Hotline: 0973 549 00
Menu

Man City đến Việt Nam: Như cơn gió thoảng

Man City khi đến Việt Nam vừa nhận được tiền “cát-sê”, vừa làm tiếp nhiệm vụ mở rộng thị trường cho chính họ, nên họ muốn đến là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ bóng đá Việt Nam có thu được gì hay không lại là chuyên khác?

Việc Man City sang Việt Nam chắc chắn sẽ giúp cho đội bóng nước Anh quảng bá hình ảnh của họ ở nước ta, tăng thêm lượng người hâm mộ đội bóng này. Mà càng có nhiều người Việt Nam có nhu cầu xem Man City thi đấu, thì đội đương kim Á quân nước Anh càng có nhiều cơ hội được chia thêm tiền bản quyền truyền hình từ giải Ngoại hạng Anh (khả năng sẽ tiếp tục tăng ở Việt Nam trong thời gian tới).

Một trong những nguyên tắc phân chia tiền bản quyền của các CLB bóng đá ở xứ sương mù là lượng phát sóng trực tiếp của các trận đấu liên quan tới các CLB trên hệ thống các kênh truyền hình trả tiền trong mỗi mùa giải. Tất nhiên, các nhà đài sẽ phát những trận đấu có nhiều người hâm mộ quan tâm và như thế càng đông người hâm mộ thì các CLB sẽ càng có thêm nhiều tiền. Thế nên Man City được hưởng lợi đủ đường khi tới Việt Nam

Man City ở đẳng cấp quá cao so với bóng đá Việt Nam, nên hầu như chúng ta không học được gì từ họ (ảnh: Gia Hưng)

Thành ra mới có chuyện sau khi kế hoạch ban đầu là sang Indonesia đá giao hữu bị đổ vỡ, do bóng đá Indonesia bị FIFA cấm vận trên bình diện quốc tế, Man City chấp nhận ngay lời mời từ phía bầu Hiển, sang Việt Nam đá trận giao hữu có mục đích tương tự. Như đã nói, đằng nào họ cũng đá có kế hoạch du đấu Đông Nam Á rồi, đá ở Indonesia hay đá ở sân Mỹ Đình thì cũng là du đấu, là mở rộng thị trường và tăng thị phần.

Về phía đối tác của Man City là SHB, bầu Hiển vừa cho biết dù chưa trọn vẹn, nhưng thương vụ đưa Man City đến Việt Nam của ông và SHB là thành công. Chưa biết về mặt con số, bầu Hiển lời lỗ thế nào, nhưng có điều chắc chắn, thông qua khâu quảng bá từ trận đấu với Man City, doanh nghiệp của bầu Hiển đã đến gần hơn với khách hàng của mình.

Đứng trên góc độ của một doanh nhân, đấy điều bình thường. Nếu có điều đáng tiếc, chỉ tiếc cho về thái độ của những người tham gia trận đấu. Man City sau khi “chữa cháy” cho kế hoạch đến Indonesia bất thành, dễ hiểu họ tỏ thái độ khá thờ ơ khi đến Việt Nam, theo kiểu một nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện trong chiến dịch kinh doanh của CLB.

Tuy nhiên, trên góc độ chuyên môn dường như đội tuyển Việt Nam chẳng thu nhận được gì khi mà để thua tan tác tới 1-8. Không chỉ về mặt tỷ số, bản thân lối chơi của đội tuyển Việt Nam cũng không có gì đặc sắc, thể hiện được những tính toán chiến thuật. Đoàn quân của HLV Miura thi đấu khá run rẩy, cam chịu trước một đối thủ có đẳng cấp cao hơn.

Man City đến Việt Nam chỉ được hơn có hai ngày, và chỉ giống như một cơn gió thoảng qua. Rõ ràng đội bóng này chẳng giúp ích chút nào về mặt chuyên môn cho bóng đá Việt Nam. Vì thế để đón cơn gió thoảng ấy, đáng ra VFF cần tổ chức một cách nhanh gọn, thay vì ép giải quốc nội phải đấu dồn để phục vụ một sự kiện nặng tính thương mại.

HLV Miura triệu tập Công Phượng để thi đấu với Man City

Bất chấp việc tiền đạo HA Gia Lai thi đấu bết bát tại V-League và đang gặp vấn đề về chấn thương, nhưng VFF và HLV Miura vẫn thống nhất gọi cầu thủ này lên đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) chuẩn bị cho trận giao hữu với Man City ngày 27/7 tới.

Trước đó, cả VFF và HLV Miura đều nhấn mạnh tiêu chí tuyển chọn cầu thủ lên ĐTVN lần này là phải có phong độ cao tại V-League. Tuy nhiên, những trận đấu vừa qua, Công Phượng là một trong những cái tên thi đấu thất vọng nhất ở đội bóng phố Núi. Thậm chí cầu thủ này còn đang dính chấn thương nặng. Chính điều này khiến Công Phượng có tên trong danh sách tập trung cùng ĐTVN tạo ra nhiều bất ngờ.

Tuy nhiên, theo lý giải của một quan chức VFF, Công Phượng là một trong số ít cầu thủ trẻ Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với nền bóng đá Anh. Tiền đạo người Nghệ An được HLV Wenger gọi sang thử viêc tại đội trẻ Arsenal năm 17 tuổi. Trong màu áo U19 Việt Nam, Công Phượng có dịp chạm trán U19 Tottenham, U19 Arsenal, U19 Wimbledon và U19 Fulham - những CLB danh tiếng có đội 1 đang chơi ở giải Ngoại hạng Anh. 

HLV Miura vẫn đặt niềm tin vào Công Phượng

Ngoài ra, HLV Miura cũng rất thích sử dụng các cầu thủ trẻ ở trên tuyển, cả ở ĐTVN lẫn U23. HLV người Nhật Bản nhấn mạnh: “Cuộc đọ sức này sẽ mang đến cho các học trò của tôi nhiều kinh nghiệm quý báu. Đây là cơ hội rất tốt cho các cầu thủ trẻ học hỏi”.

Trước đó, ông Miura muốn các học trò thi đấu hết mình trong màu áo CLB và không "giữ chân" để lên tuyển. Đó là lý do HLV Miura chỉ công bố danh sách ĐTVN khi vòng 18 V-League kết thúc.

Như vậy, tiền đạo người Nghệ An sẽ có dịp sát cánh bên các đàn anh Công Vinh, Văn Quyết... trong cuộc so tài với những ngôi sao hàng đầu Ngoại hạng Anh như tiền vệ David Silva, tân binh Raheem Sterling hay chân sút Edin Dzeko...

Theo kế hoạch, ĐTVN sẽ hội quân tại Hà Nội trong ngày 24/7. HLV Miura cùng các học trò sẽ có 3 ngày tập luyện để chuẩn bị cho trận giao hữu với Man City ngày 27/7 tới.

Danh sách đội tuyển Việt Nam

Thủ môn (2): Tô Vĩnh Lợi, Nguyễn Thanh Diệp.

Hậu vệ (8): Trần Chí Công, Đinh Tiến Thành, Phạm Mạnh Hùng, Bùi Tiến Dũng, Mai Tiến Thành, Nguyễn Xuân Thành, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Thanh Hiền.

Tiền vệ (8): Nguyễn Trọng Hoàng, Đỗ Duy Mạnh, Ngô Hoàng Thịnh, Nguyễn Huy Hùng, Phạm Thành Lương, Võ Huy Toàn, Trần Phi Sơn, Nguyễn Văn Quyết.

Tiền đạo (4): Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng, Mạc Hồng Quân, Nguyễn Quang Hải.

Sự thực câu chuyện hai CLB Australia hỏi mua Công Phượng

Theo tiết lộ từ phía CLB HA Gia Lai, 2 CLB Australia là Newcastle Jets và Central Coast Mariners chưa có động thái làm việc chính thức về việc chuyển nhượng Công Phượng. Trước đó, website của 2 đội bóng Australia cũng chưa hề đưa tin về vụ việc này.

Liên quan đến thông tin 2 đội bóng Australia là Newcastle Jets và Central Coast Mariners chú ý đến Công Phượng, đại diện phía CLB HA Gia Lai là trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh cho biết 2 đội bóng xứ chuột túi chưa có động thái làm việc chính thức nào với đội bóng phố núi, liên quan đến chuyện chuyển nhượng Công Phượng.

Công Phượng (phải) không nằm trong số 13 mục tiêu chuyển nhượng của CLB Newcastle Jets (Australia)

Cũng theo vị trưởng đoàn của CLB HA Gia Lai thì đội bóng phố núi cũng không có chủ trương bán cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam ra nước ngoài ở thời điểm hiện tại.

Hiện tại, mục tiêu trước mắt và thiết thực nhất mà đội bóng phố núi muốn Công Phượng quan tâm chính là việc tập trung thi đấu tại V-League, bởi HA Gia Lai của Công Phượng đang nằm trong nhóm có nguy cơ rớt hạng, đồng thời chuẩn bị đối diện với lịch thi đấu cực kỳ khắc nghiệt ở 5 vòng đấu tới đây.

Theo dõi website chính thức của 2 CLB Newcastle Jets và Central Coast Mariners trong mấy ngày gần đây, cũng không thấy họ đưa thông tin liên quan đến chuyện họ quan tâm đến việc chuyển nhượng Công Phượng.

Với riêng CLB Newcastle Jets, đội bóng Australia đã vạch ra 13 mục tiêu chuyển nhượng của mình trong thời gian tới. Trong đó dĩ nhiên không có tên tiền đạo của đội tuyển U23 Việt Nam. Cầu thủ châu Á duy nhất trong danh sách 13 người này là Lee Ki-je.

Vé xem Man City thi đấu đắt hay rẻ?

Với các mức giá 1,8 triệu, 1,5 triệu, 1 triệu và 600.000 đồng, vé xem trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và Man City dĩ nhiên không thấp so với thu nhập trung bình của người dân. Dù vậy, thật khó để nói chính xác rằng mức giá này là thấp hay rẻ?

