Hotline: 0973 549 00
Menu

Chứng khoán Trung Quốc đổ vỡ là bài học "giá trị" cho Việt Nam

Nhiều định chế tài chính, chuyên gia trong nước và ngoài nước cũng cho rằng, đây sẽ là bài học với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt là việc cho áp dụng rộng rãi công cụ bán khống và đòn bẩy tài chính.

Thị trường đã phải trải qua gần 1 tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Sau một thời kỳ dài gần 7 năm đi ngang và tích lũy, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến một đợt sóng tăng cực kỳ mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 6/2014 và kéo dài liên tục đến nửa đầu năm 2015. 

Cụ thể, các chỉ số Shanghai Composite Index và Shenzhen Composite Index đã tăng tới 190%. Bên cạnh việc tăng giá, thanh khoản thị trường cũng đã tăng trưởng đột biến. Giá trị giao dịch trong giai đoạn gần đây đạt gần 400 tỷ USD tăng gấp 10 lần so 12 tháng trước đó, đồng thời đã vượt qua thị trường chứng khoán Mỹ

Tuy nhiên, đà tăng điểm kéo dài suốt 1 năm qua đã xuất hiện những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên khi thị trường chứng khoán Trung Quốc quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/6/2015 với tổng mức giảm lên tới trên 30%. Thị trường đã phải trải qua gần 1 tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong đó riêng 2 tuần đầu, Shanghai Composite Index đã liên tiếp đánh mất 18% số điểm. 

Mặc dù xen kẽ xuất hiện những phiên phục hồi ngắn sau những biện pháp giải cứu của chính phủ, điều này đã không giúp thị trường thoát ra khỏi xu thế downtrend khi giá cổ phiếu sau đó tiếp tục lao dốc mạnh mất thêm 16% số điểm nữa.

Nhiều định chế tài chính, chuyên gia trong nước và ngoài nước cũng cho rằng, đây sẽ là bài học với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt là việc cho áp dụng rộng rãi công cụ bán khống và đòn bẩy tài chính khiến những nhà đầu tư có ít tiền, thậm chí không có tiền vẫn có thể đầu tư. Từ đó, giá cổ phiếu bị đẩy lên cao và tạo bong bóng.

Trong báo cáo đánh giá nhanh về thị trường chứng khoán Trung Quốc, công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc đổ vỡ là bài học giá trị cho các thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam. 

Theo BSC, mục tiêu chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ Trung Quốc về cơ bản là nhắm vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những hiệu ứng phụ dẫn tới sự gia tăng quá mức của thị trường chứng khoán đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính phủ nước này. Điều này cho thấy bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra nếu thiếu sự chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành kinh tế.

Ngoài ra, bài học cũng cho thấy tầm quan trọng của các nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán có một phần lớn nguyên nhân từ phong trào đầu tư mang tính chất dây chuyền của số đông lớp nhà đầu tư cá nhân,nhỏ lẻ với kiến thức hạn chế về kinh tế, tài chính.

Với GDP hàng năm chỉ khoảng 117 tỷ USD, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé và còn rất lâu mới có thể thay thế được thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, cơn hoảng loạn của chứng khoán trong những ngày qua có thể sẽ trở thành lợi thế cho thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn mới cho nhà đầu tư quốc tế.

Theo đánh giá của BSC, khi vốn rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới, cụ thể là Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã nổi lên và gây được nhiều sự chú ý trong con mắt nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài. Nền kinh tế vĩ mô đang trên đà hồi phục tích cực, với nhiều cải cách và thay đổi mang tính “mở” hơn đối với quốc tế, trong đó có chính sách tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp của Việt Nam gần đây.

Mới đây, CNBC dẫn nhận định của Eric Mustin, Phó Chủ tịch của WallachBeth Capital cho hay, nhiều nhà đầu tư là khách hàng tổ chức đã tìm hiểu về thị trường chứng khoán Việt Nam. Mustin cũng so sánh Việt Nam với Trung Quốc thời điểm cách đây một năm, khi mà Việt Nam đang trong quá trình nỗ lực từ thị trường sơ khai trở thành thị trường mới nổi theo xếp hạng của MSCI nhằm có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại nhiều hơn. 

