Hotline: 0973 549 00
Menu

Việt Nam họp khẩn với chuyên gia quốc tế về dịch MERS-CoV

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đánh giá, virus MERS-CoV có thể xâm nhập nước ta từ hành khách trở về từ vùng dịch. Do đó, Bộ Y tế sẽ áp dụng tờ khai y tế tại các cửa khẩu.

Chỉ sau hơn 2 tuần, tính đến ngày 1/6, số người nhiễm MERS-CoV ở Hàn Quốc lên tới 15 người. Mới đây, Trung Quốc cũng ghi nhận ca mắc đầu tiên. Như vậy, đến nay, MERS-CoV đã xuất hiện ở 26 quốc gia trên thế giới với 1.154 trường hợp nhiễm và 434 người tử vong.

Loại virus này được các chuyên gia đánh giá nguy hiểm không kém dịch SARS năm 2003 khiến hơn 800 người tử vong. Virus này lây truyền từ người sang người và nguy cơ lây lan sang Việt Nam rất cao.

Bộ Y tế họp khẩn cấp với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới

Trước tình hình này, sáng ngày 2/6, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế vừa có cuộc họp khẩn cấp với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tìm biện pháp ứng phó.

Cuộc họp do của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Chánh Văn phòng Đáp ứng dịch bệnh (EOC) - Bộ Y tế chủ trì.

Ông Phu cho biết, dịch MERS-CoV có thể xâm nhập nước ta từ các hành khách đi về từ vùng dịch. Bởi trong bối cảnh gia tăng giao lưu đi lại giữa các nước, trong thời gian ủ bệnh, MERS-CoV không có triệu chứng nên khó phát hiện. Do đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường các hoạt động giám sát và sẵn sàng đáp ứng khi có ca bệnh xâm nhập.

Rút kinh nghiệm từ các trường hợp nhiễm MERS-COV tại Hàn Quốc, PGS.TS Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Chánh Văn phòng EOC cho biết, Bộ Y tế sẽ tập trung giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảng tại cửa khẩu quốc tế tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân người Hàn Quốc nhiễm virus MERS – CoV

Ông Phu cho biết, các ca bệnh hiện nay ở Hàn Quốc đều đã được kiểm soát. Tuy nhiên, ngay trong ngày hôm nay (2/6), Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia sẽ họp khẩn về vấn đề này và sẽ xem xét, đánh giá các nguy cơ để tiến tới quyết định áp dụng tờ khai y tế đối với Hàn Quốc hay không.

“Nếu nguy cơ cao thì sẽ phải áp dụng tờ khai y tế, nếu không thì chúng ta vẫn tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống”, ông Phu nói.

Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ chú ý khai thác các yếu tố dịch tễ để phát hiện các trường hợp bệnh nhân đi từ vùng dịch lưu hành. Bộ Y tế sẽ tăng cường các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện để tránh lây lan cho cộng đồng và nhân viên y tế trong trường hợp phát hiện dịch bệnh.

Trong thời gian tới, Văn phòng EOC sẽ tham mưu cho Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong các hoạt động phòng chống dịch, tiếp tục cập nhật tình hình dịch bệnh, giám sát chặt chẽ trên cả 4 nội dung: Giám sát tại cửa khẩu, giám sát tại cơ sở y tế, giám sát tại cộng đồng, giám sát phòng thí nghiệm.

“Văn phòng EOC sẽ thường xuyên tham khảo ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế, đề xuất các biện pháp giám sát cửa khẩu biên giới, kiên quyết ngăn chặn dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam”, PGS.TS. Trần Đắc Phu khẳng định.

WHO nhận định, nhóm nguy cơ cao mắc MERS-CoV là những người mắc bệnh đáo tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh miễn dịch. Do vậy, những đối tượng này nên tránh tiếp xúc với động vật, đặc biệt là lạc đà nhất là khi tới các trang trại, chợ, chuồng trại những nơi virus Corona có khả năng lưu hành.

Người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung cốc chén... ) với người nhiễm bệnh.

Ngoài ra, người dân cũng nên thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như: đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa...

