Hotline: 0973 549 00
Menu

Hệ thống hỗ trợ đường hẹp của BMW

Về cơ bản, hệ thống hỗ trợ đường hẹp BMW (BMW Narrow-passage Assistant) là một công nghệ được sử dụng để điều khiển xe trên những đoạn đường 'khiêm tốn' về chiều rộng.

Công nghệ đứng đằng sau hệ thống hỗ trợ đường hẹp khá đơn giản. Một hệ thống máy tính sử dụng hàng loạt cụm cảm ứng để quyết định liệu chiếc xe có thể đi xuyên qua điểm hẹp mà không bị xước sơn hoặc va chạm hay không. Tuy nhiên, ứng dụng của nó lại gây khá nhiều tranh cãi vì nhiều người nghi ngờ độ tin cậy của công nghệ này.

Hệ thống hỗ trợ đường hẹp BMW.

Nguyên tắc hoạt động

Khi tính toán khoảng cách bề ngang, hệ thống hỗ trợ đường hẹp BMW thường chú ý đến vạch đường màu vàng, rào an toàn, thanh chắn hoặc thậm chí là các phương tiện di chuyển trong làn đường bên cạnh. Hệ thống được khởi động cùng lúc với hệ thống cảnh báo chuyển làn đường giúp nó định hướng vạch màu vàng. Nó tính toán chiều rộng của mặt đường (BMW preSite) và khoảng cách bên đến xe (BMW inSite). Quá trình tính toán được thực hiện sau khi cụm cảm ứng laser hoặc siêu thanh gửi thông tin.

Tùy thuộc vào thông tin thu được từ cụm cảm ứng, hệ thống hỗ trợ sẽ gửi kết quả tới người lái bằng cách hiển thị và đưa ra lời khuyên.

preSite

Bộ đọc preSite gắn trên hệ thống có nhiệm vụ hiển thị chiều rộng mặt đường trước khi chiếc xe băng qua. Nó hiển thị khoảng cách hai bên cả trái lẫn phải đồng thời gửi 3 loại thông số cho người lái. Một vòng tròn có nghĩa là nhiều khoảng trống (0,5 – 1 m), 2 vòng tròn là ít khoảng trống (0,2 - 0,5 m) và 3 vòng tròn là đường rất hẹp (dưới 0,2 m). Nếu số đo chiều rộng thấp hơn khoảng trống an toàn, hệ thống sẽ gửi cảnh báo bổ sung thông qua HUD.

inSite

Khi người lái đánh giá có đủ khoảng trống để lái qua, hệ thống giám sát inSite sẽ khởi động. Nó giúp người sử dụng tránh lái chệch đường bằng cách giám sát khoảng cách bên. Sử dụng dữ liệu ghi nhận từ laser, hệ thống sẽ phản hồi thông tin trực tiếp qua vô lăng cũng như HUD.

Cụm cảm ứng

Hệ thống hỗ trợ đường hẹp BMW dùng hai loại cảm ứng như đã nói ở trên: laser và siêu thanh. Cảm ứng laser có chức năng giám sát khoảng cách phía trước mũi xe, dò tìm các phương tiện khác, thanh chắn và rào an toàn. Cảm ứng laser hoạt động với góc tia nằm ngang 160° và góc thẳng 3,2°. Chúng có thể kiểm tra đoạn đường phía trước trong khoảng cách lên đến 100 m.

Trong khi đó, cụm cảm ứng siêu thanh lại có nhiệm vụ đo khoảng cách bên đến xe. Chúng hoạt động với góc ngang 32° và góc thẳng 9,5°. Phạm vi hoạt động của chúng là 5 m tùy thuộc vào vận tốc xe chạy.

Tương lai

Tương tự nhiều hệ thống khác, công nghệ hỗ trợ đường hẹp sẽ được trang bị cho các sản phẩm của hãng BMW. Mặc dù chưa rõ mẫu xe nào sẽ ứng dụng nhưng hệ thống hỗ trợ đường hẹp BMW hiện đang được thử nghiệm trên BMW X5 nhờ platform lý tưởng.

Về độ tin cậy của hệ thống, mọi người có thể ủng hộ hoặc phản đối tùy theo cách hiểu. Rõ ràng, đây là một hệ thống rất hữu ích vì nó giúp giảm thiểu cả áp lực cho người lái không biết điểm khởi đầu và kết thúc hành trình lẫn những hư hại tiềm ẩn.


iPhone hữu ích dành cho xe hơi

Từ năm 2007, trên thị trường đã xuất hiện hàng nghìn ứng dụng iPhone dành cho xế hộp do các nhà sản xuất xe hơi hoặc các công ty độc lập phát triển, điển hình như BMW M Power Meter, BMW TV, OnStar…

1. OnStar Mobile Application

OnStar Mobile Application là một hệ thống kết nối 24/7 và điều khiển từ xa
các chức năng cũng như đặc trưng OnStar.

Ra đời đúng thời điểm Chevrolet Volt trình làng, OnStar Mobile Application được thiết lập như “một hệ thống kết nối 24/7 và điều khiển từ xa các chức năng cũng như đặc trưng OnStar”. Tương thích với dòng điện thoại Motorola Droid và BlackBerry Storm, ứng dụng này được sinh ra để mang lại những lợi ích kỳ diệu cho chủ sở hữu Chevrolet Volt tương lai.

Ông Walt Dorfstatter, chủ tịch của OnStar cho biết: “Chevrolet Volt mở đầu cho một thời đại công nghệ xe hơi mới đồng thời đòi hỏi cấp độ kết nối và điều khiển cải tiến hơn. Hiện nay, có khoảng 6 triệu chiếc xe đang sử dụng OnStar. Ứng dụng điện thoại thông minh của hãng chúng tôi sẽ giúp những chủ sở hữu điều khiển Volt dễ dàng hơn”.

Những tính năng nổi bật của ứng dụng OnStar: hiển thị tình trạng pin và điện áp, cho phép hẹn giờ nạp điện, cài đặt chế độ nạp thân thiện với điện lưới trong giờ cao điểm, nhắc nhở nhắn tin hoặc gửi email, báo thời gian nạp điện, ngắt và đầy pin, hiển thị mức nhiên liệu tiêu thụ, quãng đường có thể chạy bằng động cơ điện và chỉ số trên đồng hồ công tơ mét, khởi động xe từ xa để điều chỉnh trước nhiệt độ bên trong.

2. BMW M Power Meter

Đối với những ai ưa thích vòng tua máy, gia tốc và những thông số cơ bản đại diện cho tính năng cao thì BMW M Power Meter thực sự là một ứng dụng hoàn hảo. Vấn đề ở chỗ: nếu muốn sử dụng nó, bạn buộc phải sở hữu một chiếc BMW dòng M.

