho thấy điểm thi của thí sinh năm nay tương đối cao, phổ điểm trung bình từ 5 – 7 điểm, điểm 7,8,9 tương đối nhiều. Trong đó, môn Toán có 2 điểm 10, lác đác có nhiều điểm 9; môn Văn có 1 bài 9 điểm; môn tiếng Anh 2 bài điểm 10; Địa lý 2 điểm 10.

Trước đó nhận định về phổ điểm bài thi môn Địa lý, giáo viên Trần Ngọc Hưng cho biết, đề thi Địa lý THPT quốc gia bám sát chương trình sách giáo khoa, phù hợp với lực học của thí sinh. Với đề thi này, phổ điểm trung bình của thí sinh sẽ ở mức 6.5 điểm, học sinh khá giỏi có thể đạt 8-9 điểm, học sinh xuất sắc có thể đạt 9-10.

Đối với môn thi Lịch sử, nhiều giáo viên nhận định, đề phân hóa tốt, đảm bảo yêu cầu mục đích của kỳ thi, học sinh trung bình, nắm kiến thức dễ đạt 5-6 điểm, học sinh khá giỏi dễ đạt 8-9 điểm.

Trước đó, tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, qua 1 ngày chấm thi môn Toán ở một số phòng thi đã có 4 bài thi đạt điểm 10. Phổ điểm trung bình của các bài thi trải dài từ 5 – 6 – 7 điểm. Tuy nhiên, cũng có nhiều bài thi, cán bộ chấm thi đã cho 0 điểm bởi viết vẽ linh tinh vào bài thi.

Còn tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, qua 2 ngày chấm thi môn Toán có 1 bài thi đạt điểm 10, lác đác vài bài thi có đạt điểm 9. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện điểm 0 và điểm 1 môn Toán. Nhìn chung, phổ điểm toán năm nay phân tán ở mức 6,5 – 7,5 điểm.

Tại cụm thi trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, điểm cao nhất môn Toán là 9 điểm, môn Văn là 8 điểm. Phổ điểm ban đầu rơi nhiều vào mức từ 5 đến 7 điểm.

Điểm chuẩn xét tuyển đại học năm nay sẽ tăng cao

Đề thi THPT quốc gia 2015 được đánh giá là dễ với 60% câu hỏi cơ bản để xét tốt nghiệp, do đó phổ điểm được dự báo tăng hơn năm ngoái và cơ hội vào đại học vì thế sẽ khó hơn. Ở nhiều ngành, tổng điểm 3 môn được 21 điểm chưa chắc trúng tuyển.

Ngày 20/7 là hạn cuối các trường đại học chủ trì cụm thi quốc gia phải công bố điểm kỳ thi THPT quốc gia. 5 ngày sau, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố kết quả xét tốt nghiệp THPT. Trước ngày 1/8, cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) sẽ xử lý dữ liệu, công bố điểm xét tuyển đầu vào. Sau đó, các trường đại học, cao đẳng bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển.

TS. Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nông lâm TP HCM cho biết, chủ trương ra đề của Bộ Giáo dục là dành 60% số điểm để thí sinh xét tốt nghiệp. Vì thế thí sinh muốn xét vào đại học sẽ có phổ điểm cao hơn và điểm trúng tuyển vào các trường đại học cũng sẽ tăng mạnh trong năm nay.

“Phổ điểm từ 6 đến 8 sẽ chiếm đa số vì đề dễ. Do đó, thí sinh có tổng điểm từ 21 trở xuống chưa chắc trúng tuyển. Điểm chuẩn được xác định sau khi lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Năm 2014, điểm chuẩn khối A, A1, D1 từ 16 đến 18, khối B từ 17 đến 21 điểm thì năm nay có khả năng mỗi khối sẽ tăng mạnh”, ông Lý nhận định.

Điểm chuẩn vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM sẽ tăng cao. Trong ảnh: Học sinh các trường THPT tại TP HCM tìm hiểu môi trường học tập tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Ảnh: Nguyễn Duy

Còn PGS. S Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, điểm chuẩn các ngành vào trường năm nay sẽ cao hơn năm 2014. Tất cả các ngành của trường sẽ áp dụng nhân hệ số 2 môn Toán nên thí sinh đạt điểm cao môn này sẽ có lợi thế. Những ngành có số lượng thí sinh đăng ký nhiều và điểm chuẩn sẽ tăng cao như: Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử...

