Hotline: 0973 549 00
Menu

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay tập trận ở Biển Đông

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động gây thêm căng thẳng, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hành động xâm phạm chủ quyền này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm nay cho biết Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này tiến hành diễn tập tại khu vực bao trùm các đảo, đá phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 22 đến 31/7.

Ông Bình tuyên bố đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, ngăn cản đà phát triển của quan hệ hai nước, làm cho tình hình thêm căng thẳng, phức tạp, đe dọa an ninh an toàn hàng hải trong khu vực.

"Việt Nam phản đối và nghiêm khắc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, dừng ngay và không tái diễn các hành động làm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình", người phát ngôn nói.

Các quan chức hải quân Trung Quốc hôm qua cho biết cuộc tập trận có hàng trăm sĩ quan tham dự. Báo Đài Loan dẫn lại tin từ Global Times cho hay Hải quân Trung Quốc thực hiện việc tập bắn đạn thật. Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc còn ngang nhiên đề nghị "trong thời gian diễn ra cuộc huấn luyện, không tàu nào được phép đi vào khu vực này".

Các hành động của Trung Quốc khiến không chỉ các nước liên quan trực tiếp lo ngại, mà các nước trong khu vực cũng tỏ thái độ bất bình. Trong sách trắng quốc phòng mới công bố tuần này, Nhật Bản lên án Trung Quốc thực hiện những hoạt động cải tạo các đá ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, yêu cầu Bắc Kinh ngừng hành động đơn phương bất chấp quan ngại của các nước liên quan.

Trên Biển Đông, Trung Quốc tự vẽ ra đường chín đoạn phi lý, chiếm gần hết vùng biển này, đi sâu vào các vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Theo Vnexpress.net

Philippines chuẩn bị điều trần lần 2 trước Tòa trọng tài LHQ

Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) đã cho phép Philippines tiếp tục điều trần vòng 2 trong vụ kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Phiên điều trần sẽ bắt đầu ngay đầu tuần tới.

Phiên tòa diễn ra tại Cung Hòa Bình, trụ sở của PCA ở La Hay (Hà Lan) và không cho phép công chúng tham dự. Đoàn Philippines do Ngoại trưởngAlbert del Rosario dẫn đầu (Ảnh: Youtube)

Theo tờ Rappler của Philippines, phiên điều trần thứ 2 sẽ bắt đầu lúc 10h00 ngày 13/7, tức ngay sáng thứ 2 tuần tới, và hiện Manila đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc này.

“Phía Philippines đã chuẩn bị đầy đủ để trả lời một cách tốt nhất những câu hỏi của Tòa án trong cuộc điều trần thứ 2”, Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte, khẳng định.

Trong một thông báo trước đó, Manila ghi nhận việc được Tòa án LHQ cho phép điều trần lần 2 chỉ là “thủ tục thông thường” khi các thẩm phán muốn “tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề của vụ kiện”.

Philippines khởi kiện Trung Quốc về những tranh chấp và tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch và có vị trí địa chiến lược quan trọng ở châu Á.

Trong phiên điều trần đầu tiên hôm 7-8/7, đại diện chính quyền Manila đã trình bày rõ ràng về lập trường của mình, đồng thời yêu cầu PCA, có trụ sở tại La Hay (Hà Lan), ra phán quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hầu hết khu vực Biển Đông.

“Cái gọi là đường chín đoạn (căn cứ vào một tấm bản đồ cũ do Trung Quốc sử dụng) không có bất cứ cơ sở nào theo luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định.

Ông cũng cảnh báo "sự vẹn toàn" của Luật biển LHQ đang bị đe dọa và rằng cần sử dụng văn kiện pháp lý này để giải quyết tranh chấp biển đảo gay gắt giữa Philippines và Trung Quốc.

“Vụ kiện này hết sức quan trọng đối với Philippines, khu vực và thế giới. Theo quan điểm của chúng tôi, vụ kiện cũng vô cùng quan trọng đối với sự vẹn toàn của Công ước LHQ về Luật Biển cũng như hệ thống trật tự luật pháp trên các vùng biển và đại dương", người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines nhấn mạnh.

Philippines, Trung Quốc và rất nhiều quốc gia khác đều đã thông qua Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Bắc Kinh đã có nhiều hành động thách thức ở các vùng biển khu vực, vi phạm trắng trợn Công ước cũng như các thỏa thuận giải quyết tranh chấp trong khu vực.

Trung Quốc cũng từ chối các cuộc đàm phán về giải quyết tranh chấp trên biển và liên tục có các hành động gây hấn đáng quan ngại, buộc Philippines phải khởi kiện lên PCA. Manila muốn tìm kiếm sự can thiệp của pháp luật đối với các hành động hung hăng của Trung Quốc, nhất là việc Bắc Kinh tuyên bố chiếm giữ gần 90% diện tích Biển Đông theo cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý và cũng không được quốc tế công nhận.

Mặc dù Trung Quốc kiên quyết từ chối tham gia vụ kiện và khẳng định PCA không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này, song mọi diễn biến của phiên tòa đang được dư luận khu vực và quốc tế theo dõi sát sao.

Là một trong những bên có tuyên bố chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông, Việt Nam và Malaysia đã cử quan sát viên tới dự phiên tòa. Một số nước khác như Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan cũng cử quan sát viên tới dự.

Dự kiến, PCA sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện trong vòng 90 ngày và Manila hy vọng sẽ nhận được phán quyết có lợi cho mình.

“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho vụ kiện. Chúng tôi có lập trường dựa trên nền tảng pháp lý vững chắc. Chúng tôi tin rằng PCA sẽ xem xét vụ việc có lợi cho chúng tôi. Chúng tôi tự tin về quan điểm của mình trong vấn đề này”, nữ phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte, cho biết.

Được biết, phái đoàn của chính phủ Philippines đang nhận được sự giúp đỡ tích cực của các luật sư đến từ Mỹ.