Ngoài nhược điểm kể trên, Meter là một thiết bị rất hữu dụng. Nó cung cấp dữ liệu thời gian thực về tốc độ, gia tốc thẳng, gia tốc bên, thời gian di chuyển trong quãng đường cho trước hoặc thời gian gia tốc với vận tốc định sẵn. Thậm chí, người sử dụng có thể cá nhân hóa ứng dụng nhờ 3 kiểu hiển thị thiết kế tự do mang tên Sport, Lava và Midnight được cung cấp bởi hãng BMW.

3. Sylvania Headlight Bulbs

Là loại ứng dụng dành cho những người “mù kỹ thuật”, Sylvania Headlight Bulbs không giúp bạn thay đèn (dưới dạng đèn pha hoặc đèn xi nhan) mà cung cấp hướng dẫn ngắn gọn về cách tự làm lấy. Ứng dụng cho phép người sử dụng chọn loại sách hướng dẫn phù hợp trong bản liệt kê các loại xe hơi được bán tại thị trường Mỹ từ năm 1991 đến năm 2009.

Theo hãng Sylvania, ứng dụng cơ sở dữ liệu đa lớp không yêu cầu phải kết nối với điện thoại di động vì bản thân nó đã được tích hợp bên trong. Do đó, ứng dụng có vẻ hữu ích cho những người thợ cơ khí dịch vụ hơn là khách hàng.

4. TomTom

Sự ra đời của iPhone cũng như những thành tựu đạt được trong công nghệ định vị và bản đồ GPS đã giúp TomTom trở thành một ứng dụng cực kỳ hữu ích. Về cơ bản, TomTom là một hệ thống GPS dựa trên nền iPhone tích hợp thông tin giao thông thời gian thực, công cụ tìm kiếm nội địa Google và SatNav với những hướng dẫn cụ thể cho người lái.

5. BMW TV

Ứng dụng BMW TV cung cấp thư viện truyền thông 3D cho phép khách hàng
mở trực tiếp các video có trên trang web TV của BMW.

Là công cụ lý tưởng cho những tay lái hay phân tâm, ứng dụng BMW TV cung cấp thư viện truyền thông 3D cho phép khách hàng mở trực tiếp các video có trên trang web TV của BMW. Toàn bộ video chọn lọc từ các mục cụ thể đều được hiển thị lần lượt với thời lượng đầy đủ và chất lượng cao mà không bị gián đoạn. Thật không may cho BMW, trang web TV của hãng chưa phải là nguồn giải trí theo đúng nghĩa.

Những tính năng ưu việt của ứng dụng BMW TV: số lượng video lớn với nội dung da đạng, video chạy với thời lượng đầy đủ và chất lượng tốt, video có kèm chức năng lọc theo nhiều tiêu chí, có chức năng nhận xét về video và giới thiệu cho bạn bè.

6. Land Rover Official Guinness Premiership

Có thể nói, Land Rover Official Guinness Premiership là ứng dụng iPhone thú vị nhất dành cho xế hộp. Ứng dụng này được dùng để cập nhật trực tiếp mọi tin tức, ngày thi đấu, tỷ số và kết quả mới nhất bằng iPhone. Các tính năng của nó không liên quan nhiều đến xe hơi, ngoại trừ sự giúp đỡ của hãng Land Rover đồng thời là nhà tài trợ chính thức cho giải ngoại hạng bóng bầu dục.

“Ứng dụng này chính là công cụ cần thiết cho những người ủng hộ giải ngoại hạng. Nhờ nó, người hâm mộ môn bóng bầu dục có thể theo dõi mọi tin tức liên quan đến các trận đấu”, Tom Rees – thủ lĩnh đội London Wasps phát biểu.

7. Mercedes-Benz Financial

Tuy chưa phải là công cụ cần thiết cho những nhà đầu tư phố Wall nhưng ứng dụng Mercedes-Benz Financial vẫn cho phép khách hàng thanh toán, xem tóm tắt tài khoản và kiểm tra thông tin thanh toán bằng iPhone.

Là một ứng dụng nhạy cảm hơn BMW TV, Mercedes-Benz Financial được trang bị các tính năng an ninh, bao gồm mã hóa giao thức SSL (Secure Socket Layer) nhằm bảo vệ thông tin khách hàng trong suốt quá trình giao dịch. Với những khách hàng sợ tin tặc chưa cảm thấy thỏa mãn, ứng dụng cho phép họ định vị đại lý ủy quyền gần nhất của Mercedes-Ben hoặc đại diện dịch vụ khách hàng để trao đổi trực tiếp.

8. Zipcar

Khi sử dụng Zipcar, khách hàng có thể tìm kiếm và đặt hàng những chiếc Zipcar trên toàn thế giới.

Thay vì dùng bản đồ, kể từ nay bạn có thể tìm kiếm chiếc Zipcar gần nhất bằng ứng dụng cùng tên. Khi sử dụng phần mềm Zipcar, khách hàng có thể tìm kiếm và đặt hàng những chiếc Zipcar trên toàn thế giới, chọn mẫu mã, thời gian đặt hàng và thậm chí là bấm còi từ xa để xác định vị trí chiếc xế trong bãi đỗ xe.

Những tính năng nổi bật của Zipcar: tìm kiếm những chiếc Zipcar trên bản đồ địa điểm hiện tại hoặc bất kỳ khu vực nào, đặt hàng một chiếc Zipcar, mua xe với thời gian, loại và mẫu mã cụ thể, xem các đơn đặt hàng sắp tới, xác định phương hướng dẫn đến chiếc Zipcar, định vị chiếc Zipcar đặt hàng bằng cách bấm còi, liên hệ với hãng Zipcar nếu cần giúp đỡ trong quá trình đặt hàng, mở rộng hoặc hủy bỏ đơn đặt hàng.

9. MileBug

Nếu lái xe cho công ty, làm tài xế taxi hoặc xe tải, bạn phải tập làm quen với việc ghi chép những thông số cơ bản như lượng nhiên liệu tiêu thụ hoặc số nhiên liệu hao hụt trên quãng đường 100 km. Với MileBug, bạn có thể tránh được những công đoạn phiền phức đó. Ứng dụng này cho phép bạn nhập các thông số công tơ mét lúc khởi động và kết thúc chuyến đi cũng như điền những chi tiết quan trọng khác, ví dụ loại hành trình hoặc tỷ lệ hoàn vốn. Hãng chế tạo còn tự hào quảng cáo thêm tính năng lưu chỉ số đồng hồ công tơ mét mới nhất và chế độ mặc định dành cho tỷ lệ khấu trừ thuế hoặc hoàn vốn của MileBug giúp người lái sử dụng dễ dàng hơn trong chuyến đi tiếp theo.

