Hotline: 0973 549 00
Menu

Chàng cảnh sát 9X điển trai làm người mẫu

Nguyễn Trung Đại có nickname khá đáng yêu - Nobita Nguyen. Không chỉ giỏi chuyên môn, chàng trai này còn làm người mẫu cho nhiều thương hiệu.

Nổi danh với vai trò người mẫu cho một số công ty, nhãn hiệu thời trang trong nước ít ai biết rằng anh chàng có nickname Nobita Nguyen - Nguyễn Trung Đại này lại là một chiến sĩ CAND thuộc đơn vị PC64 - công an tỉnh Bình Phước. Đại từng gặt hái được nhiều tích tốt trong học tập và hoạt động.
Ngày sinh của Nguyễn Trung Đại: 20/11/1990
Quê quán: Hải Phòng
Hiện đang sống tại: Đồng Xoài, Bình Phước
Cao: 1m76, nặng: 69kg.
Tốt nghiệp khoa Quản lý hành chính, trường trung cấp CSND II
Đạt giải nhất trong cuộc thi viết "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam" do tỉnh Đoàn Bình Phước tổ chức năm 2011.
- Trung Đại có thể cho biết vì sao bạn lại theo và học ngành cảnh sát?
- Khi còn nhỏ, mình đã mơ ước thành cảnh sát, vừa là để nối nghiệp cha, vừa là để viết tiếp những ước mơ, hoài bão còn dang dở của ông. Ngày ấy, cha mình cũng là một Thiếu úy cảnh năng nổ, nhiệt huyết, nhưng chưa phục vụ trong ngành được bao lâu thì một tai nạn giao thông ập đến làm sức khỏe của sụt giảm hẳn. Tuy lúc mọi chuyện xảy ra, mình còn rất nhỏ, nhưng mỗi khi nhìn vào mắt cha mình lại cảm nhận được một nỗi buồn sâu thẳm, một thất vọng to lớn khi một chiến sĩ CAND không còn đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ cho tổ quốc, nhân dân.
Mình tự hứa với lòng sau này, phải trở thành một chiến sĩ CAND tận tâm phục vụ nhân dân để thỏa tâm nguyện của cha và cũng là để thấy mình sống có ích hơn, tích cực hơn…
- Ngành học này đòi hỏi ở bạn những tố chất gì?
- Theo ngành cảnh sát thì trước hết các bạn cần phải có niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm với công việc, luôn trau dồi đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật cao, chấp hành nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Ngoài ra cũng phải rèn cho mình lòng dũng cảm, không sợ hi sinh, gian khổ, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao…
- Công việc chính mà bạn đảm nhiệm trong ngành là gì? Nghề nghiệp có tác động gì đến tính cách của bạn không?
- Mình quản lý hành chính, trông coi và giải quyết giấy tờ, hồ sơ tội phạm… Công việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và kỷ cương rất nghiêm ngặt. Mình vốn là một người rất vui vẻ, hòa đồng nhưng công việc thì luôn có những nguyên tắc riêng cần phải tuân thủ nên đôi khi mình cũng nên nghiêm túc. Nhiều khi gương mặt mình có vẻ lạnh lùng nhưng thực thất mình... hiền khô.
- Có vẻ như ngoài vai trò là một cảnh sát, bạn còn bén duyên làm người mẫu?
- Nói đam mê lĩnh vực nào khác thì cũng không chính xác lắm, mình chỉ mê thôi! Ngoài việc làm cảnh sát ra mình còn rất thích tham gia các hoạt động nghệ thuật như chụp ảnh, diễn xuất. Có nhiều đơn vị mời mình đóng phim và làm mẫu nhưng mình chỉ tham gia ở mức vừa phải.
Mình từng làm mẫu quảng cáo cho một số sản phẩm về dụng cụ học tập và thời trang… Tuy nhiên công việc chính là cảnh sát vẫn được mình đặt lên hàng đầu, lúc nào mình cũng tâm niệm một điều với bản thân, dù ở đâu, làm gì thì cũng phải luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao phó, đảm bảo công tác chuyên môn tốt, đồng thời cũng xây dựng hình ảnh lành mạnh và trẻ trung.
Trung Đại luôn ưu tiên công việc chính.