Học giả Mỹ: “Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông”

Những lập luận của giới chức Trung Quốc, cũng như một số tờ báo ủng hộ Bắc Kinh rằng nước này chỉ đang bắt chước các nước khác trong việc xây đảo nhân tạo, bồi lấn trái phép trên Biển Đông là hoàn toàn sai, một học giả Mỹ vừa có bài viết chứng minh.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang rầm rộ xây dựng trái phép trên bãi đá Chữ Thập (Ảnh: Philstar)

Bài viết được học giả Gregory B. Poling, đến từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ đăng tải trên website của cơ quan này, và được một số tờ báo Mỹ, trong đó có National Interest trích dẫn.

Vị chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương, và các nước thành viên ASEAN khẳng định, những lập luận của giới chức Trung Quốc gần đây để bao biện cho hoạt động xây đảo nhân tạo, bồi lấn trái phép trên Biển Đông là sai.

“Theo lập luận này, mỗi bên tuyên bố chủ quyền trên biển đều mắc lỗi giống Bắc Kinh trong việc thay đổi hiện trạng các công trình trên Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế và làm gia tăng căng thẳng. Nhưng lập luận này là sai”, ông Poling khẳng định, và cho rằng việc Washington đưa ra những thông điệp được lựa chọn kém chỉ giúp củng cố thêm những lí lẽ sai trái đó.

“Lập luận của Trung Quốc chống lại Philippines là dễ bác bỏ nhất. Không hề có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh Manila tham gia vào các hoạt động nạo vét hoặc bồi đắp quy mô lớn, ngoài việc mở rộng một dải cát hẹp ngoài khơi đảo Thị Tứ vài năm trước, để cho phép việc xây dựng một đường băng”, tác giả viết.

Malaysia cũng tiến hành hoạt động bồi lấn tại bãi đá Hoa Lau, và xây dựng một đường băng, một khu lặn biển, và một căn cứ hải quân nhỏ từ những năm 1980. Bãi đá tự nhiên hoặc đảo được mở rộng từ khoảng 101.171 m2 lên 343.983 m2. “Con số này là lớn”, tác giả viết, “nhưng cũng chỉ là một giọt nước trong thùng nước so với những gì Trung Quốc xây dựng trong hai năm qua”.

Và điều quan trọng cần nhận ra, tương tự như với đảo Thị Tứ, Malaysia không tìm cách thay đổi hiện trạng địa lý hoặc địa vị pháp lý của bãi đá Hoa Lau.

“Trong số các bên tuyên bố chủ quyền khác, Việt Nam là mục tiêu hấp dẫn nhất của chiến dịch làm sai lệch thông tin”, bài viết khẳng định, và dẫn ra một số yếu tố như Việt Nam đang kiểm soát nhiều công trình nhất và ít công bố chi tiết về hoạt động trên quần đảo Trường Sa hơn so với Philippines.

“Nhưng một lần nữa, sự khác biệt then chốt cần được chỉ ra đó là - hoạt động cải tạo của Hà Nội đến nay cũng chỉ là một giọt nước trong thùng nước khi so với những gì Bắc Kinh đã làm. Và đến nay, không có tài liệu nào cho thấy Việt Nam tôn tạo hoặc bồi đắp các kết cấu chìm dưới nước để biến nó thành một bãi đá hay hòn đảo”, vị chuyên gia Mỹ nhấn mạnh.

“Nói cách khác, cũng giống như Philippines và Malaysia, Việt Nam có những hoạt động cải tạo hoặc mở rộng, nhưng không phải dưới dạng xây đảo nhân tạo như Trung Quốc”, ông Poling nhấn mạnh.

Tác giả cũng phản bác lập luận của Trung Quốc và một số tờ báo về cáo buộc Việt Nam đã tăng gấp đôi số công trình trên Biển Đông, từ con số 24 năm 1996 lên 48 hiện nay.

Thông tin này xuất phát từ báo cáo của trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện hôm 13/5 vừa qua. Ông Shear khi đó đã nói: “Việt Nam có 48 điểm đóng quân, Philippines có 8, Trung Quốc có 8, Malaysia có 5 và Đài Loan có 1”.

Con số này sau đó được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter lặp lại trong phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Và cũng dựa vào đây Trung Quốc cùng những người vào hùa với Bắc Kinh đã lấy con số này để cáo buộc Việt Nam mới là “kẻ gây hấn thực sự”.

Theo ông Poling, thông điệp không rõ ràng của giới chức Mỹ đã khiến tình hình thêm phức tạp và thông tin bị bóp méo.

“Điều mà mhững lập luận trên (của Trung Quốc) và các tranh luận tương tự đã bỏ qua đó là ông Shear và Carter không hề nói Việt Nam chiếm đóng 48 cấu trúc, họ nói rằng Việt Nam có 48 “điểm đóng quân”.

Vì lí do nào đó, Washington đã quyết định đếm từng cấu trúc có thể nhìn thấy bằng mắt thường mà Việt Nam đã xây trên các khu vực mực triều thấp - điều mà họ không hề làm với các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng trước khi chiến dịch xây đảo diễn ra”, vị chuyên gia phân tích.

“Điều này có nghĩa là, ví dụ như ở Bãi Đá Lớn, chính phủ Mỹ đang đếm tới 3 lần, bởi Việt Nam có 3 công sự tại các vị trí khác nhau trên bãi đá này. Tổng cộng lại, các cấu trúc này chỉ có diện tích xấp xỉ 14.164 m2, với hai điểm xa nhất cách nhau khoảng 5 hải lý, hai điểm gần nhất cách nhau chưa đầy 1 hải lý”, bài viết chỉ rõ.

So với Trung Quốc, công trường của họ trên Đá Chữ Thập kéo dài khoảng 2 hải lý, trên diện tích hơn 323 ha, với vô số công trình. Phương pháp tính điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa như trên mà không giải thích gây nhầm lẫn nghiêm trọng. Và vô hình chung, “Washington đã giúp thổi bùng lập luận sai trái của Trung Quốc”, ông Poling nói.

Vì hung hăng, Trung Quốc có thể "mất bạn" ở Đông Nam Á

Chuyên gia Vijay Sakhuja người Ấn Độ cho rằng những hành động của Trung Quốc thời gian qua tại Biển Đông có thể khiến nước này "mất bạn" tại Đông Nam Á.

