Hotline: 0973 549 00
Menu

Tục ăn bánh tro giết sâu bọ ngày Đoan ngọ

Vào ngày giết sâu bọ, nhiều gia đình thức dậy sớm tranh thủ ăn đĩa bánh gio, bát rượu nếp và dăm ba quả mận, vải.

Dịp Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) là lúc tiết trời nóng bức nhất. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối.

Bởi vậy vào tiết này, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu tai qua nạn khỏi, được mùa.

Theo tục lệ từ xưa, người dân thường cúng vào sáng sớm nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 Âm lịch. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h.

Hiện nay, nhiều gia đình Việt vẫn còn giữ nếp ăn Tết ở nhà với các món truyền thống như rượu nếp, bánh gio, quả mận, vải...

Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ đặc biệt này. Các gia đình có thể nấu cơm nếp, ủ rượu ở nhà hoặc mua ngoài hàng bán sẵn.

Có hai lựa chọn là cơm nếp cẩm và cơm nếp trắng thường được ăn luôn từ sáng sớm. Người dân quan niệm, cơm nếp có thể tiêu diệt ký sinh trùng trong cơ thể.

Món bánh gio dân dã cũng xuất hiện trong mâm cúng của nhiều gia đình.

Bánh được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín. Bánh được ăn kèm với mật mía, bánh mát, dễ tiêu.

Mận hậu phổ biến vào mùa hè ở miền Bắc. Đây cũng là loại quả không thể thiếu trong ngày giết sâu bọ.

Hiện nay, Tết Đoan Ngọ không được tổ chức to như trước đây. Nhưng các gia đình vẫn cố gắng để có đủ các món cơ bản trong ngày lễ đặc biệt này.

Vải thiều hạt nhỏ cũng có thể lựa chọn bổ sung cho mâm cúng. Các bậc cha mẹ cũng có thể đem lại niềm vui, sự háo hức cho con với truyền thống văn hóa này.

Cách làm 4 món ngon lạ miệng với cà pháo

Hãy thử đổi vị món cà pháo cho cả gia đình với những món ăn sau đây nhé!

Tôm khô với cà pháo

Nguyên liệu:

- 250g cà pháo đã muối chua
- 100g tôm khô, 30g gừng
- 1 muỗng cà-phê hành tím băm
- Gia vị: hạt nêm, đường, tương ớt, dầu ăn.

Tôm khô cà pháo
Cách làm:

- Tôm khô ngâm nước cho mềm, rửa sạch, để nguyên con. Cà pháo để nguyên quả, rửa sạch, để ráo. Gừng gọt vỏ, ớt bỏ hạt, thái sợi nhuyễn.

- Cho 1/2 muỗng súp dầu ăn vào chảo nóng, cho hành tím băm vào xào thơm. Sau đó, bỏ tôm khô, cà pháo vào xào khoảng 5 phút.

- Cho cà pháo và tôm khô đã xào vào tô, nêm 1 muỗng cà-phê hạt nêm, 3 muỗng súp đường, 3 muỗng súp tương ớt. Trộn đều, cho gừng và ớt thái sợi vào.

- Để 10 phút cho thấm, dùng với cơm nóng.

Bồ câu xào cà pháo muối

Nguyên liệu:

- 1 con chim bồ câu
- 15-20 quả cà pháo muối
- nước cà pháo muối
- Tỏi, hành khô, hành lá, tiêu, dầu mè, mắm, muối, đường, dầu ăn.

Cách làm:

- Chim câu đã sơ chế chặt miếng nhỏ. Cà muối bổ đôi, bỏ phần ruột, chỉ lấy cùi, rửa sạch và bóp cho bớt chua.

- Tỏi bóc vỏ, bằm nhỏ 1 củ, 2 củ bóc vỏ để nguyên tép. Hành khô bằm nhỏ. Hành lá cắt rễ, rửa sạch, thái khúc dài 5-7cm.

Hướng dẫn cách làm món bồ câu xào cà pháo. Ảnh: Emdep

- Ướp thịt chim với 1 ít tỏi bằm, hành khô, mắm, đường, tiêu bột, dầu mè, nước cà pháo muối. Để 15-20 phút cho ngấm gia vị.