Một Trung Đại khá khác biệt khi làm người mẫu quảng cáo.
- Được biết, Đại giành giải nhất trong cuộc thi viết “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam", bạn có thể chia sẻ đôi điều về cuộc thi này?
- "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam" là cuộc thi viết do tỉnh đoàn tổ Bình Phước tổ chức. Qua cuộc thi mình, đã có cơ hội được chia sẻ những ước mơ, những hoài bão cũng như những khát khao cháy bỏng của bản thân, đó là những điều mà mình đã nghiệm ra sau mỗi vấp ngã, dấu ấn của cuộc đời mà mình không thể nào quên được.
Mình muốn chia sẻ với các bạn một điều mà mình tâm đắc đó là: "Chúng ta cũng chỉ tắm một lần trên dòng sông tuổi trẻ, nơi mang đến cho ta bao thử thách lẫn những cơ hội, vận may. Vì thế đừng ngại thử thách, đừng vội từ bỏ ước mơ, bởi chúng ta còn trẻ, chúng ta có quyền được sai và sửa sai… Miễn sao, khi quay đầu nhìn lại, tôi và bạn sẽ không phải hối hận về những năm tháng sống hoài sống phí đã qua!
Dự định trong tương lai gần của bạn là gì?
- Hiện tại và tương lai, mình luôn cố gắng phấn đấu là người công an nhân dân gương mẫu, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng vào công tác chuyên môn góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nghề cảnh sáttuy có nhiều áp lực về rèn luyện, tác nghiệp cũng ứng phó với nhiều tình huống tội phạm, nhưng nếu bạn yêu thích công việc mạo hiểm này thì đây quả là một môi trường tốt để học tập và rèn luyện bản thân.
Một số hình ảnh về người mẫu Nguyễn Trung Đại:



MA KẾT
Theo Infonet

VJ xinh đẹp làm nghề kiểm soát không lưu sân bay

Ít ai biết rằng, ngoài ca hát và làm VJ truyền hình, từ vài năm nay, cô gái này còn đảm nhận một vị trí công việc rất quan trọng và cũng yêu cầu cao trong sân bay - kiểm soát không lưu.