Theo bầu Hiển thông tin, chi phí tổ chức trận đấu là vào khoảng 1 triệu bảng Anh, tương đương với khoảng 36 – 37 tỷ đồng Việt Nam. Đấy là con số không hề nhỏ, mà nếu có bán hết 40.000 vé trên sân Mỹ Đình, với mức giá đã nêu ở trên (sau khi trừ đi một lượng không nhỏ vé mời), ông Hiển cũng chưa thu hồi nổi vốn. 

Thành ra, cũng khó cho những nhà tổ chức trận đấu trong việc đặt ra giá vé ở mức khác, vì cơ bản Man City là thương hiệu toàn cầu, một thương hiệu mạnh trong làng bóng đỉnh cao thế giới, mà để được xem một thương hiệu như vậy, thì dù muốn dù không, người ta dĩ nhiên phải bỏ ra số tiền tương xứng.

Nhưng nếu xét theo mặt bằng thu nhập trung bình của người dân Việt Nam, mức giá trên lại khá đắt. 1,8 triệu đồng, tức là khoảng nửa tháng lương của một người lao động bình thường ở các đô thị. Mất nửa tháng lương để xem một trận bóng đá (cộng thêm điều kiện phải may mắn mua được vé với giá gốc), đấy là chuyện chẳng đơn giản chút nào.

Vé xem Man City thi đấu trên sân Mỹ Đình có mức cao nhất là 1,8 triệu đồng/vé

Thành ra, câu trả lời ở đây là nếu người hâm mộ thấy giá vé mà BTC trận đấu đưa ra là hợp lý, họ có quyền mua vé để vào sân. Còn nếu cảm thấy không hợp lý, lời khuyên là đừng mua, thay vào đó họ có thể chọn cách ở nhà, xem trận đấu qua truyền hình. Bởi, như đã nói ở trên, nếu nhìn vấn đề theo nhiều góc độ khác nhau, không dễ để kết luận vé xem trận cầu trên là rẻ hay mắc, nên lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về khán giả.

Mà đây cũng là bài toán đối với bầu Hiển. Ông Hiển khi tổ chức trận đấu, cùng với BTC đặt ra mức giá vé cao so với thu nhập của người dân đầu tiên là muốn thông qua tiền bán vé, thu lại một phần con số 36 – 37 tỷ đồng để bỏ ra.

Nhưng mặt khác, cũng chính ông Hiển sẽ muốn khán giả vào sân đông, vì người ta vào sân đông chứng tỏ người ta có quan tâm, mà khán giả có quan tâm thì khâu quảng bá sản phẩm của bầu Hiển – mục đích chính của thương vụ này, mới hiệu quả.

Đấy là cái lợi vô hình không thể đong đếm bằng những con tính thông thường được. Thành ra, nếu vì giá vé cao mà khán giả không thể vào kín sân, vì giá vé cao mà người xung quanh bớt quan tâm đến trận đấu, lúc đấy, cái mục đích to nhất của những người tổ chức trận đấu chắc chắn sẽ hỏng theo.

Nói cho cùng, đấy là một bài toán kinh tế mà có lẽ những doanh nhân cỡ bự như bầu Hiển rành hơn người khác. Ông Hiển và những nhà tổ chức trận đấu đang đánh cược tình yêu của người hâm mộ với những mức giá vé vừa được công bố. 

Thành công hay thất bại với thương vụ này có lẽ cần phải chờ thời gian trả lời, chờ khán giả có vào kín sân Mỹ Đình tối 27/7 tới đây hay không? Chờ người hâm mộ cả nước có sôi lên vì trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với Man City hay không?

Còn chuyện giá vé mắc hay rẻ, nói cho cùng vẫn là bài toán cung – cầu. Hãy chờ xem thị trường cho cầu trả lời về bài toán ấy!

Công Phượng và tấm gương từ Công Vinh

Người ta vẫn so sánh Công Phượng với Công Vinh. Nói công bằng, Công Phượng có tố chất tốt hơn, nhưng trong bóng đá, tố chất không thôi thì chưa đủ, thậm chí có khi còn chưa đủ để “sống thọ” với nghề và sống thọ cùng sự nổi tiếng lâu dài như Công Vinh.

Công Vinh vốn xuất thân không phải là một tiền đạo có tố chất tốt. Ngày mới chập chững bước chân vào môi trường đỉnh cao, báo giới trong nước lúc đó còn gọi Công Vinh là “chú còm”. Tức cầu thủ gốc xứ Nghệ không phải là người giỏi trong va chạm, tranh chấp, càng bất lợi về mặt thể hình.

Công Vinh cũng không phải là cầu thủ mạnh về mặt kỹ thuật. Nói về tố chất, Công Vinh khó so với Văn Quyến, có khi cũng không lắt léo bằng Công Phượng. Nhưng cũng khi so với Văn Quyến, sự nghiệp của Công Vinh tốt hơn nhiều.

Văn Quyến thuộc dạng ngôi sao sớm nở tối tàn, sự nghiệp đỉnh cao của Văn Quyến dường như cũng dừng lại từ thời điểm SEA Games 2005, trong khi đó, Công Vinh cứ thăng tiền đều đều, thậm chí giờ vẫn là tiền đạo số 1 của bóng đá Việt Nam, dù đã bước qua tuổi “băm”.

Công Phượng cần phải học hỏi rất nhiều nếu muốn tỏa sáng trong môi trường đỉnh cao

Từ một “chú còm” ngày nào, Công Vinh ở giai đoạn đỉnh cao là cầu thủ nổi tiếng về mặt tốc độ, cải thiện đang kể khả năng va chạm và khả năng thích nghi với nhiều môi trường khác nhau. Khả năng dứt điểm của Công Vinh cũng khá đa dạng.

Từ chỗ bất lợi về thể hình, Công Vinh cũng cải thiện đáng kể khả năng không chiến, mà bàn thắng bằng đầu đáng nhớ nhất của Công Vinh chính là bàn thắng vào lưới đội tuyển Thái Lan, ở chung kết lượt về AFF Cup 2008, mang ngôi vô địch về cho đội tuyển Việt Nam.

Sự ổn định trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là điều cần được ghi nhận. Đấy là chi tiết mà Công Phượng nên học ở đàn anh Công Vinh. Cầu thủ của HA Gia Lai đúng là có tố chất tốt, thậm chí tốt hơn Công Vinh lúc khởi đầu nghiệp cầu thủ đỉnh cao, nhưng cho đến giờ, Công Phượng vẫn chưa là gì cả, trong khi ở cùng độ tuổi với Công Phượng bây giờ, Công Vinh từng giành cả quả bóng vàng Việt Nam.

Đấy là nhờ Vinh chịu khó rèn luyện, chịu khó thích nghi và chịu khó thay đổi để phù hợp với nhiều môi trường khác nhau, nhiều mốc thời gian khác nhau của sự nghiệp, trong khi khả năng thích nghi vẫn là một trong những dấu hỏi với Công Phượng hiện giờ?

Công Phượng có tố chất tốt, nhưng về mặt tư duy chơi bóng, Phượng còn lâu mới so được với bậc đàn anh. Nhờ chịu khó học hỏi và chịu khó quan sát mà Công Vinh có lẽ là một trong những cầu thủ nội có tư duy tốt nhất vài năm trở lại đây.

Công Vinh có thể không còn nhiều pha bóng bùng nổ như ngày còn đỉnh cao, nhưng Công Vinh cũng ít khi xử lý hỏng, theo kiểu đặt đội nhà vào thế nguy hiểm, hoặc biến những nỗ lực của cả đội trước đó trở thành công cốc với pha xử lý ngớ ngẩn của mình, như Công Phượng vẫn thường hay mắc phải.

Mong rằng Công Phượng tự ý thức được rằng Phượng chưa là gì cả, chưa là gì về mặt thành tích và cũng chưa là gì ở môi trường đỉnh cao. Cũng mong rằng những người xung quanh Công Phượng đừng ngộ nhận rằng Phượng đã ở vào trình độ gì ghê gớm lắm, đã là cầu thủ đặc biệt của bóng đá nội. 

Cũng đừng đẩy hết trách nhiệm về chuyện Công Phượng không thể tỏa sáng ở giải này giải khác cho yếu tố khách quan, mà trước tiên, nên chỉ cho Phượng thấy nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân Công Phượng, rằng đâu là điều mà cậu ta nên thích nghi, rồi đâu là điều mà cậu ta cần phải học, phải thay đổi cho phù hợp!

Ban Kiểm tra VFF vào cuộc, làm rõ vụ tố cáo nhận hối lộ tại VFF

Trưởng Ban kiểm tra VFF Nguyễn Nam Hùng cho biết Ban kiểm tra đã vào cuộc để xác minh làm rõ đơn tố cáo nhận hối lộ liên quan đến 2 thành viên chủ chốt của VFF.

Trong buổi gặp gỡ giới truyền thông phía Nam cách nay 1 ngày, trưởng Ban kiểm tra VFF Nguyễn Nam Hùng cho biết ban này đã và sẽ có những buổi làm việc với những người có liên quan đến vụ tố cáo 2 quan chức cao cấp của VFF nhận hối lộ, từ đơn của ông Nguyễn Văn Chương – nguyên quyền Giám đốc trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thuộc VFF, tố cáo chủ tịch và phó chủ tịch thường trực VFF nhận hối lộ.

Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Ban kiểm tra VFF sẽ làm việc với phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn – một trong hai nhân vật bị tố trong đơn của ông Nguyễn Văn Chương. Theo trình tự, ông Nam Hùng cho hay Ban kiểm tra VFF sẽ yêu cầu ông Tuấn viết bản tường trình về vụ việc. 

Trưởng Ban kiểm tra VFF Nguyễn Nam Hùng (trái), cho biết ban này đã vào cuộc, làm rõ đơn tố cáo nhận hối lộ tại VFF (ảnh: Trọng Vũ)

Còn với chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, sau khi ông Dũng về Việt Nam sau khi chữa bệnh tại Nhật, Ban kiểm tra VFF cũng sẽ gặp và làm việc với người đứng đầu VFF xung quanh vấn đề trên. 