- Cà pháo vắt ráo nước, ướp với 1 chút tỏi bằm, mắm, đường, trộn đều và để 15-20 phút cho ngấm.

- Cho dầu ăn vào chảo, đun nóng, cho tỏi nguyên tép vào chiên vàng thơm, sau đó vớt ra đĩa, để riêng.

- Cho thịt chim vào chảo chiên ở lửa vừa để thịt chim chín săn lại, có màu đẹp. Vớt thịt chim ra đĩa riêng, chắt bớt dầu trong chảo, chỉ bớt lại khoảng 1 thìa cà phê.

- Cho cà muối vào chảo, đảo đều, tiếp tục cho thịt chim, tỏi chiên, hành lá vào, đảo đều tay. Nêm gia vị cho vừa miệng, sau đó tắt bếp và bày thức ăn ra đĩa.

Cá trắm kho cà pháo

Nguyên liệu:

- 600 g cá trắm
- 200 g cà pháo muối chua
- 2 quả chuối xanh
- 3 muỗng nước mắm, 2 trái ớt hiểm, 1 củ nghệ vàng, hạt nêm, tiêu, nước màu.


Cách làm:

- Cá trắm bỏ ruột, móc mang và đánh sạch vảy rồi rửa sạch và để ráo nước. Cho 1 thìa muối i-ốt và nửa muỗng bột hạt tiêu vào cá rồi ướp khoảng 15 phút.

- Chuối tước bỏ vỏ xanh bên ngoài, cắt khúc dày khoảng 2-3 cm rồi ngâm trong nước giấm loãng. Cà pháo bổ đôi, bỏ hạt

- Cho chuối, cà pháo, nghệ vào nồi rồi tiếp đến cho cá vào. Sau đó, nêm nước mắm nguyên chất + muối hạt nhỏ + hạt nêm + nước màu vào nồi cá kho rồi bắc nồi lên bếp đun khoảng 4-5 phút thì cho thêm 250 ml nước vào đun lửa to. Chú ý trong suốt quá trình kho cá thinh thoảng bạn nghiêng nhẹ nồi để gia vị thấm đều vào cá.

- Sau khi cá sôi được khoảng 30 phút thì bạn nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng, vặn nhỏ lửa để cá sôi nhẹ. Đun đến khi nước trong nồi cạn gần hết là được.

Gỏi bò cà pháo

Nguyên liệu:

- 2 lạng thịt bò
- Cà pháo muối
- Quất, chanh, ớt tươi, rau sống các loại, vừng rang, gia vị, bánh tráng.

Gỏi bò cà pháo
Cách làm:

- Thịt bò mua về rửa sạch, thái thành những lát mỏng. Cà pháo rửa sạch thái thành lát, Quất thái lát mỏng sau đó cho vào nước đá để ngâm cho giòn hơn. Rau thơm rửa sạch. Ớt tươi bỏ cuống rồi thái thành sợi.

- Pha nước chấm theo công thức: 3 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường vào một cái bát con. Cho tỏi xay, ớt xay vào bát rồi vắt thêm ½ quả chanh vào và dùng đũa đánh đều.

- Cho thịt bò vào chảo xào nhanh tay cho thịt bò vừa chín tới thì tắt bếp. Chú ý để lửa to.

- Cho thịt bò vừa xào vào bát rồi cho 1 nửa phần nước chấm đã pha ở bước 1, cà pháo thái lát, các loại rau sống và quất thái lát vào rồi trộn thật đều.

- Bày món ăn ra đĩa rồi thưởng thức ăn kèm cùng với bánh tráng và chấm cùng với phần nước mắm còn lại.

Bí quyết nấu canh cua hoa thiên lý trong veo, nhiều gạch

Cua đồng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là đạm. Món canh cua đồng phù hợp với cả trẻ con và người già khi cung cấp một lượng chất đạm và canxi đáng kể.


Dưới đây là bí quyết để nấu được bát canh cua hoa thiên lý trong veo, nhiều gạch và chắc cái.

Nguyên liệu:

- Cua đồng: 300gr
- Hoa thiên ký: 150gr
- Bột gia vị, hạt nêm, nước mắm vừa đủ


Cách làm:

- Cua đồng rửa sạch, gỡ mai, yếm để riêng, bỏ yếm, rửa sạch, để ráo, cho vào cối, giã nhuyễn với vài hạt muối.

