Hotline: 0973 549 00
Menu

Bắt khẩn cấp giám đốc và kế toán Công ty Bảo Khang

Ngày 25.6, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Duy Bảo (ảnh, 34 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, Giám đốc Công ty TNHH ĐT-TM-XNK Bảo Khang, trụ sở trên đường Phan Văn Trị, P.10, Q.Gò Vấp) và Tống Kim Quý (ngụ Q.12, kế toán công ty), để điều tra làm rõ về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng.


Theo thông tin ban đầu, khoảng 8 giờ 50 ngày 24.6, PC46 phối hợp Tổ công tác đặc biệt 113, Tổng cục Phòng chống tội phạm của Bộ Công an bắt quả tang Thiếu Đình Cường (18 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, nhân viên Công ty Bảo Khang) mang một ba lô đựng nhiều hộp thực phẩm chức năng đi giao cho khách hàng, nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định một số nhãn hiệu thực phẩm chức năng trên là hàng giả nên khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Bảo Khang và 2 căn nhà của Bảo (hẻm 237 Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp và hẻm 120 đường số 59, P.14, Q.Gò Vấp); nhà của Quý (ở chung cư Phú An, khu dân cư Thới An, P.Thới An, Q.12). Lực lượng khám xét phát hiện và thu giữ 77 thùng carton chứa thuốc, thực phẩm chức năng với hơn 10 nhãn hiệu nổi tiếng của Mỹ... cùng nhiều tang vật liên quan đến việc làm hàng giả.

Công an đang ghi lời khai của Quý - Ảnh: Đàm Huy

Bước đầu, Bảo khai khoảng tháng 3.2014 lên mạng internet làm quen với một người đàn ông Trung Quốc (không rõ lai lịch) chuyên cung cấp các mặt hàng thực phẩm chức năng. Sau đó, Bảo chụp hình chi tiết sản phẩm gồm: vỏ hộp, thông tin sản phẩm, thuốc dạng viên nén... gửi cho người này làm giả. Theo thỏa thuận, Bảo chuyển 50% tiền vào tài khoản thì phía đối tác sẽ chuyển hàng đến tận nhà Bảo ở Q.Gò Vấp. Giá đặt hàng cho từng loại sản phẩm trung bình 4 - 7 USD/hộp. Khi nhận hàng, Bảo giao Đoàn Văn Mạnh, Đoàn Văn Tuấn, Tống Quang Phú vận chuyển đến nhà Quý đóng gói và bán ra thị trường theo giá từ 400.000 đến 2 triệu đồng/hộp.

Nguồn : báo thanh niên

“Công nghệ” làm giả thuốc giảm cân hàng hiệu ở Sài Gòn

Thực phẩm chức năng, đa phần là thuốc giảm cân được công ty Bảo Khang mua từ một người Trung Quốc thông qua mạng Internet. Chuyển về TP.HCM, giám đốc công ty giao cho nhiều người dán nhãn mác hàng hiệu của Mỹ rồi tuồn bán ra thị trường.

Hàng chục thùng tang vật bị cơ quan công an thu giữ

Liên quan đến vụ đột kích công ty kinh doanh thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu như VietNamNet đã thông tin, mới đây phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) công an TP.HCM đã làm rõ về cách thức kinh doanh giả nhãn hiệu của công ty TNHH ĐT - TM - XNK Bảo Khang (trụ sở đường Phan Văn Trị, P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Đến nay công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 2 đối tượng Nguyễn Duy Bảo (SN 1981, ngụ Q.Gò Vấp - giám đốc công ty) và Tống Kim Quý (SN 1991, ngụ Q.12 - kế toán công ty Bảo Khang) để điều tra, xử lý về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Theo cán bộ phòng PC46, đây là chuyên án đã được xác lập từ nhiều tháng nay, có sự phối hợp giữa phòng này và các cục nghiệp vụ của Bộ công an.

Theo đó, 9h sáng 24/6 trinh sát các đơn vị phối hợp đã phục kích, mời làm việc với Thiếu Đình Cường (SN 1997, ngụ Q.Gò Vấp, là nhân viên công ty Bảo Khang) khi đối tượng này mang 1 ba lô chứa nhiều hộp thực phẩm chức năng đi giao cho khách hàng, nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Sau đó, các đơn vị phối hợp chia thành 4 mũi tiến hành kiểm tra 4 địa điểm gồm: trụ sở chính của công ty Bảo Khang; 2 căn nhà của Bảo cùng ở P.14, quận Gò Vấp và nhà riêng của Quý ở chưng cư Phú An thuộc khu dân cư Thới An, P.Thới An, Q.12. Tại những nơi này, công an thu giữ 77 thùng các-tông chứa thực phẩm chức năng, chủ yếu là thuốc giảm cân; cùng nhiều tem nhãn, bao bì, máy móc các loại...