Trước đó, Ban kiểm tra VFF đã có buổi làm việc với ông Trần Duy Long – nguyên chủ tịch LĐBĐ TPHCM, người đã có mặt tại nhà của ông Lê Hùng Dũng hồi tháng 8/2014, khi bên tố cáo là ông Nguyễn Văn Chương và người bị tố cáo là ông Lê Hùng Dũng cho biết đấy là một trong những thời điểm mà ông Chương có ý định đưa quà cho ông Dũng.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Hùng – trưởng Ban kiểm tra VFF, do đơn tố cáo có nhiều nội dung phức tạp, có nhiều tình tiết liên quan đến pháp luật, nên Ban kiểm tra VFF chưa thể phát biểu cụ thể vào lúc này. Theo trình tự, Ban kiểm tra sau khi làm việc với những nhân vật có liên quan, Ban kiểm tra dựa trên quyền hạn và nhiệm của mình, sẽ báo cáo với thường trực VFF, để thường trực quyết định, trước khi có những hướng xử lý tiếp theo.

Trong khi đó, Tổng thư ký (TTK) VFF Lê Hoài Anh, với tư cách người phát ngôn của VFF, cho biết chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã nêu quan điểm mong cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ sự việc, ai sai phạm đến đâu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đó. Nếu đơn tố cáo là đúng sự thật, những người bị tố cáo khi được làm rõ sai phạm phải chịu trách nhiệm với những sai phạm của mình. Còn nếu tố cáo không đúng, người tố cáo cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi vu khống và làm mất uy tín người khác, do họ gây ra.

U23 Việt Nam: Không gây thất vọng, nhưng khó nói thành công

Tấm HCĐ của U23 Việt Nam tại SEA Games 28 không đến nỗi là thành tích quá thất vọng với đội bóng trong tay HLV Miura. Tuy nhiên, nói đấy là thành công thì có khi cũng chưa đúng.

Hơn thành tích các kỳ SEA Games gần nhất

So với thành tích trong môn bóng đá nam ở 2 kỳ SEA Games gần nhất vào các năm 2011 và 2013, U23 Việt Nam vừa dự SEA Games 2015 có thành tích tốt hơn. Năm 2011 ở Indonesia, chúng ta thua trong trận tranh HCĐ. Còn sau đó 2 năm trên đất Myanmar, chúng ta thậm chí bị loại ngay vòng bảng.

Thành ra, so với những kỳ SEA Games ấy, đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Miura trên đất Singapore làm được nhiều việc hơn, chí ít là không đến nỗi cúi gầm mặt rời cuộc chơi sau giải đấu.

Cũng ở SEA Games lần này, chúng ta đã giới thiệu một thế hệ cầu thủ đầy triển vọng, đủ sức trở thành trụ cột của đội tuyển quốc gia như Ngọc Hải, Huy Toàn, Công Phượng,… Ngoài ra, một số gương mặt khác vẫn còn đủ khả năng dự SEA Games 2017, như Công Phượng, Văn Toàn, Tiến Dũng, Duy Mạnh,…

Thế nên, có thể nói đây là lứa U23 tốt nhất so với 3 kỳ SEA Games gần nhất của bóng đá Việt Nam. Và để tạo nên lứa cầu thủ hiện nay, phải công bằng mà nói rằng công phát hiện cũng như bồi dưỡng của HLV Miura khá lớn.

Tấm HCĐ mà đội tuyển U23 Việt Nam giành được cũng chưa thể gọi là thành công trọn vẹn

Dưới bàn tay của vị HLV người Nhật, nhiều cầu thủ đã trưởng thành vượt bậc so với chính họ trước đó. Đáng kể nhất là trường hợp của Ngọc Hải, một trong những hậu vệ có thể nói là tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay, kể từ sau thời của Phước Tứ, Minh Đức. 

Rồi đấy còn là trường hợp của Công Phượng, cầu thủ trưởng thành thấy rõ dưới thời HLV Miura, theo hướng hiện đại hơn và đa dạng hơn. Đấy là một Huy Toàn đầy tính bùng nổ và khá ổn định trong suốt nhiều trận đấu, nhiều giải đấu quốc tế mà anh tham dự gần đây.

Sau SEA Games 2011 và nhất là sau SEA Games 2013, người ta không có nhiều niềm tin vào các lứa cầu thủ của bóng đá Việt Nam thời điểm ấy bằng bây giờ. Chi tiết ấy phản ánh đội tuyển của HLV Miura đang giúp bóng đá nội lấy lại niềm tin.

Nhưng cũng khó gọi là thành công

Quay lại với tư thế của đội tuyển U23 Việt Nam trước khi vào giải, rằng khi đó chúng ta là ứng cử viên rất nặng ký cho danh hiệu vô địch. Tư thế ứng cử viên ấy dựa trên dàn cầu thủ đồng đều có mặt trong đội tuyển, dựa vào lượng tuyển thủ quốc gia đầy ắp có mặt ở Singapore, trong màu áo đội tuyển U23. Xét về những tiêu chí ấy, chỉ có Thái Lan ở SEA Games 2015 là có thể so với U23 Việt Nam.

Với tư thế ứng cử viên vô địch, cộng với dàn cầu thủ đồng đều đang có trong tay, người ta kỳ vọng rằng đội bóng của HLV Miura chí ít cũng phải vào đến trận chung kết. 

Thành ra, mới có chuyện, lúc đội bóng của vị HLV người Nhật không thể có mặt trong trận đấu cuối cùng, nhiều người đã nói ngay rằng đó là thất bại cay đắng của U23 Việt Nam. Nó cay đắng ở chỗ, trong suốt quá trình dự SEA Games 2015, đội tuyển bóng đá nam hầu như chỉ có 2 trận mang tính sống còn: 1 là trận quyết đấu với Malaysia ở vòng bảng, 2 là trận bán kết với Myanmar.

Thế nhưng, chúng ta lại thua ở 1 trong 2 trận mang tính sống còn ấy, khi chính chúng ta có rất nhiều thời gian chuẩn bị cho trận bán kết (hầu như chỉ đá nhàn nhã từ trận gặp Lào, với Đông Timor, cho đến tận trận cuối vòng bảng với Thái Lan), nhưng vẫn thua.

Cũng từ kết quả của trận bán kết với Myanmar, chúng ta vỡ ra nhiều điều, nhiều điểm mà lâu nay chúng ta ngỡ chúng ta mạnh, nhưng thực chất lại yếu. Ví dụ như kỹ thuật, một đội bóng có kỹ thuật thì không thể dứt điểm hỏng liên tục trong những tình huống thuận lợi, trong khi ngược lại đối phương sút cú nào chắc cú ấy. Ví dụ như tinh thần, một đội bóng có tâm lý tốt, tinh thần, bản lĩnh tốt thì dứt khoát phải biết cách đứng vững ở những thời khắc sinh – tử, trong khi chúng ta thì không (cả thế giới gọi cầu thủ Đức có "tinh thần thép" cũng chủ yếu xuất phát từ chỗ họ luôn đứng vững trong những trận căng thẳng).

Còn tại sao lại có những yếu kém ấy thì đấy là vấn đề mà sau SEA Games, những người quản lý bóng đá nội phải nghiêm túc nhìn lại. Phải nhận ra vị trí đích thực, nhận ra những nhược điểm cơ bản của mình thì mới mong thay đổi, thậm chí thay đổi từ chân đế là cái nền ở giải quốc nội. 

Chưa chắc 2 năm nữa, chúng ta đã bắt kịp Thái Lan, hoặc sẽ vượt lên hẳn so với Myanmar sau đây 2 năm. Nhưng nếu không thay đổi, sau 5 – 10, hay 15 năm nữa chẳng lẽ cứ phải chịu cảnh xếp sau những người láng giềng trong khu vực hay sao?

Bóng đá Việt Nam đang ở đâu tại Đông Nam Á?

Hai năm liền vào bán kết các giải đấu tầm khu vực, bóng đá Việt Nam dĩ nhiên vẫn nằm trong nhóm đội khá. Nhưng bị loại 2 lần liên tiếp ở vòng bán kết, cũng có nghĩa là chúng ta chưa có khả năng tranh chấp vị trí cao nhất...

Thiếu ổn định 

Ngoài trừ Thái Lan giờ đã trên tầm khu vực, so với các nền bóng đá còn lại tại Đông Nam Á, rất khó nói các đại diện của bóng đá Việt Nam đứng trên hay đứng dưới họ? Dưới thời HLV Miura, các đội tuyển của chúng ta đã biết cách đánh bại Malaysia, Philippines. Nhưng ngặt nỗi, bây giờ, đến lượt Myanmar có thể hạ chúng ta, có thể trở thành rào cản của các đội tuyển Việt Nam.

Cần nhắc lại chi tiết Myanmar vốn trong khoảng 20 năm nay, cho đến trước SEA Games 2013 cách nay 2 năm, hầu như sa sút nhiều hơn là tiến bộ. Thế nhưng, khi họ có dấu hiệu quay lại, thế hệ cầu thủ trẻ của họ hiện tại lại có thể vượt mặt thế hệ cùng trang lứa của bóng đá Việt Nam. 

Cụ thể, ngoài đội tuyển U23 Myanmar vừa thắng U23 Việt Nam ở bán kết SEA Games 2015, đội tuyển U19 của nước này còn vào đến VCK World Cup U20 thế giới, trong khi lứa Công Phượng và các đồng đội của tuyển U19 Việt Nam năm ngoái lại thất bại với mục tiêu tương tự.