- Dùng thìa lấy phần gạch ở mai cua, cho vào bát với 1/4 thìa cà-phê hạt nêm. Tráng qua nước cho hết mùi hôi.

- Cho cua đã giã vào tô, hòa với 1 lít nước, bóp nhẹ để thịt cua tan đều. Lọc cua bằng rổ lưới mắt nhỏ với 600ml nước, sau đó lọc lại cho hết cặn và xác cua.

- Bắc nồi nước cua lên bếp, nêm vừa ăn, đun lửa to và dùng đũa khuấy theo chiều kim đồng hồ đến lúc nồi nóng và nước cua chuyển sang màu đục thì thôi. Khi cua đã nổi kín mặt nồi và canh sôi thì hạ lửa thật nhỏ để chin cái cua,

- Hoa thiên lý nhặt bỏ phần sâu, giập, rửa sạch với nước muối, để ráo.

- Chờ canh sôi thì cho hoa thiên lý vào, vặn lửa to để canh sôi lại. Cho chỗ gạch cua đã làm sạch vào nồi canh đang sôi để gạch cua tan ra, tạo thành một màu vàng trên mặt nồi canh thì tắt bếp.

- Nêm bột gia vị, hạt nêm sao cho vừa ăn.

- Cho canh ra tô và chuẩn bị ăn.


Bí quyết để có nồi canh cua hoa thiên lý ngon

Khi bắc nồi lên bếp, phải dùng đũa khuấy lien tục để thịt cua không bị lắng xuống đáy nồi, đến khi nồi nóng lên thì thịt cua sẽ nổi váng, đóng thành cái cua rất chắc. Đây là bí quyết để nồi canh cua ngon không bị vỡ cái.

Khi nồi canh bắt đầu sôi thì phải vặn lửa nhỏ để cái cua kết thành mảng. Nếu bạn đun lửa to thì cái cua sẽ bị nát vữa, nhìn nồi canh không đẹp mắt.


Canh cua thiên lý là món ngon trong bữa ăn mùa hè của mỗi gia đình

Đối với canh riêu thì ta nên chưng gạch cua với dầu ăn hoặc mỡ rồi mới dội vào nồi canh để tạo màu mỡ cho bát canh riêu. Nhưng đối với canh cua nấu rau thì lại cần độ ngọt và trong của nước. Vì vậy không nên chưng gạch mà chỉ đổ gạch cua vào khi nước đang sôi, lúc này gạch cua sẽ tan và bám vào rau.

Cho gạch sống vào còn giúp bát canh có độ trong veo, không váng mỡ, rất hấp dẫn và phù hợp ăn trong thời tiết nóng bức mùa hè.

Sinh tố dưa hấu ngọt thơm, mát lịm

Sinh tố dưa hấu không chỉ có tác dụng giải nhiệt mùa hè mà còn có tác dụng sức khỏe rất tốt.

Nguyên liệu:

- Dưa hấu: 1 trái.
- Sữa tươi có đường: 300 ml (tùy vào từng khẩu vị có thể cho nhiều hoặc ít hơn).
- Chanh: 1 quả.
- Lá bạc hà: 1 nắm nhỏ.



Cách làm:

Bước 1: Dưa hấu gọt vỏ, cắt thành từng miếng nhỏ. Bạn không cần phải bỏ hạt. Cho dưa vào máy xay sinh tố cùng với 300 ml sữa tươi, xay thật nhuyễn.


Dưa hấu rửa sạch, gọt vỏ và xay nhuyễn. Ảnh minh họa

Bước 2: Sau đó lọc dưa qua rây để bỏ hết bã và hạt.

Bước 3: Đổ nước sinh tố vừa lọc ra ly, vắt thêm nước cốt chanh vào khuấy đều rồi cho lá bạc hà lên trên. Khi uống, bạn có thể cho thêm đá vào cho mát.


