Hotline: 0973 549 00
Menu

Phát kinh "thịt lạnh": Mua chợ tươi về nhà bốc mùi thối

Miếng thịt mua ở chợ màu tươi, mát lạnh, nào ngờ về nhà nấu lên bốc mùi hôi khó chịu. Nhiều người phát kinh khi dính cú lừa ‘thịt lạnh’ của dân hàng thịt.

Buồn nôn với nồi thịt bốc mùi

Chiều đi làm về, chị Nguyễn Thị Phương ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) tạt qua hàng thịt chợ cóc gần nhà mua 3 lạng thịt ba chỉ. Thịt khi mua vẫn tươi màu, không có mùi, ấn tay vào mát lạnh, không nhão. Thế nhưng, về nhà vừa cho vào chậu rửa đã có mùi gì lạ. Kiểm tra kỹ mới biết thịt mua đã cũ, bị ôi bốc mùi.

Theo chị Phương, từ đầu màu hè, đây là lần thứ 3 chị mua phải thịt ôi đến mức không thể ăn được từ chợ cóc ven đường. Lúc mua, chị Phương được người bán quảng cáo: "Thịt bảo quản tủ lạnh, sờ vẫn còn mát thì khỏi phải lo thịt ôi”. Thế nhưng, vừa về đến nhà khi thịt hết lạnh, mùi thịt ôi lúc đó mới bốc lên phát kinh.

Chị Phương chia sẻ, những ngày hè, kể cả mua thịt gà, vịt chứ không riêng gì thịt lợn, nếu không cẩn thận là dễ dính thịt ôi. Nhiều khi đến lúc nấu lên cả nồi thịt bốc mùi, ngửi chỉ còn biết đổ bỏ.

Là đàn ông ít khi đi chợ, anh Trần Văn Đại ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã vài lần mua phải thịt ôi, nhất là vào những ngày nắng nóng. Mua phải thịt ôi, không ăn được đành phải đổ bỏ.

Thừa nhận thực tế này, chị Vân – tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) - cho biết, chuyện thịt ế, thịt ôi là không thể tránh khỏi vào những ngày mùa hè, đặc biệt là với những ngày nắng nóng đỉnh điểm như vừa qua. Thịt lấy sáng vẫn còn tươi ngon nhưng đến trưa đã khác, bắt đầu có mùi chứ chưa nói tới chuyện thịt ế để từ ngày hôm trước sang hôm sau.

Thịt lợn được bày bán ngoài chợ với thời tiết nắng nóng của mùa hè rất dễ bị ôi thiu

Chị Vân cho hay, tại chợ này mọi người thường lấy thịt ở lò mổ từ sáng để đủ bán luôn cả ngày, ít nhà nào sáng tự mổ, chiều lại mổ lợn để bán. Do đó, hôm nào ế lại đem về “tống” vào trong tủ lạnh để mai bán tiếp nên thịt hay bị ôi. Với loại thịt đông lạnh đem cất tủ lạnh từ hôm trước để hôm sau bán thì kiểu gì cũng là thịt ôi. Riêng với loại thịt mua bán trong ngày mà bị ôi là do phơi nắng nóng cả ngày.

“Thời tiết, lúc nào cũng 36-40 độ C, trên mái tôn nhiệt hấp vào, dưới nền chợ bê tông bốc hơi nóng lên, vào chợ cứ như vào cái lò nướng, thịt bày ngoài chợ phơi nắng cả ngày thì không ôi sao được. Mà nhiều khi người bán cứ nghĩ thịt mới lấy sáng, bán đến trưa, chiều nên không để ý chứ không phải cố tình bán thịt ôi”, cô Vân giải thích.

Tương tự, chị Nguyệt bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân, cũng cho biết: "Vì tiếc của, bỏ đi một vài cân thịt ế là mất lãi cả ngày nên tiểu thương bán thịt tìm đủ mọi cách để vớt vát. Thịt ế về để tủ lạnh, hôm sau cắt thành miếng từ 3-4 lạng độn lẫn vào thịt mới. Khách quen, khách tinh đến sẽ bán thịt mới, khách lạ mà không để ý sẽ bán thịt cũ”.

Theo ghi nhận của PV tại các chợ trên địa bàn Hà Nội thấy, các hàng thịt đang bày bán la liệt dưới trời nắng gay ngắt, mặc kệ cho ruồi bu. Thậm chí, những hàng thịt bán ngoài lề đường, từ sáng sớm đến chiều, nắng chiếu vào sạp khiến thịt khô thâm. Nhiều khi để bớt khô, người bán còn lấy chiếc khăn ướt nhúng vào bát nước có pha cùng ít tiết lợn lau qua miếng thịt để người mua thấy thịt còn tươi mới.

Thịt ôi ngâm nước tẩy trùng: Nhiễm “độc kép”

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho rằng, tình trạng bày bán thịt ở các chợ dân sinh hiện nay đang cực kỳ rất mất vệ sinh, thịt được phơi nắng nắng ngoài chợ cả ngày mà không có bất cứ một phương pháp bảo quản nào.

Để tránh mua phải thịt ôi thiu ngoài chợ, khi mua cần phải kiểm tra bằng việc sờ, ngửi xem miếng thịt thế nào

Theo ông Trần Đáng, vào mùa hè, nếu bảo quản thịt tốt thì chỉ được khoảng 5-6 tiếng, sau thời gian đó thịt sẽ bị các vi sinh vật, vi khuẩn tấn công, khi ăn vào sẽ không tốt cho sức khỏe, nhiều trường hợp bị ngộ độc…

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm) cho hay, nếu thịt bảo quản ở nhiệt độ 8-10 độ C thì để được khoảng 10 tiếng đồng hồ, còn với thời tiết nắng nóng như vừa qua thịt bán ở ngoài chợ chỉ được 2-3 tiếng đồng hồ.

“Sau khoảng thời gian đó, thịt sẽ bị vi khuẩn tấn công và sinh ra độc hại. Thực tế tại các chợ, thịt bị phơi nắng cả ngày, đến tối ế, thịt đã bị ôi người bán lại đem về cất, hôm sau ngâm nước tẩy trùng rồi bán tiếp cho người dân chứ chẳng hàng thịt nào chịu đổ bỏ thịt ế, thịt ôi đi cả. Như thế, thịt ôi ngâm nước tẩy trùng thì thành độc kép”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, cần phải tổ chức lại hệ thống bán thịt từ lò mổ tới nơi bán, không thể để tình trạng chở thịt bằng xe máy chạy trên đường phố đầy bụi bẩn mà không che chắn, rồi cách bán thịt ở ngoài chợ không có dụng cụ, tủ mát bảo quản như hiện nay cũng đang rất không ổn.

Ông Thịnh cho biết, trước cơ kia Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ra quy định bán thịt trong vòng 8 giờ, phải có bảo quản lạnh nhưng lại phải dừng.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng khuyên, trước khi nhà nước có biện pháp quản lý, người dân cần tự bảo vệ mình trước. Khi đi mua thịt, để nhận biết các loại thịt đã bị ôi thiu cần phải sờ, phải ngửi.

“Các loại thịt ôi thiu sờ vào sẽ thấy nhớt nhớt, đưa lên mũi ngửi thấy có mùi hôi khó chịu, màu sắc cũng không được tươi. Với những loại thịt này cần phải tránh mua. Không thì đi mua thịt vào sáng sớm, thịt mới lấy ở lò mổ về sờ thịt còn ấm nóng”, ông Thịnh nói.

Kiếm bộn tiền nhờ "công nghệ" tăng trọng cho thịt, tôm cua

Nhiều cơ sở kinh doanh không ngại bơm thêm nước, tạp chất vào tôm và các loại thịt như trâu bò, lợn gà... nhằm kiếm lợi mà không quan tâm tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Yến ngâm đường tăng trọng 50%

Hiện yến sào là loại thực phẩm khá phổ biến, được sử dụng cho nhiều đối tượng người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều nơi bán những loại yến kém chất lượng, làm thiệt hại tới người tiêu dùng và ảnh hưởng tới những cơ sở sản xuất yến. 

Mới đây, thông tin tiết lộ về “công nghệ” yến được ngâm với nước đường đậm đặc sau đó đóng lại thành tổ và sấy khô, làm tăng trọng 30-50% ban đầu khiến không ít người mua “té ngửa”. Tẩm đường vào yến đã trở thành một nghề có chia vai vế, đẳng cấp về độ tinh vi. Và với những “chuyên gia”, không khó để biến 1kg đường có giá trị chỉ 30.000 đồng thành 1kg yến trị giá tới 30 triệu đồng.

Theo một cơ sở kinh doanh yến, đa số các loại yến bán tràn lan trên thị trường đều có tẩm đường đậm đặc. Có nhiều nơi người bán tẩm đường đậm đặc vào rồi giảm giá bán, khách hàng cứ nghĩ là mua được giá trẻ nhưng thật ra lại là đắt hơn nếu tính toán đúng lượng yến bên trong. 

Điều đáng nói, yến tẩm đường đậm đặc cũng được cho là rất dễ thu hút các loại vi khuẩn tấn công và dễ bị ẩm mốc.

Cua buộc dây bện đất sét

Cua biển luôn được bán "khuyến mại" kèm dây buộc.

Những con cua biển được bán trên thị trường hầu hết đều sử dụng dây buộc khá to, thậm chí, có nơi còn xe cọng đất sét rồi bện dây đay bên ngoài để buộc cua; mỗi kg cua tăng 30-40% trọng lượng là bình thường. 

