Hotline: 0973 549 00
Menu

Người Việt ở Paris hoang mang trước những vụ tấn công hàng loạt

Anh Nguyễn Vũ Thanh Long hú vía khi về nhà an toàn sau khi ăn tối cách nơi xảy ra vụ tấn công chỉ một km, còn Dương Tú thì bỏ dở bộ phim ở rạp và đạp xe hơn một giờ để ra khỏi trung tâm Paris. 

Hàng trăm người bỏ chạy tán loạn trên sân vận động Stade de France sau khi một vụ nổ xảy ra ở bên ngoài. Ảnh: AP

Anh Nguyễn Vũ Thanh Long cho hay, tối qua, anh đi ăn cùng bạn ở một nhà hàng gần ga Gare du Nord, một trong 6 nhà ga lớn của Paris. Tuy nhiên, chỉ khi về đến nhà và xem tin tức qua báo chí, anh mới biết là mình đã may mắn như thế nào.

"Tôi ở cách địa điểm xảy ra tấn công chỉ một km, quả thật hết hồn", anh nói. "Bình thường tôi đi ngủ lúc 23h nhưng bây giờ đã 2h30 sáng rồi vẫn chưa ngủ được". 

Từ Paris, ông Nguyễn Xuân Thiết, Chánh văn phòng Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (VFUA) cho biết, hiện an ninh tại Paris đang được siết chặt. Đoàn VFUA gồm Chủ tịch và một số thành viên ở tại khu vực cách địa điểm khủng bố không xa nên được nhà chức trách Pháp cảnh báo hạn chế di chuyển. Nhiều hãng hàng không đã thông báo dừng các chuyến bay đến Paris. Người dân Pháp hết sức bất ngờ và lo sợ trước sự kiện đẫm máu này diễn ra ngay tại thủ đô nước Pháp.

Đoàn đại biểu VFUA sang Pháp tham dự kỳ họp lần thứ 38 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra từ ngày 3-18/11 tại Paris. Theo lịch, đoàn sẽ về Việt Nam vào sáng hôm nay.

Chung nỗi lo lắng, độc giả của Vnexpress tên Long cũng cho hay "tôi đang ở Paris và mọi người đều không ngủ"

"Mình ở cách đó hơn 100 km mà cũng đâu ngủ được đâu, buồn quá. Cầu nguyện cho người đã mất, người bị thương và cho cả chúng ta", một độc giả khác chia sẻ. 

Anh Thanh Hải kể lại rằng tối qua anh đang xem trận Pháp - Đức trên sân Statde de France thì bỗng dưng cầu thủ ngừng đá, khán giả tán loạn.

"Mình cứ tưởng là một nổ bình ga hay đường ống gì đó", anh nói. 

Dương Tú cho hay anh đang xem phim ở một rạp gần tháp Eiffel thì có một khán giả rút điện thoại ra và đột ngột hét lên "có khủng bố". Tất cả khán giả đều hoảng sợ và đồng loạt bỏ dở bộ phim để rời khỏi rạp.

"Tuy nhiên, vì tình trạng hỗn loạn, toàn bộ hệ thống tàu điện và xe buýt ở Paris bị đình chỉ và mình phải đạp xe một đoạn, rồi bắt taxi về tiếp", Tú nói. "Mình đạp xe hơn một giờ đồng hồ, vừa đạp vừa run".

Trần Thiên Nga, một du học sinh Việt, cho biết mọi người đang vô cùng hoảng sợ và chỉ muốn trở về lại Hà Nội ngay lúc này. 

Lính cứu hỏa hỗ trợ một nạn nhân bị thương sau vụ xả súng ở nhà hát Bataclan. Ảnh: Reuters

Trên Facebook, nhiều người Việt ở Paris sử dụng ứng dụng Safety Inspection để báo tin cho người thân và bạn bè được biết mình đã an toàn. 

Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp UEVF cũng đang hưởng ứng phong trào hastag ‪#‎PorteOuverte‬ hay ‪#‎PortesOvertes trên Twitter để giúp đỡ những người còn bị mắc kẹt tại các địa điểm tấn công và không thể về nhà trong đêm.

Bằng cách sử dụng các hastag trên, họ sẽ cung cấp địa chỉ mình sống và thông báo mở cửa đón mọi người đến trú ngụ qua đêm.

Chỉ trong đêm qua, đã có 200.000 hashtag #porteouverte và 600.000 hastag #prayforparis được sử dụng trên Twitter.

Hiện 7 vụ tấn công ở Paris trong đêm đã làm hơn 150 người thiệt mạng. 

Theo Anh Ngọc - Vnexpress.net

Nhà hát Bataclan ở Paris - nơi bị khủng bố tấn công

Nhà hát có sức chứa 1.500 người, thường xuyên cháy vé bởi nổi tiếng là địa điểm thân mật, nơi người hâm mộ có thể giao lưu gần gũi với nghệ sỹ.

Cảnh sát Pháp hướng dẫn những người quanh nhà hát Bataclan di tản. Ảnh: Slate

Theo Slate, Bataclan được xây dựng từ năm 1864, từng là rạp chiếu phim, nhưng ngày nay là một sân khấu ca múa nhạc và biểu diễn nhạc sống. Nó nằm ở quận 11, trung tâm thủ đô Paris, cách văn phòng cũ của tạp chí Charlie Hebdo - nơi bị phiến quân Hồi giáo tấn công khủng bố hồi tháng 1 chỉ 200 m.

Bataclan là nơi diễn ra buổi biểu diễn của ban nhạc Mỹ Eagles of Death Metal hôm qua. Nhiều nghệ sỹ người Mỹ cũng đặt lịch biểu diễn trong những tuần tới ở đây, như ban nhạc hip hop Rae Sremmurd, hay ca sỹ nhạc rap Joey Badass. Nơi đây nổi tiếng là có đời sống nhộn nhịp về đêm.

Nhà hát Bataclan nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Business Insider

Khoảng 23h35 GMT hôm qua xảy ra vụ bắt cóc con tin và xả súng tại Bataclan. Ít nhất 118 người đã thiệt mạng trong nhà hát. Nhân chứng mô tả khán phòng như một "biển máu".

"Ba người đàn ông cầm súng Kalashnikovs và mặc áo chống đạn xông vào giữa buổi biểu diễn. Có khoảng 1.000 người ở đó. Họ xả súng. Tôi nhìn thấy một cô gái bị trúng đạn ngay đằng trước tôi. Chắc hẳn có một vài người đã chết", Hervé, một nhân chứng tại phòng hòa nhạc Bataclan kể lại. 

Anh trốn ra ngoài qua lối thoát khẩn cấp, mô tả các tay súng không đeo mặt nạ và trong độ tuổi 20 hoặc 30. Vụ bắt cóc chỉ kết thúc khi cảnh sát xông vào phòng hòa nhạc tiêu diệt những kẻ tấn công.

Những vụ tấn công cũng diễn ra tại 5 địa điểm khác, trong đó có sân vận động Stade de France, khiến ít nhất 40 người chết. Tổng thống Pháp ra lệnh đóng cửa biên giới. Lãnh đạo nhiều quốc gia khác cũng lên án vụ khủng bố và bày tỏ lời chia buồn tới nước Pháp.

Bên trong nhà hát Bataclan. Ảnh: Tootlafrance.


Theo Hồng Hạnh - Vnexpress.net

Vì sao Pháp hay trở thành mục tiêu khủng bố

Việc Pháp tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố được cho là một phần nguyên nhân khiến nước này rơi vào tầm ngắm của các phần tử cực đoan.