Vấn đề của các đội tuyển Việt Nam từ năm ngoái đến năm nay là rất thiếu ổn định. Chúng ta có thể chơi bùng nổ trong những trận cầu ít được chờ đợi, thậm chí bị đánh giá là lép vế so với đối thủ (như trận thắng Philippines ở vòng bảng, thắng Malaysia ở bán kết lượt đi AFF Cup 2014), nhưng lại hay ngã ngựa trong những trận cầu đòi hỏi sự điểm tĩnh, khi đã nắm lợi thế trong tay (thua Malaysia ở bán kết lượt về AFF Cup 2014, thua Myanmar ở bán kết SEA Games 2015).

Sự thiếu ổn định của đội tuyển U23 Việt Nam phản ánh đẳng cấp thấp của nền bóng đá nói chung

Đấy có lẽ cũng là vấn đề liên quan đến đẳng cấp của nền bóng đá. Nếu là đẳng cấp trên người khác, có lẽ người ta sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố phong độ hay tâm lý trong từng trận đấu riêng lẻ (ví như Thái Lan, có thể có khi họ đá hay, có khi đá chưa thật hay, nhưng điểm chung là hay hoặc không hay thì họ vẫn đủ sức đánh bại các đối thủ khác, vì đẳng cấp họ cao hơn).

Chân đế không vững, phần ngọn đung đưa

Nhưng bây giờ nếu trách riêng đội tuyển, hoặc trách các thành viên của đội U23 Việt Nam đang dự SEA Games về sự thiếu ổn định của đội bóng này có lẽ là chưa đủ, và chưa thật công bằng đối với họ.

Nguyên nhân sâu xa hơn cho sự thiếu ổn định đấy chắc chắn bắt nguồn từ giải trong nước. Không thể đòi hỏi một đội tuyển giữ được sự ổn định khi mà ngay chính giải quốc nội cũng chẳng ổn định. Càng không thể đòi hỏi đội tuyển có đẳng cấp cao trong một nền bóng đá có phần chân đế nói chung là giải trong nước có chất lượng không cao.

U23 Việt Nam thất bại trước Myanmar trong trận bán kết SEA Games chủ yếu đến từ 2 nguyên nhân chính là chất lượng kỹ thuật và tâm lý thi đấu. Sự thiếu ổn định về mặt kỹ thuật, nhất là kỹ thuật dứt điểm khiến chúng ta không tận dụng các cơ hội triệt để bằng họ. Sự yếu kém về mặt tâm lý khiến cho đoàn quân của HLV Miura không biết cách giữ cái đầu lạnh trong những thời điểm không được phép mắc sai lầm (dạng như tình huống dùng tay chơi bóng dẫn đến phạt đền của Ngọc Thắng, hay sự phung phí của Hồng Quân).

Chất lượng của đội tuyển nói cho cùng chỉ phản ánh mặt bằng chung của toàn bộ nền bóng đá. Làm sao có được những thế hệ cầu thủ ổn định về mặt kỹ thuật khi người ta hết năm này đến năm khác cứ qua loa với khâu đào tạo (thậm chí cơ quan điều hành nền bóng đá còn sẵn sàng sửa đổi quy chế, để giúp một số đội lách luật, khỏi phải tham dự một vài giải đấu trẻ cấp quốc gia)? Làm sao có được dàn cầu thủ giàu bản lĩnh khi công tác sử dụng cầu thủ nội, nhất là cầu thủ trẻ vẫn chưa được chú trọng đúng mức?

Thành ra, thay vì cứ quanh quẩn với câu hỏi chúng ta có may mắn hay không khi bị loại ở bán kết SEA Games năm nay? Cứ phải nhìn thẳng vào điểm bóng đá Việt Nam bây giờ không mạnh, không đủ sức nằm trong nhóm tranh ngôi vô địch khu vực. Cứ thừa nhận những yếu kém của mình để biết yếu mà sửa, thay cho cái cách vụng chèo nhưng khéo chống của những người làm bóng đá suốt nhiều năm qua!

U23 Việt Nam - U23 Indoneisa: Chiến đấu vì danh dự?

U23 Việt Nam vừa trải qua cú sốc nặng khi thất bại trước U23 Myanmar trong trận bán kết. Vấn đề của đoàn quân trong tay HLV Miura là liệu họ có kịp chấn tỉnh để đá trận tranh HCĐ (13h ngày 15/6), hay tiếp tục trượt dài trong nỗi thất vọng?

U23 Indonesia còn thua nặng hơn U23 Việt Nam

Thật ra, nói về những cú sốc, có lẽ U23 Indonesia còn sốc nặng hơn U23 Việt Nam, khi tham vọng vào chơi trận chung kết của đội bóng này, cũng như tham vọng muốn dùng SEA Games để xua đi nỗi đau bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá quốc tế của bóng đá Indonesia vừa bị Thái Lan giáng một đòn choáng váng.

Trước giờ bóng lăn, người ta biết rằng Thái Lan rất mạnh, người ta cũng biết Indonesia của thế hệ hiện nay chưa sánh được với chính bóng đá xứ vạn đảo thế hệ của Santoso (HLV đương nhiệm của U23 Indonesia tại SEA Games 2015), nhưng người ta không ngờ lại có một tỷ số chênh lệch lớn đến vậy trong trận bán kết (5-0).

Mạc Hồng Quân đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trước Myanmar

Thua một trận đậm đến vậy thì không thể nói không ảnh hưởng gì đến tinh thần của các cầu thủ U23 Indonesia. Thế nên, chưa chắc đội bóng xứ vạn đảo sẽ có tinh thần tốt hơn đội bóng của HLV Miura trong trận tranh huy chương đồng (HCĐ).

Về phía U23 Việt Nam, đội bóng này cần tấm HCĐ để xoa dịu nỗi đau của người hâm mộ bóng đá trong nước, sau thất bại trước Myanmar ở bán kết. Giải đấu vẫn chưa kết thúc, và nhiệm vụ của đoàn quân trong tay HLV Miura vẫn phải tiếp tục.

Cũng trong trận tranh HCĐ với Indonesia, một số cầu thủ đang có dấu hiệu bất ổn về mặt tâm lý như Ngọc Thắng, Hồng Quân sẽ phải ngồi trên ghế dự bị, nhường chỗ cho những cầu thủ khác đang khát khao thể hiện mình.

Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng Thanh Bình sẽ đá trung phong ngay phía trên Công Phượng, thay cho Hồng Quân. Còn Phi Sơn có thể được sắp đá ở vị trí tiền vệ cánh phải, thế chỗ cho Ngọc Thắng đang bất ổn về mặt tâm lý.

Sẽ là thảm họa nếu thua

Người hâm mộ dĩ nhiên rất buồn, thậm chí thất vọng khi U23 Việt Nam thua Myanmar ở bán kết. Nhưng niềm tin với đoàn quân trong tay HLV Miura chưa hoàn toàn mất hết.

U23 Việt Nam cần tấm HCĐ để gỡ gạc danh dự

Nếu U23 Việt Nam thắng U23 Indonesia trong trận tranh HCĐ này, nỗi buồn có thể nguôi ngoai phần nào. Bằng ngược lại, sẽ là thảm họa lớn với bóng đá nội, nếu chúng ta tiếp tục trượt dài trong thất bại.

So về thực lực, U23 Indonesia cũng không được đánh giá cao bằng U23 Việt Nam. Đội bóng xứ vạo đảo phải rất khó nhọc mới vượt qua được vòng bảng. Cũng ở vòng bảng, họ bộc lộ một số điểm yếu như phòng ngự không chắc chắn, thường mất bình tĩnh khi bị dẫn trước.

Đấy là những điểm mà đội bóng của HLV Miura có thể khai thác, với điều kiện là chúng ta cũng phải thật bình tĩnh trong các đợt lên bóng. Khâu kết thúc của U23 Việt Nam cũng cần được cải thiện. Bởi, chẳng có đội bóng nào có thể hướng đến chiến thắng mà không biết cách chọc thủng lưới đối phương.

Trận tranh HCĐ giữa U23 Việt Nam với U23 Indonesia có thể cũng là cơ hội cuối cùng của HLV Miura. Cũng giống như toàn bộ đội tuyển U23 vào lúc này, người ta vẫn còn dành chút niềm tin và chút hy vọng với HLV Miura.

Tuy nhiên, nếu đội tuyển U23 Việt Nam thất bại thêm một trận nữa, toàn bộ niềm tin đấy sẽ sụp đổ và sự kiên nhẫn còn sót lại với HLV Miura có khi cũng tan biến.

Một canh bạc với vị HLV người Nhật nói riêng và với U23 Việt Nam nói chung. Chúng ta đã hụt mục tiêu quan trọng nhất là giành quyền vào chung kết, nhưng không có nghĩa là chúng ta được quyền buông xuôi sau khi hụt mục tiêu số 1.

Những lời nói lên gân của mọi thành viên trong đội tuyển U23 Việt Nam lúc này có khi cũng là thừa, nếu như đội tuyển không biết cách tự mình đứng dậy sau cú sốc. Những giọt nước mắt sau thất bại ở trận bán kết cũng sẽ trở nên vô nghĩa, nếu như từng thành viên trong đội không biết cách giành lại vị trí của họ trong lòng người hâm mộ bằng sự thể hiện về mặt chuyên môn.

Dự đoán: U23 Việt Nam thắng 2-1

HLV Miura: 'U23 Việt Nam thua không phải vì đen đủi'

Chiến lược gia người Nhật Bản thất vọng nhưng không sốc khi U23 Việt Nam thất bại ở bán kết SEA Games 28, hôm nay 13/6.

U23 Việt Nam tiếp cận trận đấu đầy tích cực, tạo thế trận lấn lướt trước U23 Myanmar nhưng chung cuộc chịu thua 1-2. Đội bóng áo trắng có gần 10 pha dứt điểm nhưng chỉ một lần làm rung lưới đối thủ nhờ công của Võ Huy Toàn.

"Trận này U23 Việt Nam thua không phải vì đen đủi. Các cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội nhưng lại dứt điểm không hiệu quả. Đây là vấn đề về kỹ thuật dứt diểm, về sự hiệu quả chứ không thể xem là sự may mắn", HLV Toshiya Miura phát biểu sau khi đội nhà dừng bước ở bán kết.