Theo tính toán của các bà nội trợ thì trung bình mỗi con cua mang trên mình dây buộc nặng tới 100-200gram. Với 1kg cua giá khoảng 150.000 đồng/kg, người mua phải bỏ tiền ra 30.000 - 45.000 đồng để mua 200-300 gram dây buộc. Tuy biết là chịu thiệt thòi nhưng người tiêu dùng muốn ăn thì vẫn phải chấp nhận mua bởi… hàng nào cũng vậy.

Đáng lưu ý, lợi ích ở đây không mang lại cho người nuôi cua và cho người tiêu dùng mà chỉ nghiên về phía người bán. Việc sử dụng “công nghệ” này thực hiện rất dễ dàng trong khi chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm soát khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt mà không biết phải kêu ai.

Trâu, bò, gà bơm nước căng phồng

Hàng loạt vụ bơm nước, bơm tạp chất vào trâu bò, lợn gà bị phanh phui.

Hàng loạt các vụ bơm nước bẩn, bơm tạp chất vào các loại thịt như trâu bò, lợn, gà… bị phanh phui khiến dư luận hết sức bất bình bởi không chỉ làm ảnh hưởng tới túi tiền của người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng tới cả sức khoẻ.

Bò trước khi xuất chuồng, được bơm nước cho tăng thêm cả chục ký, giúp người bán thu lời thêm 2,5 triệu đồng/con. Mỗi con trâu sau khi dùng “công nghệ” bơm nước cũng có thể tăng thêm 20% trọng lượng, cho thu lời 4-6 triệu đồng/con. Công nghệ này cũng được áp dụng tương tự cho lợn, gà nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người bán.

Cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã bắt và xử lý những hành vi kinh doanh trái quy định và đạo đức này. Tuy nhiên, xử lý xong cơ sở này thì cơ sở khác làm ăn phi pháp lại mọc lên và những người bán vẫn bị lợi nhuận che mở mắt mà không hề quan tâm tới phía người tiêu dùng.

Mua 1kg tôm có 300 gram rau câu 

Hà Nội liên tục phát hiện nhiều cơ sở chuyên kinh doanh tôm sú cho bơm thạch đông sương agar vào tôm (ảnh: Lao động)

Theo phản ánh của báo chí, thời gian qua, lực lượng chức năng ở Hà Nội liên tục phát hiện nhiều cơ sở chuyên kinh doanh tôm sú cho bơm thạch đông sương agar vào tôm. 

Tiêm bột agar hoà vào nước sẽ làm cho tôm tăng thêm trọng lượng, trung bình mỗi kg tôm sẽ tăng thêm 200-300gram. Cách này cũng biến những con tôm đông lạnh chết nhợt nhạt trở nên tươi ngon, thâm cứng, căng mọng.

Mặc dù bột agar không gây nguy hiểm tới sức khoẻ người tiêu dùng nhưng nếu các cơ sở kinh doanh tôm ngoài tiêm nước, tạp chất còn tiêm vào các loại chất hoá học, chất bảo quản… sẽ gây ảnh hưởng rất lớn cho người tiêu dùng.

Nguồn : dantri.com.vn

"Sóng thần" chứng khoán Trung Quốc giống hệt Việt Nam 10 năm trước

Theo Ts Nguyễn Trí Hiếu, ảnh hưởng của sự lao dốc không phanh của chứng khoán Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ là tâm lý. Việt Nam có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng chứng khoán.


Khoảng 1.300 công ty ngừng giao dịch cùng với hơn 3.500 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Chứng khoán Trung Quốc đang được ví như "cơn ác mộng" khiến giới đầu tư e ngại, sợ hãi.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, Ts Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc có lẽ được giảm nhẹ hơn nếu Trung Quốc học được từ bài học xương máu từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán của Việt Nam năm 2008.

“Xu hướng nhà nhà chơi chứng khoán, người người lên sàn như của Trung Quốc thời gian qua chẳng khác gì thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 và hệ quả là không lâu sau, năm 2008 chúng ta cũng đã chịu hậu quả tương tự, với nhiều thiệt hại”, TS. Hiếu cho biết.

Phân tích nguyên nhân khiến bong bóng chứng khoán Trung Quốc bị vỡ, ông Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tồn tại tình trạng bong bóng lâu rồi và vỡ là điều tất yếu dù cho Chính phủ Trung Quốc tìm mọi cách can thiệp ngăn chặn để đưa quy mô thị trường này về giá trị thực cũng như biện pháp giảm thiểu tác hại.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu kết luận: Nguyên nhân chính là do Trung Quốc không quyết liệt ngăn chặn bong bóng ngay từ đầu và một lượng lớn nhà đầu tư vẫn còn đầu tư theo tâm lý.

“Khởi đầu của cơn ác mộng này, bắt nguồn từ chính sách hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hồi tháng 11/2014, khiến lượng tiền đổ vào cổ phiếu nhiều hơn, ồ ạt các công ty huy động vốn qua kênh này. Tiếp đó là chủ trương kết nối hai thị trường chứng khoán Thượng Hải - Hồng Kông dẫn đến kỳ vọng nhà đầu tư và đặc biệt biện pháp kỹ thuật là bắt buộc ký quỹ ít, lợi nhuận nhà đầu tư tăng… khiến từ bà nội trợ đến ông lái taxi lên sàn kiếm lời.

Theo giới chuyên môn, có đến 90% người chơi chứng khoán tại Trung Quốc à những bà nội trợ, những người lái xe taxi và những người chơi không chuyên nên tâm lý đám đông ảnh hưởng lớn đến chiến lược đầu tư. Chính vì những biện pháp nới lỏng thị trường mà giá trị cổ phiếu của nước này đến 12/6 lên tăng 150% so với 1 năm trước đó.

Sau khi phát hiện bất thường, chính phủ Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp thắt chặt hơn: yêu cầu các công ty nhà nước chỉ được mua vào, không được bán ra; UBCK Trung Quốc tạm dừng phát hành cổ phiếu, nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài; còn các nhà đầu tư trong nước đẩy mạnh mua vào sau đó ồ ạt bán tháo kiếm lời.

Phân tích thêm về hệ quả của cơn ác mộng chứng khoán Trung Quốc, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia Kinh tế cho biết: “Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, hậu quả có thể kéo dài và tác động của nó là rất mạnh đối với nền kinh tế. Bán tháo, ngừng đổ vốn và rút vốn sẽ được diễn ra trong lúc này và nay mai khỏi Trung Quốc. Ảnh hưởng tâm lý sẽ tăng cao đối với các nền kinh tế khác nếu Trung Quốc là nhà đầu tư. Riêng với Việt Nam, chưa có thống kê nào về doanh nghiệp Việt Nam niêm yết tại Thượng Hải, Hồng Kông nên tác động chỉ là ảnh hưởng tâm lý”.

Ông Phong nói thêm: Với giá trị vốn hóa thị trường Trung Quốc lên tới hơn 7.000 tỷ USD, sự suy giảm 45% doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ tác động rất mạnh vào nền kinh tế nước này cũng như tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu.

Theo Ts Nguyễn Trí Hiếu, ảnh hưởng của sự lao dốc không phanh của chứng khoán Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ là tâm lý. Và nói cho cùng Việt Nam có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng chứng khoán làm đồng vốn dắt lưng.

Ông Hiếu nói thêm, bài học lớn nhất rút ra sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 2006 – 2008 là việc chúng ta thắt chặt bán khống, tỷ lệ cho vay từ ngân hàng để đổ tiền vào chứng khoán và mới đây nhất Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN, theo đó quy định, các NHTM chỉ được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đáp ứng điều kiện đảm bảo các giới hạn về tỷ lệ đảm bảo an toàn, có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ. Đây là một trong những cách mà Việt Nam ổn định thị trường chứng khoán, tránh đổ vỡ.

Mỹ phẩm rượu trôi nổi: Con dao hai lưỡi

Rượu thuốc (mỹ phẩm rượu) có tác dụng làm bong tróc lớp da cũ, hồi sinh lớp da mới nên đang được xem là cứu tinh của những người bị mụn, nám.

Ảnh: Phùng Huy

Rượu thuốc (mỹ phẩm rượu) có tác dụng làm bong tróc lớp da cũ, hồi sinh lớp da mới nên đang được xem là cứu tinh của những người bị mụn, nám. Tuy nhiên, nếu mua phải loại có chất lượng “trời ơi”, không loại trừ khả năng người dùng bị mụn diện rộng, nám vĩnh viễn...

“Hot” từ tiệm thuốc tới hàng tạp hóa

Ghé tiệm thuốc Tây trên đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2, TP.HCM) mua thuốc trị mụn theo toa bác sĩ da liễu, chúng tôi được nhân viên tại đây mời chào bôi thử loại mỹ phẩm (MP) rượu hiện đang bán chạy, bảo đảm 90% hết mụn, nám. Dạo quanh một số địa bàn tại TP.HCM, có nhiều nhà thuốc bán loại MP rượu này và luôn trong trạng thái khan hàng.