Sĩ Thanh - cô gái có cái tên chẳng còn xa lạ gì trong cộng đồng teen Việt vài năm trở lại đây, với những vai trò quen thuộc như một MC năng nổ, một VJ hài hước, và hình tượng ca sĩ quyết rũ, ngọt ngào. Tuy nhiên, chẳng mấy ai biết được, một cô gái "nóng bỏng" tưởng chừng như đang bám sát nút vào con đường nghệ thuật ấy, khi đứng phía sau hậu trường, lại đảm nhận một công việc cực kỳ khô khan và hoàn toàn trái ngược với những hình tượng mà cô đã xây dựng bấy lâu. Đó chính là công việc của một Kiểm soát viên không lưu không nở nụ cười, và hoàn toàn nghiêm túc. 
Thoạt đầu khi mới lên kế hoạch cho buổi phỏng vấn, mọi người khá lo lắng vì sợ Sĩ Thanh sẽ bận bịu với lịch làm việc dày đặc này. Nhưng không ngờ, sau cú điện thoại đầu tiên vào buổi tối, cô nàng liền sắp xếp cho tôi lịch hẹn vào ngay sáng sớm hôm sau, do hiếm hoi được trống lịch một ngày. Nó làm tôi có cảm giác cô gái này thật sự rất nhanh nhẹn, quyết định cái gì cũng mau mắn, nó không giống với hình tượng một cô VJ thỉnh thoảng hay làm nũng và dịu dàng trên truyền hình thường ngày.
- Chào Thanh, hôm nay bạn được "off" hoàn toàn chứ?
- Có lẽ là thế. Nhưng lỡ xui xui mà nhận được lịch quay, hay lịch trực đột xuất thì Thanh cũng phải tranh thủ sắp xếp để đi thôi. Làm mấy công việc thế này đôi khi bản thân mình cũng khó chủ động được thời gian lắm. Thanh chỉ có thể rảnh lúc nào là làm ngay việc đấy, chứ không thích chần chừ.
- Cái gì cũng làm quyết đoán vậy, liệu đó có phải là cách mà Thanh rút ngắn thời gian để có thể làm được 3, 4 công việc cùng một lúc?
- Đó đã là tính cách của Thanh rồi, nên dù làm gì Thanh cũng luôn tranh thủ giải quyết thật nhanh chóng và gọn gàng. Thanh quan niệm thời gian còn quý hơn vàng, nên trong một ngày mình cứ lên trước lịch trình như: sáng quay ở đâu, chiều dẫn chương trình gì, rồi tối có kế hoạch ra sao thì cứ làm theo đó một cách xuyên suốt. Có kế hoạch rõ ràng, công việc cũng làm thuận lợi, trôi chảy hơn rất nhiều. Đôi khi Thanh còn biết được mình rảnh được bao nhiêu thời gian để mà giải trí, hoặc làm công việc yêu thích. 
Với Thanh, VJ và MC chính là hai công việc mà mình yêu thích. Còn Kiểm soát viên không lưu là nghề mà Thanh muốn dành nhiều thời gian hơn để có thể tập trung vào nó. Bởi tính chất công việc này khá là áp lực, một khi đã vào nơi làm việc là Thanh chẳng còn màng, hay nhớ gì đến mọi thứ xung quanh.
- Thanh hãy giới thiệu sơ vài điều về một Kiểm soát viên không lưu, công việc này nghe cũng có vẻ khá mới mẻ nhỉ?
- Thật ra nó chẳng phải là nghề mới gì đâu, từ khi máy bay bắt đầu trở thành một dạng dịch vụ, thường xuyên bay đi, bay về là đã có Kiểm soát không lưu rồi. Bởi một máy bay trước khi muốn cất cánh hay hạ cánh, hoặc đơn giản chỉ là việc di chuyển vào sân bay, tìm bãi đáp,... cũng phải cần đến những Kiểm soát viên không lưu để được cung cấp các thông tin, dữ liệu về thời tiết, độ cao,... phù hợp. Nhiều người lầm tưởng Kiểm soát không lưu là nghề mới, vì ít được nghe nhắc tới. Thậm chí vài người bạn của Thanh lúc đầu cũng hỏi: "Rốt cuộc là mày làm cái gì trong ngành Hàng không? Bảo vệ chuyên đi kiểm tra ở sân bay hay là mấy cô ngồi bàn check hành lý?".
Bàn làm việc của một kiểm soát viên không lưu.
Thường các Kiểm soát không lưu sẽ ngồi trên một tòa tháp cao trong sân bay để quan sát.
Nghe vậy Thanh chỉ biết bật cười, nhưng trong lòng có hơi "xót" nhẹ khi mọi người nói về cái nghề mà mình làm 4, 5 năm nay mà chả ai biết tới. Trái ngang thay, những người làm công việc như Thanh đều được xếp vào dạng quan trọng nhất tại sân bay. Đơn giản với một vài ví dụ thế này cho các bạn dễ hiểu. Hàng ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất có đến hàng nghìn chuyến đi lẫn về, từ nội địa cho đến quốc tế. Nhưng có bạn nào từng thắc mắc tại sao những chiếc máy bay ấy có thể biết chính xác thời gian họ phải cất cánh và hạ cánh, hoặc mấy ông phi công có thể né được các chiếc máy bay khác khi tất cả đều cùng ở một vùng trời? Hay là bạn nghĩ, cứ thấy máy bay nào ở phía trước là chỉ cần quay bánh lái, giống như đang chạy xe bon bon dưới mặt đất thôi? Hoặc tại sao rất hiếm thấy những trường hợp máy bay bị tai nạn, hay đâm nhau trên trời, còn giao thông ở mặt đất mỗi ngày có đến hàng trăm vụ? 