Trên thực tế, một báo cáo của ANZ chỉ ra rằng, trong thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng nóng, khối ngoại đã liên tục bán ra. Tuy nhiên, khi thị trường này rơi vào cơn hoảng loạn, khối ngoại lại tiếp tục đổ tiền vào mua cổ phiếu. 

Trong 4 tuần liên tục trở lại đây, khối ngoại đổ gần 20 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Những diễn biến tại thị trường chứng khoán cũng tương tự, nhưng giá trị mua vào của khối ngoại trong cùng giai đoạn ước tỉnh chỉ vào khoảng 25 triệu USD, vô cùng nhỏ nếu mang so sánh với Trung Quốc.

Trang CNBC cũng dẫn nhận định của Erin Gibbs, Giám đốc đầu tư chứng khoán của S&P Capital cho rằng, một rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam là hiện Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức, trong đó việc ổn định lạm phát và tăng trưởng thu nhập GDP bình quân đầu người.

Win Thin, trưởng bộ phận chiến lược thị trường mới nổi tại Brown Brothers Harriman thì cho rằng, đợt bán tháo của thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường Việt Nam có thể hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, với GDP hàng năm chỉ khoảng 117 tỷ USD, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé và còn rất lâu mới có thể thay thế được thị trường Trung Quốc.

Bầu Đức "trúng đậm", kiếm gần 240 tỉ một ngày

Bầu Đức đã có một ngày "thăng hoa" khi cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai tăng cao đột biến với 4% điểm, tương ứng với mức tăng 700 đồng/cổ phiếu, đem về cho bầu Đức gần 240 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20.5, VN-Index tăng 13,28 điểm, tương đương 2,47%, lên mức 550,1 điểm. Như vậy thị trường chứng khoán Việt đã có phiên bùng nổ với tỷ lệ tăng điểm mạnh nhất trong vòng 6 tháng qua, kể từ cuối tháng 1 năm nay.


Bầu Đức đã có một ngày "thăng hoa" khi cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai tăng cao đột biến

Trong đó, dẫn đầu nhóm đại gia trúng đậm nhờ cổ phiếu trong phiên ngày hôm nay là bầu Đức của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG). Với mức tăng 4% điểm, tương ứng với 700 đồng/cổ phiếu, hiện cổ phiếu của HAG đang ở mức 18.200 đồng/cổ phiếu.

Với việc nắm giữ trên 342 triệu cổ phiếu HAG, bầu Đức đã thu về gần 240 tỷ đồng chỉ trong một ngày. Đây cũng là ngày "thăng hoa" và trúng đậm của bầu Đức và HAG.

Hiện, số tài sản của Chủ tịch HĐQT HAG đã tăng lên mức hơn 6.238 tỷ đồng.

Không kém cạnh bầu Đức, Chủ tịch của Vingroup (mã VIC) - tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng có một ngày thắng lợi khi cổ phiếu của VIC tăng 1,1% điểm, tương ứng với mức tăng 500 đồng/cổ phiếu, ở mức 47.100 đồng/cổ phiếu.

Với hơn 423 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã thu về 211 tỷ đồng và nâng khối tài sản lên mức 19.934 tỷ đồng, vẫn giữ vị trí đầu bảng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Mặc dù có mức tăng giá ấn tượng nhất - 1.700 đồng/cổ phiếu, song Chủ tịch của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) - ông Trần Đình Long lại chỉ về ở vị trí thứ ba khi khối tài sản của ông gia tăng thêm 197 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Hòa Phát đã có một ngày thắng lớn khi giá cổ phiếu của tập đoàn này đã tăng trưởng 6,8% điểm, lên mức 26.700 đồng/cổ phiếu - mức tăng cao nhất kể từ nhiều tháng nay.