Đó là một dạng dung dịch màu nâu đỏ, đựng trong chai thủy tinh với dung tích 120ml giống như chai dầu gió có tên MP BHH. Loại thuốc rượu này được giới thiệu chiết xuất từ cây sống đời và nghệ tươi, có công dụng: làm hết mụn mủ, bọc; mụn do tác động của môi trường, do ảnh hưởng sử dụng MP; nám do ánh nắng mặt trời, lạm dụng MP, lão hóa theo thời gian; se lỗ chân lông; làm mất hết vết thâm do mụn. Khi mới thoa, người sử dụng sẽ có biểu hiện hai vành mắt bị sưng, da mẩn đỏ, hơi ngứa. Dùng khoảng 15-20 ngày, da sẽ sạm, bong tróc tế bào lão hóa, khi da bong đều thì ngưng 40 ngày cho da hồi phục. Nếu muốn da đẹp thì ba tháng dùng một lần, kết hợp với đắp mặt nạ và một số loại kem dưỡng khác.

Từ hiệu quả của MP có thương hiệu nói trên, nhiều người đã ăn theo, tự sản xuất loại MP “rượu thuốc trị mụn, nám”. Tại một nhà thuốc Đông y trên đường Nguyễn Hồng Đào (Q.Tân Bình), khi hỏi rượu thuốc trị mụn, chủ tiệm vào trong nhà lấy cho chúng tôi xem một chai nhựa loại 330ml, bên ngoài được bao phủ một lớp giấy A4 gấp đôi. Trên tờ giấy A4 có dòng chữ “thuốc gia truyền Sen Hồng”, chi chít lời giới thiệu về công dụng, cách hướng dẫn sử dụng. Trên vỏ chai nhựa đựng thuốc chỉ dán miếng giấy nhăn nhúm có tên thuốc, website, số điện thoại liên hệ. Thành phần của sản phẩm: hoàng liên ô rô (50g), rượu trắng Long An (250ml), nghệ đen và thuốc Bắc 20g nhưng chữ chỗ rõ, chỗ nhòe. Liên hệ số điện thoại 0166789… trên vỏ chai, chúng tôi được một người đàn ông cho biết, thuốc do nhà tự sản xuất, chỉ bán qua mạng, giao tận nơi. Bán lẻ 180.000đ/chai, giá sỉ 120.000đ/chai.

Ghé cửa hàng tạp hóa trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), chủ tiệm cho chúng tôi xem một chai thuốc rượu gia truyền giá 90.000đ. Bên ngoài chai có miếng giấy trắng in chữ: “Rượu rễ cây thuốc Nam - vĩnh biệt mụn, thâm, nám” cùng một số thông tin về công dụng, cách sử dụng. Chủ cửa hàng tư vấn: “Tuần thứ nhất, chỉ bôi thuốc rượu; tuần thứ hai khi có hiện tượng khô, sưng, đỏ, bong tróc phải kết hợp thêm kem trong chị bào chế, giá 160.000đ/hộp (loại 30g). Nếu sưng quá, không chịu nổi thì ngưng rượu một-hai ngày, đỡ sưng tiếp tục dùng cho đến khi hết mụn, hết thâm, da bong tróc thì dùng loại kem trong đến khi da phục hồi”.

Thấy chúng tôi mở nắp chai thuốc để ngửi rồi phân vân, bà chủ lấy ra một cuốn sổ ghi chi chít địa chỉ giao hàng rồi khẳng định: “Đây là thuốc gia truyền, được ngâm bằng thảo dược dân tộc. Tuần nào chị cũng có một lô hàng giao về miền Tây. Nơi nào xa quá thì chị bán rễ cây thuốc Nam (80.000đ/gói) và hướng dẫn họ làm. Ngâm năm ngày là xài được”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nơi sản xuất loại rượu thuốc này ở đường Nguyễn Văn Tiết (Thủ Dầu Một, Bình Dương), cửa hàng tạp hóa trên đường Cộng Hòa chỉ là đại lý, ngoài ra còn có một đại lý tại đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh).

Tại khu công nhân gần chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn), nhiều người nổi mụn đã tìm đến cửa hàng bán tạp hóa của bà N. (ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) mua thuốc về thoa. Với giá 80.000đ/chai, bài thuốc được giới thiệu đã lưu truyền trong gia đình tám đời; trị dứt mụn, nám cho hàng trăm người. Bà N. khẳng định rằng, loại MP rượu được chiết từ cây mật gấu và rượu gạo nguyên chất, 100% từ thiên nhiên, không hóa chất. Tùy mức độ mụn, nám nặng nhẹ khác nhau, chỉ cần xức thuốc một tháng thì... da nào cũng tróc. Đi sâu vào các khu công nghiệp, không khó để bắt gặp các tiệm tạp hóa treo bảng bán “rượu thuốc trị mụn, nám gia truyền”.

Đẹp nhanh, hại lâu
Rượu dùng trị mụn được bày bán tại nhiều tiệm tạp hóa - Ảnh: Phùng Huy

Đem gói thuốc Nam mua tại cửa hàng trên đường Cộng Hòa (80.000đ/gói 50g) đi hỏi các bác sĩ Đông y, chúng tôi được biết đó chỉ là rễ cây mật nhân, giá 30.000-50.000đ/ký. Cửa hàng đã hét giá trên trời.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TP.HCM lý giải, hiện có năm loại cây ngoài dân gian người ta vẫn quen gọi là mật gấu: mật nhân, hoàng liên ô rô, khổ sâm cho rễ, cỏ mật gấu, cây lá đắng. Cả năm loại trên đều có công dụng thanh nhiệt, giải độc, trị mụn, ghẻ lở, nhưng chỉ dùng dạng nấu lấy nước tắm, rửa; không thấy dùng ngâm rượu để bôi ngoài da.

BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên - Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, các loại MP rượu quảng cáo trên thị trường, khi dùng có thể làm da đẹp vì cồn trong rượu giúp bong tróc lớp da cằn cỗi bên ngoài. Cồn này còn gọi là cồn khô, có tính năng chống khuẩn, làm se lỗ chân lông, giúp da khô dầu trên bề mặt. Chính vì vậy, người da dầu khi dùng có cảm giác gương mặt khô thoáng, bớt bóng dầu, giảm mụn nhanh. Với sản phẩm có thương hiệu, nhà sản xuất sẽ sử dụng cồn ở nồng độ vừa phải để an toàn cho da. Với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không ai biết nồng độ cồn trong rượu là bao nhiêu. Cồn ở nồng độ cao, sẽ làm mất đi dầu và protein trên da mặt, ảnh hưởng tới màng bảo vệ của da, gây khô da, khiến da lão hóa sớm, kích ứng, dễ tổn thương và mụn phát triển nhiều hơn. Nếu đó là cồn công nghiệp, chứa nhiều chất độc hại thì nguy cơ dị ứng càng cao.

Không thể phủ nhận công dụng của MP rượu, nhưng với điều kiện đó là sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, kết hợp thêm các sản phẩm dưỡng da, sử dụng tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất… Việc tự tiện sử dụng các sản phẩm trôi nổi dạng tự bào chế bằng cách dùng rễ cây rồi ngâm với rượu rất nguy hiểm, vì chất để lột da của các sản phẩm này chỉ là rượu cồn. Nếu lột nhiều lần, về lâu dài da sẽ trở nên nhạy cảm, dễ kích ứng, dãn mao mạch, dễ sinh mụn, nám trên diện rộng và có thể nám nặng hơn trước khi lột, thậm chí bị nám vĩnh viễn. “Tôi từng chứng kiến vài trường hợp da bị nám đen, không thể phục hồi do lạm dụng việc tẩy lột da trị nám bằng các loại rượu thuốc trôi nổi” - BS Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo.

Chục ký hành không đổi nổi tô phở, ai là người có lỗi?

“Trả lời báo chí tại kỳ họp này, Bộ trưởng nói rằng, đừng đổ lỗi cho nông dân. Vậy ai là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước tình hình dưa hấu, hành tím ế ẩm thời gian qua?”, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công Thương. 

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về đầu ra cho nông sản, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nêu lại thực tế: Cách đây đúng 3 năm, hành tím Sóc Trăng rơi vào cảnh được mùa rớt giá, chục ký hành không đổi nổi bát phở.

Lúc đó Bộ trưởng đã trả lời chất vấn và hứa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cơ quan tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tìm ra kênh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trồng sản phẩm này… 

Ai là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước tình hình dưa hấu, hành tím ế ẩm thời gian qua?

“Trả lời báo chí tại kỳ họp này, Bộ trưởng nói rằng đừng đổ lỗi cho nông dân. Vậy ai là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước tình hình dưa hấu, hành tím ế ẩm thời gian qua?”, đại biểu hỏi.

Thừa nhận trách một phần trách nhiệm của mình trong công tác dự báo thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sản lượng hành tím bình quân của Việt Nam khoảng trên 100.000 tấn/năm, trong đó tiêu thụ trong nước 20%, xuất khẩu 80%, chủ yếu là sang Indonesia. Năm 2014, Indonesia đột ngột đưa ra chính sách hạn chế nhập của Việt Nam (theo họ, lý do là vì đã tự trồng được hành tím trong nước).

Cũng theo Bộ trưởng, năm nay, sản lượng hành tím không tăng đột biến nhưng bị dư thừa nhiều.