Công an khám xét nhà Nguyễn Duy Bảo – giám đốc công ty Bảo Khang

Qua điều tra, giám đốc công ty Nguyễn Duy Bảo khai báo, khoảng tháng 3/2014 có lên mạng Internet tình cờ quen biết một người đàn ông Trung Quốc không rõ lai lịch. Bảo và người đàn ông Trung Quốc thỏa thuận việc làm ăn.

Theo đó Bảo chụp các mẫu vỏ hộp, viên thuốc dạng nén, thông tin sản phẩm...gửi thư cho người đàn ông Trung Quốc để người này chuẩn bị hàng theo yêu cầu. Khi Bảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng 50% giá trị lô hàng thì người đàn ông Trung Quốc sẽ chuyển hàng đến tận nhà cho Bảo rồi nhận 50% số tiền còn lại.

Bảo khai, mỗi hộp sản phẩm người đàn ông Trung Quốc bán cho Bảo với giá 4 - 7 USD/hộp. Tuy nhiên do Bảo yêu cầu, khi người này chuyển hàng đã để sản phẩm, vỏ hộp…riêng biệt với nhau.

Sau khi nhận hàng, Bảo lệnh cho nhiều công nhân được thuê mướn chuyển về các căn nhà của Bảo và kế toán Quý để đóng thành gói, hộp, dán nhãn hàng hiệu của Mỹ rồi tuồn bán ra thị trường với giá 400 ngàn đồng – 2 triệu đồng/hộp hoặc bịch.

Được biết thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty Bảo Khang không chỉ ở TP.HCM mà ở nhiều tỉnh thành khác. Hiện phòng PC46, công an TP.HCM đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Bộ trưởng Công an: Cần những “quả đấm thép” diệt “giặc” buôn lậu

“Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại để trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến rất phức tạp đòi hỏi công tác chống buôn lậu phải quyết liệt hơn với các giải pháp căn cơ; các lực lượng chống buôn lậu phải được đầu tư chuyên sâu, sắc bén, cần những “quả đấm thép” như Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu”, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội tuần vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Công an đã có nhiều giải pháp quyết liệt để xử lý buôn lậu và đạt được những kết quả tích cực. Liên quan vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, phòng, chống buôn lậu là một trong những công tác trọng tâm đã, đang được Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt với những giải pháp căn cơ…

Bộ trưởng Trần Đại Quang (giữa) và Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (phải) trao đổi với đại biểu bên lề kỳ họp Quốc hội. 

Thưa Bộ trưởng, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cũng như qua đánh giá của đại biểu Quốc hội cho thấy, công tác đấu tranh chống buôn lậu của các lực lượng chức năng, trong đó có vai trò nòng cốt của lực lượng Công an đã góp phần tích cực kiềm chế hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, từng bước ổn định thị trường, chống thất thu thuế… Xin Bộ trưởng cho biết thêm về vấn đề này?

Công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước, trong đó lực lượng Công an có vai trò nòng cốt. Thời gian qua, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng và nhân dân tích cực thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ quyền lợi của người dân. 

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp với các ngành chức năng đấu tranh có hiệu quả với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm, tích cực góp phần kiềm chế, làm giảm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, từng bước ổn định thị trường, chống thất thu thuế, củng cố lòng tin của nhân dân, của các nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Năm 2014, cơ quan điều tra Công an các cấp phối hợp cơ quan chức năng đã khám phá 13.884 vụ phạm tội về kinh tế, tăng 14,38% so với năm 2013, chống thất thu thuế hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm nay đã xử lý 48 nghìn vụ buôn lậu, thu về cho nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Lực lượng Công an các cấp đã khám phá nhiều vụ buôn lậu với số lượng lớn, như vụ buôn lậu xăng dầu của Công ty TNHH Hoàng Sơn tại vùng biển Thanh Hóa, khởi tố 5 bị can; vụ Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp buôn lậu xăng dầu tại vùng biển Quảng Ninh, đường bộ Lào Cai, Cao Bằng..., khởi tố 10 bị can; vụ buôn lậu than tại Quảng Ninh, thu giữ hàng trăm nghìn tấn than và nhiều tang vật, tài liệu khác liên quan đến vụ án, khởi tố 15 bị can...

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại để trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đối với các mặt hàng như xăng dầu, than, thuốc lá, đường, thực phẩm chức năng, hàng điện tử, điện lạnh. Thủ đoạn hoạt động loại tội phạm này rất tinh vi, xảo quyệt, xuất hiện nhiều đường dây buôn lậu quy mô lớn, có tổ chức, đặc biệt tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, cả tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển và đường không, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, một số vụ có sự thông đồng giữa các đối tượng trong và ngoài nước, có sự móc nối, tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan quản lý nhà nước. Tình hình đó đòi hỏi công tác chống buôn lậu phải quyết liệt hơn với các giải pháp căn cơ, các lực lượng chống buôn lậu phải được đầu tư chuyên sâu, sắc bén.