“Những ngành này mỗi môn thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên mới nên nộp hồ sơ xét tuyển. Còn dưới 7 điểm, các em chỉ nên nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành: Công nghệ in, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Công nghệ kỹ thuật nhiệt... Ngành có điểm chuẩn thấp nhất vào trường sẽ từ 16 điểm trở lên”, ông Dũng nói.

Tương tự, điểm chuẩn vào Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) được dự báo tăng mạnh so với các năm trước do đề khối C năm nay dễ. “Một số ngành sẽ có điểm chuẩn từ 20 điểm trở lên. Trường sẽ tổ chức cho thí sinh đăng ký xét tuyển thử. Thí sinh nhập thông tin cá nhân, điểm trung bình để quen dần trước khi xét tuyển chính thức”, PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng nhà trường nói.

PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, những năm trước điểm chuẩn vào trường thường cao hơn so với mặt bằng chung. Năm nay, đề thi dễ hơn nên điểm chuẩn cũng sẽ tăng lên. Trường sẽ cập nhật danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành, chuyên ngành lên trang web. Dựa vào đó, thí sinh có thể biết được vị trí của mình trong tổng chỉ tiêu cần tuyển.

Đại diện các trường đại học Kinh tế, Ngân hàng, Tài chính Marketing, Sư phạm… đều dự đoán điểm chuẩn vào trường sẽ tăng từ 1 đến 2 điểm, tùy từng ngành. Chỉ Đại học Y dược TP HCM là điểm chuẩn sẽ tương đương hoặc thấp hơn các năm trước do đề thi môn Hóa, Sinh quá dài và khó.

Đại học Luật TP HCM là trường duy nhất ở khu vực phía Nam có tổ chức hậu tuyển sau khi có điểm của kỳ thi THPT quốc gia. GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điểm đầu vào của tân sinh viên sẽ được lấy 60% từ điểm thi THPT quốc gia, 20% điểm từ học bạ ở 3 năm học THPT và 20% từ bài khảo sát năng lực đầu vào do trường tổ chức. “Trường sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Chắc chắn, điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ cao hơn năm trước”, bà Quỳ cho biết.

Nói về điểm chuẩn năm nay, GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngưỡng điểm xét đầu vào sẽ phụ thuộc vào phổ điểm có được sau khi các trường chấm thi xong. Lúc đó, hội đồng xác định ngưỡng xét đầu vào của Bộ Giáo dục sẽ tư vấn cho Bộ trưởng quyết định phương án xét tuyển theo chất lượng đầu vào.

“Việc xét chất lượng đầu vào năm nay sẽ khó hơn nhiều so với các năm trước. Từ năm 2014 trở về trước chỉ xác định điểm sàn theo khối, còn năm nay hội đồng sẽ xét theo nguyên tắc. Từ ngưỡng xác định đầu vào, chúng ta công bố bảng nguyên tắc tổ hợp xét tuyển các môn. Các trường xét nhiều khối sẽ dựa vào nguyên tắc đó để xét cho phù hợp”, ông Ga nói.

Nghi vấn sai sót trong đề thi môn Lý THPT quốc gia

Gửi thư đến VnExpress, nhóm giáo viên đang dạy chuyên Lý ở một số trường của Hà Nội cho rằng câu 43 và câu 47, mã đề 138 môn Vật lý, kỳ thi THPT quốc gia có sai sót. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết đang yêu cầu Ban đề thi rà soát và trả lời.



Xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh đến thi muộn do bố qua đời đột ngột

Quá sốc khi nhận tin bố bất ngờ thiệt mạng trong vụ tai nạn lao động, em Trương Thị Lan ngất lịm nên đã đến điểm thi môn Sinh học muộn hơn 45 phút. Hiện chính quyền địa phương đã hoàn thành các thủ tục để hội đồng thi làm hồ sơ đặc cách tốt nghiệp cho em.

Sự việc xảy ra vào chiều ngày 4/7 tại điểm thi trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), thí sinh Trương Thị Lan, học sinh Trường THPT Mai Thúc Loan chưa kịp bước vào môn thi cuối cùng thì nhận tin dữ: Bố em là Trương Quang Hướng (sinh năm 1975) trú tại xóm Yên Thọ, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã đột ngột tử vong do bị điện giật lúc đang đi làm.

Nghe tin bố mất, em Lan đã ngất xỉu vì phải chịu cú sốc quá lớn. Sau khi được người nhà và một số cán bộ tại điểm thi đã động viên, Lan được người nhà chở đến điểm thi lúc 15h30, thế nhưng vì đã muộn giờ thi 45 phút nên Hội đồng coi thi không thể cho Lan vào thi.