“Họ khuyến khích nông dân tự trồng hành trong nước nên hạn chế nhập khẩu, tuy không công khai điều này nhưng nội bộ đã triển khai phương án, ảnh hưởng đến nước ta. Điều này có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc chưa kịp thời dự báo. Tuy vậy, các địa phương cũng cần xem lại quy hoạch hành tím vì thời gian tới việc xuất khẩu mặt hàng này là rất khó khăn”, Bộ trưởng Hoàng dự báo.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, sản phẩm nông nghiệp, nhất là rau quả có thời vụ ngắn, trồng phân tán ở nhiều địa phương, nên việc đưa đi tiêu thụ khắp đất nước và xuất hàng sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển. Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển hệ thống phân phối, lưu trữ, bảo quản các sản phẩm này, trong đó có hệ thống chợ.

Hiện Việt Nam đã có 8.500 chợ được cải tạo, xây dựng mới, chủ yếu là ở nông thôn, góp phần tiêu thụ khoảng 40% tổng khối lượng hàng hóa bán lẻ. Hệ thống khoảng 900 trung tâm thương mại và siêu thị tiêu thụ 30% sản phẩm hàng hóa trong nước.

Tính chung trên địa cả nước, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình khoảng 40%, góp phần vào việc tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hiện tại, thị phần chợ ở địa bàn nông thôn chiếm từ 50 - 70%.

Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống kho bãi để phân loại, lưu trữ hàng hóa trong nước và nước ngoài, dịch vụ hậu cần với 1.200 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến vận tải đa phương thức. Tuy nhiên, quy mô của các Trung tâm logistics nhìn chung còn nhỏ (dưới 10 ha), chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp hoặc một tỉnh, thành, chưa phát triển được đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế.

Trước việc đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lo ngại về việc suy giảm hoạt động xuất khẩu, nhất là những mặt hàng nông nghiệp trong những tháng đầu năm, khiến cho sản xuất, đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn, bức xúc, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản gặp một số khó khăn về thị trường, giá cả, khiến kim ngạch xuất khẩu chung của cả nhóm giảm 9,5% so với cùng kỳ (đạt 8,14 tỷ USD).

Theo lý giải của Bộ trưởng, lượng xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch cả nhóm (trừ thủy sản, rau quả do không thống kê lượng). Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu cả nhóm 516 triệu USD.

Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu của Việt Nam như EU, Nhật Bản do tỷ giá đồng đô la thấp nên xuất khẩu sang các thị trường này đạt thấp hơn so với cùng kỳ.

Dự báo xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản sẽ gặp khó khăn trong năm 2015 nên ngay từ đầu năm Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản, góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

Vậy nên, Bộ trưởng tin tưởng, việc suy giảm hoạt động xuất khẩu trong 5 tháng qua mang tính nhất thời. Bởi cùng với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã đàm phán, ký kết, việc nâng cao chất lượng, năng suất các mặt hàng nông sản, chắc chắn trong thời gian tới, tình hình này sẽ được cải thiện.

Doanh nghiệp mua vải thiều giá cao hơn thương lái Trung Quốc

Thương lái Trung Quốc đang lập một số điểm cân vải tại Thanh Hà (Hải Dương) và thu mua với giá khoảng 8.000 đồng một kg. Trong khi đó, doanh nghiệp về tận vườn trả cho bà con tối thiểu 10.000 đồng, thậm chí có ngày lên tới 15.000 đồng.

Vùng trồng vải Hải Dương bắt đầu vào mùa thu hoạch. Gia đình chị Nguyễn Thị Nụ (xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh) là một trong 9 hộ trồng thuộc danh sách được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu. Năm nay, nhà chị trồng hơn 2 ha trồng theo đúng tiêu chuẩn VietGap, sản lượng đạt 12-14 tấn, tương đương năm trước nhưng chất lượng quả được đánh giá cao hơn.

Chị cho biết trồng vải theo quy trình mới khá vất vả vì nhiều công đoạn, hầu hết nông dân đều hào hứng và mong muốn giá bán giữ ổn định. "Mới thu hoạch đầu vụ, gia đình bán được khoảng 2 tấn quả với giá 10.000 đồng, cao hơn bên ngoài nhưng tâm lý chung của người trồng vẫn mong có thể cao hơn để bù đắp công sức chăm bón theo quy trình mới", chị cho biết.

Giá vải thiều tại Hải Dương đang được doanh nghiệp thu mua cao hơn 10% so với tiểu thương Trung Quốc. Ảnh: Quý Đoàn

Ông Nguyễn Đình An - trưởng nhóm trồng tại xã Hoàng Hoa Thám cho biết từ đầu tháng đến nay, doanh nghiệp tại TP HCM đã bao tiêu khoảng 18 tấn quả cho các hộ trồng. Sản lượng còn thấp so với diện tích 10 ha được quy hoạch đạt tiêu chuẩn của địa phương, song bù lại giá bán cao hơn mọi năm 1.000-2.000 đồng mỗi kg.

"Giá biến động từng ngày nhưng xu hướng chung là tăng lên, thậm chí có ngày riêng lô vải thu mua đi Mỹ, Australia đã được doanh nghiệp trả với mức 15.000 đồng mỗi kg”, vị này cho hay.

Trong khi đó, tại vùng vải Thanh Hà, một số thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua ở các điểm cân ven đường quốc lộ. Một số hộ trồng sốt ruột khi chưa được doanh nghiệp thông báo thu mua, nên cũng tìm đến đây bán cho các mối Trung Quốc.

“Hôm qua tôi hái sớm vài chục cân để bán cho điểm cân với giá 8.500 đồng mỗi kg, vẫn rẻ so với giá doanh nghiệp đảm bảo”, chị Lê Thị Huyền (thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy) khá sốt ruột vì vải chín rộ nhưng vẫn chưa có thông báo thu hoạch của doanh nghiệp. 

Chị cho biết tầm này mọi năm hơn 100 hộ đã đồng loạt thu hoạch bán cho thương lái Trung Quốc, song năm nay do đã cam kết với trước với doanh nghiệp nên phải giữ cố đợi vừa giữ chữ tín vừa được giá. 

"Tôi cũng nghe tại một số vùng trồng lân cận đã được thu mua, giá bán cho doanh nghiệp luôn trên 10.000 đồng, cao hơn mọi năm và cao hơn thương lái 1.000-1.500 đồng nên người trồng cũng yên tâm. Vài ngày tới nếu thu hoạch, hy vọng sẽ được giá. Chứ cứ bán bên ngoài vừa mất giá lại bị ép cân trừ bì đến vài cân lãi lời cũng không còn là bao", chị chia sẻ. Theo chị, với đà tăng giá như hiện nay, cuối vụ giá vải có thể trên dưới 20.000 đồng mỗi kg.

Trao đổi với VnExpress, ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty Rồng Đỏ cho biết theo kế hoạch, 3 tấn vải thiều đầu tiên xuất sang Australia phải được thu hoạch vào ngày 4/6. Tuy nhiên khi kiểm tra, dư lượng chất bảo vệ thực vật chưa đạt, kích thước quả và hàm lượng đường chưa đủ nên thời gian thu hoạch lùi lại 3 ngày .

“Đến khi thu hoạch thì trời lại mưa to ảnh hưởng đến chất lượng quả, việc thu mua cũng khó khăn. Hai ngày qua, công ty chỉ thu được vài tấn quả tại Hải Dương. Vài ngày tới chúng tôi sẽ tiếp tục thu mua để bà con yên tâm đồng thời kịp lượng hàng xuất vào 10/6", vị này lý giải.

Về mức giá, ông Thìn cho biết, do thị trường quyết định, song doanh nghiệp luôn đúng với cam kết trước đó là giá tối thiểu 10.000 đồng mỗi kg. "Tới đây, khi thu hoạch rộ, thương lái Trung Quốc sẽ cần nguồn hàng có thể trả giá cao hơn, chúng tôi vẫn đảm bảo mua chênh 10% so với thị trường", ông khẳng định.

Xưởng đóng gói vải tươi của Công ty Rồng Đỏ tại huyện Thanh Hà đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng vẫn đảm bảo mỗi ngày có thể đóng gói khoảng 10 tấn quả đủ tiêu chuẩn. Theo lãnh đạo công ty, thời gian tới khi xưởng hoàn thiện, công suất đóng gói lên tới 30-40 tấn quả tươi cho xuất khẩu và nội địa.

"Mới đây, phía đại diện Mỹ cũng đã công nhận quy trình đóng gói bảo quản tại xưởng này hoàn toàn hợp chuẩn. Các lô hàng vào TP HCM sẽ được chiếu xạ ngay thay vì đóng gói lại", ông chia sẻ.

Với chuyến vải đầu tiên sang Australia, vị này cho biết, nếu chất lượng tốt đáp ứng mọi điều kiện thì khả năng đối tác sẽ nhập tiếp khoảng 200 tấn quả tươi bằng đường hàng không thời gian tới.

Ông Nguyễn Phúc Thịnh, Phó chủ tịch UNBD thị xã Chí Linh cho rằng quả vải được xuất khẩu là cơ hội để bà con vùng trồng vải nhận thức tầm quan trọng của việc sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, nâng cao giá trị hàng hóa, tạo điều kiện việc tiêu thụ vải ổn định. Do vậy, lãnh đạo địa phương đang nỗ lực tuyên truyền để bà con giữ nguyên diện tích trồng vải, đồng thời mở rộng thêm các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGap đáp ứng nhu cầu lớn khi có thị trường mới.