Tàu hải giám Trung Quốc. (Ảnh: AFP) 

AFP tuần này dẫn nhận định trên của chuyên gia Vijay Sakhuja viết trên trang mạng chuyên về hàng hải của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS).

Trong bài viết, nhà nghiên cứu Sakhuja chỉ ra rằng nhiều nước Đông Nam Á đã bày tỏ quan ngại trước cách hành xử và thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời đưa ra hàng loạt lời phản đối sau các vụ quấy nhiễu của lực lượng hải giám Trung Quốc với ngư dân Việt Nam và Philippines. Những vụ việc này đã dẫn tới tình trạng căng thẳng giữa lực lượng tuần duyên các nước. 

Bên cạnh đó, các vấn đề như tự do hàng hải hay khả năng Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông cũng làm cho các quốc gia trong khu vực mất kiên nhẫn. Nếu xu hướng này tiếp tục, có khả năng quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng, điều có thể dẫn tới việc Bắc Kinh sẽ sớm mất bạn bè tại khu vực này. 

Thời gian qua, căng thẳng đã xuất hiện giữa Malaysia và Trung Quốc do sự xuất hiện của tàu hải giám Haijing số hiệu CCG-1123 tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á. Sau khi phát hiện tàu Trung Quốc ở gần bãi Luconia, cách Sarawak 90 hải lý về hướng Bắc, chính phủ Malaysia đã yêu cầu Hải quân và Cơ quan Thực thi Luật biển (MMEA) nước này triển khai tàu và máy bay tới theo dõi những hoạt động của tàu Trung Quốc. 

Báo chí địa phương dẫn lời Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar đã bày tỏ quan ngại về vụ việc nêu trên, đồng thời khẳng định các lực lượng của nước này sẽ tiếp tục theo sát tàu Trung Quốc. Tư lệnh Jaafar đã thừa nhận rằng kể từ tháng 9/2014, các vụ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Malaysia đã gia tăng.

"Ngày nào chúng tôi cũng thấy họ. Ngày nào chúng tôi cũng phản đối", ông Jaafar cho biết và bổ sung rằng không có phản ứng từ tàu Trung Quốc mỗi khi các lực lượng đề nghị tàu này rời khỏi vùng biển của Malaysia. 

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan Kassim đã khẳng định bãi Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Do đó, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành vi vi phạm như trên, Thủ tướng Malaysia Najib Rarak sẽ có kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Lịch sử những lần xâm phạm lãnh hải các quốc gia Đông Nam Á của tàu Trung Quốc đã có từ lâu. Philippines từng cáo buộc Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công ngư dân của họ rồi có những lần còn cố tình đâm thủng thuyền. 

Năm 2014, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết 2 tàu khảo sát thủy văn của Trung Quốc bị phát hiện thấy gần bãi Cỏ Rong, cách Palawan khoảng 80 hải lý, và trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. 

Tổng thống Aquino cho biết thêm tàu Trung Quốc thường bị phát hiện đang làm nhiệm vụ tuần tra tại bãi đá Thomas. Ngoài ra, vào tháng 5/2014, hai tàu khảo sát Trung Quốc cũng xuất hiện ở Galoc, một khu vực biển có tiềm năng ở phía Tây Palawan. Đầu năm nay, chính phủ Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Đây được coi là hành động phản đối mạnh mẽ của Manila sau những vụ va chạm trên biển thời gian qua. 

Còn tại vùng biển của Việt Nam, tàu Trung Quốc cũng có những hành động hiếu chiến gây hấn với Việt Nam. Một video đã được công bố cho thấy tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng phun nước vào tàu Việt Nam và máy bay Trung Quốc bay uy hiếp trên các tàu tuần tra của cảnh sát biển Việt Nam. Năm ngoái, Trung Quốc còn đưa giàn khoan thăm dò Hải Dương-981 tới vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

Ở một góc độ khác, ngư dân Trung Quốc cũng đánh bắt trái phép tại nhiều vùng biển trong đó có Biển Đông. Tổ chức Hòa bình Xanh mới đây đã ra báo cáo cho biết tàu đánh cá của Trung Quốc xuất hiện ở vùng phía Tây châu Phi. Hồi tháng 5/2015, chính phủ Indonesia cũng đã ra lệnh đánh chìm 41 tàu thuyền, trong đó có tàu đánh cá nặng 300 tấn Gui Xei Yu, của Trung Quốc vì đã đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này hồi năm 2009. Tuy nhiên, ngư dân Trung Quốc dường như không quan tâm tới vụ việc trên và tàu cá Trung Quốc sau đó lại được phát hiện thấy ở gần eo biển Makassar và Vịnh Tomini (Indonesia). 

Chuyên gia Sakhuja lập luận rằng những vụ va chạm với tàu thuyền Trung Quốc hay hoạt động cải tạo đảo của nước này ở Biển Đông thời gian qua có thể dẫn tới bế tắc ngoại giao với những hậu quả đáng tiếc. Dù Trung Quốc từng "lấy lòng" được nhiều quốc gia trong khu vực bằng các thỏa thuận kinh tế, nhưng với tình hình hiện nay, tác giả Vijay Sakhuja đánh giá các nước sẽ tẩy chay dự án xây dựng Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc rất kỳ vọng. 

Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể không tham gia dự án Con đường Tơ lụa trên biển mà giới lãnh đạo Trung Quốc từng giới thiệu và hy vọng sẽ là bước đột phá trong quá trình phát triển của nước này. 

Riêng về việc tại bãi Luconia, Bắc Kinh đang đứng trước nguy cơ mất đi một đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Malaysia hiện đang là nước giữ chức Chủ tịch ASEAN và tình hình hiện nay có thể dẫn tới việc nước này sẽ tham gia cùng các quốc gia trong khu vực phản đối mạnh mẽ các hành động và thái độ ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông.