Tất cả những câu hỏi ấy, Thanh có thể trả lời đó chính là nhờ vào sự sắp xếp và kiểm soát của những Kiểm soát viên không lưu. Thậm chí việc nắm rõ về thời tiết, nhiệt độ, hướng gió thay đổi từng phút, Thanh cũng phải cập nhật để liên tục thông báo cho các phi công đang thực hiện chuyến bay.
- Nghe Thanh kể sơ qua thôi mà đã có cảm giác "đuối" quá. Vậy áp lực và yêu cầu hẳn sẽ rất cao?
- Công cụ của một Kiểm soát viên không lưu chủ yếu là một máy bộ đàm để liên lạc với phi công, và bộ máy ra đa hiển thị trên máy tính. Cái mà màu xanh xanh, chớp nháy liên tục giống như trong phim các bạn hay xem đấy. Chúng liên tục quét tìm, rồi định vị vị trí của các máy bay đang ở ngoài vùng trời. Khi máy bay di chuyển tới đâu thì máy sẽ hiển thị thông số, tọa độ khác nhau, và còn khá nhiều thuật ngữ khác trong nghề nữa. 
Chính vì vậy khi xin vào làm công việc này, bạn phải học giỏi những môn như Toán, Lý, Hóa, vì các thông số này đều liên quan đến chúng. Ngoài ra tiếng Anh cũng là một môn cực kỳ quan trọng, khi các Kiểm soát không lưu thông báo với phi công, tất cả chỉ được giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh chứ không được dùng bất cứ loại ngôn ngữ nào khác. Khoảng thời gian Thanh xin việc, họ yêu cầu điểm tiếng Anh ở mức: TOEIC - 405; IELTS - 4.0; TOEFL CBT - 123; TOEFL IBT.41.
Do áp lực cao, nên phần lớn những người làm công việc này là nam giới. Hiện ở sân bay Tân Sơn Nhất miền Nam, tính riêng trong bộ phận Kiểm soát không lưu chỉ có khoảng 20 nữ trên tổng hơn 500 nhân viên.
Mỗi ngày Thanh còn phải phải căng mắt ra quan sát trên máy liên tục, nhìn vào lịch trình rồi sắp xếp các chuyến bay làm sao cho chúng cách nhau tối thiểu là 10 phút để đảm bảo không bị đụng vào nhau. Vì chỉ cần Thanh rời mắt đi một chút, hoặc sai 1 con số thì thật sự chẳng dám nghĩ tới chuyện gì sẽ xảy ra nữa. 
Tính chất công việc căng thẳng như thế, nên một Kiểm soát viên không lưu chỉ làm việc trong khoảng 4 ngày/tuần. Mỗi ngày, Thanh cũng chỉ làm việc trong vòng 6 tiếng đồng hồ, cứ sau 2 tiếng là lại được nghỉ ngơi 1 tiếng để thư giãn tại phòng. Ở đây, mọi người không được ăn uống hay dư dả thời gian mà tám chuyện với nhau như mọi người hay thấy Thanh trên tivi đâu. Ai cũng nghiêm túc, chỉ nói chuyện với nhau những lúc cần thiết. Hoặc may mắn vào những mùa ít chuyến bay thì không khí tại phòng làm việc có phần bớt căng hơn.
Bù lại mức lương của nghề này tương đối cao so với các công việc khác. Hiện một Kiểm soát viên không lưu có thể nhận được khoảng 10 triệu/tháng, và còn những đãi ngộ khác nữa.
Ít ai nghĩ một cô gái trẻ, năng động như Sĩ Thanh lại đang làm một công việc "nặng ký" khác.
- Nhưng công việc này có vẻ lại khá an toàn so với phi công hoặc tiếp viên hàng không?
- Nếu bạn đang so với trường hợp bị tai nạn mà gặp nguy hiểm thì đúng là như vậy. Vì Kiểm soát không lưu như Thanh chỉ ngồi một chỗ trên tòa tháp để quan sát chứ chẳng đi đâu. Nhưng nói về mức độ ảnh hưởng chung, Thanh thấy các nhân viên ở bộ phận này mới đáng lo hơn đấy chứ, vì máy móc thường xuyên phát ra từ trường, nó ảnh hưởng đến sinh lý của mọi người rất nhiều. Ngoài ra, công việc này đòi hỏi áp lực cực kỳ cao, đôi khi sẽ xảy ra những tình huống bất ngờ và nguy hiểm. Bạn cần phải có "tinh thần thép" để giữ được sự bình tĩnh mà xử lý. Từng có không ít bạn than với mình rằng làm thủ tục xin việc cực khó, đặc biệt là phần sức khỏe yêu cầu bạn phải kiểm tra Hệ thần kinh tâm thần, tim, hô hấp và thị giác ở mức gần như là tuyệt đối.
- Hơn 4 năm làm việc, chắc là Thanh đã từng gặp phải những tình huống bất ngờ?
- Thanh gặp đúng 1 lần và bị ám ảnh, mất ăn mất ngủ trong vòng 1 tháng. Lần đó do phi công của một chuyến bay đột ngột thay đổi giờ cất cánh mà không thông báo trước cho Kiểm soát viên, vào đúng lúc đó đang là giờ trực của mình. Tự nhiên Thanh nhìn vào màn hình hiển thị thì thấy chiếc máy bay này đang ở khoảng cách khá gần với một chiếc máy bay khác. Thanh ngay lập tức kiểm tra thông số rồi đưa lệnh thay đổi độ bay cho 2 phi công. Cũng may mọi thao tác đều đủ thời gian nên không hề có bất cứ tổn tại nào xảy ra. Nhưng nếu Thanh phản ứng chậm một chút, thì hậu quả... chắc mọi người cũng có thể tưởng tượng ra.
 