"Là năm đầu tiên thực hiện quy trình sản xuất mới cũng như tiếp cận thị trường do vậy sản lượng cũng như lợi nhuận với người trồng là chưa cao. Song, với mức giá thu mua ổn định như hiện nay cùng với cam kết từ doanh nghiệp sẽ giúp các hộ nông dân yên tâm gắn bó với loại cây trồng này", ông cho biết.

Nghịch lý: Hàng Việt thua đau ngay trên sân nhà

Thực tế cho thấy, hàng ngoại nhập hoặc các thương hiệu nước ngoài đang còn chiếm tỷ trọng lớn trong nhiều ngành hàng quan trọng. Ở môt số ngành, các doanh nghiệp Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Sau khi gia nhập WTO và hàng loạt các hiệp định song phương và đa phương, thị trường Việt Nam đã và đang xuất hiện hàng hóa đến từ khắp nơi trên thế giới. 

Theo đó, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua và tiêu dùng hàng hóa với vô số thương hiệu đến từ mọi quốc gia. Tuy nhiên, song song với đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nước ngoài; hàng sản xuất trong nước phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay trên sân nhà.


Thua ngay trên sân nhà

Tài liệu công bố tại một hội thảo khoa học của trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) tổ chức tuần qua cũng chỉ ra rằng, mặc dù, trên thị trường một số mặt hàng, hàng nội địa đã chiếm lĩnh và chi phối thị trường. Nhưng thực tế cho thấy, hàng ngoại nhập hoặc các thương hiệu nước ngoài đang còn chiếm tỷ trọng lớn trong nhiều ngành hàng quan trọng. Ở môt số ngành, các doanh nghiệp Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà. Dường như, người dân Việt Nam vẫn còn tâm lý chuộng hàng ngoại nhập cho dù được bán với giá cao hơn nhiều so với hàng nội cùng chủng loại và chất lượng.

PGS.TS Trương Đình Chiến - Trưởng khoa Marketing của NEU nhìn nhận: “Hàng ngoại hiện luôn tràn ngập trên thị trường và bao gồm rất nhiều loại hàng từ chất lượng cao, chất lượng trung bình đến chất lượng thấp. Tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn còn sâu nặng trong một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao và khá cao. Có thể thấy vẫn tồn tại tâm lý sính ngoại rất rõ ràng trong một bộ phận người dân, đặc biệt ở nhóm 20% dân số có thu nhập cao và khá cao - chiếm tới 80% lượng chi tiêu”.

Theo ông Chiến, với người Việt Nam việc sẵn sàng mua hàng nội, hay hàng ngoại được biểu hiện rất khác nhau. Về các mặt hàng như bánh kẹo, vải, hàng nhựa sản xuất trong nước luôn được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hơn các hàng ngoại và chiếm ưu thế hơn trên thị trường. Một số các mặt hàng như sữa bột thì chủ yếu lựa chọn nhập từ một số nước như Hoa Kỳ, New Zealand được người tiêu dùng đánh giá cao hơn về chất lượng và giá cả. Các sản phẩm từ Trung Quốc đối với người Việt Nam được đánh giá là sản phẩm có giá trị thấp, không được đảm bảo về chất lượng. Nhưng vì mức giá rẻ và mẫu mã luôn thay đổi, ưa nhìn nên đã được khá nhiều người tiêu dùng chấp nhận.

Tuy vậy, ông Chiến cũng cho rằng, cũng có những xu hướng thay đổi theo hướng tích cực cho hàng nội trên thị trường. Theo số liệu thống kê mới nhất, nhiều nhóm hàng hoá sản xuất trong nước đã được người Việt Nam ưa chuộng hơn so với trước đây bao gồm: sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép; thực phẩm, rau quả; đồ chơi, dụng cụ học tập cho trẻ em; văn phòng phẩm; thuốc men, dược phẩm… Ngay cả những mặt hàng công nghiệp, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nhưng tỷ lệ hàng nội cũng đạt được mức thị phần khá như: hoá chất 73%; xăng dầu 37%; thép 41%; sợi 60%; giấy 59%…

Ruột nội 1 đồng, vỏ ngoại 5-7 đồng

Lý giải cho nguyên nhân hàng Việt Nam không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập vẫn là lý do muôn thuở “thiếu sức cạnh tranh” và chưa tạo dựng được niềm tin vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt. 

Theo TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng bộ môn Marketing Trường Đại học Ngoại thương: “Có vẻ như doanh nghiệp nước ngoài đang có tầm nhìn và sự chuẩn bị tốt hơn so với doanh nghiệp Việt Nam. Một trong số những lý do khiến người Việt sính hàng ngoại là do yếu tố niềm tin vào chất lượng sản phẩm, người ta tin rằng hàng ngoại chất lượng sẽ tốt hơn”.

Còn dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hà Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc Vietfood cũng ngậm ngùi thừa nhận: “Chúng ta đang đánh mất lợi thế trên chính sân nhà. Tôi lấy ví dụ đơn giản: một chai rượu vodka có giá bán 80 nghìn đồng thì trong đó, phần rượu chỉ khoảng trên 10 nghìn đồng nhưng chi phí cho vỏ chai và nút chai mua của Trung Quốc lên đến 50-60 nghìn đồng. Hay như bánh kẹo gần như không cạnh tranh được bởi nguyên liệu nhập khẩu hoàn toàn và doanh nghiệp tốn quá nhiều cho chi phí quảng cáo”.

Ông Sơn cũng “cay đắng” khi cho rằng tâm lý “sính ngoại” cũng là một nguyên nhân khiến cho hàng Việt không có đất sống.

Ông Sơn đưa ra một loạt ví dụ: “Bánh kẹo trong nước như của Kinh Đô, Hải Hà bán với giá 50-100 nghìn đồng/kg vẫn không cạnh tranh nổi với bánh kẹo Thái Lan, Indonesia 120 - 150 nghìn đồng/kg, hay thậm chí là Nhật Bản tới 500-700 nghìn đồng/kg. Dầu ăn ở nước ngoài chất lượng cao như dầu hướng dương cũng chỉ 20 nghìn đồng/lít nhưng người tiêu dùng Việt Nam đang ăn dầu ăn với mức giá 45 nghìn đồng và nếu có chào bán giá 39 nghìn đồng sẽ không ai mua bởi lo ngại là hàng giả. Hay như váng sữa, người tiêu dùng Đức hầu như không để ý thì khi về Việt Nam, doanh thu năm vừa rồi cũng lên tới 1.000 tỷ đồng - một con số đáng mơ ước với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia thị trường bánh kẹo”.

"Đổi chuẩn”: Samsung cũng sẽ là... hàng Việt

Tại một hội thảo diễn ra mới đây, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho hay, theo cách tiếp cận mới của Bộ, hàng Việt Nam là hàng hoá do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp hợp pháp tại Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp FDI. Với cách tiếp cận này, Bộ Công Thương kỳ vọng trong thời gian tới hàng Việt sẽ có sức mạnh cạnh tranh lớn trên thị trường.

Một đại diện khác của Bộ Công Thương là ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh khẳng định, các hàng hoá do các doanh nghiệp thuần Việt cũng như các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam như Samsung đều được coi là hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp này khi có vướng mắc về pháp lý trên thương trường sẽ được Bộ Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm hỗ trợ tạo, điều kiện thuận lợi cho hoạt động.

Đồng quan điểm này, PGS Đặng Đình Chiến cũng cho rằng, yêu cầu xác định hàng Việt phải có phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đạt tỷ lệ nhất định do cơ quan thẩm quyền quy định là quá khó để thực hiện trong thực tế và càng khó cho người tiêu dùng khi phải phân biệt. Theo đó, ông Chiến cho rằng, các mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam, hoặc gắn thương hiệu Việt Nam hoặc gắn thương hiệu nước ngoài được sản xuất trong nước đều cần được coi là hàng nội vì các doanh nghiệp sản xuất vẫn sử dụng lao động Việt Nam, nghĩa là tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước

Ôm hận vì thương lái Trung Quốc

Với chiêu bài trữ hàng giá rẻ, đặt hàng giá cao, một số thương lái Trung Quốc khiến thị trường hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên rối loạn.

Theo phản ánh của nhiều chủ đại lý thu mua hồ tiêu, có thời điểm, các thương lái Trung Quốc ồ ạt đặt hàng với giá cao hơn trị trường từ 3.000-10.000 đồng/kg. Thậm chí, tiêu lép cũng được thu mua với giá gần bằng tiêu chắc, còn tạp chất của tiêu được mua với giá 15.000 đồng/kg.

“Ôm” tiêu... đợi giá

Chị N., chủ doanh nghiệp nông sản H.P. (xã Ea Hur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết cách đây khoảng 3 tuần, giá tiêu trên mạng khoảng 180.000 đồng/kg nhưng giá trong vùng lên đến 190.000 đồng/kg. Lúc đó, nghĩ do mất mùa, sản lượng giảm sút, cung không đủ cầu nên giá lên, chị chấp nhận mua giá cao để chờ cơ hội.


Rất nhiều doanh nghiệp đang “ôm” hàng trăm tấn bụi tiêu còn thương lái thì vắng bóng.

“Có nhiều người tới đặt hàng bụi tiêu (gồm các tạp chất như bụi đất, lá, núm tiêu...) với giá khoảng 15.000 đồng/kg và tiêu lép (loại 3) với giá gần bằng tiêu chắc (loại 1) nên tôi cũng cố gắng đi thu mua về trữ bán dần. Không hiểu sao khoảng 1 tuần trở lại đây không thấy bóng dáng các thương lái thu mua tiêu lép và bụi tiêu. Với giá như hiện nay, chỉ tính riêng 50 tấn tiêu lép, chúng tôi đã lỗ trên 500 triệu đồng. Đó là chưa kể 20 tấn bụi tiêu đang nằm trong kho đã gần cả tháng” - chị N. lo lắng.