Hiện trường một địa điểm xảy ra tấn công ở Paris. Ảnh: AP

Hàng loạt vụ tấn công hôm qua xảy ra ở thủ đô Paris, Pháp, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Theo lời kể của nhân chứng, một trong những kẻ tấn công tại nhà hát Bataclan đã xả súng vào đám đông và hô "Allahu akbar" (Đấng tối cao vĩ đại). Thông tin này làm dấy lên mối nghi ngờ rằng đây chính là cuộc tấn công khủng bố do các tổ chức Hồi giáo cực đoan thực hiện.

Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua thông báo đóng cửa biên giới. Động thái này được thực hiện sau nhiều tháng Pháp mở cửa để tiếp nhận dòng người di cư từ Iraq và Syria, hai quốc gia đang chịu sự hoành hành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Liên minh châu Âu (EU) ước tính có khoảng 6.000 người từ châu Âu đã gia nhập IS, nhiều thành phần trong số này sở hữu hộ chiếu cho phép họ tự do qua lại giữa Pháp và các trung tâm đầu não của nhóm khủng bố ở Mosul, Iraq và Raqqa, Syria.

Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết hiện có khoảng 185 thành viên IS mang quốc tịch Pháp đã trở về nước sau khi đến Iraq và Syria để chiến đấu cùng các tay súng cực đoan.

Các cuộc tấn công xảy ra gần một năm sau vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, khiến 12 người thiệt mạng. Vụ việc được cho là do các thành viên của nhóm al-Qaeda trên bán đảo Arab thực hiện. Kể từ sau thảm kịch này, chính quyền Pháp đã áp dụng hàng loạt biện pháp ngăn ngừa, bao gồm tăng cường an ninh ở sân bay và các trạm trung chuyển giao thông lớn, thành lập đội ngũ điều tra, theo dõi các đối tượng tình nghi là IS ở trong nước, hay kiểm soát khắt khe hơn quy trình nhập cư, di trú.

Tuy nhiên, Pháp vẫn không thể ngăn dòng người tị nạn vào nước này đặc biệt trong mùa hè vừa qua khi số người di cư từ Iraq và Syria sang tăng đột biến. Chuyên gia chống khủng bố nhận định đây chính là cơ hội tốt để thành viên IS hay những kẻ cảm tình với tổ chức này xâm nhập vào các nước châu Âu để tiến hành các cuộc khủng bố. Và loạt vụ tấn công ở Paris là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.

Cũng như các nước châu Âu khác, Pháp chưa tiếp nhận quá nhiều người tị nạn từ Syria. Chỉ có khoảng 20.000 người Syria đã nhập cư vào quốc gia này trong vài năm qua, theo số liệu từ Liên Hợp Quốc. Nhưng nhiều cá nhân vẫn có thể di chuyển thoải mái trong một khu vực rộng lớn ở châu Âu mà không bị kiểm soát nếu như sở hữu một số loại hộ chiếu đặc biệt. Thực tế này khiến công tác quản lý di trú gặp không ít trở ngại, làm gia tăng nguy cơ các tay súng cực đoan đóng giả làm người di cư để thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu trên toàn châu Âu.

Bên cạnh đó, theo John R. Bowen, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Washington, một lý do nữa khiến Pháp thường xuyên trở thành mục tiêu của các phần tử cực đoan Hồi giáo là bởi nước này có mối liên kết chặt chẽ và lâu bền với cộng đồng Hồi giáo hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào.

Từ năm 1830, khi Pháp xâm chiếm Algeria, họ đã tiếp nhận không ít người Hồi giáo châu Phi ở ngay trên sân sau của mình. Sau Thế chiến I, Pháp cũng nắm quyền kiểm soát cả Syria và Lebanon. Rất nhiều người Pháp khi đó tới Bắc Phi sinh sống. Chiến tranh Thế giới II kết thúc, những người Bắc Phi lại đến Pháp để làm việc trong các nhà máy, hầu hết được xây dựng tại những khu vực nghèo nàn ở Paris, Lyon hay vùng công nghiệp phía bắc. Các nhà máy về sau bị đóng cửa nhưng những người này vẫn ở lại Pháp, tạo nên một cộng đồng Hồi giáo lớn ở đây, chiếm từ 5 - 10% dân số cả nước.