Món sinh tố dưa hấu thành phẩm sẽ có vị thơm của sữa và vị bùi đặc trưng của dưa hấu. Ảnh minh họa

Chú ý: Nếu các bạn không thích uống với sữa tươi thì xay lấy nước dưa hấu, pha thêm một chút nước cốt chanh hoặc vài thìa mật ong

Chúc bạn thực hiện thành công món sinh tố mát lịm này nhé!

Theo Mạc Nhiên (Đời sống & Pháp luật

8 món hủ tiếu hấp dẫn của Sài Gòn

Hủ tiếu bột lọc, hủ tiếu cá, hủ tiếu sườn, hủ tiếu hồ... là những biến tấu khác nhau của hủ tiếu mê hoặc thực khách.
Hủ tiếu cá

Hủ tiếu cá hấp dẫn thực khách với những cọng bánh to gần gấp đôi cọng bánh phở và những lát cá lóc trắng phau tươi ngon. Đi kèm hai thành phần trên là loại nước lèo có màu mờ mờ đục đục như làn sương nhưng tươi ngọt do được hầm hoàn toàn bằng xương heo và cá tươi.
Hủ tiếu cá ở Sài Gòn thường được bán trong các tiệm mì Tàu. Tuy nhiên nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất là hủ tiếu cá Nam Lợi trên đường Tôn Thất Đạm. Đây là quán có thâm niên lâu nhất (60 năm), mắc nhất Sài Gòn (70.000 đồng) và phong cách phục vụ bị phàn nàn nhiều nhất. Nếu không thích quán "sang, chảnh" này, bạn có thể thưởng thức hủ tiếu cá tại quán 134 Ký Con, khẩu phần nhiều hơn, giá rẻ hơn (45.000 đồng).
Địa chỉ tham khảo:
43 Tôn Thất Đạm, P. Bến Nghé, Q. 1; Mở cửa: 6h sáng đến 12h trưa, chiều từ 14h -21h. Chiều CN nghỉ.
Điểm tâm 134 Ký Con, 134 Ký Con, P. Nguyễn Thái Bình, Q. 1; Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h trưa.
Hủ tiếu hồ
Gọi là "hủ tiếu hồ" nhưng “cọng” hủ tiếu mà ta thấy thực chất là những miếng bột mỏng gần giống bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông (cỡ 40 x 40mm). Riêng chữ "hồ", có ý kiến cho rằng trong nguyên bản của người Tiều phần nước lèo có pha thêm một chút bột năng để có được độ sệt. Cũng có người cho rằng chữ "hồ" này để gợi nhớ về cộng đồng người Tiều tập trung ở tỉnh Hồ Nam (phía Nam Trung Quốc).
Không như các món mì, hủ tiếu khác, hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua. Cách ăn này hình thành từ thói quen dùng cải chua để hãm béo của người Tiều.
Địa chỉ tham khảo:
Hủ tiếu Triều Châu, 49 Dương Đình Nghệ, P. 8, Q. 11. Mở cửa: 6h – 22h hàng ngày.
Hủ tiếu Đỗ Khôn - Huy Đạt, 26 Đình Hòa, P. 13, Q. 8. Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h30 trưa
Hủ tiếu bột lọc
Hủ tiếu bột lọc không chỉ lạ với cọng hủ tiếu được làm bằng bột lọc, vuông vức, to vừa phải, dai mà vẫn mềm mà ở những lát cật heo xắt to bản thơm, giòn sần sật đã được xử lý hết mùi hôi đặc trưng.
Điểm cộng của món ăn này là vị dai dai của cọng hủ tiếu to, vuông vức. Song nó cũng là một hạn chế trong khâu chế biến, bởi nếu không canh đúng thời gian ngâm, cọng hủ tiếu dễ bị mủn, gãy, mất ngon.
Địa chỉ tham khảo:  
Hủ tíu mì cật, 62 Trương Định, P. Bến Nghé, Q. 1; mở cửa: sáng từ 6h đến 11h30 trưa, chiều từ 15h - 21h. Chiều Chủ nhật nghỉ.
Hủ tiếu sa tế
Là một đặc sản của người Tiều và chỉ được lưu truyền trong cộng đồng này nên hủ tiếu sa tế khó tìm thấy hơn các món hủ tiếu khác.