10. EyeRadars

Trong số các ứng dụng hữu ích nhất dành cho xe hơi không thể quên nhắc tới EyeRadars – hệ thống cảnh báo camera bắn tốc độ dựa trên nền iPhone. Tương tự thiết bị dò tìm rađa thông thường, ứng dụng này dùng GPS để xác định vị trí của người lái và camera bắn tốc độ nhằm đưa ra cảnh báo trước khi đi vào vùng nguy hiểm. Khi gần đến khu vực có camera bắn tốc độ, iPhone sẽ phát âm thanh cảnh báo người lái giảm tốc độ.

Nhược điểm của hệ thống là phụ thuộc vào những thông tin có sẵn về camera bắn tốc độ hơn là dò tìm chúng theo đúng nghĩa. Cơ sở dữ liệu sử dụng cho hệ thống là FoxyTag – cơ sở dữ liệu về camera bắn tốc độ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bản thân FoxyTag cũng có ưu điểm lớn là tự động tạo các đường link đáng tin cậy, cho phép người sử dụng tải dữ liệu mới về máy cứ 5 phút/lần.

11. Tag Sighting

Khi gặp những gã tài xế thiếu ý thức, không phải lúc nào bạn cũng bắt buộc là người trực tiếp ra tay trừng trị. Với ứng dụng Tag Sighting, hãy để người khác làm điều đó giúp bạn. Ứng dụng này cho phép bạn đăng biển số chiếc xe gây rối kèm theo một đoạn nhận xét ngắn để người khác cùng đọc và đưa ra biện pháp xử lý nếu vô tình gặp trên đường.

12. AccuFuel

Nếu thắc mắc về mức độ ngốn nhiên liệu của chiếc xế hộp yêu quý, bạn có thể sử dụng chiếc máy vi tính tích hợp trên bảng điều khiển. Tuy nhiên, làm thế nào để so sánh mức độ tiết kiệm nhiên liệu giữa hai chiếc xe khác nhau? Câu trả lời nằm ở ứng dụng mang tên AccuFuel. Ứng dụng này cho phép những khách hàng sở hữu nhiều chiếc xe so sánh mức độ sử dụng nhiên liệu giữa chúng. Bên cạnh đó, AccuFuel còn lập biểu đồ so sánh giữa những chiếc xe cùng loại nhưng khác năm sản xuất.

Các loại lốp dùng trong giải đua xe đường trường WRC

Do hãng Pirelli (Italy) sản xuất, loại lốp sử dụng trong giải vô địch đua xe đường trường thế giới (WRC) được chia thành 3 loại: lốp đường nhựa, lốp đường sỏi và lốp đường tuyết/băng phụ thuộc vào địa hình đua.

Không giống giải Grand Prix, đua đường trường thường chọn các loại đường rải nhựa, sỏi hoặc mặt băng/tuyết. Vì lý do đó, nhà cung cấp lốp cho giải đua, cụ thể là hãng Pirelli, buộc phải đổ hàng triệu USD vào việc phát triển các loại lốp khác nhau. Thêm vào đó, thời tiết cũng là một yếu tố tác động đến kế hoạch phát triển của hãng. Ví dụ, trời mưa có thể ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi của mặt đường từ khô sang ướt hoặc trơn trượt. Mặc dù chỉ nêu tên 3 loại đường được sử dụng trong WRC, chúng ta cũng nên nhắc đến những đặc tính đa dạng của từng loại phụ thuộc vào điều kiện. Đường rải sỏi được chia làm 3 loại: nhiều đá, bụi và đá nứt nẻ. Đường rải nhựa có 2 loại: nhẵn và nhám. Còn lại là đường phủ tuyết với hai loại: tuyết và băng. Đấy là còn chưa kể đến những loại đường hỗn hợp (phần lớn là đường nhựa với đường sỏi).

Trong các sản phẩm của hãng Pirelli thì lốp đường nhựa là loại phổ biến nhất. Trên thực tế, theo hãng sản xuất đến từ Italia, lốp đường nhựa xuất hiện trong giải WRC được chế tạo dựa trên công nghệ sử dụng cho loại lốp tính năng siêu cao.

Mặt ngoài của lốp đường nhựa hiển nhiên là rộng hơn lớp bên trong nhằm cải thiện bề mặt tiếp xúc giữa lốp và mặt đường tại khúc cua. Bên cạnh đó, những đường rãnh mặt trong của lốp có tác dụng tăng khả năng điều khiển xe trên đường nhựa ướt vì chúng cung cấp thêm độ bám và xử lý vấn đề màng nước. Loại lốp được sử dụng trong giải WRC có hai loại hợp chất: mềm và cứng sao cho phù hợp với đường nhựa trơn nhẵn lúc trời mưa hoặc nhám. Hơn thế nữa, hợp chất mềm được dùng trong các giải đua đường trường bao giờ cũng có nhiệt độ thấp để tránh tình trạng nhanh mòn, còn loại cứng thì nóng hơn.

Lốp Pirelli Pzero dành cho đường nhựa.

Đối với loại lốp đường sỏi, hãng Pirelli phải sản xuất phức tạp hơn. Lý do là vì quá trình lái có phần thô bạo và mất sức trên đường rải sỏi thường dồn lực lớn lên lốp. Thế nên lốp đường sỏi trong WRC sở hữu cấu trúc hoàn toàn khác so với loại dùng cho đường bộ, nghĩa là hợp chất của nó bền vững hơn.

Như các bạn đã biết, khu vực dễ bị thủng nhất là mặt ngoài của lốp. Nếu từng xem bất kỳ đoạn video nào ghi lại cảnh những chiếc xe ôm cua để rút ngắn thời gian về đích trên những đường đua rải sỏi khác nhau trong WRC, bạn sẽ hiểu rõ hơn. Trong suốt đoạn cua, lốp rất dễ bị rách khi lướt qua những viên đá sắc nhọn trên đường. Do đó, hãng Pirelli phải gia cố khu vực đặc biệt này trong toàn bộ cấu trúc lốp đồng thời thiết kế loại ta lông chuyên dụng nhằm cải thiện độ bám trên đường sỏi.

Ngoài ra, lốp đường sỏi sản xuất bởi hãng Pirelli còn ứng dụng công nghệ run-flat cho phép người lái tiếp tục điều khiển xe đến tận vạch đích dù lốp bị thủng mà không tốn thời gian thay thế hoặc phải dừng đua. Nhiệm vụ của lốp run-flat chính là ngăn cản tác động xì hơi khi bị thủng, từ đó cho phép tay đua lái xe với tốc độ dưới 100 km/h cho đến khi chạm điểm kiểm tra gần nhất. Tương tự lốp đường nhựa, lốp đường sỏi (hay còn gọi là Scorpion) cũng đi kèm hai hợp chất cứng và mềm dành cho bề mặt bùn hoặc hẹp.

