Hotline: 0973 549 00
Menu

Bão cấp 9 vào biển Đông

Vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào đêm qua, bão Linfa đã vào biển Đông, sức gió tối đa 90 km/h, tương đương cấp 9. 

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, 4h sáng nay tâm bão ở vùng biển tây bắc đảo Luzon, mạnh cấp 9. Hôm nay, bão khả năng theo hướng Bắc, sau đó có đổi sang Bắc Đông Bắc, nhắm đến đảo Đài Loan.

Hoàn lưu bão gây gió mạnh từ cấp 6 đến 10 ở đông bắc biển Đông, trời mưa giông mạnh. Sóng biển khu vực này sẽ cao 3-5 m, biển động rất mạnh.

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF.

Tối qua, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai có công điện đề nghị các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thông báo cho chủ tàu thuyền biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam chịu ảnh hưởng của cơn bão Kujira, đổ bộ vào Hải Phòng - Quảng Ninh trưa 24/6. Bão không gây thiệt hại về người cho hai địa phương này, nhưng hoàn lưu sau bão làm 15 người ở các tỉnh miền núi phía bắc chết, giao thông hư hại nặng.

Không khí lạnh tràn đến miền Bắc chiều tối 4/7 đã gây mưa lớn cho nhiều tỉnh thành. Lượng mưa đo được trong 24 giờ, bắt đầu từ 19h ngày 4/7 ở Ba Khe (Yên Bái), Mường Tè (Lai Châu), Mường Lay (Điện Biên) đều trên 100 mm.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Lào Cai, khoảng 16h ngày 5/7, mưa lớn gây lũ tại xã Mường Hum, huyện Bát Xát, làm anh Nguyễn Văn Dũng, 19 tuổi, dân tộc Dáy, bị lũ cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn Piềng Láo.

Chiều tối nay Hà Nội sẽ xuất hiện mưa rào và giông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ cho biết, sau 1 tuần nắng nóng gay gắt liên tục; chiều tối và đêm nay (4/7) các tỉnh miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội sẽ xuất hiện mưa rào và giông, các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng lốc xoáy, sạt lở đất.

Chiều tối và đêm nay, miền Bắc sẽ xuất hiện mưa giông

Theo đó, trong ngày và đêm hôm nay (4/7) vùng núi thuộc các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn có khả năng xảy ra mưa giông mạnh, nguy cơ cao xuất hiện lốc xoáy, gió giật mạnh. Từ chiều tối và đêm nay (4/7) Bắc Bộ có mưa rào và giông, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn giông có khả năng xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình.

Tuy nhiên, tại Bắc Bộ trong ngày hôm nay (4/7), nắng nóng còn xảy ra trên khu vực đồng bằng với nhiệt độ cao nhất từ 35 đến 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Ngày mai (5/7) nắng nóng kết thúc.

Khu vực Trung Bộ: Ngày hôm nay (4/7), tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 - 39 độ, có nơi trên 40 độ. Ngày mai (5/7), nắng nóng suy giảm dần về cường độ, sau đó có khả năng kết thúc vào ngày 6/7.

Bão số 1 đang hướng thẳng vào Quảng Ninh - Thái Bình

Hồi 5 giờ sáng nay 24/6, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 70km về phía Đông Nam. Hà Nội sáng nay có mưa vừa trên diện rộng.
Lúc 23h đêm qua, bão số 1 chỉ cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 100km (Ảnh TTDBKTTVTƯ)

Hồi 23h đêm 23/6, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 100km về phía Đông Nam. Trong 6 giờ vừa qua, bão số 1 hầu như ít dịch chuyển và mạnh lên cấp 9, giật mạnh cấp 12.

Do ảnh hưởng của bão, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió giật mạnh cấp 11-12, ở đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 9, ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió giật mạnh cấp 6-7. Ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh – Nam Định, khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Hồi 05 giờ ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh-Thái Bình khoảng 70km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là khoảng từ 75 đến 90km một giờ), giật cấp 12-13.