Philippines vạch rõ ý đồ của Trung Quốc trước tòa

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nêu rõ trước tòa Trọng tài thường trực (PCA) rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật cắt lát ở Biển Đông để tiến tới kiểm soát toàn bộ khu vực này.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vạch rõ âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông trong phiên tranh tụng tại tòa PCA. Ảnh: Philstar

"Những quan điểm và cách cư xử của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và gây rối hơn. Theo các nhà quan sát bên ngoài, Bắc Kinh đang áp dụng chiến thuật cắt lát, đó là triển khai những bước nhỏ mà từng bước đơn lẻ không đủ để gây nên khủng hoảng. Nhưng khi cùng được thực hiện, chúng cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc từng bước tạo ra những sự đã rồi trên khắp Biển Đông", AP dẫn lời ông Del Rosario hôm qua nói trước tòa PCA của Liên Hợp Quốc.

Theo ông Del Rosario, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) được ký kết bởi 162 quốc gia, là một yếu tố cân bằng để giúp các nước nhỏ hơn có thể yêu cầu những nước lớn ngừng vi phạm lãnh thổ của mình. Công ước này có thể bị suy giảm hiệu lực nếu không được sử dụng để ngăn Trung Quốc khỏi việc vi phạm các quyền trên biển của những nước liên quan.

Tòa PCA từ hôm qua bắt đầu xem xét vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố sở hữu hầu hết Biển Đông dựa trên "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra. "Đường 9 đoạn" đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.

Thông cáo báo chí của PCA cho biết tòa án cho phép các nước Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, cử phái đoàn nhỏ đến với tư cách là quan sát viên.

Từ khi đệ đơn lên tòa PCA hồi đầu năm 2013, Philippines đến nay đã nộp hàng nghìn tài liệu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Manila muốn tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là bất hợp pháp và tin rằng tòa án sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho mình.

Trong khi đó, Trung Quốc từ chối dự vụ kiện và cho rằng PCA không có thẩm quyền xem xét vụ kiện của Philippines. Bắc Kinh còn cảnh báo Manila "chớ có đối đầu" và vẫn khẳng định giải quyết vấn đề theo song phương.

Ngoại trưởng Del Rosario lý giải các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, như ngăn Manila khai thác dầu và cản trở ngư dân đánh bắt cá là nguyên nhân khiến Philippines phải đệ đơn kiện. "Nỗ lực giải quyết thông qua đàm phán không có hiệu quả", ông nói.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chính thức hoàn thành cải tạo đảo ở Trường Sa

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay (30/6) thông báo nước này đã hoàn thành hoạt động cải tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời khẳng định sẽ tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép tại đây.

Hình ảnh cho thấy hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Rappler)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay (30/6) lại lớn tiếng tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ rằng: Các dự án xây dựng của nước này ở một số đảo và rạn san hô ở Biển Đông đã hoàn tất "trong những ngày gần đây".

Tuy nhiên, truyền thông Mỹ cho biết tuyên bố của bà Hoa không nêu cụ thể các vị trí mà Trung Quốc hoàn thành hoạt động cải tạo. 

Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cũng nhắc lại: “Trong bước tiếp theo, Trung Quốc sẽ bắt đầu hoàn thành các cơ sở hạ tầng”.

Bà Hoa vẫn nhắc lời những lời lẽ giảo biện rằng: "Việc xây dựng này chủ yếu cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu dân sự, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tìm kiếm cứu nạn hàng hải, hạn chế và phòng chống thiên tai, nghiên cứu hàng hải, quan trắc khí tượng, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, dịch vụ nghề cá, phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay cũng khẳng định: "Chắc chắn công trình xây dựng liên quan của chúng tôi sẽ bao gồm việc đáp ứng các nhu cầu quân sự quốc phòng cần thiết".

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh ráo riết tiến hành các hoạt động cải tạo đất trên 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa. Mỹ ước tính diện tích cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông đã lên tới hơn 800 ha. 

Các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, cùng Mỹ và các đồng minh quyết liệt phản đối các hành động của Trung Quốc “đơn phương thay đổi nguyên trạng” trên Biển Đông, nhằm tạo “sự đã rồi”.

Washington nhiều lần lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh ngừng hoạt động xây dựng trái phép. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm qua (29/6) cũng tuyên bố: Nếu Trung Quốc đưa ra được các bằng chứng chứng minh chủ quyền với các đảo, bãi cạn và bãi đá ngầm ở Biển Đông, Mỹ sẽ hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc (!?)

Ông Blinken nhấn mạnh Trung Quốc luôn nói họ có chủ quyền “rõ ràng và không tranh cãi” (tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông) nhưng các tuyên bố chủ quyền đó thậm chí cũng không thể được gọi là tuyên bố, chúng chỉ là cách Bắc Kinh lập luận mà thôi".

Trung Quốc tức giận vì phim tài liệu của Philippines

Trung Quốc hôm nay cáo buộc Philippines truyền bá thông tin sai lệch về tranh chấp Biển Đông, sau khi Manila phát sóng một phim tài liệu gồm ba phần bảo vệ lập trường của mình.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh. Ảnh: PressTV

Phần đầu tiên của loạt phim tài liệu mang tên "Quyền hàng hải", được phát sóng vào quốc khánh Philippines 12/6, theo Reuters.

"Philippines đang cố gắng đánh lừa, tranh thủ cảm tình bằng cách giả dối, tạo ra ảo ảnh mình là 'nạn nhân'", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói trong một tuyên bố trên trang web của bộ. Bà cáo buộc Philippines muốn kích động người dân hai nước.

Philippines nói rằng phim tài liệu nhằm thông báo cho người dân và thu hút sự ủng hộ từ công chúng cho các chính sách và hành động của chính phủ.

Bà Hoa nói thêm rằng "Trung Quốc và Philippines là những người bạn lâu năm và láng giềng tốt. Chúng ta có thể xử lý đúng đắn và toàn diện các vấn đề Biển Đông thông qua biện pháp hữu nghị".

Phát biểu sau đó tại cuộc họp báo hàng ngày, bà Hoa cũng bày tỏ ra tức giận với ý kiến ​​của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Ông gọi hoạt động cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông là "mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định. "Mỹ cần ngừng đưa ra bình luận vô trách nhiệm, cố tình thổi bùng căng thẳng và đối đầu trong khu vực". bà Hoa nói.