Hủ tiếu sa tế quyến rũ thực khách với nồi nước dùng kết hợp trên 20 loại gia vị khác nhau như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, ớt bột, đậu phộng, mè rang… Sự tổng hòa của các loại gia vị này tạo nên món nước dùng thanh dịu mà không kém phần nồng nàn, mang đủ vị cay, chua, béo, mặn, ngọt độc đáo.

Hủ tiếu sa tế nai là ngon nhất song thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp món ăn này đi cùng lòng heo hay thịt bò.
Địa chỉ tham khảo:
Hủ tiếu Đỗ Khôn - Huy Đạt, 26 Đình Hòa, P. 13, Q. 8. Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h30 trưa.
Hủ tiếu Triều Châu, 9 Dương Đình Nghệ, P. 8, Q. 11. Mở cửa: 6h sáng đến 10h.
Hủ tiếu Quốc Ký, 52 Ngô Đức Kế, P. Bến Nghé, Q. 1. Mở cửa: 6h sáng đến 10h tối.
Hủ tiếu sườn non
Bên cạnh những thành phần quen thuộc của món hủ tiếu là lòng heo, gan, thịt bằm, tôm... thì điểm nhấn ấn tượng của món ngon này là dẻ sườn non to vừa được ninh khá mềm nhưng không bị bở, hòa chung với phần nước lèo đậm đà. Ngoài miếng sườn non ấn tượng, vị ngọt của nước dùng hoàn toàn được nấu bằng sườn nón chứ không thêm gia vị cũng thu hút không kém.
Địa chỉ tham khảo:  
Hủ tiếu Mỹ Phương, 172 Trần Bình Trọng, P. 3, Q. 5. Mở cửa: sáng từ 6h30 đến 13h trưa, chiều từ 16h - 22h.
Hủ tiếu mì sườn Tùng Hưng, 147A, Trần Hưng Đạo, Q. 1. Mở cửa từ 7h30 – 23h.
Hủ tiếu bò viên
Cách ăn hủ tiếu với bò viên khá phổ biến ở Sài Gòn. Đa phần ăn bò viên cùng cọng hủ tiếu mềm và mì sẽ ngon hơn là cách ăn với cọng hủ tiếu dai. Có nhiều tiệm người Hoa quen gọi món này là "phở" do cách ăn rất gần với phở bò viên của người Việt.
Địa chỉ tham khảo:  
Hủ tiếu Quốc Ký, 52 Ngô Đức Kế, P. Bến Nghé, Q. 1. Mở cửa: 6h – 22h hàng ngày.
Hủ tiếu Nam Vang
Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa chế biến. Nguyên liệu chính là hủ tiếu và nước dùng là thịt bằm nhỏ nấu cùng lòng heo. Nhờ cách chế biến này nên nước dùng có vị ngọt khá đặc biệt.
Nếu như tô hủ tiếu nguyên bản ở Phnompenh chỉ bao gồm thịt heo bằm và xắt miếng, ăn chung với xà lách và giá sống thì khi du nhập Sài Gòn, món ăn này đã "bổ sung" thêm gan, tim, bao tử, phèo, tôm và trứng cút.
Địa chỉ tham khảo:  
Hủ tiếu Nam Vang - Phú Quý, 84 Hồ Thị Kỷ, P. 14, Q. 10.
Hủ tiếu Nam Vang Hồng Phát, 389 - 391 Võ Văn TầnP. 5, Q. 3.
Hủ tiếu Nam Vang - Ty Lum, 93 Huỳnh Mẫn Đạt, P. 7, Q. 5.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Hù tiếu Mỹ Tho là một biến thể của hủ tiếu Nam Vang. Có hai cách thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho là khô và nước. Mỗi cách đều có điểm cộng khác nhau. Nhưng với thực khách sành ăn, hủ tiếu khô với điểm nhấn nước sốt chua ngọt ẩn dưới lớp thịt bằm, sườn non, xá xíu, con tôm luộc kia khá đặc biệt. Nhất là khi vị chua ngọt này hòa với vị mặn của lớp tôm khô cháy tỏi phía trên, vị ngon càng khó cưỡng. Nêm thêm một chút chanh, ngắt thêm vài cọng giá sống, rau cần, hòa lẫn với bánh hủ tiếu mới thấy hết cái ngon của tô hủ tiếu trứ danh.
Quán hủ tiếu Mỹ Tho ngon nhất Sài Gòn có lẽ là hủ tiếu Cả Cần góc Nguyễn Phi Phương – Hùng Vương. Song có một điều đáng lưu ý là quán chia theo ca với 2 chủ khác nhau. Ca buổi chiều được đánh giá nấu món này ngon hơn. Đó cũng là lý do khách đến quán từ trưa đến tối đông hơn buổi sáng.
Địa chỉ tham khảo:  
Địa chỉ: Hủ tiếu Mỹ Tho - Cả Cần, 110 Hùng Vương, P. 9, Q. 5. Mở cửa: Ca sáng (6h đến 12h), ca chiều (12h đến 2h sáng).
An Huỳnh
Theo Tri Thức