Mỗi buổi sáng mất ngàn tỷ: Nỗi ám ảnh tháng 5

Giống như năm trước, ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thị trường chứng khoán mở cửa với một phiên giảm rất mạnh. Tháng 5 dường như là một tháng ám ảnh, đen đủi với các nhà đầu tư trên thị trường.

Điệp khúc tụt giảm

Mở cửa phiên giao dịch sáng 5/5/2015, hầu hết các mã cổ phiếu trên cả hai sàn chứng khoán tiếp tục đỏ rực lửa với những lý do không mấy liên quan tới tình hình kinh tế vĩ mô cũng như kết quả và kế hoạch kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết trên sàn - Hiệu ứng tâm lý e ngại tháng 5.

Trong phiên hôm qua 4/5, thị trường chứng khoán (TTCK) đã lặp lại kịch bản của một năm về trước. Các nhà đầu tư ồ ạt tung lệnh bán khiến VN-Index lao dốc rớt 17,32 điểm, tương đương 3,08%, xuống mức 545,08 điểm. HNX-Index của sàn Hà Nội cũng 2,8 mất điểm, tương đương 3,38%, xuống mức 79,95 điểm.

Trên sàn TP.HCM, 229 mã giảm giá, trong đó 65 mã giảm sàn. Số mã tăng giá là 28. Ở sàn Hà Nội, có tới 187 mã mất điểm trong khi chỉ 32 mã tăng. Rất nhiều mã blue-chips giảm mạnh như: GAS, VNM, MBB, VIC...

Cách đây đúng một năm, trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, ngày 5/5/2014, VN-Index cũng đã giảm 14 điểm của VNIndex, mở màn cho chuỗi ngày giảm điểm liên tục do tác động của sự kiện Biển Đông. Thị trường chứng kiến nhiều phiên mỗi phiên mất vài tỷ USD.


Ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thị trường chứng khoán mở cửa với một phiên giảm rất mạnh.

Thanh khoản tăng cao cùng lực mua khá mạnh từ khối ngoại trong những ngày vừa qua cũng không ngăn được tâm lý bán và ra đi, "sell in May and go away" của nhiều nhà đầu tư, nhất là khi họ bị ám ảnh bởi những câu chuyện không mấy tốt lành trước đó.

Thời điểm mang tính chu kỳ và hiện tượng tâm lý đám đông có lẽ là nguyên nhân khiến cho TTCK Việt Nam trong tháng 5 vài năm gần đây đều không thoát khỏi tình trạng giao dịch ảm đạm, giá cổ phiếu đi xuống.

Tuy nhiên, rất có thể có những ngoại lệ. Sức cầu khá lớn của khối ngoại, những thông tin vĩ mô tích cực cùng với lãi suất ngân hàng ở mức thấp... có thể ngăn giá cổ phiếu giảm sâu trong thời gian tới.

Khó khăn hay cơ hội?

Bước vào năm 2015, rất nhiều các dự báo tỏ ra lạc quan với triển vọng TTCK.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, chứng khoán là một trong 3 kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2015. Chứng khoán SSI giữ quan điểm TTCK sẽ tăng trưởng dựa trên những tiến triển của kinh tế vĩ mô.


Sau bước khởi đầu ấn tượng, cho tới thời điểm hiện nay, VN-Index đã rớt xuống dưới ngưỡng 550 điểm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với hàng loạt thông tin tốt như: sản phẩm mới sẽ xuất hiện như chứng khoán phái sinh; nới room cho khối ngoại; hàng khủng như MobiFone, Vietnam Airlines, Vinatex sẽ lên sàn; chỉ số P/E thấp hơn khu vực Việt Nam hội nhập sâu hơn trong năm 2015; tăng trưởng GDP cao; tín dụng hồi phục; DN hưởng lợi từ chi phí tài chính thấp; chất quản trị DN và việc giám sát thị trường được nâng lên... sẽ khiến cho TTCK sôi động, hấp dẫn các NĐT.