Đến muộn giờ thi, thí sinh Lan đã khóc nức nở. (Ảnh: Minh thư)

Không được dự thi nốt môn Sinh học, môn cuối của kỳ thi THPT quốc gia, em Lan đã ngồi sụp xuống trước cổng trường, ôm mặt khóc nức nở. Hình ảnh em Lan ôm mặt khóc trước cổng trường đã làm cho không ít những phụ huynh có mặt tại điểm thi xúc động và không ít người bày tỏ sự cảm thông tới em. Có một số người còn lên tiếng mong muốn em Lan được xét đặc cách tốt nghiệp.

Đau buồn trước sự ra đi đột ngột của người cha, lại đến điểm thi muộn, em Lan ngồi sụp xuống khóc trước cổng trường. (Ảnh: Minh Thư)

Khi PV liên lạc với thầy Nguyễn Hồng Cường - Trưởng điểm thi nơi thí sinh Lan thi tốt nghiệp, thầy Cường cho biết: “Hôm qua, thầy có nhận được đơn của em Lan xin được nghỉ thi vì bố mất. Thầy đã chủ động liên hệ đến gia đình động viên để cho em chiều 4/7 đến dự thi để đảm bảo quyền lợi thi và điểm thi cho em hơn, nhưng có lẽ em nhận được tin muộn nên đến điểm thi chiều nay quá giờ thi 45 phút. Hội đồng điểm thi không thể cho em dự thi được nữa.

“Bây giờ chỉ có cách duy nhất là Lan phải làm hồ sơ xin đặc cách có xác nhận của chính quyền địa phương. Sau đó nộp lên trường Mai Thúc Loan để gửi lên sở Giáo dục. Mọi thủ tục phải hoàn tất trong vòng 7 ngày tới”, thầy Cường cho biết thêm.

Sáng ngày 5/7, PV Dân trí có cuộc trao đổi với ông Phan Đình Hinh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ nơi gia đình em Lan sinh sống, ông Hinh cho biết: “Ông Trương Quang Hướng (47 tuổi, trú xóm Yên Thọ, xã Hộ Độ) trong lúc đi làm đã bị điện giật tử vong ở huyện Can Lộc, thi thể được đưa về nhà vào 20h tối 3/7. Do quá sốc với việc bố mất, em Lan đã đến điểm thi muộn giờ, hiện chính quyền địa phương đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cho em Lan để Hội đồng thi làm hồ sơ đặc cách tốt nghiệp”.

Được biết thí sinh Lan đạt học lực khá, hạnh kiểm tốt trong những năm học tại Trường THPT Mai Thúc Loan.

Khen thưởng trẻ mầm non bằng... sữa hết hạn

Ngày 28/5, tin từ Trường mầm non Sao Mai (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết vừa thu hồi một số sản phẩm sữa (loại sữa bịch) bị hết hạn đã phát thưởng cho học sinh trường tại lễ tổng kết vừa diễn ra.

Qua thông tin của các phụ huynh Trường mầm non Sao Mai đến báo Dân trí, sau khi buổi lễ tổng kết cuối năm học vào sáng 25/5, các cháu được trường phát thưởng với phần thưởng gồm kẹo mút, bánh gạo, sữa bịch, bim bim...

Khi về nhà, mở quà ra, kiểm tra thì thấy các bịch sữa đã bị hết hạn. Thậm chí có các bịch sữa hết hạn từ đầu tháng 3/2015. Có 1 trường hợp bị đau bụng do nghi uống loại sữa hết hạn này. Có tổng cộng 285 phần quà được phát ra cho 284 em học sinh trong buổi lễ.

Các phụ huynh rất bức xúc vì nhà trường đã quá ẩu, không chú ý đến hạn sữa khi phát thưởng, thậm chí đặt vấn đề các thầy cô giáo có phải “ăn bớt” tiền khi mua sữa quá đát để phát cho các em hay không?
Các bịch sữa dù hết hạn từ ngày 1/3/2015 - gần 3 tháng so với ngày phát thưởng lễ tổng kết nhưng vẫn được phát cho các em học sinh.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Như Hảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai thừa nhận có các bịch sữa hết hạn trong một số gói quà phát cho học sinh ngày 25/5, còn lại có các phần quà có sữa vẫn còn hạn.