11 loại bánh sandwich ngon nhất thế giới

Bánh mỳ pate, kẹp thịt của Việt Nam chính là một "phiên bản mới" rất ấn tượng của những chiếc sandwich thời đầu.
Sandwich là món ăn được rất nhiều người yêu thích và lựa chọn, bởi nó không chỉ ngon, bổ, rẻ mà còn phù hợp với nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại.
Người ta có thể ăn ngấu nghiến một chiếc sandwich hay một chiếc bánh mỳ kẹp ở bất kỳ đâu. Chỉ với 2 lát bánh giòn tan, kẹp ở giữa nhân thịt, rau và thêm một chút tương ớt, bạn đã có thể thưởng thức một chiếc bánh ngon lành.
Cùng với thời gian, bánh sandwich hay bánh mỳ kẹp đã bôn ba qua nhiều đất nước và "sản sinh" ra rất nhiều biến thể mới. Điểm khác biệt lớn nhất giữa các loại sandwich trên thế giới chính là nhân kẹp bên trong bánh.
Cùng điểm qua 11 loại bánh mỳ sandwich ngon tuyệt trên thế giới.
Bocadillo

Bocadillo – loại sandwich có xuất xứ từ Tây Ban Nha được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn nhẹ tại các hàng ăn, quán cà phê. Một chiếc bocadillo điển hình thường có một vài lát thịt cá ngừ, trứng tráng, khoai tây, cà chua kết hợp với dầu oliu, pho mát manchego và tương ớt.
Bánh mỳ
Bánh mỳ giòn tan sẽ được kết hợp với rất nhiều món ngon khác như pa tê, giò chả, thịt quay, thịt nướng, trứng rán. Điểm thêm một ít dưa chuột, rau thơm tạo nên một món ngon khoái khẩu đối với rất nhiều người. Tới Việt Nam, bạn có thể thưởng thức một chiếc bánh mỳ kẹp ở bất cứ đâu, từ các trung tâm thương mại, siêu thị lớn cho tới quán ăn nhỏ trên vỉa hè hay trong các ngõ ngách.
Torta
Torta của người Mexico gồm hai phần bánh mỳ giòn tan được cuộc tròn lại, bên trong có nhân thịt lợn thăn, thịt bò tẩm bột, đôi khi có thêm cả thịt gà xé. Đương nhiên, không thể thiếu pho mát, bơ, cà chua, hành tây và rau ăn kèm.
Pambazo
Cùng có xuất xứ từ Mexico, Pambazo có khá nhiều điểm tương đồng với người anh em Torta. Tuy nhiên, phần sốt tiêu bên trong nhân thịt làm tăng vị cay nóng cho Pambazo khiến thứ bánh sandwich này trở thành món khoái khẩu đối với những người nghiền đồ cay. Hình thức của những chiếc Pambazo cũng ngon mắt và hấp dẫn hơn Torta.
Cemita
Một loại sandwich khác của Mexico góp mặt vào danh sách này chính là Cemita. Loại bánh này được bao phủ một lớp bơ, phô mát, tương ớt và một loại thảo dược có tên gọi là papalo, kết hợp với thịt lợn chiên được đập mỏng và mềm.
Montreal
Montreal là loại bánh mỳ thịt bò hun khói của người Do Thái. Với hai miếng bánh mỳ làm từ lúa mạch đen, biến tấu của sandwich này khác với các “anh chị em” của mình ở những lát thịt bò được tẩm ướp và hun khói thơm nức mũi.
Smorrebrod
Smorrebrod là loại sandwich truyền thống của Đan Mạch. Người ta phết một lớp bơ dày lên bề mặt của lớp bánh mỳ được làm từ lúa mạch đen. Kết hợp thêm cá hồi hun khói, thịt bò nướng, hải sản hoặc trứng luộc, một chút nước sốt với cà chua, dưa chuột và rau đắng để tạo nên một thứ bánh ngon tuyệt hảo.
Bulgogi
Loại bánh sandwich tới từ Hàn Quốc này sử dụng bánh mỳ của Italy song hương vị vẫn có những nét đặc trưng riêng nhờ phần nhân thịt bò được ướp theo kiểu Hàn. Đương nhiên, thứ bánh mỳ kẹp này cũng không thể thiếu phô mai, hành tây, ớt xanh, tiêu và tương ớt ngọt.
Tonkatsu
Sanwich Tonkatsu là món ngon được ưa chuộng từ Nhật Bản. Hai lát bánh mỳ trắng “ôm trọn” những miếng thiệt lợn chiên kèm với rau bắp cải thái nhỏ, nước sốt và tương ớt.
Chivito
Bánh Chivito của người Uruquay khiến người ăn liên tưởng tới những chiếc hamburger của người Mỹ bởi hai lát bánh mì được cắt tròn. Phần nhân gồm thịt xông khói, trứng, nước sốt, hành, cà chua và rau thơm.
Chacarero
Cũng giống như những phiên bản của bánh sandwich khác, Chacarero gồm hai lát bánh mỳ kẹp với thịt bò, thịt gà, cà chua, bơ và nước sốt. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của Chacarero chính là phần nhân đậu xanh được xay nhuyễn tạo nên hương vị khá lạ cho loại sandwich tới từ Chile này.
Tiểu Uyên
Theo Tri Thức