Lốp Pirelli SottoZero “Ice” dành cho đường băng.

Cuối cùng là lốp đường tuyết với hai loại chính dành cho bề mặt phủ tuyết hoặc băng. Với bề mặt phủ tuyết (ví dụ đường đua đường trường tại Thụy Điển), lốp được trang bị thêm lớp đinh trên bề mặt (cao khoảng 1,5 mm) giúp cải thiện độ bám.

Hiển nhiên, vì đường tuyết được chia thành ít nhất 2 loại mềm và cứng nên đinh có thể tách ra khỏi bề mặt lốp nhằm tăng khả năng hoạt động cho xe. Tùy theo điều kiện, người lái sẽ quyết định nên dùng đinh tán hay trung thành với loại thiết kế ta lông tuyết thông thường. Loại lốp này được gọi là Sottozero (dưới 0°) “Snow”, khác với Sottozero “Ice” vốn chỉ xuất hiện trên những bề mặt băng (ví dụ đường đua Na Uy).

Trên băng, rõ ràng toàn bộ lốp đều phải đi kèm đinh tán. Vì vậy, hãng sản xuất Italia đã thiết kế một công nghệ đặc biệt giúp gắn đinh tán trên bề mặt lốp “ngay trong quá trình sản xuất”. Nhờ đó, người lái không thể quyết định có dùng đinh hay không dù chẳng phải ai cũng thích phương án này.

Bộ phụ kiện Modulo dành cho Honda CR-V

Modulo, hãng độ xe thuộc sở hữu Honda, tung ra gói phụ kiện thể thao dành cho phiên bản mới CR-V 2010.

Trình làng tại Nhật Bản chưa lâu, CR-V 2010 bản tiêu chuẩn đã có cơ hội trang điểm. Gói phụ kiện của Modulo bao gồm lưới tản nhiệt, ba-đờ-sốc trước, nẹp hông xe, ba-đờ-sốc sau, ống xả mạ crôm, vành đúc hợp kim mới cùng logo CR-V gắn trên bệ cửa. Tất cả giúp mẫu SUV của Honda trở nên hoành tráng, mạnh mẽ và thể thao hơn hẳn.

Phụ kiện Modulo dành cho CR-V tại Nhật Bản.

Ngoài ra, các phần khác vẫn được giữ nguyên. Trên CR-V 2010, Honda tập trung vào chất liệu và chức năng. Kết nối Bluetooth và chức năng HandsFreeLink kết hợp với hệ thống định vị vệ tinh. Ổ CD 6 đĩa nối với 6 loa...

Trong khi đó, bản CR-V LX trang bị điều hòa nhiệt độ với hệ thống lọc khí, nút bấm khởi động, điều khiển hành trình, hệ thống đài AM/FM/CD với 4 loa...

Tính năng đèn pha bật/tắt tự động có trên mẫu CR-V EX-L. Thêm vào đó là hệ thống định vị kết nối vệ tinh với chức năng nhận biết qua giọng nói, camera hỗ trợ lùi, hệ thống audio 7 loa, ổ CD 6 đĩa...

Màu sắc tùy chọn cho mẫu xe 2010 có Opal Sage Metallic (mới), Polished Metal Metallic (mới), Royal Blue Pearl, Taffeta White, Glacier Blue Metallic, Alabaster Silver Metallic, Crystal Black Pearl, Tango Red Pearl và Urban Titanium Metallic.

Năm 2008, CR-V trở thành mẫu SUV bán chạy nhất tại Mỹ với 197.279 chiếc. Đây là một sản phẩm toàn cầu của Honda, được bán ra trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, Nam Mỹ và châu Phi.

* Chi tiết Honda CR-V 2010 Modulo


Hệ thống túi khí SRS

Có hai yêu cầu an toàn đối với ô tô. Thứ nhất là an toàn chủ động liên quan đến việc ngăn ngừa tai nạn xảy ra- thứ hai là an toàn thụ động liên quan đến việc bảo vệ người và hành lý trên xe tại thời điểm va đập. Điều quan trọng là phải giữ cho ca bin bị hư hỏng ít nhất, đồng thời phải giảm thiểu sự xuất hiện các va đập thứ cấp gây ra bởi sự dịch chuyển của người lái và hành lý trong ca bin. Để thực hiện được điều này người ta sử dụng khung xe có cấu trúc hấp thụ được tác động của lực va đập, đai an toàn, túi khí SRS.v.v

Sự hấp thụ và phân tán lực va đập thông qua biến dạng các phần đằng trước và đằng sau của thân xe sẽ làm giảm lực va đập tới người lái và hành khách. Cấu trúc ca bin chắc chắn cũng giúp giảm thiểu được biến dạng của nó.

Đai an toàn là một trong những phương tiện cơ bản bảo vệ người lái và hành khách. Đeo đai an toàn sẽ giúp cho người lái và hành khách không bị văng ra khỏi xe trong quá trình va đập, đồng thời giảm thiểu sự xuất hiện va đập thứ cấp trong ca bin.

Túi khí SRS được trang bị để bảo vệ bổ sung cho người lái và hành khách khi họ đã được bảo vệ bằng đai an toàn. Đối với những va đập nghiêm trọng ở phía trước hoặc sườn xe, túi khí SRS cùng với đai an toàn sẽ ngăn ngừa hoặc giảm thiểu chấn thương

Sự cần thiết phải có đai an toàn và túi khí SRS

Khi xe đâm vào xe khác hoặc vật thể cố định, nó dừng lại rất nhanh nhưng không phải ngay lập tức. Ví dụ nếu khi xe đâm vào Barie cố định với vận tốc 50 km/h, bị đâm ở phía đầu xe, thì xe chỉ dừng lại hoàn toàn sau khoảng 0,1 giây hoặc hơn một chút.

Ở thời điểm va đập, ba đờ sốc trước ngừng dịch chuyển nhưng phần còn lại của xe vẫn dịch chuyển với vận tốc 50 km/h. Xe bắt đầu hấp thụ năng lượng va đập và giảm tốc độ vì phần trước của xe bị ép lại.

Trong quá trình va đập, khoang hành khách bắt đầu chuyển động chậm lại hoặc giảm tốc, nhưng hành khách vẫn tiếp tục chuyển động lao về phía trước với vận tốc như vận tốc ban đầu trong khoang xe.