Trung Quốc ngày càng hung hăng trong tranh chấp Biển Đông với hoạt động xây đảo nhân tạo tại Trường Sa, động thái làm dấy lên lo lắng trong khu vực và ở Washington. Philippines và Trung Quốc vài tháng gần đây gia tăng đấu khẩu về tranh chấp. Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Philippines cố gắng lôi kéo nước khác vào tranh chấp để khuấy động căng thẳng trong khu vực, sau khi Nhật Bản tham gia một cuộc tập trận với Philippines.

Mỹ thách Trung Quốc trưng bằng chứng chủ quyền Biển Đông

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm nay tuyên bố: nếu Trung Quốc đưa ra được các bằng chứng chứng minh chủ quyền với các đảo, bãi cạn và bãi đá ngầm ở Biển Đông, Mỹ sẽ ủng hộ Trung Quốc 100% (!?)

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AFP)

"Trung Quốc luôn nói họ có chủ quyền “rõ ràng và không tranh cãi” (tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông) nhưng các tuyên bố chủ quyền đó thậm chí cũng không thể được gọi là tuyên bố, chúng chỉ là cách Bắc Kinh lập luận mà thôi", tờ Philstar hôm nay (29/6) dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken phát biểu.

Thứ trưởng Blinken cũng cho biết thêm rằng trong cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung vừa qua, Washington đã bày tỏ thẳng thắn với Bắc Kinh rằng nước này đừng mong đợi những quốc gia khác tuân thủ một tiến trình ngoại giao chẳng tới đâu, trong khi tự mình cố gắng tạo ra các "sự đã rồi" trên Biển Đông.

Ông Blinken nói: "Chúng ta đang thấy rõ rằng, Trung Quốc đang cố tình đơn phương và cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng. Đó là hành động phạm pháp mà cả Mỹ và các đồng minh của chúng tôi đều chống lại". 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh Trung Quốc đang khiến căng thẳng dâng cao trong khu vực với các hành động bối đắp đảo và xây dựng cơ hở hạ tâng bất hợp pháp. Ông Blinken hôm nay cũng kêu gọi Trung Quốc ngưng các hành động cải tạo, bồi đắp phi pháp trên biển.

Bắc Kinh gần đây ngang nhiên tiến hành cải tạo đảo phi pháp trên các bãi đá thuộc khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Mỹ từng nhiều lần kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành động vô lý của mình và tuyên bố việc đổ cát xuống các rạn san hô không tạo ra chủ quyền.

Báo Nhật dự báo "mùa hè nóng nhất trên Biển Đông"

Tờ Diplomat của Nhật cho rằng năm 2015 có thể sẽ chứng kiến “mùa hè nóng nhất” trên Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là lúc cả thế giới đang dõi theo từng biến động dù là nhỏ nhất trên Biển Đông.

Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc. (Ảnh: China News)

Báo Diplomat của Nhật ngày 27/6 nhận định hành động của Trung Quốc làm bùng lên căng thẳng gần một năm trước với Việt Nam. Chuyên gia Ankit Panda của tờ Diplomat nhắc lại rằng hồi năm ngoái, một làn sóng phản đối Trung Quốc tại Việt Nam đã nổi lên sau động thái đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc. 

Hồi tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam, đi cùng với nhiều tàu bảo vệ, đâm húc các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây căng thẳng cho cả khu vực. Mãi gần 2 tháng sau (25/7), Trung Quốc mới chịu rút giàn khoan này ra khỏi vùng biển Việt Nam. Sau sự lên án của cộng đồng quốc tế và những va chạm trong quan hệ Việt-Trung, Trung Quốc mới rút giàn khoan về với lý do tránh bão. 

Trong bài viết ngày 27/6, ông Panda nhận định Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan vào thời điểm này khiến giới chuyên gia phải nhìn nhận lại tình hình Biển Đông. 

Chuyên gia của Diplomat phân tích, tính đến ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan lần 2 mới chỉ chưa đầy hai tuần kể từ khi Bắc Kinh tiến hành chiến dịch “tấn công hấp dẫn” trước thềm đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung tại Washington. Để mở màn cho chiến dịch này, Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn tất việc cải tạo trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong những ngày tới (dù sẽ vẫn tiếp tục xây cơ sở hạ tầng). 

Nhóm chuyên gia của tờ Diplomat trước đó từng cho rằng đến trước phiên điều trần về vụ kiện trên Biển Đông do Philippines làm nguyên đơn tại Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague, Biển Đông có lẽ sẽ “sóng yên biển lặng”, giúp Trung Quốc có nhiều thuận lợi hơn về mặt dư luận.

Ngoài ra, các chuyên gia của báo Nhật trước đó cũng dự báo rằng Biển Đông càng “yên ả” bao nhiêu thì chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ càng có thể thành công bấy nhiêu. 

Chuyên gia Panda cũng lập luận rằng thời điểm hạ đặt giàn khoan lần 2, có nhiều điểm tương đồng với lần 1, cũng hé lộ phần nào mưu tính của Trung hồi mùa hè năm ngoái. 

Tháng 7/2014, Bắc Kinh quyết định rút giàn khoan HD-981 sớm hơn dự kiến, không lâu sau khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì có chuyến thăm Hà Nội. Giới phân tích từng cho rằng điều này không chứng tỏ Bắc Kinh chấp nhận yêu cầu của Việt Nam về việc rút giàn khoan, hay đồng ý từ bỏ cái mà họ ngang nhiên nhận là “quyền lợi của mình” trong vùng biển tranh chấp. 

Một giả thuyết được đưa ra là Bắc Kinh đã lợi dụng cơn bão đến để rút giàn khoan hòng giảm bớt căng thẳng leo thang trong khu vực. Các chuyên gia Nhật cho rằng Trung Quốc lần này sẽ dựa trên phản ứng của thế giới để quyết định có rút giàn khoan về sớm hơn hạn định 20/8 hay không.