Theo ông Hồ Hữu Hải, chủ DNTN DV Hải Dung (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin), thời gian gần đây xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc thu mua hồ tiêu cao hơn giá thị trường từ 3.000-5.000đồng/kg. Điều này khiến các doanh nghiệp trong vùng không mua được hàng, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký trước đó.

“Điều đáng lo ngại là điệp khúc giá tiêu tăng vọt xảy ra trong ít ngày rồi lại xuống thấp diễn ra trong một thời gian ngắn khiến thị trường rối loạn. Hiện doanh nghiệp còn tồn rất nhiều tiêu lép và bụi tiêu nhưng các đầu mối ngưng thu mua khiến chúng tôi đứng ngồi không yên” - ông Hải than thở.

Điều tra làm rõ động cơ, mục đích

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, thị trường hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rất “nóng”. Có thời điểm, các thương lái, doanh nghiệp tranh mua, tranh bán với giá cao hơn giá trị trường. Hậu quả là các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính không mua được hàng phải chịu thiệt hại lớn.

Qua nắm tình hình, Sở Công Thương nhận thấy có tình trạng thương lái Trung Quốc tung chiêu bài mua bán xoay vòng để hưởng lợi khiến giá hồ tiêu rối loạn. Ông Dương nêu ví dụ: “Cách đây khoảng 3 tuần, họ mua sẵn 1 lô hàng khoảng 100 tấn với giá 175.000 - 180.000 đồng/kg. Sau đó, họ đến đại lý A đặt mua 1 lô hàng khoảng vài chục tấn với giá 185.000 đồng/kg và chỉ đặt cọc một ít với yêu cầu “gom nhanh, lấy ngay”. Tương tự, họ lại tới đại lý B đặt tiếp lô hàng khác với giá 190.000 đồng/kg. Khi đã đẩy giá hồ tiêu lên cao, họ không tới lấy hàng, chấp nhận mất tiền cọc và tung ra thị trường lô hàng giá thấp đã có”.

Ông Dương cho biết dù lỗ nặng nhưng sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên các doanh nghiệp không báo cho cơ quan chức năng khiến việc giám sát những thương lái Trung Quốc gặp không ít khó khăn. Sắp tới, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức cuộc họp với chủ các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản và đề nghị họ thông báo ngay khi thị trường có những biến động lớn về giá cả. “Sau khi tiếp nhận, sở sẽ cho lực lượng quản lý thị trường phối hợp với cơ quan thuế, công an điều tra xem có tình trạng gian lận thương mại, phá hoại không để có hướng xử lý” - ông Dương nói.

Theo ông Dương, tình trạng nêu trên cũng từng xảy ra với nhiều mặt hàng khác. “Có những thời điểm cà phê chỉ 35.000 đồng nhưng họ thu mua với giá 45.000 đồng. Hậu quả là chúng ta chịu thiệt hại với nhau, còn lợi nhuận thì họ cầm đi mất” - ông Dương băn khoăn.

Hơn chục thương lái Trung Quốc chi phối dưa hấu Việt Nam

Đầu mối thu mua dưa của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc thương lái Trung Quốc là một trong những nguyên nhân được Bộ Công Thương nêu ra để lý giải tình trạng ách tắc tại cửa khẩu.

Những bất cập đối với hoạt động xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc một lần nữa được nêu ra tại tọa đàm trực tuyến xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam, vừa được Bộ Công Thương tổ chức. Theo lãnh đạo Bộ, dưa được trồng tại nhiều địa phương, song việc thu mua tập trung vào một số thương lái và bị chi phối bởi hơn 10 đầu mối Trung Quốc.


Theo Bộ Công Thương thương lái Trung Quốc hoàn toàn chi phối việc lựa chọn, tiếp nhận dưa đạt chất lượng khi thông quan. Ảnh: Quý Đoàn

Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển hàng đi cửa khẩu nhưng quyền lựa chọn và tiếp nhận mặt hàng đạt tiêu chuẩn hoàn toàn do thương lái Trung Quốc quyết định.

“Thời gian thông quan mất 2-4 tiếng cho mỗi xe hàng thay vì hơn một phút như bình thường, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dưa hấu”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói. 

Lãnh đạo Bộ cho biết nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc tăng 10% mỗi năm. Riêng 2015, dự báo có 130.000 tấn sẽ được xuất khẩu sang thị trường này. Đây là loại cây trồng dễ canh tác, điều kiện tiêu thụ thuận lợi hơn các loại cây trồng khác nên nhiều địa phương trong đó chủ yếu khu vực Nam Trung bộ luôn ưu tiên.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Tuấn Anh thừa nhận khâu yếu trong trong hoạt động xuất khẩu hiện nay vẫn là theo dõi thông tin thị trường. Trong đó, xử lý và định hướng cung cấp thông tin cho người nông dân vẫn ách tắc. 

Hiện dưa hấu và một số trái cây đều được bày bán tại siêu thị, song để chuẩn bị kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, tới đây Bộ Công Thương sẽ thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa các địa phương với đơn vị lưu thông. Trước mắt, Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM được xác định là thị trường tiêu thụ lớn.

Nguy hiểm đến từ những mặt hàng khô

Tôm, mực, cá khô là những mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Vào mùa mưa, vài lát khô cá lóc, cá tra hay cá dứa trên bàn ăn đều trở thành... đặc sản. Tuy nhiên, nếu không đề phòng, người tiêu dùng dễ mua phải những loại sản phẩm khô có tẩm hóa chất độc hại mà không biết.

Giá vàng giảm mạnh

Giá vàng trong nước đang đứng ở ngưỡng thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.
Sáng nay, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới lại tiếp tục giảm 9 USD/oz so với sáng ngày hôm qua. Trên thị trường thế giới, giá vàng hiện giao dịch ở mức: Mua vào 1,315.98 USD/oz, bán ra 1,316.48 USD/oz. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của giá vàng thế giới kể từ sau lần giảm 20 USD/oz ngày 30/10.

Bánh trung thu hết hạn 2 năm vẫn bày bán

Cơ quan chức năng đã phát hiện số cơ sở sản xuất, kinh doanh có hàng chục thùng hàng đã hết hạn sử dụng năm 2010.
Ngày 3/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong đợt kiểm tra cao điểm chất lượng mặt hàng bánh Trung thu, Thanh tra liên ngành TP Hà Nội đã phát hiện một số mẫu bánh vi phạm thậm chí có loại hết hạn sử dụng nhiều năm.
Tại cửa hàng kinh doanh bánh trung thu Kinh Đô thời vụ trên phố Bạch Mai (nằm đối diện số 516 Bạch Mai), đoàn kiểm tra đã phát hiện 28 thùng hàng gồm bột ngũ cốc, bánh vừng dừa, bánh Asean (không phải sản phẩm Kinh Đô) có giá trị 2,5 triệu đồng đã hết thời hạn sử dụng năm 2010, 2011.
Theo đó, đã xử phạt cơ sở này tổng cộng 1,9 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không có giấy phép kinh doanh, buộc tiêu hủy số hàng hóa hết hạn theo quy định.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế khi kiểm tra, cơ sở kinh doanh này cho hay: chỉ dùng những thùng bánh này để kê vào các góc của gian hàng. Trước thắc mắc của phóng viên về vấn đề này, ông Hạnh cho biết đơn vị xử lý vụ việc thuộc thẩm quyền là Đội Quản lý thị trường số 5.
Cũng trong đợt này, Đoàn Thanh tra liên ngành đã kiểm tra 85 cơ sở sản xuất bánh Trung thu, xử lý 8 vụ việc vi phạm về sản xuất, phạt hành chính 9,4 triệu đồng, tạm giữ 264 chiếc bánh để giám định chất lượng.
Qua lấy 24 mẫu sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo để kiểm nghiệm, cho thấy có 4/12 mẫu có sử dụng chất bảo quản (trong ngưỡng cho phép), còn một số tiêu chí khác về khuẩn ecoli, nấm mốc... vẫn đang chờ kết quả do thời gian giám định cần 7-10 ngày.
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, năm nay có tình trạng nhiều cơ sở thay vì sản xuất đã gia công sản phẩm để hưởng lợi nhuận.
Trong khi đó, khảo sát tại các làng nghề ở Hoài Đức, giá một hộp bánh Trung thu truyền thống giá khoảng 58.000 đồng, nhưng giá các loại bánh sau khi gia công có thể cao gấp 3 lần; nhiều loại bánh có thương hiệu, có thể có giá tới cả chục triệu đồng nhưng nguyên liệu đầu vào cơ bản như nhau.
“Chúng tôi cũng phát hiện có cơ sở kinh doanh đóng gói cả rượu vào bánh Trung thu, nhưng chủ cơ sở cho biết là chỉ để trưng bày cho đẹp, nên không xử lý”, Ông Lộc cho biết.
Cảnh giác đồ chơi Trung thu độc hại
Theo lãnh đạo Sở Y tế, lỗi vi phạm đối với sản phẩm bánh Trung thu năm nay chủ yếu là không ghi định lượng hoặc không đủ định lượng, không đảm bảo vệ sinh khi sản xuất, vi phạm quy chế nhãn mác hàng hóa.
Bên cạnh một số điểm bán hàng được Sở GTVT cấp phép, trên vỉa hè còn có nhiều điểm bán hàng tự phát, số điểm này nở rộ hơn mọi năm.
Trả lời câu hỏi về vấn đề quản lý, kiểm tra và xử phạt cơ sở kinh doanh đồ chơi Trung Quốc không rõ chất lượng, nhập lậu vào thủ đô gia tăng dịp Trung thu năm nay, ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết: Hàng năm, Chi cục quản lý thị trường đều có các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh đồ chơi Trung Quốc. Theo ông Lộc, đây là loại đồ chơi có thể có chất độc hại, có loại mang tính bạo lực, kích động. Số lượng tiêu hủy mỗi năm khá lớn.
Ông Lộc cũng khuyên người dân cần thông thái hơn, để không mua phải loại đồ chơi kém chất lượng do tái chế có thể nhận biết được như nhựa không trong, loại đồ chơi này có thể chứa chất độc hại, làm trẻ bị phơi nhiễm.
Theo Tiền Phong