Nếu người lái và hành khách không đeo dây an toàn, họ sẽ tiếp tục chuyển động với vận tốc 50 km/h cho đến khi họ va vào các vật thể trong xe. Trong ví dụ cụ thể này hành khách và người lái dịch chuyển nhanh như khi họ rơi từ tầng 3 xuống.

Nếu người lái và hành khách đeo dây an toàn thì tốc độ dịch chuyển của họ sẽ giảm dần và do đó giảm được lực va đập tác động lên cơ thể họ. Tuy nhiên, với các va đập mạnh họ có thể vẫn va đập vào các vật thể trong xe nhưng với một lực nhỏ hơn nhiều so với những người không đeo dây an toàn.

Túi khí SRS giúp giảm hơn nữa khả năng va đập của mặt và đầu với các vật thể trong xe và hấp thụ một phần lực va đập lên người lái và hành khách.

Nguyên lý hoạt động

Khi va chạm, cảm biến túi khí xác định mức độ va chạm và khi mức độ này vượt quá giá trị qui định của cụm cảm biến túi khí trung tâm, thì ngòi nổ nằm trong bộ thổi túi khí sẽ bị đánh lửa.

Ngòi nổ đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí và tạo ra một lượng khí lớn trong thời gian ngắn. Khí này bơm căng túi khí để giảm tác động lên người trên xe đồng thời ngay lập tức thoát ra ở các lỗ xả phía sau túi khí. Điều này làm giảm lực tác động lên túi khí và cũng đảm bảo cho người lái có một không gian cần thiết để quan sát.

Hệ thống túi khí SRS phía trước được thiết kế để kích hoạt ngay nhằm đáp ứng với những va đập nghiêm trọng phía trước trong khu vực mầu tối giới hạn bởi các mũi tên như trong hình vẽ.

Túi khí SRS phía trước sẽ nổ nếu mức độ va đập phía trước vượt quá giới hạn thiết kế. Tương đương với vận tốc va đập khoảng 20 - 25 km/h khi va đập trực diện vào vật thể cố định không biến dạng.

Nếu mức độ va đập thấp hơn giới hạn thiết kế thì các túi khí SRS phía trước có thể không nổ.

Tuy nhiên, tốc độ ngưỡng này sẽ cao hơn đáng kể nếu xe đâm vào vật thể như xe đang đỗ, cột mốc tức là những vật thể có thể dịch chuyển hoặc biến dạng khi va đập hoặc khi xe va đập vào những vật thể nằm dưới mũi xe và sàn xe hoặc khi xe đâm vào gầm xe tải.

Túi khí SRS phía trước sẽ không nổ, nếu xe va đập ở bên sườn hoặc phía sau, hoặc xe bị lật, hoặc va đập phía trước với tốc độ thấp.

Túi khí SRS phía trước có thể nổ nếu xảy ra va đập nghiêm trọng ở phía gầm dưới xe như được chỉ ra trên hình vẽ.

Các túi khí SRS và túi khí bên phía trên được thiết kế để hoạt động khi phần khoang xe bị đâm từ bên sườn xe hoặc tai sau của xe. Khi xe bị va đập trực diện hoặc chéo vào thành bên như được chỉ ra ở hình vẽ bên trái nhưng không thuộc khu vực khoang hành khách, thì túi khí bên và túi khí bên phía trên có thể không nổ. Túi khí bên và túi khí bên phía trên sẽ không nổ, khi va đập từ phía trước hoặc phía sau, hoặc bị lật,hoặc va đập bên với tốc độ thấp.

Giảm va đập cho trẻ nhỏ

Không bao giờ được lắp hệ thống giảm va đập cho trẻ nhỏ quay về phía sau trên ghế khách phía trước vì lực bung rất nhanh của túi khí hành khách phía trước có thể làm cho trẻ nhỏ bị chết hoặc bị thương nặng.

Khi không thể bố trí khác được, thì phải bố trí hệ thống giảm va đập cho trẻ nhỏ hướng ra phía trước trên ghế hành khách trước. Luôn luôn phải dịch ghế sát về phía sau vì lực bung ra của túi khí hành khách phía trước có thể làm cho trẻ con bị chết hoặc bị thương nặng.

Trên các xe có túi khí bên và túi khí bên phía trên không được để cho trẻ tựa vào cửa hoặc gần cửa thậm chí ngay cả khi trẻ được đặt trong hệ thống giảm va đập cho trẻ nhỏ. Sẽ là rất nguy hiểm khi túi khí bên và túi khí bên phía trên bung ra có thể làm cho trẻ bị chết hoặc bị thương nặng

Qui trình chế tạo chiếc Cobra bằng 100% phôi nhôm

Sau nhiều năm lao động cật lực, cuối cùng nhóm thợ tại Kirkham Motorsport cũng hoàn thành chiếc Cobra làm hoàn toàn bằng phôi nhôm theo đơn đặt hàng của Giám đốc điều hành hãng Oracle với quan điểm 'tiền nong không thành vấn đề'.

Đừng để bề ngoài “bóng lộn” của chiếc xe đánh lừa bạn. Trên thực tế, bên trong lớp “da” bóng bẩy vẫn là khung của chiếc Cobra nguyên bản. Yêu cầu duy nhất của ông Larry Ellison - Giám đốc điều hành hãng phần mềm nổi tiếng thế giới Oracle đặt ra cho nhóm thợ tại Kirkham là giữ nguyên kiểu dáng tổng thể. Do đó, họ bắt đầu bằng cách dựng mẫu trên máy tính, sử dụng CAD và hệ thống phân tích thành phần hữu hạn để thiết kế chiếc xe với tính năng hiện đại hết mức mà vẫn tuân thủ đúng yêu cầu đề ra. Kết quả là cho ra đời bộ khung làm hoàn toàn bằng phôi nhôm, hệ thống treo SLA với lò xo và doãn xung bên trong cùng phần thân tạo hình bằng tay sáng bóng như gương. Sự kết hợp giữa kỹ thuật thủ công truyền thống và độ chính xác của thời đại vi tính đã khai sinh một sản phẩm tuyệt đẹp.

Vậy tại sao không chọn sợi cacbon, Kevla hoặc khung ống mà lại là nhôm? Lý do là vì chỉ có khối nhôm rắn mới có thể tạo hình thành một sản phẩm vừa đẹp vừa hữu dụng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chưa có một ai trên thế giới từng nhìn thấy khung gầm bằng phôi, vì vậy đòi hỏi những người thợ phải thể hiện hết tài năng của mình. Trên thực tế, khung gầm của chiếc xe không trải qua quá trình hàn để tránh biến đổi thành phần vật lý của nhôm xử lý nhiệt. Thay vào đó, khung gầm được ghim chặt với nhau bằng loại bu-lông chịu lực và thanh dẫn chốt tương tự thanh truyền hoặc đầu xi-lanh. Đó thực sự là một giải pháp thông minh.