Diplomat nhận định trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép tại Trường Sa, Philippines điều trần trước Tòa Trọng tài quốc tế, những động thái bảo vệ tự do hàng hải mạnh mẽ của Mỹ, Nhật và mới nhất là việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan trái phép gần quần đảo Hoàng Sa, 2015 có lẽ sẽ chứng kiến “mùa hè nóng nhất” trên Biển Đông. Đây là lúc cả thế giới đang dõi theo từng biến động trên Biển Đông, dù là nhỏ nhất.

Trong một diễn biến khác, ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ ngày 26/6 cho biết ông cảm thấy "bất ngờ" trước động thái hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời cho rằng đây có thể là một dạng "kế hoạch hàng năm" của Bắc Kinh.

Trung Quốc lại "tung hỏa mù" về các đảo cải tạo trái phép ở Biển Đông

Trước thềm cuộc đối thoại Mỹ - Trung, Bắc Kinh lại giảo biện rằng các công trình mà nước này đang xây dựng trái phép trên các đảo bồi đắp ở Biển Đông là “các cơ sở khí tượng nhằm cải thiện khả năng dự báo thời tiết".

Bắc Kinh nói các công trình trên Biển Đông phục vụ công tác nghiên cứu khí tượng. (Ảnh: EPA)

SCMP dẫn lời biện bạch trên của hai chuyên gia khí tượng hàng đầu Trung Quốc ngay trước thềm Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung diễn ra vào ngày 23/6, nơi Biển Đông được dự đoán sẽ trở thành nội dung chính. 

Trong các cuộc phỏng vấn khác nhau với Nhân dân nhật báo, chuyên gia Ding Yihui của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và Zheng Guoguang, người đứng đầu Cơ quan Khí tượng quốc gia Trung Quốc, đều cho rằng Bắc Kinh cần các cơ sở khí tượng tại các vùng biển tranh chấp.

Ông Ding và ông Zheng cho biết các cơ sở này là cần thiết nhằm cải thiện công tác dự báo của Trung Quốc và sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho khu vực đang phải “chịu đựng thiên tai và những hiện tượng khí hậu tiêu cực do biển gây ra”.

“Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quan sát và thông tin này là bước đầu tiên nhằm cải thiện và tăng cường công tác giám sát cũng như cảnh báo, dự báo khí tượng đại dương, hoặc nghiên cứu khoa học”.

SCMP dẫn lời ông Zheng bao biện rằng việc dự báo thời tiết tốt hơn chính là một trách nhiệm của Trung Quốc với khu vực, giúp các nước trong vùng đối phó với thiên tai như bão lớn, đồng thời giúp tăng độ an toàn cho các thuyền đánh cá và các phương tiện hàng hải khác (?)

Hồi năm ngoái, các nước trong khu vực đã rất lo ngại khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động bồi đắp tại một số bãi đá gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Washington cũng đã nhiều lần hối thúc Bắc Kinh dừng hoạt động này. 

Chiến lược "muôn mặt" và kế hoạch mở rộng "vết chân" của Bắc Kinh trên Biển Đông

Trung Quốc đang muốn mở rộng "vết chân" trên Biển Đông. (Ảnh: Rappler)

SCMP dẫn lời chuyên gia Benjamin Herscovit từ Viện nghiên cứu độc lập tại Sydney, Úc đánh giá tham vọng khí tượng của Trung Quốc chỉ là một phần trong "chiến lược muôn mặt” của nước này khi tiến hành các hoạt động nhằm củng cố yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông. 

Ông Herscovit nhận định Bắc Kinh không chỉ vận dụng các chiến lược “trống giong, cờ mở” gây nhiều rủi ro như cải tạo đất, xây đường băng, đẩy tình hình Biển Đông tới “bên miệng vực chiến tranh”, mà chắc sẽ còn tìm cách tăng cường các yêu sách lãnh thổ thông qua mở rộng sự hiện diện dân sự tại các vùng biển tranh chấp.

“Thông qua việc thiết lập các cơ sở… vết chân của chính quyền Trung Quốc sẽ lớn dần trên Biển Đông và sẽ tạo ra một thực tế mặc định rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh sẽ có tính thuyết phục hơn”, chuyên gia Herscovit nhận định.

Bài phỏng vấn chuyên gia khí tượng của tờ Nhân dân Nhật báo được đăng chỉ hai ngày trước Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung tại Washington, dự kiến được tổ chức vào hôm nay 23/6 (giờ địa phương).

Chuyên gia Herscovitch cho rằng các cuộc đối thoại sắp tới sẽ cho thấy sự phản đối quyết liệt của Mỹ đối với các bước tiến hung hăng trên Biển Đông của Trung Quốc. 

Ông Herscovit cho rằng Bắc Kinh nhìn nhận việc giành quyền kiểm soát vùng Biển Đông như một “lợi ích quốc gia cốt lõi” và việc quân đội Bắc Kinh đang phát triển mạnh hơn các nước láng giềng ASEAN tạo đà cho Trung Quốc “lấn tới” trên Biển Đông. 

Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền với gần như với toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines.

Vì sao Trung Quốc tuyên bố ngừng bồi đắp đảo ở Biển Đông?

Cách tiếp cận của Trung Quốc thường dịch chuyển theo vòng tròn, từ kiên quyết đòi hỏi chủ quyền đến làm an lòng đối tác, trước khi về lại với các yêu sách. Bắc Kinh thường cố cân bằng hai yếu tố trên.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu Trung Quốc đang nạo hút cát tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: AFP)
Chiến thuật nước đôi?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 16/6 tuyên bố việc bồi đắp các đảo ở Biển Đông sẽ sớm kết thúc. “Theo như kế hoạch, dự án cải tạo đất các công trình xây dựng của Trung Quốc trên một số đảo và đá ngầm thuộc quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) sẽ hoàn tất trong những ngày tới.”

Trung Quốc có động thái này sau khi Mỹ tiếp tục gây sức ép yêu cầu dừng các dự án xây dựng ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới đây đã nhấn mạnh trong phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore: “Các bên cần dừng ngay lập tức và lâu dài việc cải tạo đất.”