Theo đó, có 2 loại sữa bị hết hạn: loại thứ nhất hết hạn kể từ ngày 1/3/2015 và loại kia hết hạn vào ngày 24/5/2015. Các bịch sữa này được ban giám hiệu nhà trường cử nhân viên kế toán và y tế trường học đi mua tại một quầy hàng tạp hóa ở thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) của bà Nguyễn Thị Thùy Linh.

Bà Hảo cho biết, nhà trường đã yêu cầu nhân viên nói quầy tạp hóa chuyển các bịch sữa trên theo dạng nguyên thùng về trường để các cô giáo phân thành 284 túi quà. Nhưng không biết lý do gì, cơ sở bà Linh lại đóng gói luôn quà thưởng có kèm sữa phía trong.

Bà Linh khi được hỏi đã trả lời, khi giao hàng cho trường, nhân viên của bà đã đưa “nhầm” một số bịch sữa hết hạn nên đã xảy ra sự việc đáng tiếc trên. Còn về phía trường mầm non Sao Mai, hiệu trưởng cũng thừa nhận là nhân viên nhà trường đã thiếu kiểm tra hạn sữa sau khi lấy từ cửa hàng rồi đóng gói.


Trường Mầm non Sao Mai - nơi xảy ra sự việc phát "nhầm" sữa quá đát cho các em học sinh.

Hiện nhà trường đang thu hồi số sữa hết hạn trên và tổ chức họp phụ huynh để giải thích nguyên nhân, xin lỗi đến toàn thể mọi người. Riêng trường hợp 1 cháu học sinh bị đau bụng do nghi uống sữa hết hạn, trường đã cho người đến thăm nom, theo dõi tình hình sức khỏe cháu.

Qua câu chuyện, bà Hảo cho biết sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan, đồng thời gửi lời xin lỗi đến toàn thể phụ huynh, xem đây là bài học lớn của nhà trường.

Quá nhiều HS giỏi: “Ngành giáo dục nước ta xuất sắc?”

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nghi ngờ thành tích của ngành giáo dục khi có quá nhiều học sinh giỏi.

Trên các trang mạng xã hội liên tục xuất hiện hình ảnh phụ huynh “khoe” bảng điểm tổng kết “rất đẹp” của con sau một năm học tập. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo lắng và bày tỏ quan điểm về những vấn đề xung quanh ngành giáo dục.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, lời khen quan trọng đối với trẻ em, nhất là khen đúng. Điều này sẽ tạo động lực cho các em có sự cố gắng, phấn đấu trong học tập.

Lời khen tốt không chỉ khích lệ kịp thời mà còn chỉ ra được những yếu kém của các em. Đưa ra lời phê phán trước thiếu xót là bình thường.

Trở lại với chuyện quá nhiều học sinh giỏi – cũng giống như trao bằng khen tràn lan, ông Quân cho rằng sẽ gây ra nhiều “hậu quả tai hại”.

Được khen những điều chưa đạt sẽ khiến các em ngộ nhận rằng các em đã quá tốt, giỏi và không cần phải phấn đấu, cố gắng.

“Đó là sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm của ngành sư phạm, nếu chúng ta chạy theo bệnh thành tích và trao quá nhiều bằng khen giỏi cho học sinh”, ông Quân nói.

Quá nhiều học sinh giỏi đã khiến cho cha mẹ băn khoăn, lo lắng
(Ảnh minh họa: L.Đ) 

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, có nhiều học sinh giỏi là điều đáng mừng, nếu phản ánh đúng kết quả học tập.

Nhưng trong xã hội của chúng ta, không chỉ riêng giáo dục, mà mọi ngành, mọi cấp đều có các mức giỏi, khá, trung bình,… Đó là một quy luật, chứ không thể nhiều đột biến học sinh giỏi như hiện nay.

“Tôi nghi ngờ về điều đó và kết quả này không phản ánh được đúng thực tế của nó. Học sinh giỏi nhiều như vậy có phải chăng ngành giáo dục của nước ta xuất sắc?”, nguyên Thứ trưởng băn khoăn.

Theo ông Nhĩ, nếu tình trạng này kéo dài, ngành giáo dục sẽ suy thoái, bởi vì tất cả các học sinh đâu cần phải phấn đấu. Càng ngày càng giỏi, càng tốt thì đâu mới là người giỏi, người tài thực chất để mà phục vụ đất nước.