Thưa Bộ trưởng, được biết Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới. Vậy Bộ Công an sẽ triển khai những công tác trọng tâm nào để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết nói trên của Chính phủ?

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới, ngày 9/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm, các đối tượng cầm đầu, chủ mưu để triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu và vận chuyển, kinh doanh hàng hóa trái phép; xác lập các chuyên án trọng điểm, đấu tranh với các băng nhóm tội phạm buôn lậu có tổ chức như buôn lậu như thuốc lá, xăng dầu, rượu, thực phẩm chức năng, than, điện tử, điện lạnh... để bóc gỡ, điều tra, xử lý nghiêm. 

Đồng thời, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ, ngành chức năng rà soát tổng thể thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua, đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm xử lý nghiêm loại tội phạm này. 

Bộ Công an cũng sẽ tiếp tục củng cố lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án đã khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật…

Được biết, Bộ Công an vừa thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống buôn lậu. Xin Bộ trưởng cho biết sự cần thiết cũng như việc đầu tư nhân, vật lực để phát huy vai trò của lực lượng này trên mặt trận chống buôn lậu?

Thực hiện Đề án về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy Bộ Công an (đã được Bộ Chính trị phê duyệt), vừa qua, Bộ Công an đã thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu. Việc thành lập Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu là chủ trương đúng đắn, đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu nhằm tập trung nhân lực, vật lực, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống loại tội phạm trọng điểm này, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, chống thất thu thuế…

Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, tổ chức cơ sở đảng, sắp xếp cán bộ phù hợp theo mô hình tổ chức mới; xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy trình công tác; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện và các điều kiện đảm bảo khác để sớm ổn định, đi vào hoạt động. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu tập trung xác lập các kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án triệt xóa các tổ chức, tụ điểm buôn lậu, làm hàng giả, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn, là “quả đấm thép” trong công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm nói chung và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu nói riêng phải bám sát nhiệm vụ chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, khắc phục khó khăn, không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, tích cực học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ về mọi mặt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 

Mặt khác, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan, kết hợp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước nhằm phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại. Kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ có hành vi tiêu cực, tiếp tay, “bảo kê” cho các đối tượng buôn lậu.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hải quan Nga bắt 3 nghi phạm, tịch thu hơn 2 tấn ma túy

Theo hãng tin Sputnik News (Nga), Bộ trưởng Tài chính của Pháp, Michel Sapin vừa thông báo các nhân viên hải quan của nước này đã tịch thu khoảng 2,25 tấn ma túy từ một con tàu ở phía Đông Biển Caribbean, gần đảo Martinique.

Trong một tuyên bố được phát trên kênh truyền hình Pháp BFM TV vào thứ Bảy ( 18 – 4 ), Sapin đã tuyên dương công trạng của các nhân viên hải quan và cho biết thành công của hoạt động “khó khăn và rủi ro” này đã chứng minh tiềm năng của “hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống buôn lậu thuốc phiện”,

Ba nghi phạm bị bắt trên tàu sau khi giương một lá cờ Mỹ lên khi con tàu còn cách bờ biển Martinique khoảng 200 km.


Các quan chức hải quan Pháp đang tịch thu ma túy trên tàu. (Ảnh: Flickr)

Theo một quan chức từ Cục Tình báo và Điều tra Hải quan quốc gia Pháp (DNRED) dẫn lời bởi kênh truyền hình BFM TV, những tình nghi bao gồm hai người Tây Ban Nha và một người Venezuela.

Theo kênh truyền hình BFM TV, kề từ năm 2014, các quan chức hải quan của Pháp đã tóm được tổng cộng 6,6 tấn ma túy. Cuộc tịch thu kỷ lục được ghi nhận vào tháng 11 năm 2006, khi 4,3 tấn ma túy được tìm thấy trên một chiếc tàu chở hàng Panamanian ngoài khơi Martinique.

Theo Song Minh/Pháp luật TP.HCM

Mang 'lậu' 6kg vàng sang Hàn Quốc có thể lãi hàng trăm triệu đồng

Vàng nguyên liệu ở Việt Nam rẻ hơn Hàn Quốc 1,5 triệu đồng mỗi lượng có thể là lý do khiến phi công và tiếp viên Vietnam Airlines mang lậu.

Cơ trưởng và nam tiếp viên Vietnam Airlines đã bị nhà chức trách Hàn Quốc bắt giữ ngày 10/3 vì mang trong người 6kg vàng mà không khai báo. Đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện tiếp viên và phi công mang vàng từ Việt Nam ra nước ngoài. Vụ việc cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người vì giá vàng miếng SJC tại Việt Nam hơn một năm qua đều đắt hơn vàng nguyên liệu thế giới vài triệu đồng mỗi lượng, có thời điểm lên tới 5 triệu đồng. Hải quan sân bay lâu nay chỉ phát hiện nhiều vụ buôn vàng từ nước ngoài vào Việt Nam. 