Hồng Quân (phải) là cầu thủ bỏ lỡ nhiều cơ hội nhất của U23 Việt Nam trận này. Ảnh:Đức Đồng.

U23 Myanmar có hai bàn, đến từ tình huống phạt đền và một pha dứt điểm chạm chân một cầu thủ U23 Việt Nam. HLV Miura cho biết bàn thua đầu tiên có thể xem là sự may mắn dành cho đối thủ, nhưng ông cũng như các học trò cần chấp nhận thực tế.

"Tôi rất thất vọng nhưng không sốc. Trong bóng đá, thắng thua là chuyện bình thường. Mọi điều đều có thể xảy ra nên tôi sẽ chấp nhận mọi kết quả", HLV Miura cho biết thêm.

Liên tục nhận bàn thua theo kiểu "chẳng đâu vào đâu", các cầu thủ U23 Việt Nam vẫn không mất tinh thần. Họ liên tục dồn lên gây sức ép, trước một U23 Myanmar chơi phòng ngự số đông và thường xuyên câu giờ tiểu xảo. Đó chính là điều chiến lược gia người Nhật Bản hài lòng khi nói về các học trò.

HLV Miura đón nhận thất bại một cách bình thản. Ảnh: Đức Đồng.

"Cảm ơn các cổ động viên đến Singapore cổ vũ và cả những người theo dõi trên truyền hình", nhà cầm quân sinh năm 1963 nói. "Các cầu thủ của tôi không hề chủ quan và đã chiến đấu hết sức. Tuy nhiên, chúng tôi đã không thể mang lại niềm vui cho người hâm mộ. Tôi xin lỗi vì điều đó".

HLV Miura cho biết toàn đội cần nhanh chóng quên đi thất bại, cố gắng thi đấu trong trận HC đồng diễn ra vào 13h ngày 15/5 (theo giờ Hà Nội), với đội thua trong trận bán kết còn lại giữa U23 Thái Lan và U23 Indonesia.

Sau SEA Games 28, HLV Miura sẽ tập trung vòng loại thứ hai World Cup 2018 cùng tuyển quốc gia.

Dự đoán của độc giả VnExpress về kết quả của U23 Việt Nam tại SEA Games năm nay.Ảnh chụp màn hình.




U23 Việt Nam thua do thiếu may mắn hay do trình độ?

Quả là đội bóng của HLV Miura thiếu may mắn khi đối thủ ghi 2 bàn trong lúc họ hầu như chỉ có 2 tình huống đáng ăn bàn, trong khi chúng ta bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Nhưng bỏ lỡ nhiều cơ hội chẳng phải là vì trình độ hay sao?!

Làm được tất cả, trừ bàn thắng

Nếu đi tìm trận đấu đẹp nhất của U23 Việt Nam trong suốt hành trình SEA Games năm nay, có thể nhiều người sẽ chọn trận đấu với U23 Myanmar ở bán kết. Ngặt nỗi, ngay ở trận mà chúng ta đá đẹp nhất, tấn công bài bản nhất, mảng miếng rõ ràng và đa dạng nhất, thì chúng ta lại thua.

So về số lượng cơ hội, U23 Việt Nam hơn đứt U23 Myanmar. So về thời lượng kiểm soát bóng, đội bóng của HLV Miura cũng hơn đứt đội bóng được dẫn dắt bởi đồng nghiệp Kiy Lwin. Nhưng về số lượng bàn thắng, chúng ta lại thua.

U23 Việt Nam một lần nữa không thể vượt qua U23 Myanmar

Ngặt một nỗi nữa, trong bóng đá, số lượng bàn thắng quan trọng hơn số lượng cơ hội và thời lượng kiểm soát bóng, đồng thời kết quả xem ra còn quan trọng hơn lối chơi.

Bảo U23 Việt Nam kém may mắn khi thất bại không phải không có lý, khi ở bàn thua thứ 2, bàn thua chính thức tiễn chúng ta ra khỏi trận chung kết, bóng dội chân hậu vệ U23 Việt Nam rồi bay vào lưới theo hướng không ngờ nhất. Nhưng, một thất bại thì không chỉ bao gồm chuyện may mắn hay không may mắn.

Không thể nói việc các chân sút U23 Việt Nam thiếu may mắn khi liên tục bỏ lỡ những cơ hội tốt. Đấy là vấn đề thuộc về năng lực, cụ thể là năng lực dứt điểm, năng lực kỹ thuật. Mà so về điểm này, U23 Myanmar rõ ràng trội hơn U23 Việt Nam.

Họ hầu như chỉ có 2 tình huống đáng có bàn thắng trong suốt trận, nhưng họ tận dụng hết cả 2 tình huống ấy. Cùng một trận đấu, cùng phải chịu áp lực như nhau, cầu thủ U23 Myanmar giải quyết tốt hơn cầu thủ U23 Việt Nam khi cần giải quyết các tình huống, thì rõ ràng phải thừa nhận họ hơn mình.

HLV lão làng Nguyễn Thành Vinh chia sẻ những gì mà chúng ta thấy ở đội tuyển hiện nay nói cho cùng cũng chỉ là sản phầm từ giải quốc nội. Nhìn lại trình độ thực chất của chính chúng ta để thấy rằng cách các đội bóng trong nước hiện sử dụng các chân sút ra sao, để đến nỗi các chân sút trở nên kém cỏi như bây giờ?

Thua 3 trận knock-out liên tiếp

Ở Asiad tháng 9 năm ngoái, U23 Việt Nam bị loại ở vòng 1/8, sau khi đá cực hay ở vòng bảng. Ở AFF Cup 2014 vào cuối năm, đội tuyển quốc gia của chúng ta thua ở bán kết. Và giờ, đội U23 lại thua ở vòng bán kết SEA Games 2015.

Cũng không thể nói chuyện may mắn hay không may mắn ở đây, bởi chuyện may – rủi thì không thể cứ lặp đi lặp lại hết giải này đến giải khác. Mà vấn đề thực chất có khi nằm ở chỗ năng lực giải quyết các trận đấu theo kiểu một mất một còn của chúng ta có hạn.

Đấy lại là vấn đề liên quan đến bản lĩnh, mà bản lĩnh cũng là trình độ. Tại sao đối phương biết cách đứng vững trước áp lực của chúng ta, của khán giả Việt Nam tràn ngập trên các khán đài, còn cầu thủ của ta thì không?

Vấn đề này cũng được HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh lý giải thông qua lăng kính giải quốc nội. Theo ông Vinh, làm sao các cầu thủ bản lĩnh cho được khi nhiều đội bóng trong nước hiện nay chưa chú trọng đến chuyện sử dụng các cầu thủ trẻ tại V-League. Nói nôm na, cầu thủ không được sử dụng thường xuyên thì lấy đâu ra bản lĩnh?

Ngay ở đội tuyển U23 Việt Nam hiện nay cũng vậy thôi, nhiều cầu thủ chưa phải là các trụ cột tại CLB, thậm chí chưa phải là những người thường xuyên được đá chính ở giải quốc nội, kể cả nhóm trụ cột của đội tuyển U23 như Huy Toàn, Duy Mạnh, Ngọc Thắng, Tiến Dũng, Minh Long…

Ở đây, HLV Miura dù có giỏi nhào nặn cách mấy, có cố gắng cách mấy thì ông không thể trong một thời gian ngắn, thay đổi được bản lĩnh của một đội bóng gồm nhiều cầu thủ thậm chí còn chưa được đánh giá cao ở tầm CLB.

Nhìn thấy rõ năng lực thật sự của mình để mà thay đổi, thay đổi cả một hệ thống, thì mới thấy được sự bổ ích của thất bại. Phải nhìn đúng trình độ của mình ở đâu, thì mới mong thay đổi được trình độ ấy, thay vì nói chuyện may mắn hay không may mắn ở đây!

Vì sao trận bán kết của U23 Việt Nam diễn ra giữa trưa

Trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar sẽ diễn ra lúc 14h giờ Singapore, tức 13h giờ Hà Nội hôm nay 13/6.

Sân vận động quốc gia Singapore, nơi tổ chức các nội dung điền kinh và các trận bóng đá bán kết, chung kết cũng như lễ khai mạc, bế mạc của SEA Games 28. Ảnh: Đức Đồng.

Theo lịch thi đấu được Ban tổ chức công bố ban đầu, cả hai trận bán kết môn bóng đá nam sẽ diễn ra trên sân vận động quốc gia Singapore. Cụ thể, trận một giữa đội nhất bảng A gặp đội nhì bảng B lúc 15h và trận hai lúc 20h30 giờ địa phương. Nhưng gần đây, Ban tổ chức đã đôn giờ thi đấu trận bán kết một lên sớm hơn một tiếng, với lý do để có thời gian chuẩn bị cho trận hai.

Dù diễn ra cùng một ngày, Ban tổ chức lại bán hai loại vé khác nhau cho hai trận bán kết. Vì thế, sau trận thứ nhất, khán giả phải ra ngoài để ban tổ chức dọn dẹp sân và tu dưỡng mặt cỏ. Sau đó ai muốn vào sân xem trận hai thì mua vé của trận đấu đó.

Ngoài ra, trong lịch thi đấu được ban hành, U23 Singapore được ưu tiên đá trận muộn nếu vào bán kết. Dù đội bóng chủ nhà đã bị loại, lịch thi đấu vẫn giữ nguyên. U23 Việt Nam vì nhì bảng B nên phải thi đấu vào giữa trưa.

Chia sẻ về giờ giấc có phần bất cập này, HLV Toshiya Miura tỏ ra bình thản: “Tôi đã đi thị sát sân đấu và nó rất đẹp. Theo tôi, giờ thi đấu đó không vấn đề gì vì sân có mái che, trời sẽ không nắng. Ngoài ra, sân còn có hệ thống máy lạnh, thông gió nên các cầu thủ sẽ không bị oi bức và ngợp”.