Mọi người trong nghề thường bảo nhau thế này, Kiểm soát viên không lưu cũng giống với làm cảnh sát giao thông ở dưới mặt đất vậy. Họ chịu trách nhiệm kiểm tra và kiểm soát lưu lượng phương tiện. Nhưng thay vì ở dưới mặt đất bạn mà bị gặp tai nạn thì đó là lỗi ở bạn. Còn ở trên không, nếu có trường hợp bất trắc gì xảy ra, thì Kiểm soát viên không lưu là người có trách nhiệm và bị điều tra đầu tiên. Khi đi làm, lúc nào Thanh cũng bị đè trên vai áp lực rằng, mình thật sự đang giữ và đảm bảo tính mạng của hàng trăm con người đang ở trên máy bay.
- Vậy giữa kiểm soát viên không lưu và các công việc trong ngành nghệ thuật, Thanh "mặn mà" với nghề nào nhất?
- Gia đình thích mình làm những công việc ổn định như Kiểm soát viên không lưu vậy. Nhưng công việc này áp lực quá cao. Vì thế Thanh phải tìm những thứ khác thư thái hơn, vui vẻ hơn để giúp mình cân bằng lại mực sống. Đó là ca hát và làmVJ truyền hình, như hiện tại Thanh vẫn đang làm.