Giới quan sát cho rằng việc Pháp tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố cũng là một phần nguyên nhân khiến nước này nằm trong tầm ngắm của các phần tử cực đoan. Pháp từng góp mặt trong Lực lượng Hỗ trợ an ninh Quốc tế (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lãnh đạo, thực hiện sứ mệnh bảo vệ an ninh tại Afghanistan chống lại Taliban và al-Qaeda. Paris cũng tiến hành nhiều hoạt động tình báo ở Somali hay triển khai không kích IS ở Iraq.

Hiện chưa rõ tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, và cảnh sát Pháp cũng mới chỉ kết thúc chiến dịch giải cứu con tin ở nhà hát Bataclan, vậy nên việc đưa ra kết luận về thủ phạm và động cơ khủng bố là vẫn còn quá sớm.

Cập nhật liên tục tại link sau : http://www.baotuoitrephapluat.com/search/label/khung-bo-o-paris

Theo Vũ Hoàng - Vnexpress.net

IS có thể là thủ phạm gây ra vụ thảm sát ở Paris

Vụ tấn công diễn ra ở quy mô lớn và trình độ tổ chức cao ở Paris chỉ có thể là sản phẩm của nhóm khủng bố nguy hiểm như IS hoặc al-Qaeda.

Một nạn nhân được cảnh sát đưa ra khỏi hiện trường vụ tấn công. Ảnh: Reuters

Nửa đêm ngày 13/11 (giờ Paris, tức 6h sáng giờ Việt Nam), một loạt vụ xả súng và gây nổ xảy ra ở thủ đô Paris của Pháp, khiến ít nhất 150 người thiệt mạng, cả nước Pháp bị đặt trong tình trạng báo động, và toàn bộ biên giới đóng cửa.

6 vụ xả súng, ba vụ nổ diễn ra gần như đồng thời ở Paris, khiến Tổng thống Pháp Francois Hollande phải gọi đây là một cuộc tấn công "chưa từng có tiền lệ" vào nước Pháp, và nhấn mạnh thủ đô Paris đang đứng trước "tình thế lịch sử". Nhà báo Pháp Julien Pearce đang có mặt trong phòng hòa nhạc Bataclan thì thốt lên: "Đây là một cuộc tắm máu". Ít nhất 100 người đã bị những kẻ khủng bố bắn chết trong phòng hòa nhạc này.

Theo một số chuyên gia phân tích, vì chưa tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, và cảnh sát Pháp cũng mới chỉ kết thúc chiến dịch giải cứu con tin ở phòng hòa nhạc Bataclan, việc đưa ra kết luận về thủ phạm và động cơ khủng bố là vẫn còn quá sớm.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Anshel Pfeffer của tờ Haaretz thì cho rằng những vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời ở ít nhất 7 địa điểm như thế này chỉ có thể là sản phẩm đã được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng của một tổ chức khủng bố, bởi chúng cần phải có thời gian tập hợp vũ khí và chất nổ.

Pfeffer cho rằng vụ khủng bố này có thể ít nhiều liên quan đến những sự kiện xảy ra trong vài ngày gần đây, đặc biệt là khi báo chí loan tin máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt tên đao phủ Mohammed Emwazi, được gọi là "phiến quân John" của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) một ngày trước đó.

Chuyên gia này nhận định thông tin về cái chết của Emwazi có thể là động lực thúc đẩy các phần tử khủng bố hành động, sau khi chúng đã lên kế hoạch hành động và chuẩn bị các công cụ, phương tiện cần thiết để gây tội ác.

Theo đó, hai tổ chức đáng ngờ nhất hiện nay là al-Qaeda và IS, với những phần tử khủng bố đã từng gây ra nhiều vụ tấn công ở nước Pháp và châu Âu trong năm qua, trong đó có vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng một.