Xã hội không phải cái gì cũng tốt, nên cần phải xem xét lại phương pháp dạy học như thế nào mà có kết quả không chính xác như vậy.

Để đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh phụ thuộc vào năng lực và đạo đức của người thầy giáo. Đạo đức và trách nhiệm của người thầy làm sao xứng đáng là một người thầy để không có hiện tượng tiêu cực sảy ra. Điều đó cũng là một năng lực trong đào tạo.

Cha mẹ không nên chạy theo bệnh thành tích trong giáo dục mà cần theo dõi con em mình một cách thường xuyên sẽ đánh giá đúng được năng lực. Nếu học sinh học yếu cần có phương thức hợp lý để xử lý giúp con học tốt.

Bảng điểm tổng kết của một học sinh lớp 2 tại Hà Nội (Ảnh: L.Đ)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường THPT trường trung học Lương Thế Vinh (Hà Nội), trung bình ở trong lớp học, có 10% học sinh giỏi, 20-30% học sinh khá đã là tốt lắm rồi. Nếu 100% học sinh trong lớp khá giỏi thì bất thường quá.

Nguy hiểm nhất là không đánh giá được khả năng, chất lượng học sinh. Nếu cứ khá giỏi hết, học sinh không cần học cũng điểm 10 hết, các em sẽ mất động lực, không phấn đấu học tập.

Phó Giáo sư cũng cho rằng, “đáng lo ngại” khi tỷ lệ học sinh giỏi quá nhiều. Các nền giáo dục tiên tiến coi chuyện khá, giỏi hay trung bình, đạt yêu cầu là chuyện rất bình thường, không phải tranh nhau để đứng đầu.

Do vậy, các cơ quan quản lý giáo dục, nên có buổi hội thảo, lấy ý kiến nhà khoa học nhìn nhận lại về vấn đề trên.

“Cháy hàng” hồ sơ lớp 6 ngay sau khi mở bán

Chỉ vừa mở bán chưa đầy một tiếng đồng hồ, 200 hồ sơ vào lớp 6 của Trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã được phụ huynh mua hết.


Sáng nay 5/5, Trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã tiến hành mở bán hồ sơ xét tuyển vào lớp 6. Đúng như dự đoán từ trước của nhiều người, ngay từ 6h sáng đã có nhiều phụ huynh tìm tới cổng trường để đợi mở cổng là ùa vào mua hồ sơ cho con.


Những phụ huynh đến sớm nhanh chóng mua hồ sơ và ra về. Chị Hoài Anh (31 tuổi, ở Cầu Giấy) cho hay: "Khoảng 6h30 tôi đã tới cổng trường, sau đó đợi thêm nửa tiếng trường bắt đầu mở bán hồ sơ là tôi vào mua ngay không sẽ hết".


Một bộ hồ sơ tuyển sinh lớp 6 có giá 50.000 đồng


Bên trong có tờ thống kê quá trình học tập ở cấp 1


Bên trong khu vực bán hồ sơ chật cứng phụ huynh đứng chờ


Chỉ ngay sau chưa đầy 1 tiếng mở bán, lượng hồ sơ vào lớp 6 đã "cháy hàng"


Nhiều phụ huynh chậm chân phải đứng đợi hàng tiếng đồng hồ đợt lượt hồ sơ sau chuyển đến mới mua được tiếp


Thầy Văn Như Cương - Chủ tịch hội đồng quản trị Trường THCS Lương Thế Vinh cho biết 200 hồ sơ in đợt 1 đã bán hết ngay sau khi mở bán, trường sẽ tiếp tục in để mở bán cho phụ huynh


Phụ huynh ngồi ngâm cứu hồ sơ tuyển sinh lớp 6



Cùng nhau bàn bạc những điểm chưa hiểu


Việc bán hồ sơ của trường THCS Lương Thế Vinh không giới hạn số lượng

Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Có thể kéo dài thời gian sửa hồ

Trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dài ngày, một số trường THPT ở Hà Nội đã cố chạy nước rút cập nhật thông tin của thí sinh tham dự kỳ thi quốc gia THPT 2015. Tuy nhiên, đến cuối dịp nghỉ lễ, chiều 3/5/2015, nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa có số liệu chính thức do khâu chỉnh sửa sai sót của thí sinh kéo dài hơn.