Theo Tri Thức Trẻ

Nữ sinh xinh xắn được Harvard vinh danh

Khởi động với 7 USD, sản phẩm lọc nước sạch của hai cô gái từ đại học Duy Tân - Đà Nẵng đã được hội đồng ĐH Harvard vinh danh.

Với 7 USD (khoảng 140.000 đồng), Võ Trương Hoàng Linh và Nguyễn Thế Quỳnh Nhi đã làm cho các bạn trẻ cả thế giới phải khâm phục với dự án lọc nước DIY (Do it yourself - Tự làm). Dự án này dành cho những người dân thiếu nguồn nước sạch ở khu vực miền Trung cùng những vật dụng rất quen thuộc: vỏ trấu, đá ong và đất sét.
Trở về sau chiến thắng lớn tại cuộc thi CDIO Academy thế giới 2013, Nguyễn Thế Quỳnh Nhi và Võ Trương Hoàng Linh càng được người dân Quảng Nam yêu quý. Bởi sản phẩm lọc nước sạch mà hai cô gái ấp ủ cho người dân quê đất Quảng đã được hội đồng của ĐH hàng đầu thế giới đại học Harvard vinh danh.
Hai nữ sinh này đã thắng lớn khi giành về cho mình giải nhất hạng mục cơ sở (giải Cup Winner của CDIO Academy 2013). Điểm nhấn của dự án này là người dân có thể tự làm ở nhà để cho ra một hệ thống lọc với tốc độ 1,5 lít đến 2,5 lít nước một giờ.
Họ chỉ cần lấy vỏ trấu, đá ong xay thành bột với kích cỡ không quá nhỏ, sau đó trộn cùng đất sét theo tỉ lệ đã được nghiên cứu, xong cho vào khuôn gỗ, cán mỏng (chỉ cần 2 miếng là được), rồi cho vào một cái chậu, phơi khô và đem đi nung. Sau khi hoàn thành, quét lên thành phẩm một lớp ion bạc để diệt khuẩn.
Với khả năng hấp thụ các kim loại nặng như chì, đồng, bạc, hệ thống lọc nước này sẽ trả về cho người dân một nguồn nước tinh khiết trước khi sử dụng. Với chiếc chậu lọc nước đơn giản mà thiết thực này, hai cô bạn đã đem đi giới thiệu cho bà con Quảng Nam dùng thử. Điều đặc biệt là nhiều người dân ở đây biết làm gốm nên khi có hướng dẫn họ làm khá tốt. Sản phẩm ít bị nứt, và khá mịn màng, đều đặn.
Linh cho biết: "Ý tưởng nung nấu cho sản phẩm lọc nước sạch xuất phát từ sự đồng cảm với người dân quê Quảng Nam quanh năm không được dùng nước sạch. Bởi lẽ ở vùng quê núi đá huyện Tiên Phước thiên tai, khắc nghiệt đời sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Đặc biệt vùng miền Trung hay có bão lũ, nước thường bị ô nhiễm nặng nề, nước sạch vẫn là một thứ rất xa xỉ chỉ thấy trên tivi. Những người nông dân nghèo không có tiền để mua các loại thiết bị lọc nước hiện đại, họ phải dùng các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Trong một lần quan sát người dân xử lý rác thải, chúng tớ nhận ra là người dân ở đấy đang thiếu một nguồn nước thực sự sạch và an toàn. Và chính cả nước nơi 2 đứa đang sống (Quảng Nam) cũng nhiễm phèn nặng nề. Rồi khi mang mẫu nước về kiểm định chất lượng, thì ý tưởng đã loé lên trong đầu".
Để thực hiện thành công dự án này, hai cô bạn đã phải trải qua hơn 1 năm mày mò từ bước hình thành ý tưởng, đến thiết kế, sau đó là thực hiện và áp dụng trong thực tiễn. Nhi và Linh đã bỏ ra không biết bao nhiêu ngày giã vỏ trấu, lấy đất sét và nặn ra sản phẩm gốm mà không dùng bàn xoay trong điều kiện thời tiết vô cùng nắng nóng ở quê.