Tuy nhiên, sau bước khởi đầu ấn tượng, cho tới thời điểm hiện nay, VN-Index đã rớt xuống dưới ngưỡng 550 điểm. Tâm lý lo ngại của các NĐT đối với tháng 5 khiến nhiều người lo ngại.

Trên thực tế, đang có nhiều thông tin có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Thông tư 36, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền từ ngân hàng vào TTCK, khiến thị trường chao đảo một thời gian khá dài và vẫn có những tác động nhất định trong thời điểm hiện nay. Thông tư 200 thay đổi cách hạch toán doanh thu của doanh nghiệp BĐS, không cho phép hạch toán theo tiến độ khách hàng, có thể ảnh hưởng tới doanh thu lợi nhuận gộp của các đơn vị này, ảnh hưởng tới cổ phiếu BĐS.

Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi xu hướng thắt chặt quản lý nợ xấu theo chuẩn quốc tế của NHNN. Khả năng tăng giá xăng đang treo trên đầu cũng là một nhân tố có thể tác động tiêu cực tới TTCK. Còn dòng vốn vào thị trường eo hẹp, làn sóng IPO DNNN và xu hướng thoái vốn khỏi các DN ngoài ngành cũng lại đã và đang hút lượng tiền không hề nhỏ từ các nhà đầu tư tổ chức.

Một số công ty chứng khoán lo ngại về hiện tượng tâm lý bầy đàn có thể khiến giá cổ phiếu tụt giảm sâu, VN-Index xuống dưới 540 điểm. Mặc dù vậy, đánh giá về hiện tượng bán tháo đầu tháng 5, CTCK BSC cho rằng là xuất phát từ yếu tố tâm lý mang tính ngắn hạn và khuyến nghị NĐT theo trường phái giá trị lựa chọn vùng giá tốt để tích lũy. VDSC khuyến nghị NĐT hạn chế bán tháo.

TTCK Việt Nam đang phản ứng khá trái chiều so với diễn biến kinh tế vĩ mô. Ngân hàng HSBC cho rằng, con số tăng trưởng ngoạn mục những tháng đầu năm (6,03% trong quý I) phản ánh kinh tế Việt Nam khởi động năm 2015 với một vị thế mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu cao hơn. HSBC cũng vừa công bố chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất (PMI) tháng 4 của Việt Nam đạt mức cao nhất 4 năm. Những yêu cầu về sản xuất cao hơn dẫn đến tăng việc làm và sức mua. Cùng với đó, mức sụt giảm trong chi phí sản xuất và giá cả đầu ra cũng ghi nhận mức kỷ lục.

TTCK gần đây không thực sự hấp dẫn các NĐT do nguồn cung lớn, chất lượng DN vẫn còn là một vấn đề... Tuy nhiên, so với triển vọng kinh tế nói chung, TTCK dường như đang đi sau một bước. Điểm sáng lẻ loi trong những diễn biến gần đây có lẽ là ở chỗ, thanh khoản có dấu hiệu phục hồi ở những phiên giảm điểm và khối các NĐT nước ngoài đang đẩy mạnh giải ngân. Hôm 4/5, khối ngoại mua ròng gần 240 tỷ đồng và đang trở nên "tham lam" trong phiên ngày 5/5. Trong tháng 4, khối này cũng đã mua ròng hơn 1.800 tỷ đồng.

37.000 tỷ đồng bị “cuốn phăng” khỏi thị trường chứng khoán trong vài giờ

Trong phiên giao dịch mở đầu tháng 5, với tâm lý tiêu cực của giới đầu tư và các quyết định mang tính chất xuôi chiều đám đông đã khiến 37.000 tỷ đồng vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.


Nhiều nhà đầu tư "chết đứng" trước tình trạng giảm điểm rất mạnh phiên giao dịch 4/5

Trong phiên giao dịch ngày 4/5 và cũng là phiên đầu tiên thị trường trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 – 1/5, hai sàn chứng khoán trở nên rối loạn với hoạt động bán xả cổ phiếu đồng loạt. 