Mẫu mới, nhiều sai sót

Theo một cán bộ hướng dẫn tuyển sinh của một trường THPT khu vực Hà Nội, năm nay khâu khai hồ sơ của thí sinh gặp khó khăn hơn so với năm trước. Lý do chính là, trong suốt mấy chục năm, thí sinh đã quen với các mục “truyền thống” của hồ sơ đăng ký dự thi (có thay đổi cũng chỉ chút ít); năm nay, thí sinh phải khai thêm nhiều mục mới chưa quen.


Học sinh trường THPT Việt - Đức, Hà Nội sau giờ thi tốt nghiệp năm học 2013-2014 Ảnh: Như Ý.

Ví dụ, có nhiều mục mới, đòi hỏi nhiều thông tin như: số điện thoại, email, địa chỉ nhà riêng, mục xét tốt nghiệp, mục xét tuyển vào đại học… khiến thí sinh dễ nhầm lẫn.

Hơn thế nữa, khoảng cách để trống trên hồ sơ nhỏ, khó viết dẫn đến việc thí sinh viết xong khó đọc cho người cập nhật thông tin. Điều này khiến các trường cứ cập nhật xong 1 lần lại phải để học sinh kiểm tra lại và có trường phải làm tới 3-4 lần kiểm tra. Thái Bình cho biết, còn một số trường chưa xong dữ liệu; Thừa Thiên-Huế cũng cho hay 1 tuần nữa mới xong…

Vì khâu kiểm tra dữ liệu tốn nhiều thời gian và hạn chót nộp hồ sơ nằm trước dịp nghỉ lễ nên hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước chưa tổng kết dữ liệu.

Dữ liệu nào được chỉnh sửa?

Năm nay, một điểm mới của kỳ thi là sau khi nộp Phiếu đăng ký dự thi, mỗi thí sinh sẽ được nơi tiếp nhận cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi qua internet tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Theo Bộ GD&ĐT, tài khoản này được thí sinh dùng để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Khi đăng nhập vào phần mềm quản lý thi, thí sinh có thể biết được các thông tin quan trọng: thông tin đăng ký dự thi và có thể phản hồi các sai sót nếu có trước ngày 30/4; thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT và phản hồi các sai sót nếu có trước ngày 30/5); giấy báo dự thi; địa điểm thi; kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ… (Thí sinh khi nhận được tài khoản và mật khẩu thí sinh nên thay đổi ngay mật khẩu và giữ kín tài khoản và mật khẩu của mình).

Câu hỏi được đặt ra là thí sinh được thay đổi thông tin gì và có được thay đổi nguyện vọng thi không? Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết, theo quy định, hạn cuối cùng để thí sinh nộp hồ sơ đăng kí dự thi là 30/4/2015 và sau thời điểm này về nguyên tắc thí sinh sẽ không được thay đổi các thông tin đã đăng kí. Thí sinh sẽ không được sửa cụm thi, môn thi, còn các thông tin cá nhân hoặc chế độ ưu tiên thí sinh sẽ còn cơ hội để sửa chữa vào ngày làm thủ tục dự thi (30/6/2015). Quy định này đưa ra đã cho phép thí sinh có 1 tháng để cân nhắc, điều chỉnh; ngoài ra còn đảm bảo tiến độ chung của kỳ thi (các sở giáo dục và đào tạo phải chuyển toàn bộ dữ liệu đăng kí dự thi đã được rà soát cho các cụm thi trước 20/5).

Tuy nhiên, tuỳ từng điều kiện cụ thể, ông Nghĩa nói, các sở GD&ĐT có thể kéo dài thời gian cho thí sinh có thể rà soát thông tin đăng kí dự thi của mình để đảm bảo độ chính xác của dữ liệu nhưng vẫn đảm bảo tiến độ chung và không ảnh hưởng tới các đơn vị (sở GD&ĐT) khác.

Để rà soát được Thông tin đăng kí dự thi của mình trên phần mềm quản lý thi, thí sinh phải có “password” để truy cập phần mềm. Nếu đến thời điểm này các em chưa được nhận “password” các em cần liên hệ với đơn vị nhận hồ sơ đăng kí dự thi để biết.

Theo thống kê của trường THPT Việt – Đức, Hà Nội, con số bước đầu có 2.900 lượt đăng ký dự thi các môn học trên tổng số 656 học sinh. Trong đó, 3 môn Toán, Văn, Anh được học sinh chọn thi đầy đủ; mặc dù là trường tốp đầu của Hà Nội nhưng THPT Việt – Đức cũng có một số học sinh không thi ĐH. Môn thi thí sinh chọn thi nhiều nhất là Vật lý với 432 người chọn thi; Hóa học: 234; Sinh học: 48; Lịch sử: 47; Địa lý: 196. Có 2 thí sinh thi đủ 8 môn và một số ít thí sinh chọn thi 7 môn.