Trong thời gian sắp tới, Linh và Nhi sẽ tiến hành những kế hoạch để triển khai dự án của mình trong khu vực miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng. Các bạn luôn hi vọng mình có thể làm được những điều ý nghĩa và thiết thực đối với quê hương miền Trung yêu dấu của mình.
Theo Mực Tím

Ước mơ làm báo, thí sinh cao 1m trốn nhà đi thi ĐH

Sáng nay 8/7, tại đại học KHXH & NV Hà Nội xuất hiện một thí sinh "hạt tiêu", cao khoảng 1m có tên Nguyễn Thị Hải Yến, đến từ Hải Dương.

Đăng ký dự thi vào ngành báo chí của trường nhưng muốn giấu bố mẹ nên bạn ấy đã một mình lên Hà Nội dự thi.
Trong buổi làm thủ tục sáng nay, Yến đã làm mất giấy báo dự thi và được thầy cô giúp đỡ nhiệt tình để có thể tham gia kì thi vào ngày mai.
Điểm ấn tượng nhất khi lầu đầu tiếp xúc với Yến đó chính là ngoại hình rất giống con trai với mái tóc tém, quần âu, áo sơ mi cũng theo phong cách nam. Cô còn tạo sự chú ý của người đối diện bằng sự cởi mở, hài hước. Yến cho biết mình bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, nên cơ thể không phát triển bình thường được như bạn bè cùng trang lứa.
Khởi hành từ nhà lúc 5h30 nhưng do đi nhầm xe và không biết địa điểm nên mãi đến khoảng 9h, Yến mới đến được trường. Dù thân hình nhỏ bé, việc đi lại cũng không được thuận tiện nhưng Yến vẫn quyết tâm thi đại học để thực hiện ước mơ “trở thành một nhà báo giỏi, giúp đỡ thật nhiều người nghèo, hoàn cảnh khó khăn”.             
Yến là một cô gái cởi mở, lạc quan trong cuộc sống.
Khi được hỏi về lý do lén bố mẹ đi thi, Yến cho biết: "Do mình sợ bị áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ, mình thích được thoải mái và chỉ biết cố gắng làm bài thật tốt thôi”.
Yến cũng chia sẻ thêm về quá trình học tập khó khăn của mình: “Các môn học khối C này đều khó cả, đã có nhiều lần mình định từ bỏ vì không thể nhớ được nữa, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng mình lại quyết định dự thi. Mặc dù hiện tại mình cũng đi học tại trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh, được chu cấp tiền học ăn ở miễn phí, nhưng mình vẫn thích ngành báo hơn”.
Chụp ảnh kỷ niệm cùng các tình nguyện viên.
Yến có sức khỏe khá tốt nên việc đi lại nhiều không phải là trở ngại, đó cũng là một yếu tố thuận lợi cho bạn ấy khi nuôi ước mơ trở thành nhà báo. Hải Yến cũng thể hiện sự quyết tâm cao độ khi nói rằng, nếu năm nay thi kết quả không như muốn sẽ tiếp tục thi lần 2, lần 3. Nếu cả 3 lần không đỗ, bạn ấy sẽ đi đường vòng để thực hiện giấc mơ của mình.
Ngay sau khi biết được hoàn cảnh của Yến đi thi một mình, các bạn đội tình nguyện trường đại học KHXH & NV đã tìm cho cô bạn một chỗ ở miễn phí trong ký túc xá.
Theo Báo Đất Việt