Tuy nhiên phía Trung Quốc vẫn không chấp thuận. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Xuân Oánh sau đó biện bạch rằng: “Việc xây dựng của Trung Quốc trên một số bãi đá thuộc quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Việc đó hoàn toàn hợp pháp, hợp lý, đúng đắn, không ảnh hưởng và nhằm vào bất kỳ nước nào khác.”

Chính quyền Bắc Kinh thể hiện rõ ràng rằng họ không nhân nhượng trước sức ép từ bất kỳ nước "có tranh chấp" nào từ ASEAN, hoặc kể cả Mỹ.

Người phát ngôn Lục Khảng cũng bảo vệ việc cải tạo đất theo đúng “kiểu Trung Quốc”, bằng cách lớn tiếng đòi chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Theo lý lẽ của ông Lục, “chủ quyền” nêu trên gắn với việc xây dựng trên các bãi đá Trường Sa, và rằng việc bồi đắp của Trung Quốc không nhằm vào bất kỳ nước nào và không ảnh hưởng đến tự do hàng hải hoặc hàng không tại đây (?) 

Ông Lục còn ngang ngược nói thêm rằng việc nâng cấp các cơ sở hiện có chủ yếu nhằm vào mục đích dân sự, bao gồm nghiên cứu đại dương, tìm kiếm cứu hộ và an ninh hàng hải. Và việc xây dựng sẽ kết thúc vì nó sẽ “hoàn thành”, chứ không phải vì Trung Quốc từ bỏ dự án (?)

Lý do Bắc Kinh tuyên bố ngừng bồi đắp

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc bồi đắp trái phép đá Chữ Thập của Việt Nam. (Ảnh: Rappler)

Có nhiều lý do giải thích tại sao Trung Quốc tuyên bố ngừng cải tạo dù có thể chỉ là tạm hoãn dự án vào thời điểm này.

Lý do đầu tiên có thể là vì đã bắt đầu mùa mưa bão ở Biển Đông, vì vấn đề hậu cần nên Bắc Kinh muốn việc xây cất hoàn thành sớm trong mùa hè để tránh những cơn bão lớn.

Cũng có yếu tố chính trị khiến tuyên bố ngừng xây dựng này có vai trò quan trọng. Vụ kiện ra tòa án quốc tế của Philippines liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông sẽ bắt đầu phiên tranh tụng trong tháng tới. Cho dù Trung Quốc khăng khăng từ chối tham gia và phủ nhận mọi phán quyết có thể của tòa án, thì Bắc Kinh vẫn thấy cần thận trọng, tránh bước đi khiêu khích trong lúc tòa đang phán quyết đơn kiện của Manila.

Thêm nữa, quan hệ Trung - Mỹ đã phát triển mạnh hơn nhờ phần lớn ở vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 9 tới đây, hai bên chắc chắn sẽ cần những động lực tích cực, mà tốt nhất là trước phiên Đối thoại Kinh tế và Chiến lược tổ chức cuối tháng này ở Washington D.C.

Về trung hạn, Mỹ sẽ sớm bước vào bầu cử Tổng thống năm 2016 và Trung Quốc hẳn là không muốn hành động của mình ở Biển Đông sẽ trở thành điểm chính trong tranh luận của các ứng cử viên. Về hình thức, Trung Quốc vẫn kiên quyết cho rằng sức ép của Mỹ không ảnh hưởng gì đến quyết định của Bắc Kinh, nhưng phát biểu lo ngại của các quan chức Nhà Trắng cũng khiến mọi người hoài nghi liệu Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục vô thời hạn các dự án của họ?

Xét theo quan điểm chung nhất là Trung Quốc có thể quyết định rằng việc chấm dứt bồi đắp đảo là phù hợp với lợi ích chính sách đối ngoại của nước này. Khi các dự án hoàn thành, Bắc Kinh sẽ chuyển sang kiểm soát rủi ro trong quan hệ với các nước Đông Nam Á. Mối quan hệ này là rất quan trọng để thúc đẩy chiến lược chính sách đối ngoại vòng cung của Trung Quốc, Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển.

Học giả Trung Quốc Xue Li mới đây đã giải thích: “Để thực hiện chiến lược OBOR (Một vành đai, một con đường), không chắc Trung Quốc có thể tránh được các vấn đề nổi lên do tranh chấp. Như vậy, điều cần thiết với Bắc Kinh là điều chỉnh chính sách và chiến lược Biển Đông của mình.”

Công khai tuyên bố kết thúc cải tạo đất giống như “cành ô liu”... tặng cho ASEAN, mở hy vọng tham gia vào dự án “Vành đai và Con đường.”

Bản chất không thay đổi

Cần nói rõ là sau khi việc cải tạo hoàn tất (dù Bắc Kinh chưa nêu đích xác thời hạn), thì Trung Quốc đã có chính xác những gì nước này muốn là xây dựng nhà hoặc cơ sở đã được nâng cấp tại các đảo nhân tạo, giúp củng cố năng lực của Bắc Kinh để vận hành hoạt động tại Biển Đông.

Vụ giàn khoan HD-981 năm 2014 là một ví dục điển hình cho chiến lược trên. Trung Quốc chỉ rút giàn khoan sau khi nó đã hoàn thành công việc và đạt đến thời hạn nước này chỉ định. Bắc Kinh đã chấp chới đi giữa ranh giới mà không làm đổ vỡ các mối quan hệ.

Điều này có nghĩa cách tiếp cận của Trung Quốc thường dịch chuyển theo vòng tròn, từ kiên quyết đòi hỏi chủ quyền đến làm an lòng đối tác trước khi về lại với các yêu sách. Bắc Kinh thường cố cân bằng hai yếu tố trên.

Nếu đúng thì dường như chính sách của Bắc Kinh đang đến chu kỳ “làm an lòng”, mà lần gần đây nhất là vào năm 2013 khi ông Tập Cận Bình lần đầu nói về Con đường Tơ lụa trên biển.

Tuy nhiên, khi các mối quan hệ trong khu vực đủ ổn định, Bắc Kinh có thể lại quyết định rằng các căn cứ quân sự cần được nâng cấp và lại bắt đầu vòng tròn chính sách mới (?)