Số lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp ngày càng tăng

Đó là do công tác dự báo phát triển nguồn nhân lực cũng như hệ thống thông tin về thị trường lao động, dự báo nhu cầu việc làm còn bất cập

Sáng 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8 với nội dung trọng tâm là nghe Chính phủ giải trình về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2014, số lao động trình độ đại học, cao đẳng có việc làm tăng lên qua các năm. Tuy nhiên, thời gian qua, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp tăng cao so với số tốt nghiệp và có việc làm. Năm 2014, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2010.

Trăn trở về tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm có xu hướng tăng cao, các đại biểu cho rằng, có một nguyên nhân rất lớn là do công tác dự báo phát triển nguồn nhân lực cũng như hệ thống thông tin về thị trường lao động, dự báo nhu cầu việc làm còn bất cập. Hay nói cách khác, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa dự báo nhu cầu và thực tế đào tạo.


Thời gian qua, số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp tăng cao so với số tốt nghiệp và có việc làm. (ảnh: KT)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình làm rõ trách nhiệm và có giải pháp như thế nào trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa thẳng thắn nhận trách nhiệm trong vấn đề này và cho biết, Bộ mới chỉ làm được dự báo nhu cầu thị trường lao động việc làm trong ngắn hạn chứ chưa dự báo dài hạn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết thêm: Trên cơ sở quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường cao đẳng, đại học từ năm 2014 đến 2015; dừng mở ngành đào tạo kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng ở khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; mở thêm một số ngành mới như an ninh mạng, năng lượng nguyên tử, thương mại điện tử…

Đồng thời thành lập Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực để điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực.

Cũng tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy, đoàn Phú Thọ và Nguyễn Xuân Trường, đoàn Hải Phòng đề nghị làm rõ nguyên nhân của những chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học và một số bất cập trong các văn bản đã ban hành.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Tới đây, Bộ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ soạn thảo để ban hành dứt điểm các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đồng thời rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản có liên quan cho phù hợp với Luật giáo đục dại học.

Cấm thi tuyển vào lớp 6: Đổ xô đi luyện IQ, EQ và tiếng Anh

Sau khi các trường “hot” ở Hà Nội lần lượt trình phương án tuyển sinh lớp 6 theo phương thức test IQ, EQ, “Ai là triệu phú”, còn trường chuyên THCS Trần Đại Nghĩa (TPHCM) thì tuyên bố khảo sát môn Anh văn, các phụ huynh đã chuyển hướng đổ xô cho con đi luyện thi IQ, EQ và tiếng Anh.


Cấm thi vào lớp 6 năm nay, phụ huynh, học sinh có giảm áp lực?. Ảnh: Ngọc Châu.

TPHCM: Cấp tốc luyện tiếng Anh

Trong vai phụ huynh muốn luyện thi cho con vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa, chúng tôi được trung tâm luyện thi T.S, quận 1 giới thiệu là “một lò mát tay” trong việc luyện thi vào lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa với tỷ lệ thành công 70%. Theo đại diện của trung tâm, ngay khi biết thông tin thi vào Trần Đại Nghĩa chỉ khảo sát môn Anh văn, nhiều phụ huynh đã chuyển hướng bỏ thi môn Toán và Văn, tập trung cho con luyện thi môn Anh văn.

“Hiện giờ mỗi học sinh luyện thi môn Anh văn ở trung tâm tối thiểu 3 buổi, có em 5- 6 buổi trong tuần. Nguyên do là giờ chỉ còn môn Anh văn thay vì trước đây luyện thi ba môn nên phụ huynh đều dồn sức cho con học Anh văn”, đại diện này nói. Cũng theo đại diện trung tâm, hiện giờ việc tìm giáo viên luyện thi môn Anh văn đang gặp khó khăn bởi nhu cầu của phụ huynh đang rất lớn trong khi luyện thi vào trường Trần Đại Nghĩa luôn đòi hỏi yêu cầu cao bởi đề thi luôn đặc biệt.