Lúc 5h sáng nay, bão số 1 cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 70km (ảnh TTDBKTTVTƯ)

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và còn có khả năng mạnh thêm trước khi đi vào đất liền. Đến 16 giờ ngày 24/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (tức là khoảng từ 60 đến 90km một giờ), giật cấp 10-11.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12-13. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12; các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật cấp 7-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 25/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).

Từ 24 đến 25/6, ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa vừa, mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 3-6m, ở hạ lưu từ 2-3m. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Do ảnh hưởng của bão số 1, tại Hà Nội lúc chiều tối qua đã có mưa rải rác. Đêm qua và sáng nay, Hà Nội mưa to diện rộng. 

TP HCM sẽ sơ tán gần 250.000 người nếu bão cấp 10 đổ bộ

Nếu bão cấp 10-13 (89-149 km/h) có khả năng vào TP HCM, sẽ có gần 250.000 người phải sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng.

Theo phương án phòng tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào thành phố vừa được UBND TP HCM ban hành, nếu bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/h) có khả năng ảnh hưởng đến thành phố sẽ có hơn 241.000 người phải di dời. Còn bão mạnh cấp 10-13 sắp đổ bộ, số người tại thành phố cần phải sơ tán là gần 250.000.

Trong cả hai tình huống này, quận Phú Nhuận sẽ phải sơ tán nhiều nhất với gần 29.000 người. Còn quận 9 ít nhất, chỉ khoảng 800 người. Riêng huyện Cần Giờ sẽ phải sơ tán 8.000 người vào đất liền nếu có bão cấp 8-9 và hơn 12.700 người đối với bão cấp 10-13.

Lực lượng dự kiến huy động từ các sở, ngành, đơn vị của toàn thành phố tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó khi bão mạnh đổ bộ vào thành phố là khoảng 29.000-30.000 người. 

Cùng với việc sơ tán dân, để hạn chế đến mức thấp nhất do bão gây ra, UBND TP HCM cũng yêu cầu UBND các quận huyện và sở ngành liên quan trực ban 24/24 để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Bão Pakhar khiến gần 500 căn nhà đổ sập và tốc mái, hơn 400 cây xanh bị đổ vào đêm 1/4/2012.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công văn đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển lập phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão trong năm nay. Nội dung các phương án ứng phó bao gồm: sơ tán dân; đảm bảo an toàn tàu thuyền; bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm...

Cơn bão đổ bộ vào Sài Gòn gần đây nhất vào ngày 1/4/2012 mang tên Pakhar. Dù không gây thiệt hại về người nhưng đã làm gần 500 căn nhà đổ sập và tốc mái, hơn 400 cây xanh bị đổ, 11 ghe tàu bị chìm, 85 hệ thống đường điện bị hư hỏng (thiệt hại 2,6 tỷ đồng), 8 điểm ngập có độ sâu 30-50 cm. Cơn bão cũng làm 2 người chết tại Đồng Nai và Ninh Thuận và tàn phá hàng nghìn căn nhà, hàng trăm cây xanh bị đổ ở các tỉnh Đông Nam Bộ...

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm nay tình hình thời tiết, thủy văn sẽ diễn biến phức tạp hơn. Dự báo sẽ có khoảng 9-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Trong khi đó, theo Sở Tài Nguyên - Môi Trường TP HCM, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu số cơn bão đổ bộ hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến Nam Bộ có xu hướng tăng… Vì vậy, trong tương lai, bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào TP HCM sẽ không còn là chuyện lạ.

Cơn bão mạnh cấp 14 có xu hướng tiến vào Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ, một cơn bão mạnh có tên quốc tế là Noul đang hoạt động cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 730km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh cấp 14; có xu hướng tiến vào Bắc Biển Đông.


Dự báo hướng đi của bão Noul (ảnh TTDBKTTVTƯ)

Theo đó, hồi 20h tối qua (8/5), vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 127,8 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 730km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166km một giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 19h ngày 9/5, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 124,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183km một giờ), giật trên cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 19h ngày 10/5, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 121,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ tối ngày 10/5, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh lên cấp 6-8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh.

Trong khoảng 48h – 72h tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km.