Virus Ebola biến mắt màu xanh nước biển của bệnh nhân thành xanh lá

2 tháng sau khi thoát khỏi tử thần Ebola, bác sĩ Ian Crozier (Mỹ) bị nhiễm trùng mắt trái. Mắt chuyển từ màu xanh nước biển sang xanh lá, có sự hiện diện virus Ebola. 

Nhiễm Ebola tháng 9 năm ngoái khi tham gia chữa bệnh tại tâm dịch Sierra Leone (Châu Phi), bác sĩ 44 tuổi Ian Crozier được chuyển về Mỹ nhập viện. Điều trị đặc biệt trong khu vực cách ly Ebola của Bệnh viện ĐH Emory với tình trạng diễn tiến xấu, bác sĩ Ian phải thở máy suốt 12 ngày và thực hiện thẩm tách liên tục vì suy thận. May mắn thoát khỏi căn bệnh tử thần khiến cả thế giới hoang mang, anh hồi phục và xuất viện với kết quả trong máu không còn virus Ebola.


Bác sĩ Ian Crozier (người cao nhất) với các bệnh nhân Ebola đã hồi phục tại một trung tâm điều trị tại Sierra Leone. Ảnh: Telegraph.

Tuy nhiên chỉ 2 tháng sau, mắt trái của vị bác sĩ chịu các tổn thương như nóng rát, đau cộm. Trở lại bệnh viện từng điều trị, bác sĩ Ian được chẩn đoán mắc uveitis, chứng viêm mắt có thể dẫn tới mù lòa. Tháng tiếp theo, anh gặp thêm các triệu chứng mới như đỏ mắt, nhìn nhòa có hào quang, đau mắt, áp lực trong mắt gia tăng. Bên cạnh chứng nhiễm trùng và mất thị lực ở mắt trái, bác sĩ Ian còn bị chuyển màu mắt từ xanh nước biển sang xanh lá.

Bác sĩ chuyên khoa mắt Steven Yeh quyết định lấy mẫu thủy dịch (dịch nằm giữa giác mạc và thủy tinh thể) làm xét nghiệm cho Ian. Kết quả dương tính với Ebola khiến nhiều chuyên gia rất bất ngờ. Điều này đồng nghĩa trong dịch mắt của bệnh nhân một số lượng virus Ebola vẫn tồn tại, trong khi nước mắt, máu, các mô màng kết không chứa virus chết người này.

“Trường hợp này nêu lên một biến chứng cần được chú ý của Ebola, làm cơ sở tham khảo để điều trị cho các bệnh nhân trong đợt dịch đang diễn ra tại Tây Phi”, các nhà khoa học nhận xét về ca bệnh của bác sĩ Ian Crozier trong báo cáo đăng trên The New England Journal of Medicine.


Màu mắt trái của bác sĩ Ian Crozier chuyển từ xanh nước biển sang xanh lá cây. Ảnh: Telegraph.

Báo cáo cũng cho biết, thị lực của bác sĩ Ian đã được khôi phục, màu mắt trở lại bình thường sau thời gian điều trị bằng kháng sinh liều cao và các dung dịch nhỏ mắt.

Các trường hợp về ảnh hưởng thị lực trên bệnh nhân Ebola sống sót từng được đề cập trước đây. Năm 1995, trong vụ dịch bùng phát tại Congo, 15% bệnh nhân qua khỏi bị các vấn đề về mắt như đau mắt hay suy giảm thị lực. Khảo sát hiện tại trên 85% bệnh nhân sống sót ở Sierra Leone cũng cho thấy, 40% trường hợp cho biết thị lực bị ảnh hưởng sau khi hồi phục.

Theo các nhà nghiên cứu, đây có thể là hiệu ứng trực tiếp của virus Ebola vẫn còn bám trụ trong dịch mắt dù đã bị loại bỏ trong hầu khắp cơ thể. Vì virus không tồn tại trong những phần có thể tiếp xúc trực tiếp như nước mắt hay màng kết, các bệnh nhân Ebola hồi phục không phải là nguy cơ lây truyền bệnh qua các tiếp xúc bình thường hàng ngày. Sau khi xuất viện, họ cần được theo dõi để điều trị các vấn đề về mắt nếu có.