Bản thân mỗi bộ phận là một tác phẩm nghệ thuật. Những bộ phận cơ học được gia công từ khối nhôm rắn thường yêu cầu loại bỏ 90% vật liệu gốc. Đạt đến trình độ kiệt tác là thân xe và khung gầm. Được tạo hình, lắp đặt, kéo dài và dựng bằng tay, bộ khung đỡ chính là phần cốt lõi của toàn bộ “tác phẩm”. Nhìn vào những bức ảnh bên dưới, các bạn có thể nhận ra nhóm thợ thủ công đang tỉ mẩn mài nhôm thành hình và chỉ hài lòng với sự hoàn hảo. Không có chất trám, sơn lót hay sơn phủ để che đậy những vết rạn nhỏ nhất. Chỉ có phần thân hoàn hảo như một minh chứng cho nét tài hoa của những người thợ bậc thầy.

Thật thú vị khi toàn bộ quá trình được lưu trữ và thu thập cẩn thận trong một cuốn sách. Ngoài tài liệu về chiếc xe còn có những kỹ thuật thủ công nhất định gói gọn trong cuốn sách gia công từ 16 kg phôi nhôm với gáy làm bằng da dành tặng cho người chủ sở hữu.

Hiện nay, cuốn sách trị giá 4.500 USD chỉ được chế tạo với số lượng hữu hạn. Toàn bộ nội dung bên trong sẽ được phát hành miễn phí bằng series file PDF trên trang web chính thức của Kirkham. Nếu quan tâm, mọi người nên tải về và đọc để nhận ra rằng kỹ năng của mình vẫn chưa thấm vào đâu.


Nguyên nhân gây khấu hao xe


Tác giả: Hà Linh

Như chúng ta đã biết, không có vật dụng nào có thể bền mãi với thời gian, mà nó sẽ dần mất giá trị trong quá trình ta sử dụng. Đặc biệt những món đồ gắn liền với cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Ví dụ như 1 chiếc xe ôtô, không có bất cứ loại xe nào mà bạn mua hôm nay lại giữ nguyên giá trị tới ngày mai và tất nhiên bạn sẽ phải trả chi phí bởi tỉ lệ khấu hao của chiếc xe đó.

Dưới đây là những yếu tố gây ảnh hưởng đến sự khấu hao của xe:

- Vùng địa lý nơi diễn ra việc trao đổi mua bán, tình hình kinh tế và thậm chí là thời điểm khi mua xe chính là những yếu tố ảnh hưởng đến giá cả tài chính khiến chúng ta không thể dự đoán được tỷ lệ khấu hao của chiếc xe.

Tuy nhiên, công ty bảo hiểm sẽ là người trung gian đánh giá tỷ lệ khấu hao và mức thiệt hại cho chiếc xe của bạn.

Điều tốt nhất chúng tôi khuyên bạn là hãy chọn mua những loại xe có thương hiệu nổi tiếng, uy tín, chất lượng và có độ tin cậy cao vì những dòng xe đó khi bán bạn vẫn có thể giữ được giá đồng thời giảm được tỷ lệ khấu hao của xe.

- Xe giá rẻ là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ khấu hao của xe. Vì vậy khi mua xe bạn đừng nên nghĩ mua được chiếc xe giá rẻ thì chi phí khấu hao thấp, đó là một lựa chọn sai lầm, xe càng rẻ thì tỷ lệ khấu hao càng lớn và ngược lại.

Ngay cả khi chiếc xe bạn vừa mới mua, có đầy đủ giấy tờ, chìa khoá đã trao tay thì giá trị của chiếc xe vẫn bị khấu hao từ khoảng 20% nếu bạn bán lại cho đại lý ngày sau đó.

Một vài ví dụ minh chứng:

Ví dụ 1: Nếu bạn mua một chiếc xe giá rẻ, được trang bị túi khí phía trước, máy nghe nhạc CD và hệ thống phanh ABS. Giả sử bạn mua chiếc xe với giá 8.000 Euros. Ngay sau đó bạn mang chiếc xe đến đại lý để bán chiếc xe của bạn sẽ bị khấu hao 15-20% giá trị. Điều đó có nghĩa chỉ sau 5 phút chiếc xe của bạn chỉ còn 6.400 Euros.

Sau mỗi năm sử dụng chiếc xe sẽ bị khấu hao từ 15-20%, như vậy sau 1 năm sử dụng chiếc xe chỉ còn giá 5.120 Euros. Tổng thiệt hại sau 1 năm lên tới 2.880 Euros.Ví dụ 2: Nếu bạn mua 1 chiếc xe hiện đại hơn, được trang bị các tính năng như: Hệ thống cảnh báo, hệ thống GPS và một số tính năng tiêu chuẩn khác. Cũng giả sử bạn mua chiếc xe với giá 10.000 Euros. Nhờ vào các tính năng tốt chiếc xe của bạn có thể chỉ bị khấu hao 15%. tương đương với 1.500 Euros. Sau 1 năm sử dụng tỷ lệ khấu hao cũng giảm 15%, có nghĩa bạn sẽ mất thêm 1.274 Euros nữa. Đến thời điểm đó chiếc xe của bạn chỉ còn giá 8.223 Euros. Như vậy, tổng thiệt hại cho chiếc xe là 2.774 Euros, thấp hơn chiếc xe cở ví dụ 1 gần 100 Euros mặc dù bạn mua với giá cao hơn 2.000 Euros.

Tại sao điều đó xảy ra?

Như chúng tôi đã giải thích cho các bạn ở trên. Chiếc xe bị mất giá trị bởi vì về cơ bạn nó bị coi là đã cũ, tính năng lỗi thời, đời xe thấp, không còn phù hợp với thời thượng nữa.

Một số lý do khiến chiếc xe bị mất giá như: Chiếc xe đã bị va chạm, sửa chữa hoặc thay thế phụ tùng, hoặc do độ tuổi của xe.

Tóm lại, để giữ được giá trị của xe bền lâu, bạn hãy chọn mua những chiếc xe của những nhà sản xuất lớn, uy tín, được trang bị những tính năng tiêu chuẩn, có độ an toàn cao. Tránh mua những chiếc xe không có thương hiệu, giá rẻ và đặc biệt xe đã qua sử dụng.