Đóng cửa, chỉ số VN-Index ghi nhận thất thoát 17,32 điểm tương ứng 3,08% còn 545,08 điểm với 229 mã giảm (trong đó có 65 mã giảm sàn) so với 28 mã tăng. HNX-Index lún sâu mất 2,8 điểm tương ứng 3,38% còn 79,94 điểm do có 187 mã giảm (trong đó có 50 mã giảm sàn) so với 32 mã tăng.

Qua đó, chỉ trong một phiên giao dịch, vốn hóa thị trường chứng khoán trên sàn TPHCM (HoSE) đã bị “cuốn phăng” 33.081 tỷ đồng còn hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, sàn Hà Nội (HNX) cũng ghi nhận thiệt hại 3.891,9 tỷ đồng vốn hóa, lùi xuống còn 135.363,2 tỷ đồng. Tổng cộng, trong phiên 4/5, thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” gần 37.000 tỷ đồng.

Thị trường lao dốc thảm và mang tính dây chuyền khiến không ít nhà đầu tư bị “vạ lây” do có nhiều cổ phiếu tốt cũng bị vòng xoáy giảm giá cuốn theo. Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến những “đại gia chứng khoán” với khối lượng cổ phiếu nắm giữ rất lớn trên sàn.

Phiên này, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai mất tới 1.000 đồng tương ứng sụt giảm 4,98%. Với 342,8 triệu cổ phần nắm giữ tại Tập đoàn, Chủ tịch HĐQT – ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) ghi nhận mất 342,8 tỷ đồng. Về mặt vốn hóa, bản thân Hoàng Anh Gia Lai cũng thất thoát 790 tỷ đồng.


Cũng trong phiên này, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm 700 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, khối tài sản của ông Trần Đình Long (bầu Long) – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giảm theo 81,34 tỷ đồng và song song với đó, tài sản trên sàn chứng khoán của bà Vũ Thị Hiền – vợ bầu Long cũng mất gần 25 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC của Vingroup chỉ giảm 500 đồng (1,03%) song do khối lượng sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng rất lớn, với 423,2 triệu cổ phiếu nên người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam phiên này mất 211,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tài sản bà Phạm Thu Hương – vợ ông Phạm Nhật Vượng cũng sụt giảm 36,5 tỷ đồng và tài sản của bà Phạm Thúy Hằng (em gái bà Hương) giảm 24,3 tỷ đồng. 

Toàn bộ mức thất thoát này đã được bù đắp trong phiên giao dịch hôm nay (5/5) khi cổ phiếu VIC tăng trở lại 700 đồng/cp, nói cách khác, các cổ đông nắm giữ cổ phiếu VIC còn được thêm 200 đồng mỗi cổ phiếu.

Cổ phiếu MSN mất 1.000 đồng phiên 4/5 và điều này cũng đồng nghĩa với việc bà Nguyễn Hoàng Yến bị mất 26,2 tỷ đồng trên sàn chứng khoán do nắm giữ 26,2 triệu cổ phần tại tập đoàn này.

Hai đại gia thủy sản có mặt trong Top 10 những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. VHC của Vĩnh Hoàn giảm 1.100 đồng (tương ứng 3,05%) và HVG của Hùng Vương cũng mất 900 đồng (tương ứng 4,52%). Do vậy, khối tài sản của bà Trương Thị Lệ Khánh ghi nhận hao hụt 50,2 tỷ đồng và tài sản ông Dương Ngọc Minh giảm 65,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân thị trường chứng khoán giảm mạnh trong phiên 4/5 được suy luận đến từ nhiều phía. Tuy nhiên, theo nhận định của các công ty chứng khoán, đà giảm chủ yếu đến từ tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường khá yếu và các quyết định thường theo xu hướng đám đông giữa bối cảnh câu châm ngôn “Sell in May and go away” (Bán vào tháng 5 và đi chơi) đang ám ảnh nặng nề giới đầu tư.

Những quyết định vội vàng này không chỉ gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư mà còn khiến không ít các nhà đầu tư theo trường phái giá trị bị “vạ lây” khi giá cổ phiếu sụt giảm “theo dòng”.