Dù thi đấu lúc buổi trưa nhưng nhờ sân có máy che và hệ thống máy làm lạnh nên không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề thể lực của cầu thủ hai đội. Ảnh: Đông Huyền.

Sân vận động quốc gia Singapore có sức chứa 55.000 chỗ ngồi. Đây là sân phục vụ lễ khai mạc, bế mạc, các môn thi đấu điền kinh và các trận bán kết, chung kết và tranh HC đồng của môn bóng đá nam. Các đội cũng không được làm quen mặt sân trước như một số giải đấu.

Sân vận động Quốc gia Singapore được xây dựng để phục vụ SEA Games 28. Sân là công trình thi đấu đa năng với kết cấu mái vòm và có thể đóng mở, được sử dụng chủ yếu cho các trận đấu bóng đá. Đây là sân vận động duy nhất trên thế giới có thiết kế tùy chỉnh để tổ chức các môn bóng đá, bóng bầu dục, cricket và điền kinh. Với việc chỗ ngồi ở các tầng thấp nhất được cơ khí hóa và tự động hóa, sân vận động này cũng có thể tổ chức các buổi hòa nhạc, chương trình giải trí gia đình, các sự kiện tầm quốc gia và cộng đồng bất cứ lúc nào. 

Sân vận động này được xem là “trái tim” nằm giữa tổ hợp công trình Singapore Sports Hub gồm: Trung tâm thể thao dưới nước OCBC, nhà thi đấu đa năng OCBC, Bảo tàng thể thao Singapore, thư viện trung tâm thể thao, trung tâm mua sắm Kallang Wave và nhà thi đấu Singapore hiện tại, cũng như Trung tâm thể thao dưới nước Kallang Basin liền kề.

Sân vận động Quốc gia Singapore đang giữ kỷ lục về cấu trúc mái vòm lớn nhất thế giới với khoảng vượt 310 mét. Mái của nó có thể thu vào và mất khoảng 25 phút để mở hoặc đóng.

HLV Miura: 'Không chắc U23 Việt Nam có bao nhiêu phần trăm vào chung kết'

Tỏ vẻ tự tin trước trận bán kết SEA Games 28 với U23 Myanmar ngày mai 13/6, nhưng HLV Toshiya Miura lại không dám khẳng định đội bóng của ông chắc chắn vào chung kết.

Ông Miura tỏ ra tự tin và thoải mái trước trận bán kết với U23 Myanmar

“U23 Myanmar là một đội bóng mạnh, thể hiện bằng những màn trình diễn ấn tượng tại vòng bảng vừa qua", HLV Miura đánh giá. "Bởi thế, tôi không có gì bất ngờ khi phải gặp đối thủ này. Mới đây, hai đội đá giao hữu tại Quảng Ninh. Dù hôm đó không có mặt trực tiếp để chỉ đạo (đưa đội tuyển Việt Nam đi đá vòng loại World Cup 2018), tôi vẫn có nhiều thông tin từ các trợ lý. Chúng tôi sẽ có những đấu pháp thích hợp để đối đầu với họ”.

“Chúng tôi đã có sự chuẩn bị tốt cho trận đấu này. Các cầu thủ của U23 Việt Nam sẽ ra sân với tinh thần và sự tự tin cao nhất. U23 Myanmar đã ghi nhiều bàn thắng tại vòng bảng nhưng họ không dễ dàng ghi bàn vào lưới của chúng tôi”, ông Miura tự tin. “Tuy nhiên, trong bóng đá mọi điều đều có thể xảy ra và tôi không dám chắc bao nhiêu phần trăm chiến thắng trận này”.

HLV và đội trưởng hai đội trước trận đánh lớn. Ảnh: Đức Đồng.

Trong khi đó, HLV U23 Myanmr, Kyi Lwin tỏ ra rất tự tin: “Chúng tôi đã có trận giao hữu hoà U23 Việt Nam mới đây. Đó là tiền đề để chúng tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm nhằm đối phó với họ. Tuy nhiên, chúng tôi hiện không quan tâm đến điểm yếu và điểm mạnh của đối thủ, mà tập trung vào sức mạnh của mình. Tôi tin vào sức mạnh của chúng tôi và các cầu thủ sẽ giành chiến thắng để vào chơi trận chung kết”.

Trận bán kết sẽ diễn ra lúc 13h ngày mai 13/6 (giờ Hà Nội) trên sân vận động quốc gia Singapore. “Tôi không quan tâm đến giờ thi đấu. Vì tôi đã kiểm tra sân và không gì trở ngại. Bởi sân có mái che và có cả hệ thống điều hoà để các cầu thủ có được điều kiện thi đấu tốt nhất. Không có chuyện chúng tôi kiến nghị đổi giờ đấu”, ông Miura nói.

U23 Việt Nam và câu chuyện về cốc nước vơi

Trong giai đoạn quyết định của công cuộc chinh phục chiếc huy chương vàng SEA Games, thầy trò HLV Toshiya Miura rất cần sự ủng hộ tuyệt đối của người hâm mộ.

Vẫn là một chiếc cốc nước vơi, người lạc quan nhìn vào sẽ bảo: Cốc nước hãy còn một nửa. Người bi quan sẽ than thở: Cốc nước đã vơi đi mất rồi. Suốt từ khi môn bóng đá nam SEA Games 28 khởi tranh, nội bộ người hâm mộ U23 Việt Nam cũng đang tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược. Một nửa cho rằng HLV Miura gây thất vọng, triết lý thực dụng của ông tạo ra một đội U23 thi đấu băm bổ, lý tính và phi nghệ thuật. Nhưng nửa còn lại thì phủ nhận điều ấy, họ vẫn giành sự tín nhiệm tuyệt đối cho HLV Miura, tin rằng triết lý mà ông theo đuổi là phù hợp nhất với trình độ của các cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại.

U23 Việt Nam trình diễn bộ mặt khá ấn tượng ở vòng bảng SEA Games, một phần là nhờ nguồn động lực to lớn từ các cổ động viên. Ảnh: Đức Đồng.

Đấy quả thực là một cuộc tranh luận dai dẳng. Sự khủng hoảng niềm tin của người hâm mộ bóng đá Việt Nam lên đến đỉnh điểm sau thất bại muối mặt của U23 Việt Nam tại vòng bảng SEA Games 27 (bị loại ngay từ vòng bảng). Quá nhiều thất bại khiến con tim người hâm mộ bị “chai lỳ”, họ chuyển sang trạng thái “yêu nhưng không còn tin”. Vậy mà vẫn có rất nhiều người hâm mộ kiên trì làm người đồng hành qua từng giải đấu. Họ lấy thất bại ở SEA Games 27 làm thước đo để kiểm chứng ý chí vươn lên, vượt qua chính mình của các cầu thủ. Và trên hết, tình yêu của họ không xuất phát từ sự dễ dãi nên rất vững vàng.

Mọi đánh giá về thành công hay thất bại của HLV Miura thời điểm này vẫn chưa đủ độ thuyết phục. Tuy nhiên có một điều chắc chắn: thua một trận trước Thái Lan ở vòng bảng chưa phải là thảm họa. Chúng ta từng giành chiến thắng 3-1 trước U23 Malaysia ở vòng bảng SEA Games 25 (2009) để rồi thua chính họ với tỷ số 0-1 ở trận chung kết. Chúng ta cũng từng thua Thái Lan 0-2 ở vòng bảng AFF Cup 2008, để rồi lên ngôi vô địch sau khi chiến thắng họ với tổng tỷ số 3-2 qua hai lượt trận chung kết. Ngọt ngào và đắng cay đều đã trải qua. Đó chính là tiếng nói từ lịch sử.

Thất bại ở thời điểm này cũng là điều cần thiết để giữ các cầu thủ, giới truyền thông và người hâm mộ ở lại mặt đất. Nói như vậy không có nghĩa là dễ dãi với thất bại. Điều quan trọng sau trận thua là chúng ta rút ra được bài học gì, và thậm chí, trận thua ấy có lợi như thế nào. “Qua mỗi trận đấu với Thái Lan, chúng tôi đều rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Nếu gặp lại họ trong trận chung kết, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh nhưng tôi không thể tiết lộ lúc này”, HLV Miura khẳng định sau trận đấu cuối cùng ở bảng B hôm qua 10/6.

HLV Miura cho rằng ông có cách “trị” Thái Lan nếu hai đội tái đấu. Ảnh: Đức Đồng.

Những thuận lợi đều đã bộc lộ rất rõ. HLV Miura đã chủ động cất các trụ cột trên ghế dự bị để dưỡng sức cho họ, vừa tránh chấn thương, vừa loại trừ nguy cơ treo giò. Quan trọng nhất là tránh lộ “bài”. “Bài” ở đây có thể hiểu là cách sử dụng cầu thủ quan trọng chứ không nhất thiết phải hiểu là “chiến thuật”, khi HLV Miura khẳng định rằng ông luôn có đối sách cụ thể cho từng đối thủ, mỗi trận đấu là một “bài chiến thuật” riêng biệt chứ không có bài chung.

Vài ngày trước trận đấu với Thái Lan, trên các diễn đàn nổ ra một cuộc tranh luận xem đối thủ nào ở bán kết khó nhằn hơn cho U23 Việt Nam. Người thì cho rằng đấy là U23 Myanmar - đội bóng đang chơi rất lên chân và là “ẩn số” của giải đấu năm nay. Số khác quả quyết U23 Singapore mới là đối thủ đáng ngại nhất bởi lợi thế sân nhà và được trọng tài ưu ái thấy rõ. Nhưng suy cho cùng, đối thủ nào cũng có điểm mạnh và sự nguy hiểm của riêng mình. Vậy nên, muốn hiện thực hóa giấc mơ giành huy chương vàng SEA Games, chúng ta không được phép e sợ bất kỳ đối thủ nào. Đối đầu với U23 Myanmar, biết đâu đấy sẽ đem đến những thuận lợi không ngờ.