9X khổng lồ, bật cao 3m với tài úp rổ

Sinh năm 1995, Nguyễn Văn Hùng (biệt danh: Hùng cá trê) sở hữu chiều cao 1m90. Hùng có thể bật cao trên 3m khi ném bóng.

Năm nay, Việt Nam đã trở thành nước chủ nhà của Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ V diễn ra từ ngày 23-30/6. Kết thúc trận đấu vào chiều ngày hôm qua (26/6), đội tuyển bóng rổ Việt Nam đoạt huy chương đồng.
Thủ lĩnh của đội tuyển Việt Nam lần này là một nam sinh có nhiều thành tích đáng nể: Giải vận động viên xuất sắc U17 năm 2012, Huy chương đồng giải trẻ năm 2010 và năm 2012, vô địch vòng loại U17 năm 2011 và năm 2012. Cậu là chàng trai “vàng” của đội tuyển Việt Nam tham dự Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á.
Dưới đây là những chia sẻ của chàng trai tài năng này
- Chào Hùng, bạn có thể chia sẻ về thời gian đầu tiên biết đến "trái bóng màu cam"?
- Hùng biết đến bóng rổ từ năm 2009. Trước đó mình chơi bộ môn cầu lông. Năm 14 tuổi mình được chọn vào đội tuyển năng khiếu thuộc Bộ tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân. Cho đến bây giờ mình đã gắn bó với bóng rổ, gắn bó với môi trường quân đội được 4 năm.
- Hùng đã bắt đầu niềm đam mê bóng rổ như thế nào?
- Khi vừa biết tới bóng rổ là mình yêu thích ngay. Thời gian đầu mới vào đội tuyển, mình mê bóng quá nên tập mọi lúc, mọi nơi. Khi đi ăn cũng nghĩ đến bóng rổ, nằm ngủ cũng mơ đến bóng rổ. Trong đội, Hùng thường là người dậy sớm nhất để tập luyện. Mùa đông lạnh căm căm, mình đã đánh thức mọi người dậy từ lúc hơn 5h sáng để chơi bóng. Vì vậy, mình thường bị các bạn...ghét lắm. (Cười).
- Khi chơi bóng rổ, chiều cao khiến Hùng có lợi thế gì?
- Hiện tại Hùng đang chơi ở vị trí trung phong. Theo mọi người nhận định thì Hùng có tài bật cao. Nếu lấy được đà Hùng có thể bật cao 3m30 trong khi khoảng cách từ sàn nhà lên rổ là 3m05. Nhờ có sức bật tốt nên Hùng úp rổ khá thành công.
Hùng cảm thấy, trong bộ môn bóng rổ để thực hiện động tác ném rổ tốt là điều khó nhất. Mình phải tập luyện hơn 2 tháng để có thể làm quen với động tác này nhưng vẫn chưa thật sự chuẩn.
Nguyễn Văn Hùng sở hữu chiều cao 1m90. (Ảnh: Lê Minh Sơn)
- Sở hữu chiều cao lý tưởng đối với các vận động viên bóng rổ nhưng trong cuộc sống hàng ngày chiều cao có khiến bạn gặp khó khăn gì không?
- Năm 14 tuổi, khi mới bắt đầu chơi bóng rổ Hùng cao 1m81. Sau 4 năm tập luyện đến giờ chiều cao của Hùng đã tăng lên 1m90. Ngoài biệt danh "Hùng cá trê" mọi người thường đùa vui gọi mình là “Dài”. (Cười).
Hùng thấy cao quá cũng có nhiều bất tiện, nhất là khi đi xe ô tô. Mỗi lần mình bước lên xe là có hơn chục con mắt đổ dồn tới nhìn Hùng. Có người còn thốt lên: "Sao lại có người cao thế?". Thêm nữa, Hùng thường bị đập đầu vào cửa hoặc trần xe. Đi xe bus Hùng thường phải đứng vì nếu ngồi sẽ rất mỏi. Chân Hùng dài quá không thể duỗi ra được.
Thủ lĩnh của đội tuyển Việt Nam luôn thể hiện hết mình trong mỗi trận đấu..
- Trong một trận đấu, số điểm Hùng ghi nhiều nhất là được bao nhiêu?
- Bóng rổ là trận đối kháng giữa hai đội cùng cố gắng ghi điểm bằng cách dẫn dắt bóng vào rổ. Vì vậy ném được càng nhiều bóng thì ghi càng nhiều điểm. Ở vị trí của Hùng, mỗi quả bóng vào rổ thường được tính là 2 điểm. Một trận đấu nhiều nhất Hùng có thể ném được 15 trái bóng trúng rổ, ghi được 30 điểm cho đội.
- Trong môi trường quân đội, thời gian tập luyện của Hùng như thế nào?
- Hùng tập luyện theo chế độ chung của huấn luyện viên đề ra cho đội. Cụ thể buổi sáng tập 2h, buổi chiều tập 1h30. Thời gian đầu vào quân đội, Hùng và bạn bè ai cũng kêu... khổ. Nhưng dần thích nghi Hùng thấy môi trường này rất hợp với mình. Quân đội đã rèn cho Hùng sự mạnh mẽ, tính tự lập.
- Trong khi thi đấu, có khi nào Hùng gặp phải... sự cố?
- Có chứ. Đã có những lúc Hùng bị trẹo cổ chân, cổ tay nên không thể tiếp tục thi đấu. Mặc dù sống xa gia đình, thiếu sự chăm sóc của bố mẹ nhưng bù lại Hùng được các thầy và các bạn trong đội giúp đỡ rất nhiều. Vì vậy, những khó khăn đều có thể vượt qua một cách dễ dàng.
- Bóng rổ mang lại cho bạn điều gì?
- Đó là sự tự tin và trưởng thành. Quan trọng hơn bóng rổ mang lại tình anh em, bạn bè. Hùng biết sống đoàn kết hơn với tập thể, biết lắng nghe và nhường nhịn. Một người đội trưởng cũng phải sống sao cho người khác tôn trọng, như thế thì lúc mình nói mới có kẻ nghe.
- Qua Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần này, điều gì khiến Hùng ấn tượng nhất?
- Hùng thật sự ấn tượng về lối chơi của các nước bạn thuộc khu vực Đông Nam Á. Họ rất nhanh, phòng thủ chặt chẽ và có kỹ thuật tốt. Đa số họ đều sở hữu chiều cao lý tưởng.
- Dự định của Hùng trong tương lai?
- Mình mong muốn trở thành huấn luyện viên, vì vậy vẫn từng ngày phấn đấu thực hiện ước mơ này.
Một số hình ảnh của chàng thủ lĩnh đội tuyển bóng rổ Việt Nam:
Nguyễn Văn Hùng sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. (Ảnh: Lê Minh Sơn)
 
Hùng chụp ảnh vui cùng bạn khi đọ chiều cao.
 Hùng trong trận đấu tại Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á . (Ảnh: Lê Minh Sơn)
 Hùng chụp ảnh cùng bạn trước giờ thi đấu.
 Nguyễn Văn Hùng cười tươi khi nhận học bổng.
Trong niềm vui chiến thắng.
QUYÊN QUYÊN
Theo Infornet