Theo Pfeffer, mức độ phối hợp ở trình độ cao của các nghi phạm trong đợt tấn công này khiến ông nghi ngờ thủ phạm chính là phiến quân al-Qaeda, dù lần cuối cùng tổ chức khủng bố này thực hiện vụ tấn công ở quy mô như vậy là vụ đánh bom tàu điện ngầm và xe bus ở London tháng 7/2005.

Chuyên gia về khủng bố này cho rằng gần đây, al-Qaeda đã thay đổi chiến thuật tấn công khủng bố, và vào năm 2013, thủ lĩnh Ayman al Zawahiri của nhóm này cảnh báo rằng các mục tiêu bị tấn công có thể là nơi có cả "người Hồi giáo vô tội".

Ông Pfeffer lo ngại rằng IS có thể đã lợi dụng cuộc khủng hoảng nhập cư gần đây ở châu Âu để cài cắm các đặc tình và gây ra vụ khủng bố này, dù các phần tử IS lọt được vào châu Âu mới chỉ đang trong giai đoạn xâm nhập và tạo vỏ bọc.

Đến nay tất cả các vụ khủng bố ở châu Âu có liên quan đến IS đều là những vụ tấn công dạng "sói đơn độc" bằng các loại vũ khí thô sơ hoặc súng đạn thông thường, chưa có những chiến dịch tấn công được lên kế hoạch và điều phối bài bản.

Nhân viên cứu hộ đưa người bị thương tới bệnh viện. Ảnh: Reuters

Thảm kịch này diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi chiếc máy bay Nga rơi ở Sinai, khiến 224 người thiệt mạng. Nhiều cơ quan tình báo nghi ngờ chính IS ở Ai Cập đã thực hiện vụ gài bom trên chiếc máy bay xấu số.

Ngay sau khi vụ tấn công xảy ra, phiến quân IS đã ăn mừng trên mạng và lan truyền cụm từ "Paris bốc cháy" trên mạng xã hội. Theo Fox News vàSky News, một trong những nghi phạm bị bắt đã khai với cảnh sát Pháp: "Tôi là thành viên IS". AFP cho hay có nhân chứng khẳng định một kẻ tấn công đã đề cập đến chiến dịch quân sự của Pháp ở Syria.

Nếu vụ tấn công ở Paris có liên quan đến IS, chứng tỏ nhóm khủng bố này đã bắt đầu thay đổi chiến lược, chuyển hướng ưu tiên từ xây dựng một Caliphate ở Iraq và Syria sang truyền bá tư tưởng và hành động jihad sang các quốc gia phương Tây đang tham chiến chống IS ở Trung Đông. Cả Nga và Pháp đều đang thực hiện chiến dịch không kích chống IS ở Syria và Iraq.

Theo Pfeffer, đây rất có thể là thời điểm cuộc chiến ở Syria đã bị "xuất khẩu" sang châu Âu. Nó là tín hiệu cấp bách cho thấy cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria diễn ra ở Vienna ngày hôm nay phải có kết quả tích cực càng sớm càng tốt, nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria và mối đe dọa khủng bố ở châu Âu.

Cuộc "tắm máu" ở Paris cũng cho thấy một thực tế rằng các cơ quan an ninh của Pháp và trên toàn châu Âu vẫn để lộ nhiều lỗ hổng trước các phần tử cực đoan. Dù Pháp và nhiều nước châu Âu đã tăng cường giám sát các phần tử jihad bị tình nghi, đặc biệt là những công dân trở về từ Syria, vụ tấn công với quy mô lớn vẫn có thể diễn ra trước sự bất ngờ của cảnh sát và các cơ quan tình báo.

Thực tế này cho thấy bất chấp các nỗ lực an ninh của Pháp và châu Âu, ít nhất một tổ chức khủng bố vẫn có thể duy trì sự hiện diện lớn với mức độ tổ chức cao ngay trong lòng nước Pháp suốt thời gian qua. Điều đó đặt ra câu hỏi cho chính phủ Pháp về những gì họ đã làm nhằm bảo vệ người dân trước mối đe dọa khủng bố ngay trong lòng quốc gia của mình.