U23 Việt Nam từng hòa trên thế thắng trước U23 Myanmar ở trận giao hữu cách đây không lâu, nhưng lần tái đấu này sẽ là một U23 Myanmar rất khác. Ảnh: HĐ.

Dù sao chăng nữa, cũng cần khẳng định rằng chiến thắng của U23 Thái Lan tiếp tục góp một viên gạch để củng cố độ vững chắc cho luận điểm: Thái Lan giờ đây đã không còn ở trong “ao làng” Đông Nam Á. Họ có cho riêng mình phong thái điềm tĩnh của người Nhật Bản, sẵn sàng quái khi cần thiết như người Australia và ngày càng mạnh mẽ hơn trong những cuộc tranh chấp tay đôi như những đội bóng đến từ Tây Á. Dù mọi sự so sánh đều là khập khiễng, vẫn có nhiều lý do để tin rằng bóng đá Thái Lan chưa thực sự đạt đến đẳng cấp châu lục nhưng vẫn quá vượt trội so với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, tính chất của những trận đấu knock-out là điều không thể bỏ qua. Thành bại của cả một quá trình nỗ lực chỉ được quyết định vỏn vẹn trong 90 phút. Ở đó, người chiến thắng đôi khi không phải người mạnh hơn, mà là người có những quyết định hợp lý hơn, thậm chí là may mắn hơn đối thủ. Đó là nơi mà đẳng cấp có ít tiếng nói trọng lượng nhất còn phong độ thì lên ngôi. Thái Lan rất mạnh, nhưng nếu có màn tái đấu, không có gì đảm bảo họ sẽ tiếp tục thắng dễ như trận đấu vừa qua.

Cuộc tranh luận giữa hai bộ phận người hâm mộ sẽ còn tiếp diễn, có những người tiếp tục nhìn vào nửa vơi của chiếc cốc để phán xét nhưng không thể phủ nhận rằng thầy trò HLV Miura đang đi đúng hướng. Họ vẫn đang làm tất cả những gì có thể để hiện thực hóa giấc mơ huy chương vàng bóng đá SEA Games của người hâm mộ. Và điều mà họ cần nhất lúc này là sự tin tưởng và ủng hộ trong giai đoạn quyết định của công cuộc chinh phục đỉnh cao.

U23 Việt Nam kiến nghị đổi lịch thi đấu bán kết

Với việc xếp ngôi nhì bảng B, thầy trò HLV Miura sẽ phải gặp đội bóng đứng nhất bảng A là U23 Myanmar, vào lúc 14h ngày 13/6 (giờ Singapore).

Đây là một lịch thi đấu gây bất lợi cho cả hai đội, bởi dù trận đấu được tổ chức trong SVĐ có mái che là Sports Hub,nhưng vẫn sẽ rất nóng. Quan trọng hơn, thời gian thi đấu vào lúc 14h là thời điểm cơ thể nghỉ ngơi sau bữa ăn trưa, nên các cầu thủ chắc chắn sẽ không có thể trạng tốt nhất.

Sau thất bại trước Thái Lan, U23 Việt Nam tụt xuống nhì bảng và phải đá bán kết vào 14h30

Phải thi đấu ở khung giờ này, các cầu thủ sẽ buộc phải ăn trưa sớm hơn dự kiến 1-2 tiếng, để còn tranh thủ ngủ trưa.

Về lịch thi đấu khá bất cập này, trưởng đoàn U23 Việt Nam Dương Vũ Lâm cho biết ông sẽ có kiến nghị gửi lên BTC. Tuy nhiên, việc thay đổi lịch là rất khó bởi ngoài bóng đá, BTC cũng tổ chức nhiều môn thi đấu tại SVĐ quốc gia.

HLV Miura: “Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các CĐV Việt Nam”

Sau thất bại 1-3 của U23 Việt Nam trước U23 Thái Lan, HLV Miura không hề tỏ ra bi quan và ông khẳng định toàn đội sẽ nỗ lực hết mình ở bán kết SEA Games năm nay. Bên cạnh đó, HLV người Nhật cũng gửi lời cảm ơn đến các CĐV Việt Nam đã đến sân cổ vũ hết mình.

Ngay đầu buổi họp báo, HLV Miura đã ngỏ ý muốn tri ân đến các CĐV Việt Nam: “Tôi rất trân trọng sự yêu mến của CĐV Việt Nam với đội bóng. Họ đến sân rất đông, hết mình cổ vũ cho các cầu thủ dù chúng ta bị dẫn trước”.

HLV Miura không trách cứ các học trò về thất bại

Đánh giá về trận đấu với Thái Lan, HLV Miura cho hay: “Trước khi gặp Thái Lan chúng ta không thể biết kết quả như nào, nhưng sau trận đấu đã diễn ra đúng với những gì cầu thủ thể hiện trên sân.

Trận đấu này tôi không hài lòng ở hiệp 1. Các càu thủ không tận dụng cơ hội để chuyển thành bàn thắng. Các cầu thủ Thái Lan chơi rất tốt và biết cách chắt chiu các tình huống để ghi bàn.

Ở hiệp 2 tôi có một số thay đổi và chúng ta chơi tốt hơn. Đây là trận đấu khó khăn, nhưng các cầu thủ đã thi đấu cố gắng và tôi không trách các học trò”.

HLV Miura cũng khẳng định đây là trận đấu ông không coi trọng kết quả: “Ở trận đấu này tôi có một số thử nghiệm ở đội hình. Trong đội hình mới có một vài điểm yếu, nhưng tôi cũng hài lòng với một số cầu thủ.Tôi không bất ngờ về cách chơi của Thái Lan.

Cuối cùng, HLV Miura cũng khá dè chừng về đối thủ ở bán kết: “Về đối thủ ở bán kết là U23 Myanmar, tôi không chia sẻ gì về đối thủ này. Dĩ nhiên mục tiêu vào chung kết là không thay đổi khi U23 Việt Nam đã vào bán kết”.

HLV Miura đổi ý, đặt mục tiêu vào chung kết SEA Games 28

Sớm đoạt vé vào bán kết sau chiến thắng trước U23 Timor Leste, Toshiya Miura tự tin cho rằng đội U23 Việt Nam sẽ lọt vào trận tranh HC vàng.

Ông Miura tự tin về cơ hội vào chung kết của U23 Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.

Sau chiến thắng 4-0 trước U23 Timor Leste tối 7/6, U23 Việt Nam chiếm vị trí đầu bảng B và chắc chắn vào bán kết. Đây là chỉ tiêu HLV Miura đăng ký với Tổng cục thể dục thể thao trước ngày lên đường.

Tuy nhiên, bây giờ thì ông thầy người Nhật Bản không muốn dừng lại. “Qua từng trận đấu, các cầu thủ của chúng tôi đang dần tiến đến sự hoàn thiện. Vì thế, tuỳ vào từng trận đấu để chúng tôi có cách sắp xếp con người hợp lý. Một khi đã vào đến bán kết, các cầu thủ của chúng tôi chắc chắn sẽ vào chung kết”, HLV Miura chia sẻ.

Ông cũng lý giải vì sao U23 Việt Nam trận này chơi hiệu quả hơn so với chiến thắng khó khăn 1-0 trước U23 Lào. “U23 Lào chơi phòng ngự, còn U23 Timor chọn cách chơi tấn công vì vẫn còn mục tiêu vào bán kết nếu giành chiến thắng. Nắm bắt được tình thế đó, chúng tôi đã triển khai đánh vào điểm yếu của họ ở hai cánh và đó chính là nơi xuất phát của bốn bàn trận này”.

Nhận xét về các học trò, nhà cầm quân sinh năm 1963 đặc biệt khen ngợi tiền vệ trung tâm Huy Hùng: “Cậu ấy dính chấn thương nên khi trở lại đã thiếu cảm giác bóng ở trận đầu. Tuy nhiên, một khi đã lấy lại phong độ và cảm giác chơi bóng, Huy Hùng sẽ chơi rất tốt và làm chủ được khu trung tuyến”.
Lợi thế về thể hình không giúp các cầu thủ U23 Timor Leste ngăn cản chiến thắng của U23 Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.

Ở trận đấu cuối vòng bảng, U23 Việt Nam gặp U23 Thái Lan (10/6). Một trận hoà sẽ giúp các chàng trai áo đỏ vào bán kết với vị trí nhất bảng. Tuy nhiên, Miura chưa tiết lộ ý đồ chiến thuật. “Thái Lan là đội mạnh nhất khu vực. Vì thế chúng tôi phải tìm biện pháp tốt nhất để đối phó với họ”, ông cho biết. “Đừng cho rằng chúng tôi đang có lợi thế, khi U23 Thái Lan lúc này không có HLV Kiatisuk. Nó chẳng có lợi thế gì cả vì Kiatisuk là HLV chứ đâu phải cầu thủ”.

Cuối cùng, chiến lược gia người Nhật cũng không quên dành lời cám ơn các CĐV đã luôn đến sân để cổ vũ cho các học trò của ông. “Tôi rất cảm kích khi họ luôn sát cánh và cổ vũ nhiệt tình trong các trận đấu của chúng tôi. Chính họ đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi đoạt vé vào bán kết mà ở kỳ SEA Games trước chưa thực hiện được”.

Các cầu thủ U23 Việt Nam sớm đoạt vé vào bán kết sau bốn trận toàn thắng. Ảnh: Đức Đồng.


U23 Timor Leste - Đối thủ duy nhất có thể ngáng đường U23 Việt Nam

Chỉ cần một điểm trong trận đấu tối nay 7/6, U23 Việt Nam sẽ vào bán kết. Tuy nhiên, một thất bại sẽ lập tức đẩy thầy trò HLV Toshiya Miura vào tình thế nguy hiểm.