Một số trường hợp ngoại lệ:

Mặc dù đã cũ kỹ và hoen gỉ nhưng một số mẫu xe vẫn giữ nguyên vẹn giá trị, thậm chí còn được bán với giá kỷ lục tại các cuộc đấu giá, có thể kể đến Shelby Cobra 1964 (1,9 triệu USD), Bugatti 1925 (350.000 USD) và Ferrari 250 GTO (30 triệu USD).

Chúc các bạn mua được chiếc xe vừa ý!

Renault ra mắt ghế xoay


Tác giả: Nhật Anh
Nhà sản xuất xe của Pháp Renault vừa tuyên bố sẽ giới thiệu một loại ghế trước có khả năng xoay sang phải 75 độ rồi trở lại vị trí ban đầu nhờ một cái đòn bẩy.

Theo thông tin từ nhà sản xuất, loại ghế mới này sẽ được ra mắt thị trường Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ và một số quốc gia khác vào cuối năm nay. Nó sẽ là tùy chọn cho dòng xe Clio Expression Clim phiên bản 3 đến 5 cửa và Clio Dynamique Tom Tom với giá 1.600 euros.

“Nếu mua một sản phẩm như thế ngoài thị trường, thì giá của loại ghế như thế có thể lên tới 2.500 euros”, phía Renault khẳng định. Hơn nữa, công ty này cũng nhấn mạnh rằng, lựa chọn trên không hề ảnh hưởng đến tính năng an toàn của xe và tất nhiên sản phẩm vẫn đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng của Renault.

“Renault là nhà sản xuất đầu tiên của châu Âu ứng dụng tiện ích nói trên vào sản xuất. Ghế xoay cũng được xem như những gói tùy chọn khác và được sản xuất tại nhà máy Flins, Pháp”, phát ngôn viên của Renault cho biết.

Luận bàn về việc điều khiển tốc độ


Tác giả: Sơn Hà

Bạn nghĩ sao khi tốc độ ôtô không tuân thủ theo ý muốn điều khiển của người lái? Hình như xe cứ trườn lên trước, khi bạn nhả chân ga, chuyển sang nhấn chân phanh và chưa kịp đạp chân côn.

Bạn không muốn xe trườn lên trước như thế (nguy hiểm lắm!) vì phía trước là chướng ngại. Nếu khéo léo một chút khi bạn nhả chân ga, nhanh chóng đạp chân côn và đạp phanh. À, xe không còn trườn lên nữa. Một chút khéo léo thôi mà.

Sử dụng xe nhiều năm có khi nào bạn lúng túng trong các tình huống thực tiễn rồi đạp nhầm chân vào các cơ cấu điều khiển. Chắc là có, đôi lúc ngồi trên xe chúng ta vẫn gặp các trạng thái tâm lý không ổn định để vận hành xe.

Sự ra đời của chân ga điện tử là giai đoạn đầu để có thể chuyển sang "hệ thống điều khiển thông minh" trên ôtô, trong đó, việc điều khiển tốc độ ôtô là một trọng tâm hoàn thiện. Hy vọng rằng, "hệ thống điều khiển thông minh" sẽ giúp bạn loại trừ phần lớn các nguy hiểm do bất chợt bị rơi vào tình trạng lúng túng.

Vậy việc đưa thiết bị mới vào ôtô đòi hỏi bạn cần thay đổi chút ít các động tác xử lí truyền thống. Chẳng hạn, trước đây bạn luôn có ý định "cứu máy", khi máy của bạn đã có hiện tượng dẫn tới tắt máy, lúc đó bạn cần vê côn hay đạp cắt côn. Thói quen đó cần thay đổi, đã nhả chân ga thì cần cắt côn và đạp phanh. Chắc điều này không quá khó khăn. Một chút khéo léo để bạn thích nghi với thao tác này khi điều khiển tốc độ ôtô. Hãy cùng nhau điểm lại các nét cơ bản của việc sử dụng chân ga điện tử xem có lợi thế nào, thói quen nào cần thay đổi.

Khi bố trí chân ga điện tử, mối liên hệ cơ khí giữa bàn đạp và bướm ga không còn nữa, thay vào đó là liên kết bằng dây dẫn điện (drive-by-wire) nhờ các bộ điều khiển điện tử. Hiển nhiên, các quy luật điều khiển tốc độ ôtô vẫn tuân thủ theo các trạng thái điều khiển cơ bản. Thực hiện hỗ trợ cho người lái là nhng khác biệt cần biết so với các liên kết cơ khí truyền thống. Sự hỗ trợ được thực hiện ở hai trạng thái: tự động tăng tốc và tự động giảm tốc.

Sự hỗ trợ người lái ở trạng thái tự động tăng tốc liên quan tới khả năng đảm bảo an toàn giao thông, được người lái có cảm nhận rõ nét và là vấn đề đang được các nhà thiết kế và xã hội quan tâm.

Sự hỗ trợ tăng tốc độ ôtô được các nhà thiết kế lựa chọn theo phương pháp tăng tốc độ động cơ bao gồm: hỗ trợ người lái ở chế độ gài số, chế độ quay vòng ôtô, và được gọi là chế độ "bù ga tự động". Tuy nhiên, trong thực tiễn chỉ có một số ôtô có giá thành cao mới thực hiện đầy đủ các chức năng hỗ trợ này. Việc tự động tăng tốc độ động cơ ở chế độ chạy chậm (không tải) không nằm trong phạm vi hỗ trợ này.

Bù ga tự động khi động cơ làm việc ở chế độ gài số

Khi động cơ đã làm việc, việc gài số từ thấp đến cao nhằm thực hiện ở chế độ tải trọng thay đổi. Phụ tải đặt lên động cơ lớn hơn phụ tải của chế độ chạy chậm. Thông thường, người lái phải nhấn sâu một chút chân ga để động cơ làm việc cân bằng với phụ tải của ôtô, hoặc tiến hành vê côn (vê li hợp). Nếu thả hoàn toàn chân ga, không vê côn, động cơ có thể ngừng hoạt động (chết máy).

Trên ôtô có chân ga điện tử, để khắc phục tình trạng này, khi thả chân ga hoàn toàn, người lái không cần vê côn, động cơ tự động xác định chế độ bù ga, duy trì cho động cơ làm việc ở trạng thái cân bằng với phụ tải mà động cơ không bị chết máy.

Chế độ này được gọi là chế độ bù ga theo tải trọng. Khi đó, động cơ sẽ tự động chuyển về trạng thái làm việc khác nhau tùy thuộc vào tay số gài và tải trọng đặt lên bánh xe chủ động. Khi số truyền được gài càng cao thì số vòng quay của động cơ càng lớn. Mức độ bù ga tùy thuộc vào chất lượng của động cơ, như vậy, có thể có động cơ cần bù ga lớn và có động cơ cần bù ga nhỏ. Chế độ xử lý tự động như vậy đã thực sự hỗ trợ người lái và là một ưu việt của kết cấu bù ga điện tử.