Trong khi đó, một trung tâm luyện thi vào lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa “có tiếng” khác ở quận 1 cũng đang lên kế hoạch ra đề thi thử cho học sinh trong tuần tới. Theo trung tâm này, đề thi năm nay sẽ khác nhiều với đề thi các năm trước bởi hình thức thi đã thay đổi. “Trong đề thi thử với thời lượng 90 phút, cấu trúc đề sẽ bao gồm 2 phần. Phần 1 với 30 câu trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn, một phương án đúng; phần 2 là phần viết với 10 câu hỏi. Bên cạnh đó, câu hỏi năm nay khả năng sẽ có thêm kiến thức của các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên nên việc ôn thi sẽ theo hướng tích hợp”, nhân viên trung tâm nhiệt tình giới thiệu.

Theo nhân viên trung tâm này, việc ôn thi môn Anh văn theo hướng tích hợp là phương pháp hoàn toàn mới nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn cho cả học sinh lẫn giáo viên. “Để làm được một đề thi tích hợp có cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong một đề thi Anh văn là không hề dễ nên đòi hỏi giáo viên phải là người giỏi mới có thể làm được”, nhân viên này nói.

Ngoài ra, theo khảo sát của PV, nhiều trung tâm luyện thi vào lớp 6 trường chuyên THCS Trần Đại Nghĩa TPHCM chủ yếu chỉ còn luyện thi môn Anh văn. Giá luyện thi môn Anh văn các trung tâm này khoảng 3 triệu/1 tháng cho mỗi tuần 3 buổi.

Hà Nội: Đắt hàng IQ, EQ

Tại Hà Nội, sau khi các trường “hot” trình phương án tuyển sinh lớp 6 chờ Phòng, Sở duyệt, các phụ huynh có con em năm nay vào lớp 6 cũng đang xoay xở đổi “chiêu” ôn thi khác.

Chị Lương Thị Thanh Dung (quận Ba Đình) cho biết, vì có mục tiêu thi tuyển vào Trường chuyên Hà Nội Amsterdam nên gia đình cho con gái học luyện thi các môn Toán, Văn từ đầu lớp 4. “Từ khi có thông tin cấm thi tuyển, tôi cảm thấy hoang mang vì năm trước thi tuyển tỉ lệ chọi của trường đã cao như thế, năm nay xét tuyển chắc sẽ còn cao hơn mà không biết ôn luyện thế nào”, chị Dung chia sẻ.

Tương tự, từ khi đọc thông tin biết trường THCS Lương Thế Vinh năm nay không thi tuyển các môn truyền thống mà ra đề kiểu như chương trình Ai là triệu phú, anh Trần Văn Thạch ở quận Thanh Xuân vô cùng lo lắng: “Với phần thi như thế chắc chắn phổ kiến thức sẽ rộng gia đình không biết bắt đầu dạy cháu từ đâu trong khi lâu nay con mình chú trọng học văn hóa”.

Trong vai phụ huynh muốn cho con luyện thi vào lớp 6, PV Tiền Phongkhảo sát các trung tâm luyện thi như Học Mãi, Trí Đức (Giảng Võ), edufly.com… hầu hết các trung tâm này cho biết, sau quy định không thi tuyển của Bộ GD&ĐT, hiện đều tạm dừng chương trình luyện thi lớp 5 vì chưa có giáo trình đào tạo đáp ứng yêu cầu việc học của các em. Tuy nhiên, theo số điện thoại trên website hocmai.vn, nhân viên của trung tâm cho hay, phụ huynh vẫn có thể đăng ký gia sư tại nhà yêu cầu dạy bổ túc kiến thức xã hội cho các em.

Bày tỏ sự lo lắng, các trường năm nay không thi tuyển, trung tâm sẽ ôn luyện theo phương pháp nào? Nhân viên của một trung tâm có địa chỉ ở quận Đống Đa trấn an: “Đơn vị hiện đã thuê chuyên gia giáo dục lập chương trình đào tạo mới phù hợp với phương pháp test IQ, EQ. Theo đó, thầy cô sẽ không dạy Văn, Toán, tiếng Anh nữa mà tận dụng thời gian còn lại để dạy kiến thức xã hội, kỹ năng ứng phó với các tình huống xã hội phù hợp với phương án tuyển sinh của các trường vừa đưa ra”.

Tuy nhiên, các trường chưa chính thức chốt phương án nên chương trình khung của trung tâm của chưa hoàn thiện. Cũng theo nhân viên này, nhiều phụ huynh gọi điện có nhu cầu cho con theo lớp luyện thi theo chương trình mới. Nhiều người hiện đã thuê gia sư của trung tâm về nhà bổ túc cấp tốc kiến thức xã hội.