Cánh cửa vào bán kết SEA Games 28 đang rộng mở trước mắt thầy trò HLV Miura. Ảnh:Lâm Thoả

Đánh bại U23 Brunei chiều qua 6/6, U23 Thái Lan giành tấm vé đầu tiên của bảng B vào bán kết môn bóng đá nam SEA Games 28. Tấm vé còn lại là cuộc cạnh tranh giữa U23 Việt Nam và U23 Timor Leste. U23 Malaysia đã hết hy vọng, bởi ngay cả khi thắng cả hai trận còn lại họ cũng không thể bằng điểm U23 Thái Lan và thua U23 Việt Nam về đối đầu.

U23 Việt Nam liên tiếp đánh bại U23 Brunei (6-0), U23 Malaysia (5-1) và U23 Lào (1-0), giành chín điểm tuyệt đối. U23 Timor Leste mới có ba điểm khi thua U23 Malaysia (0-1), thua U23 Thái Lan (0-1) và thắng U23 Brunei (2-1). Tuy nhiên, do SEA Games sử dụng luật tính thành tích đối đầu trước khi tính hiệu số, cơ hội để thầy trò HLV Fabio Magrao vào bán kết vẫn còn rất nhiều. Họ sẽ đi tiếp nếu thắng cả U23 Việt Nam và U23 Lào, trong khi ở trận cuối thầy trò HLV Miura gục ngã trước U23 Thái Lan.

Chính vì vậy, đang nắm hoàn toàn thế chủ động và được đánh giá là cửa trên nhưng HLV Miura vẫn thận trọng. Chiến lược gia người Nhật Bản cho hay: “Cơ hội vẫn chia đều cho U23 Timor Leste và U23 Việt Nam. Vì vậy tôi sẽ phải tính toán cẩn thận trước khi đưa ra quyết định sử dụng nhân sự. Tuy nhiên, chắc chắn những cầu thủ đang có phong độ tốt và không bị thương sẽ ra sân”.

Hiện tại, U23 Việt Nam có bốn cầu thủ bị đau. Minh Tùng và Hữu Dũng chấn thương trong trận gặp U23 Malaysia và U23 Lào. Trong khi đó buổi tập chiều qua 6/6 thủ thành Văn Tiến và tiền đạo Thanh Bình cũng bị đau nhẹ.

Đội hình dự kiến

U23 Việt Nam: Minh Long, Thanh Hiền, Ngọc Hải, Tiến Dũng, Mạnh Hùng, Huy Toàn, Duy Mạnh, Huy Hùng, Phi Sơn, Công Phượng, Hồng Quân.

U23 Đông Timor: Maxanches, Dos Santos, Sabas Victor, Oliveira, De Almeida, Palmeira, De Jesus, Rosa Ribeiro, Neto, Monteiro, Da Fonseca.

U23 Việt Nam - U23 Lào: Tiếp tục là 3 điểm

Sau khi vượt qua U23 Malaysia, sẽ chẳng có lý do gì U23 Việt Nam lại không giành 3 điểm trọn vẹn trước đối thủ được đánh giá yếu hơn nhiều là Lào tối nay. Tuy nhiên, ngoài mục tiêu 3 điểm, thầy trò HLV Miura cần phải bảo toàn lực lượng để chuẩn bị cho 2 trận đấu cuối vòng bảng.

Trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Lào sẽ diễn ra vào lúc 19h30 (giờ Việt Nam) trên sân Bishan.Trong khu vực, Lào vốn là đối thủ không xa lạ với bóng đá Việt Nam. Dù đã có sự tiến bộ thời gian qua nhưng ở cả cấp ĐTQG và U23, đội bóng này luôn bị xếp ở chiếu dưới trong mỗi lần gặp tuyển Việt Nam.

U23 Việt Nam cần tiếp tục có thêm những chiến thắng như trước Malaysia

Tại SEA Games năm nay, Lào tiếp tục sử dụng nhiều cầu thủ trẻ, với mục tiêu học hỏi, cọ xát. Với một đội bóng có trình độ trung bình, lực lượng cũng không có cá nhân nào nổi trội, việc Lào để thua đậm U23 Thái Lan ở trận ra quân với tỷ số 0-6 cũng là dễ hiểu.

Kể từ ngày sang Singapore, HLV Miura và các cộng sự rất ít khi nói về đối thủ U23 Lào ở bảng B. Không phải họ khinh thường đối thủ, mà bởi các thành viên U23 Việt Nam tự tin vào khả năng giành chiến thắng của mình khi đối đầu với đội bóng xứ sở Triệu voi.

Huống hồ, U23 Việt Nam đang rất cần 1 chiến thắng để củng cố ngôi đầu bảng. Thầy trò HLV Miura cũng không muốn đánh mất lợi thế về tinh thần thi đấu hưng phấn của mình sau trận thắng huỷ diệt U23 Malaysia.

Vượt qua U23 Lào không phải là nhiệm vụ quá khó, nhưng U23 Việt Nam sẽ chơi như thế nào, mới là điều được nhiều người quan tâm.

Thực tế, chiến thắng của U23 Việt Nam là rất đáng mừng nhưng U23 Malaysia chưa xứng làm thước đo cho thầy trò Miura. Đây là đội hình Malaysia dự SEA Games kém nhất từ trước đến nay. Nhìn lối chơi của U23 Malaysia không có hồn và họ cũng không có một chân sút thực sự đẳng cấp để có thể cụ thể những cơ hội nguy hiểm thành bàn thắng.

Nhìn lại trận đấu tối 2/6, hàng thủ của U23 Việt Nam mắc lỗi khá nhiều và có không ít tình huống cầu thủ U23 Malaysia xâm nhập vòng cấm. Tuy nhiên, các chân sút người Mã lại ngờ nghệch một cách khó hiểu. Họ còn thiếu kinh nghiệm trong những pha xử lý cần tinh tế, đột biến như vậy.

HLV Miura cần có những tính toán lực lượng ở trận gặp Lào

Nói thế để thấy, U23 Việt Nam vẫn cần một đối thủ mạnh như Thái Lan để biết mình đng đứng ở đâu. Việc thắng Lào với một tỷ số đậm, rất có thể sẽ càng khiến các học trò của HLV Miura thêm tự mãn.

Như vậy, thắng U23 Lào là mệnh lệnh, nhưng cách thắng của U23 Việt Nam phải thuyết phục, đồng thời những hạn chế ở hàng phòng ngự phải được khắc phục.

Thêm một vấn đề nữa, HLV Miura cũng cần phải tính toán về nhân sự, xếp những cầu thủ không có thể lực tốt ở băng ghế dự bị. Phía trước U23 Việt Nam vẫn còn 2 đối thủ rất khó chơi là Đông Timor và Thái Lan, nên thầy trò HLV Miura cần có sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt.

Công Phượng hoàn hảo hơn dưới trướng HLV Miura

Có nhiều ý kiến khác nhau về đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Miura. Cũng có những ý kiến khác nhau về những màn thể hiện của Công Phượng trong thời gian qua. Nhưng có điểm đáng chú ý là khi đá dưới trướng HLV Miura, Công Phượng nguy hiểm hơn hẳn.

Trận đấu với U23 Malaysia là trận đấu mà người ta thấy một Công Phượng khác hẳn so với những gì anh vẫn thể hiện trước đây. Đấy là một Công Phượng vẫn lắt léo, vẫn biết cách đi bóng qua người, nhưng điều quan trọng là anh biết cách nhìn đồng đội mà đá.

Công Phượng trong trận đấu với đội bóng đất Mã biết chuyền khi cần phải chuyền, không đá rườm rà như thói quen, và không làm chậm nhịp phản công của toàn đội. 

Công Phượng trong trận đấu với U23 Malaysia cũng sẵn sàng nhường quyền đá phạt đền cho các đồng đội Hồng Quân và Huy Toàn, thay vì tự mình thực hiện, trong thời điểm Công Phượng không ổn về mặt tâm lý khi đứng trước các quả 11m, cũng như cách đá phạt đền theo kiểu Panenka của cầu thủ này có thể đã bị bắt bài.

Dưới bàn tay của HLV Miura, có một Công Phượng khác (ảnh: Gia Hưng)

Rồi Công Phượng trong trận đấu với U23 Malaysia nhờ biết hy sinh cho các đồng đội, biết hòa mình vào lối chơi chung của tập thể cũng được chính các đồng đội đáp trả nhiều hơn, bằng những pha chuyền bóng cho anh, đặt anh vào tư thế thuận lợi (đơn cử là bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 trong trận này của Công Phượng).

Đấy là hình ảnh mà người ta ít thấy nơi Công Phượng, nơi cầu thủ có thói quen ham rê dắt, có thói quen ít quan sát các đồng đội khi có bóng. Nhưng bên cạnh đó, Công Phượng vẫn không đánh mất những phẩm chất kỹ thuật thuộc vào loại tốt nhất của mình.

Anh vẫn được phép đá ngẫu hứng lúc cần ngẫu hứng, ở những vị trí cho phép sự ngẫu hứng, mà trước đây, có khi chính Công Phượng cũng chẳng nhận ra vị trí đấy là ở đâu.

Để Công Phượng thay đổi theo hướng tích cực vừa nêu, để Công Phượng nhìn ra những điểm tích cực đó, phải nói rằng anh may mắn có được một vị HLV biết cách phát huy hết các thế mạnh của anh, rồi cũng biết cách che bớt những nhược điểm của Công Phượng.

HLV Miura đang biến Công Phượng từ một cầu thủ thiên về kỹ thuật thông thường thành một quân bài quan trọng về mặt chiến thuật, trở thành một cầu thủ khó lường hơn cả về lối đá lẫn tư duy chơi bóng.

Rồi hình ảnh một Công Phượng không đủ mạnh mẽ trong các pha tranh chấp cũng đang dần được cải thiện bằng hình ảnh một cầu thủ dám lao vào những điểm nóng và biết cách đứng dậy sau những pha đá rát của đối thủ.

Dưới trướng HLV Miura, Công Phượng cảm nhận rõ hơn về bóng đá đỉnh cao khác với các giải đấu trẻ mà anh tham dự trong hơn 1 năm qua như thế nào!