Một vấn đề khác được đặt ra là khi bù ga theo chế độ tải trọng, nếu vì một lý do nào đó, ôtô chở tải và hoạt động ở vùng tốc độ cao, người lái gặp chướng ngại, đột ngột thả chân ga, không đạp li hợp và chuyển sang chân phanh. Điều đó có nghĩa là phụ tải gia tăng và hệ thống bù ga làm việc nhằm tạo cân bằng với tải lớn của ôtô và có thể dẫn tới ôtô bị tăng tốc ngoài ý muốn. Trong trường hợp này nhất thiết phải thực hiện đạp ly hợp và chuyển số về "Mo", khi đó, phụ tải động cơ giảm nhỏ và động cơ không được điều khiển bù ga.

Bù ga tự động khi ôtô làm việc ở chế độ quay vòng

Khi ôtô quay vòng trên đường cong, nếu người lái gi nguyên mức độ bàn đạp chân ga chuyển sang quay vành lái thc hiện quỹ đạo cong của đường, tốc độ chuyển động của ôtô sẽ giảm. Sự biến đổi vận tốc ôtô trong đường cong sẽ dẫn tới thay đổi mạnh các phản lực thẳng đứng và gây bất lợi cho sự lăn của một vài bánh xe trên đường.

Để khắc phục điều này, chế độ bù ga khác đã được thực hiện trên các ôtô có bố trí hệ thống VSC (Vehicle Stability Control: ổn định hướng chuyển động).

Khi ôtô được điều khiển vào đường vòng, mặc dù chân ga giữ nguyên, nhưng bộ điều khiển VSC nhận thấy gia tốc bên không nằm trong vùng cận nguy hiểm, hệ thống cho phép bù ga để ôtô gi nguyên tốc độ chuyển động. Cấu trúc như vậy giúp người lái tập trung tốt hơn trong việc xử lý tình huống mặt đường, hạn chế khả năng trượt ngang của các bánh xe cầu sau.

Giảm ga tự động khi ôtô làm việc ở chế độ TRC (Traction Control)

Khi đi trên đường trơn, người lái nhấn sâu chân ga, động cơ làm việc ở số vòng quay cao, nhưng tốc độ ôtô không tăng, một phần năng lượng của động cơ bị tiêu hao vô ích cho việc thực hiện quay trơn bánh xe.

Trên ôtô có bố trí TRC (hay kí hiệu ASR), nếu cứ nhấn sâu chân ga khi đi trên đường trơn, trước tiên, hệ thống phanh ABS sẽ tham gia điều khiển phanh đối với từng bánh xe bị quay trơn, tốc độ động cơ tự động giảm xuống hạn chế sự quay trơn bánh xe, mặc dù chân ga vẫn nằm ở vị trí nhấn sâu. Thực hiện điều này, hệ thống giảm ga tự động đã hỗ trợ người lái để tối ưu sử dụng nhiên liệu, hạn chế khả năng mòn lốp xe và hạn chế sự trượt bên, nâng cao khả năng điều khiển ôtô.

Giảm ga tự động khi ôtô làm việc ở chế độ quay vòng

Trên xe có bố trí VDC (Vehicle Dynamic Control: ổn định động học quay vòng) có thiết bị kiểm soát gia tốc bên. Nếu gia tốc bên của ôtô nằm trong vùng lân cận của giá trị nguy hiểm, mặc dù chân ga đang nằm ở một vị trí nhấn ga nào đó, hệ thống VDC lập tức điều khiển giảm tốc độ động cơ để giảm tốc độ ôtô, đưa gia tốc bên thực tế về vùng gia tốc an toàn.

Ở trong vùng gia tốc an toàn, nếu quỹ đạo cong của ôtô không phù hợp với quỹ đạo của vành lái (không phù hợp với trạng thái quay vòng mong muốn), hệ thống ABS tự động được kích hoạt và điều khiển phanh riêng rẽ các bánh xe theo chương trình định sẵn để đưa ôtô về trạng thái quay vòng mong muốn. Trong quá trình đó, công suất của động cơ phát ra bị dư thừa và động cơ được hiệu chỉnh giảm tốc độ. Sau khi đã thực hiện được việc điều chỉnh quỹ đạo, lệnh điều khiển này được hủy bỏ và hệ thống chuyển về thực hiện tăng tốc động cơ đến giá trị mong muốn của bàn đạp chân ga trước đó. Thực hiện giảm và tăng linh hoạt chế độ làm việc của động cơ giúp nâng cao tính ổn định động của xe (VDC), đồng thời, sử dụng hiệu quả nhiên liệu là ý đồ của nhà thiết kế nhằm hỗ trợ người lái.

Động cơ làm việc khi gặp chướng ngại trên đường

Một số ôtô con đã bắt đầu bố trí thiết bị điều khiển tốc độ ôtô theo khoảng cách di chuyển giữa các ôtô cùng di chuyển trên đường. Thiết bị cho phép xác định khoảng cách giữa các xe bằng thiết bị nhận dạng chướng ngại: khoảng cách giữa các xe, tốc độ di chuyển của xe đi trước (chướng ngại). Nếu khoảng cách giữa ôtô với chướng ngại đủ đảm bảo an toàn cho hệ thống phanh xe khi cần thiết, hệ thống cho phép làm việc theo điều khiển của vị trí bàn đạp chân ga. Nhưng nếu khoảng cách nằm trong vùng không an toàn, mặc dù bàn đạp chân ga nhấn sâu nhưng thiết bị điều khiển động cơ giảm tốc độ, gi khoảng cách an toàn. Trong trường hợp đặc biệt, động cơ có thể tắt máy và xe bị phanh gấp theo dạng phanh hỗ trợ khẩn cấp (BAS), trong lúc người lái chưa kịp phanh xe và bàn đạp chân ga chưa được thả hoàn toàn.

Thiết bị như vậy thuộc loại hệ thống điều khiển thông minh và đang được nghiên cứu để lắp phổ biến trên ôtô con và chân ga điện tử là một thành phần không thể thiếu.

Ngoài các tính năng tự động tăng, giảm tốc độ ôtô trong các trường hợp điển hình nói trên, cũng còn có một số chức năng khác liên quan tới chân ga điện tử. Việc xuất hiện hệ thống điện tử hỗ trợ người lái đem lại nhiều ưu việt, cần làm quen. Tuy nhiên, với các thiết bị mới như thế người lái cần được biết trước và có một chút khéo léo trong điều khiển tốc độ ôtô.