‘Thị trường smartphone VN tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới'

Lượng smartphone bán ra tại thị trường Việt Nam trong năm 2013 có thể lên đến 6 triệu chiếc, tăng 50% so với năm 2012.
Báo cáo của IDC cho thấy, lượng smartphone bán ra tại thị trường Việt Nam trong năm 2012 là 4 triệu chiếc. Năm nay, con số đó có thể lên đến 6 triệu chiếc. Theo một báo cáo có tên "Sổ tay về thị trường di động Việt Nam" vừa được công bố bởi Appota - một đơn vị phân phối nội dung di động, Việt Nam chính là nước có tốc độ tăng trưởng smartphone nhanh thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Điện thoại Android chiếm khoảng gần 60% thị phần tại Việt Nam.
Theo báo cáo từ Appota, số lượng thiết bị Android có mặt tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2012, là khoảng 9 đến 10 triệu chiếc. Tuy nhiên, iPhone mới chính là sản phẩm được yêu thích nhất tại Việt Nam. Theo đó, lượng thiết bị iOS đã được bán tại Việt Nam có thể lên đến 4 triệu chiếc. 3/4 trong số đó là iPhone.
iPhone chính là sản phẩm mang tính biểu tượng cho smartphone tại Việt Nam trong giai đoạn 2009 - 2011 và vẫn giữ vị trí số một trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Tại Việt Nam, sản phẩm của Apple luôn được coi trọng và là biểu tượng của sự sang trọng và thanh lịch. Xu hướng yêu chuộng sản phẩm Apple chỉ dần thay đổi khi các dòng điện thoại Android với cấu hình tốt, giá rẻ xuất hiện trên thị trường.
Cũng theo báo cáo của Apppota, iPhone hiện đang chiếm khoảng 40% thị phần điện thoại thông minh tại Việt Nam, trong khi Android với khoảng 30 thương hiệu khác nhau chiếm gần hết 60% thị phần còn lại, chủ yếu là các sản phẩm đến từ Samsung, LG, Q-Mobile và Hkphone.
Theo dự đoán, điện thoại Android sẽ tiếp tục phát triển mạnh, chiếm khoảng 80% thị phần smartphone tại Việt Nam trong khoảng 2 năm tới.
Thành Duy
Theo Tri Thức

Sắp có bia khô dạng bột đóng gói

Công ty đồ uống giải khát Pat's Backcountry (Canada) đã chế tạo thành công một loại đồ uống tương tự như bia truyền thống hiện nay nhưng ở dạng bột giúp người dùng dễ dàng mang theo trong mỗi chuyến dã ngoại.
Giám đốc kinh doanh của Pat's Backcountry Sam Hobbs cho biết loại bia này chưa được bán ra trên thị trường nhưng nó sẽ sớm được giới thiệu tới công chúng. Loại bia khô độc đáo này sẽ được bán tại Mỹ và Canada trước khi giới thiệu tại các nước khác.
Trang web của công ty Pat's Backcountry cho biết hỗn hợp bia khô của họ không chỉ đơn giản là loại bỏ nước trong bia ở dạng lỏng, mà đó là cả một công nghệ đặc biệt giúp quá trình lên men bia diễn ra hầu như không cần nước và được kiểm soát cẩn thận. Ông khẳng định rằng quá trình lên men bia hoàn toàn tự nhiên và không dùng hóa chất.
Quá trình lên men của bia diễn ra hầu như không cần nước và được kiểm soát cẩn thận.
Hỗn hợp bia khô này được làm từ lúa mạch, nước, hoa bia và men, có vị, mùi thơm lẫn nồng độ cồn tương tự như các loại bia truyền thống hiện nay. Để pha chế 1 gói bia khô thành 1 cốc khoảng 0,5 lít bia lỏng, ngoài việc thêm nước thì cần có một thiết bị tạo khí cabonnat. Tuy nhiên, thiết bị này tương đối gọn nhẹ nên có thể mang đi bất cứ đâu.
Bia khô sắp ra mắt và thiết bị pha chế.
Công ty Pat's Backcountry dự định sẽ sản xuất hai loại bia có hương vị khác nhau tương tự bia vàng và bia đen truyền thống.
“Chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu loại bia này trong đầu tháng 9 tới và nó sẽ có giá khoảng 9,95 USD (hơn 200.000 VNĐ ) /4 gói. Chúng tôi mong muốn đưa sản phẩn này tới Anh và các nước châu Âu khác, nhưng tôi không thể khẳng định thời điểm cụ thể”, ông Sam Hobbs cho biết
Theo Người Lao động

'Chợ' bánh Trung thu: Kinh Đô bao phủ thị trường

Nếu như trong lĩnh vực bánh kẹo, Kinh Đô chỉ chiếm 30% thị phần thì với bánh Trung thu, Kinh Đô gần như chiếm lĩnh thị trường.
Vào đầu tháng bảy âm lịch, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bánh Trung thu đã bắt đầu tung hàng ra thị trường. Ngoài các tên tuổi quen thuộc như Kinh Đô, Bibica, Như Lan, Nhà hàng Đồng Khánh, Brodard Bakery, Thành Long..., năm nay thị trường còn chứng kiến sự xuất hiện của thương hiệu Thành Đô.
Số liệu từ các doanh nghiệp DN cho thấy, sản lượng bánh năm nay tăng 10% so với năm trước. Trong đó, Kinh Đô sản xuất 2.400 tấn với hơn 100 loại khác nhau. công ty Bibica dự kiến đưa ra thị trường khoảng 550 tấn với 60 loại bánh.
Kinh Đô với các điểm bán được đầu tư "hoành tráng" án ngữ các tuyến đường lớn tại TP.HCM.
Nhãn hiệu bánh Trung thu Nhà hàng Đồng Khánh cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch 3.030 hộp bánh mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Giới kinh doanh cho biết, làm bánh Trung thu rất lời, bỏ ra 1 đồng vốn thu đến 10 đồng lãi. Thậm chí, "cổ phiếu bánh kẹo" như BBC, KDC, HHC cũng thường sôi động vào dịp Trung thu, khi các nhà đầu tư hy vọng các hãng bánh trúng đậm lợi nhuận trong mùa Trăng.
Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc công ty CP Bibica, cho biết, riêng bánh Trung thu, ước tính mang về khoảng 30% lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm của Bibica. Tương tự, mùa bánh Trung thu giúp công ty CP Bánh kẹo Hải Hà tăng thêm khoảng 30% doanh thu so với bình quân các tháng đầu năm. Còn với Kinh Đô, năm 2011, với 2.100 tấn bánh Trung thu bán ra, đã thu về 621 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 182 tỷ đồng.
Theo dự báo, mùa Trung thu năm nay rất khả quan dù kinh tế vẫn còn khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó tổng giám đốc công ty Kinh Đô, cho biết chỉ trong 10 ngày kinh doanh, tình hình bán hàng rất tốt và tiến độ ra hàng của Kinh Đô đang nhanh hơn so với kế hoạch. "Năm nay, người tiêu dùng bắt nhịp Tết Trung thu sớm hơn, qua việc tìm hiểu các sản phẩm mới, mua dùng thử để có sự chuẩn bị, chọn lựa cho món quà biếu tặng. Bên cạnh đó, số lượng khách hàng khối cơ quan, xí nghiệp liên lạc tìm hiểu sản phẩm, giá cả cũng tăng mạnh", ông Luân nói.
Đầu tháng 7 vừa qua, Kinh Đô đã khởi động mùa Trung thu 2013 bằng việc xuất khẩu 5 containers bánh sang thị trường Mỹ và Campuchia. Đặt nhiều kỳ vọng tăng doanh thu và lợi nhuận trong mùa Trung thu, nên giữa các DN bánh kẹo đang diễn ra cạnh tranh quyết liệt, từ chất lượng, mẫu mã đến khâu phân phối sản phẩm.
Nhiều công ty cho biết, sẽ nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng như giao hàng tận nơi, mở rộng các địa điểm bán hàng... để tăng hiệu quả kinh doanh, tạo chỗ đứng trên thị trường. Chẳng hạn như Công ty Bibica tổ chức 400 gian hàng và 10.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Khách sạn Đồng Khánh (chủ thương hiệu bánh Nhà hàng Đồng Khánh) ngoài bán tại khách sạn, các đơn vị trong hệ thống Saigontourist còn tổ chức các gian hàng trên các con đường lớn. Thương hiệu bánh Trung thu Như Lan thì ngoài hệ thống cửa hàng tại các quận trung tâm TP.HCM, còn đưa vào các gian hàng các hệ thống siêu thị...
Cạnh tranh quyết liệt, nhưng theo giới kinh doanh, năm nay các DN vẫn không thể qua mặt được Kinh Đô. Con số 2.400 tấn bánh mà Kinh Đô dự kiến đưa ra thị trường mùa này khó có DN nào cao hơn.
Đã vậy, theo đánh giá về thị trường năm nay, khả năng số lượng này có thể sẽ tăng như đã từng tăng trong năm 2012. Năm ngoái, Kinh Đô dự kiến sản xuất 2.100 tấn bánh, nhưng ngay trước Trung thu một tuần, sản lượng của công ty đã vượt 15% kế hoạch, đạt 2.400 tấn, và ngay sau đó đã phải ngưng sản xuất vì nguyên liệu và bao bì đã hết.
Cùng với việc dừng sản xuất thì trước Trung thu một tuần, một số điểm bán của Kinh Đô ở Hà Nội và TP.HCM cũng hết hàng. Theo ước tính, năm 2012, toàn thị trường có khoảng 3.500 tấn bánh Trung thu có thương hiệu được tiêu thụ. Với 2.400 tấn bánh được bán ra, Kinh Đô đã chiếm gần 70% thị phần.
Năm nay Kinh Đô không tăng sản lượng nhưng chắc chắn sẽ không có DN nào thay thế vị trí này của Kinh Đô. Bởi, xét ở góc độ đầu tư, Kinh Đô là DN có đủ lực và "chịu khó” nhất. Về sản phẩm, Kinh Đô đã nghiên cứu, sản xuất đến 100 loại bánh Trung thu khác nhau. Về mạng lưới phân phối, Kinh Đô đã tổ chức đến hơn 13.000 điểm bán bánh trên cả nước, trong khi đơn vị đứng thứ 2 là Bibica chỉ có 10.000 điểm bán.
Hiện tại, hầu hết các tuyến đường lớn tại TP.HCM và Hà Nội đều có bán bánh Trung thu Kinh Đô. "Bao vây mặt tiền" các siêu thị như BigC, Co.opmart, Maximark, Citimart, Satramart... cũng đều là gian hàng của bánh Trung thu Kinh Đô.
Theo Doanh nhân Sài Gòn