Chuyên gia ẩm thực chia sẻ bí quyết nấu món ăn Thái Lan

Rất nhiều khách mời đã thực sự ấn tượng khi người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng về ẩm thực Thái Lan xuất hiện trong tà áo dài Việt Nam.
Sự kiện “Ẩm thực Thái Lan đến bếp Việt” do Thương vụ tổng lãnh sự quán hoàng gia Thái Lan và Lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM tổ chức tạiTrung tâm hội nghị White Palace (TP.HCM) cuối tuần qua.
Cô Reed Rapeepan (bìa trái) cùng bà Malinee Harnboonsong, Lãnh sự thương mại Thái Lan và ông Yanyong Phuangrach, Thứ Trưởng Bộ Thương mại Thái Lan.
Tại Thái Lan, cô Reed Rapeepan được biết đến là chuyên gia ẩm thực hàng đầu, người viết sách, biên tập và dẫn các chương trình về ẩm thực, đồng thời là cố vấn của rất nhiều nhà hàng. Trong đêm gala chương trình, Reed đã cùng các đầu bếp Thái giới thiệu và chia sẻ nhiều công thức nấu các món ngon của Thái Lan như gỏi đu đủ, súp Thái chua cay, nghêu xào sốt Thái… “Giờ đây việc nấu món ăn Thái đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhờ vào các loại gia vị, nước sốt được chế biến sẵn sàng tiện dụng” - Reed Rapeepan cho biết.
Reed Rapeepan biểu diễn tài nghệ nấu nướng ngay trên sân khấu chương trình “Ẩm thực Thái đến bếp Việt 2013”.
Khách mời trong chương trình được dịp thưởng thức các món đặc sản đậm đà hương vị Thái như nghêu sốt Thái, gỏi đu đủ cay hay súp tôm chua cay…
Trong đêm gala chương trình “Ẩm thực Thái Lan đến bếp Việt”, khách mời được thưởng thức các món ngon với tài nghệ của các đầu bếp Thái tại Việt Nam đồng thời được giới thiệu những loại thực phẩm của các doanh nghiệp Thái Lan sản xuất và phân phối. 
Rất nhiều vị khách mời đến tham dự trong chương trình
Tư liệu: Ẩm thực Thái Lan
Theo Tri Thức