Vụ khủng bố này chắc chắn sẽ làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong lòng châu Âu về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay, khi hàng trăm nghìn người tỵ nạn Syria vẫn đang ùn ùn kéo đến châu lục này. Cuộc khủng hoảng nhập cư này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn, khi hàng trăm công dân châu Âu vô tội ngã xuống trước họng súng của những phiến quân Hồi giáo hô vang khẩu hiệu "Allahu akbar" (Đấng tối cao vĩ đại).

Theo Trí Dũng - Vnexpress.net

Nghi phạm đánh bom Bangkok thuộc một nhóm buôn người

Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Bangkok đã lên tiếng phủ nhận nghi phạm bị bắt do liên quan đến vụ đánh bom hôm 17/8 là công dân nước này, giữa lúc giới chức Thái Lan khẳng định tên này thuộc một nhóm buôn người.

Hình vẽ đối tượng bị cảnh sát Thái Lan truy nã (trái) và nghi phạm vừa bị bắt (Ảnh: Bangkok Post)

Thông tin được người phát ngôn cảnh sát quốc gia Thái Lan, tướng Prawut Thawornsiri, khẳng định với báo giới trong ngày 30/8. Hiện cơ quan chức năng Thái Lan vẫn chưa thể xác định quốc tịch của tên này, ông Prawut cho biết thêm.

Đến nay, đã có một số đại sứ quán các nước đề nghị hỗ trợ giới chức Thái Lan kiểm tra lai lịch và quốc tịch của nghi phạm bị bắt hôm 29/8. Tên này vẫn phủ nhận mọi dính líu đến hai vụ nổ bom tại đền Erawan và cầu tàu Sathorn.

Phát biểu trên truyền hình Thái Lan, ông Prawut khẳng định cảnh sát tin rằng nghi phạm là thành viên một nhóm buôn người, đã giúp nhiều người nhập cư bất hợp pháp vào Thái Lan bằng hộ chiếu giả. Nhóm này thực hiện vụ đánh bom nhằm trả đũa các cuộc trấn áp của chính quyền.

“Bọn chúng không hài lòng khi cảnh sát bắt giữ nhiều người nhập cư bất hợp pháp”, ông Prawut nói, mà không cho biết thêm chi tiết.

Cảnh sát đang truy tìm những thành viên còn lại trong băng nhóm này, đồng thời lấy mẫu ADN của nghi phạm để tiến hành thêm các phân tích.Trong khi đó, phát biểu với hãng tin AFP, tư lệnh lục quân Thái Lan, tướng Udomdej Sitabutr cho biết, nghi phạm không chịu hợp tác với cơ quan điều tra.

Trước đó, cảnh sát và các binh sỹ quân đội đã bao vây và ập vào lục soát hai căn phòng nghi phạm trú ngụ ở ngoại ô Bangkok. Tại đây, nhiều dụng cụ và vật liệu chế tạo bom được tìm thấy, trong đó có những vòng bi xe máy, đường kính viên bi 0,5cm được tìm thấy.

“Việc thẩm vấn chưa có tiến triển bởi nghi phạm không thực sự cung cấp thông tin hữu ích”, ông Udomdej cho biết. “Chúng tôi phải tiến hành thẩm vấn thêm và giúp ông ta hiểu rõ hơn để hợp tác với cơ quan điều tra, trong khi vẫn phải đảm bảo không xâm phạm các quyền của nghi phạm”.

Tướng Udomdej cho rằng nghi phạm bị bắt “chắc chắn có liên quan đến các vụ nổ bom”, và cho biết thêm tên này “trông giống” kẻ xuất hiện trong băng ghi hình của các máy quay an ninh.

“Nhưng tôi sẽ không quyết định liệu hắn có phải kẻ đánh bom hay không”, tướng Udomdej cho biết.

Theo dantri