Bài học marketing từ Running Man và Bà Tưng

Những hình ảnh tiêu cực về Bà Tưng chính là điểm mạnh thương mại của hiện tượng mạng này. Tương tự, sự khờ khạo tạo nên nét đáng yêu và hấp dẫn của thương hiệu Running Man.
Nhận xét về việc thương mại hóa hình ảnh Bà Tưng, ông Nguyễn Tấn Đạt, Giám đốc Công ty truyền thông NEO so sánh những điểm tiêu cực của hiện tượng mạng này như đôi chân khẳng khiu của con hươu. Khi trốn chạy kẻ thù như hổ, báo…, đôi chân chính là vũ khí lợi hại dù trông nó không đẹp. Sự nổi tiếng với hình ảnh tiêu cực của Bà Tưng cũng tương tự, nếu sử dụng phù hợp, nó sẽ là vũ khí lợi hại cho việc thu hút sự chú ý của công chúng.
Chuyên gia này bình luận, một số hình ảnh “thuần khiết” của Bà Tưng tương tự như bộ sừng hươu, nó tuyệt đẹp nhưng chỉ dùng khi vui vẻ bởi khi gặp kẻ thù cần trốn chạy, sừng sẽ vướng víu và trở thành điểm yếu. Lúc cần đem ra quảng bá, những hình ảnh tai tiếng của Bà Tưng mới là cái cần khai thác.
Hình ảnh Bà Tưng mặc áo dài rất khó khai thác thương mại vì ít người tin cô gái này là biểu tượng của ngoan, hiền.
Trên thực tế, những bộ ảnh Bà Tưng mặc áo dài, hoặc không “thả rông” vẫn thu hút được sự chú ý cao của công chúng khi được tung ra. Tuy nhiên, khả năng lấy hình ảnh đó để quảng bá cho một nhãn hàng hay thương hiệu gắn liền với hình ảnh trong sáng là điều không khả thi bởi rất ít người tin rằng Bà Tưng có thể là đại diện phù hợp.
Ông Phạm Minh Toàn, Chủ tịch Times Universal – một công ty chuyên về marketing online chia sẻ: Bất cứ một hiện tượng mạng nào được nhiều người quan tâm đều có khả năng khai thác thương mại nhưng vấn đề là kiểm soát điều đó ra sao. Trên thế giới các trang web sex hoặc các tạp chí khiêu dâm cũng có nhiều sản phẩm, dịch vụ muốn quảng cáo; và các hiện tượng mạng không phải là ngoại lệ.
Mới đây nhất, khi Bà Tưng đóng cửa tài khoản Facebook của mình và tuyên bố sẽ không quay clip sexy nữa thì khả năng cô gái này sẽ hot trở lại bằng cách gì là một dấu hỏi lớn. Cũng theo đó, việc các thương hiệu sẽ khai thác Bà Tưng ra sao khi cô này không còn gây sốc bằng “thả rông” vòng một hoặc nhảy múa gợi cảm… là một bài toán khó. Đây là chưa kể đến việc khi gắn với Bà Tưng, nhiều cơ quan quản lý cũng để ý gắt gao thì những ngành nghề nhạy cảm như game hay kinh doanh quán bar sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trước rất nhiều.
Trong khi đó, với Running Man – Vũ Xuân Tiến, khi chuyến đi Anh, tới sân Emirates xem Arsenal thi đấu kết thúc vài ngày thì độ hot của cậu cũng giảm dần. Chàng Running Man đang “trở về mặt đất” với cuộc sống thường ngày của mình. Cơ hội khai thác tiếp theo của các thương hiệu với Vũ Xuân Tiến cũng trở nên khó hơn dù khi đăng tải Running Man vẫn là một từ khóa rất hot, thu hút bạn đọc cao.
Trao đổi với phóng viên, một đại diện trong nhóm marketing của tập đoàn Tân Hiệp Phát (người liên hệ với Vũ Xuân Tiến) cho biết, đơn vị này cũng tính toán và hiểu rõ cơ hội quảng bá tốt nhất là trước, trong và ngay sau khi Running Man đi Anh. Tuy nhiên, vì một số lý do mà thương hiệu nước uống vận động Active không kịp tổ chức bất cứ một hoạt động nào gắn với Running Man trong khoảng “thời gian vàng” này. “Tuy  nhiên, chúng tôi đã có những kế hoạch tiếp theo và đang tích cực triển khai”, ông này tiết lộ.
Running Man sẽ tiếp tục được khai thác hình ảnh ra sao vẫn là một ẩn số.
Trong khi đó, thương hiệu thời trang Viva từ chối cho biết thêm các kế hoạch tiếp theo với Running Man. “Trước khi các công việc chuẩn bị hoàn tất thì chúng tôi không thể nói được điều gì. Kinh nghiệm của người bị ‘ném đá’ do tuyên bố trước việc chưa làm là bài học nhãn tiền. Thêm vào đó, về mặt tổ chức, những kế hoạch cần được bảo mật chứ không phải công bố rùm beng”, đại diện Viva nói.
Bình luận về khả năng tiếp tục khai thác thương hiệu Running Man, ông Nguyễn Tấn Đạt – Giám đốc Công ty truyền thông NEO nhận xét, với một hiện tượng mạng có hiệu ứng tức thời thì khả năng khai thác nhanh, chuyên nghiệp là quan trọng nhất. Nếu “hớt váng” được trong giai đoạn đầu, thương hiệu gắn với Running Man sẽ thu hiệu quả cao. Còn về sau, các thương hiệu cần phải có những chiến dịch công phu hơn.
Chuyên gia về truyền thông này cho rằng, hình ảnh “thánh cuồng” của Vũ Xuân Tiến sẽ phù hợp với những thương hiệu hơi phá cách, trẻ và tràn đầy đam mê; và nếu có kế hoạch tốt thì Running Man vẫn có thể tạo ra những cơ hội tiếp theo.
Nhìn lại câu chuyện của Vũ Xuân Tiến, ông Lương Hoài Nam – cựu CEO Air Mekong viết trên trang cá nhân: “Câu chuyện của ‘The Running Man’ cho thấy một điều: Bạn là ai, giá trị của bạn thế nào phụ thuộc vào việc bạn gây được sự quan tâm của ai, bạn ‘bán’ được bạn cho ai? Sự quan tâm của ‘Người mua’ tạo ra giá trị cho bạn; giá trị của họ quyết định giá trị của bạn.
Nhiều khi, điều này không tính trước được, mà là duyên số, may rủi. Nhưng ít ra, trong chừng mực bạn có thể lựa chọn và quyết định, đừng chạy theo những gì có ít uy tín, giá trị. Nếu đó không phải là Arsenal mà là một đội bóng Việt Nam nào đó thì bạn Tiến chỉ là một chàng trai gàn, thậm chí hành động chạy theo của bạn Tiến còn bị ‘ném đá’ nữa”.
Hoàng Ly
Theo Tri Thức