Vàng "lậu" từ Việt Nam sang Hàn Quốc được các chuyên gia trong nước cho là vàng nguyên liệu, có giá chỉ 31-32 triệu đồng hoặc thậm chí rẻ hơn. Ảnh: Yonhap News.

Theo báo chí Hàn Quốc, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng giấu 4 thỏi (4 kg) còn tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong giấu 2 thỏi (2 kg) vàng trong giày. "Thỏi vàng mà hai người Việt mang sang Hàn Quốc có trọng lượng một kg. Do đó, nhiều khả năng đây là vàng nguyên liệu 9999, không phải vàng SJC", giám đốc một doanh nghiệp chuyên về vàng nữ trang nhận định. Theo vị này, vàng 9999 nguyên liệu tại Việt Nam có giá cao hơn quốc tế quy đổi từ 500.000 đến một triệu đồng. Chẳng hạn nếu tính giá ngày 16/4, vàng nguyên liệu có giá trên 32 triệu đồng một lượng. Giá càng rẻ hơn nếu các mối làm từ vàng trôi nổi, chất lượng thấp.

Trong khi đó, giá một lượng vàng miếng 9999 (24 karat) tại Hàn Quốc được mua bán quanh 1,57 - 1,71 triệu won. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, mỗi lượng vàng được các doanh nghiệp Hàn Quốc bán ra hơn 34,1 triệu đồng. Như vậy, giá ở Việt Nam tính theo vàng nguyên liệu, vẫn rẻ hơn Hàn Quốc có thể tới 1,5 triệu đồng mỗi lượng. Nếu 6kg vàng được mang trót lọt, những người buôn lậu có thể hưởng khoản chênh tới 240 triệu đồng, cao hơn nhiều một tháng lương cơ bản mà phi công Vietnam Airlines đang được hưởng.

Báo chí Hàn Quốc dẫn lời khai của phi công và tiếp viên cho biết, xách mỗi kg vàng, họ được trả công 250 USD. Như vậy, tính riêng tiền công, nếu giấu trót lọt 6 kg vàng, hai người có thể nhận trên 32 triệu đồng. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, chưa rõ các thành viên đoàn bay có nằm trong đường dây nào không, nhưng không loại trừ khả năng những vụ buôn lậu vàng kiểu này do các tổ chức tội phạm thực hiện chứ không phải cá nhân riêng lẻ.

Bên cạnh đó, giới kinh doanh vàng lý giải, nhu cầu vàng vật chất ở Hàn Quốc lớn trong khi nguồn cung hạn chế vì thuế nhập khẩu cao có thể cũng là nguyên nhân khiến vàng lậu chảy từ Việt Nam sang nước này. Trong khi nhiều nước như Trung Quốc không áp dụng thuế nhập khẩu vàng, Việt Nam áp thuế 1% (từ 7/5 mới tăng lên 2%) thì Hàn Quốc áp thuế 3%.

Về nguồn gốc của số vàng này, theo một lãnh đạo doanh nghiệp vàng, không dễ đoán. Tuy nhiên, ông nhận định: "Đã rất lâu Việt Nam không nhập thêm vàng 9999 nguyên chất theo đường chính ngạch để dập vàng miếng. Tình trạng vàng nhập lậu vẫn có, nhưng nếu lấy vàng nhập lậu từ nước ngoài buôn sang Hàn Quốc thì quá mất công".

Ông Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, tại thị trường Việt Nam, lượng vàng nguyên liệu trôi nổi rất nhiều và không quá khó tìm. "Mua vàng trôi nổi giá rẻ rồi đem sang Hàn Quốc, lại không phải chịu thuế nhập khẩu cao thì rõ ràng số tiền lời mà những 'người vận chuyển' này được hưởng cao hơn những gì họ khai báo rất nhiều", chuyên gia này nói.

Tại Hàn Quốc, vàng miếng được ưa thích vì đây là phương tiện cất giữ tài sản kín đáo. Vàng lậu được chuộng vì rẻ hơn khoảng 7% so với vàng được bán công khai, theo Hiệp hội Các nhà phân phối kim loại quý Hàn Quốc.

Phía Hàn Quốc đang phải áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng nhập lậu vàng. Theo Bloomberg, mỗi năm có khoảng 70 tấn vàng được mua bán trái phép trên thị trường tự do tại Hàn Quốc, gây thiệt hại khoản thuế trị giá 280 triệu USD. Trong năm 2013, hải quan nước này thu giữ 360 kg vàng nhập lậu, gấp đôi năm 2012.