Tuyên bố dừng bồi đắp, Trung Quốc đi nước cờ đôi ở Biển Đông

Tuyên bố sắp ngừng việc bồi đắp các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc dường như đi nước cờ đôi, có vẻ xuống thang về mặt ngoại giao, nhưng lại leo thang nguy cơ quân sự hóa Biển Đông.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu Trung Quốc đang nạo hút cát tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP

Trung Quốc sẽ hoàn tất quá trình bồi đắp các bãi đá trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông trong vài ngày tới, phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua tuyên bố.

Thông báo này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la lên tiếng thúc giục các bên có liên quan trong tranh chấp, đặc biệt là Bắc Kinh, "dừng ngay lập tức và mãi mãi hoạt động cải tạo". Từ tháng 3/2014, Bắc Kinh ồ ạt mở rộng diện tích 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đánh chiếm.

Trung Quốc khi đó chẳng những không chấp nhận đề nghị trên mà còn ngang ngược phản pháo rằng những công trình mà Bắc Kinh xây dựng hoàn toàn thuộc về cái mà họ gọi là "chủ quyền" của nước này. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến bước thay đổi đột ngột này của Trung Quốc?

Xuống thang ngoại giao

Theo Diplomat, tuyên bố đầu tiên nhằm mục đích xoa dịu những diễn biến căng thẳng mà thời gian gần đây đang gia tăng nhanh chóng ở vùng biển tranh chấp, xuất phát từ thế đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc ráo riết mở rộng đảo nhân tạo, trong khi đó, Mỹ không thể làm ngơ, bắt đầu có những động thái cứng rắn nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

Bằng cách thông báo sắp hoàn thành công tác cải tạo các bãi đá, Bắc Kinh dường như muốn trấn an các nước láng giềng rằng quá trình bành trướng rồi cũng sẽ đến hồi kết, nó không kéo dài mãi. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đánh giá Trung Quốc có khả năng tái khởi động việc xây dựng này bất cứ lúc nào. Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược "một mũi tên trúng hai đích" với mục tiêu vừa hoàn thiện chuỗi đảo nhân tạo, vừa thu về sự tín nhiệm, lòng tin của các quốc gia khác.

Theo nhà phân tích Shannon Tiezzi, Trung Quốc đã lên kế hoạch kỹ lưỡng khi ra quyết định dừng việc cải tạo. Lý do đơn giản nhất là bởi mùa mưa bão sắp bắt đầu trên Biển Đông. Nếu khăng khăng muốn tiếp tục xây dựng, Bắc Kinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết.

Yếu tố chính trị cũng là điểm mấu chốt chi phối quyết định của Trung Quốc. Philippines hồi tháng 1/2013 đệ đơn kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo và bãi đá trên Biển Đông là vô giá trị và trái với luật pháp quốc tế. Tòa án The Hague, Hà Lan, dự kiến tiến hành phiên giải trình về vụ khiếu kiện của Manila đối với Bắc Kinh vào ngày 7/7 tới.

Mặc dù Trung Quốc liên tục từ chối tham gia và phủ nhận thẩm quyền xét xử vụ việc của hội đồng trọng tài quốc tế, đối với Bắc Kinh quãng thời gian này vẫn vô cùng nhạy cảm. Họ cần giảm thiểu tối đa những động thái khiêu khích, gây hấn nhằm tránh lâm vào thế bất lợi.

Quan hệ Mỹ - Trung đang có chiều hướng xấu đi bởi những xung đột giữa hai nước quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Trước bối cảnh Đối thoại Kinh tế và Chiến lược sắp khai mạc vào tháng tới, đồng thời Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ trong tháng 9, hai bên cần tạo dựng một số động lực tích cực để cải thiện mối giao hảo. Tuyên bố dừng xây đảo cũng nhằm phục vụ mục tiêu này.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm sau, Trung Quốc không bao giờ mong muốn trở thành tâm điểm trong các cuộc tranh luận của những ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng. Nói một cách khác, Bắc Kinh ngoài mặt mạnh miệng tuyên bố sức ép từ Washington không ảnh hưởng đến lập trường của nước này nhưng thực chất những chỉ trích từ giới quan chức Mỹ cũng có tác động không nhỏ tới quá trình mở rộng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc, theo Diplomat.

Dù đã sử dụng dự án Con đường Tơ lụa mới để quyến rũ các nước trong khu vực nhưng theo bà Xue Li từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chiến lược này không thể giúp Bắc Kinh tránh khỏi những rắc rối nảy sinh từ các tranh chấp chủ quyền. Chính vì thế, Trung Quốc "cần điều chỉnh chính sách và chiến lược ở Biển Đông" của mình.

Với các nước ASEAN, tuyên bố ngừng bồi đắp cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi một chiến thuật nguy hiểm khi vừa khẳng định tuyên bố chủ quyền vừa mơn man, xoa dịu căng thẳng trong quan hệ với các nước có liên quan trong tranh chấp.

Thông báo hôm qua là một cách để Trung Quốc "quản lý khủng hoảng" và giảm bớt những mối nghi ngờ, AP dẫn lời ông Zhao Kejin, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, bình luận.

Tuy nhiên, bà Tiezzi cảnh báo sau khi quá trình xây dựng hoàn tất, Trung Quốc sẽ có chính xác thứ mà nước này cần: những hòn đảo nhân tạo mới giúp Bắc Kinh củng cố khả năng hoạt động và tăng cường hiện diện trên Biển Đông. Việc tuyên bố ngừng mở rộng đảo chỉ là cách để nước này quay lại bước "trấn an" trong vòng lặp lại vô tận của mình. Khi mối quan hệ với láng giềng bắt đầu ổn định và tốt dần lên, Bắc Kinh sẽ lại trở về với cải tạo và xây dựng, thậm chí với tốc độ còn nhanh hơn trước.

Leo thang quân sự 

Theo Ruan Zongze từ Viện nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc, việc Bắc Kinh công bố sắp hoàn tất quá trình cải tạo các bãi đá tranh chấp là dấu hiệu của cái mà ông này nhìn nhận là "sự minh bạch". Nó cho thấy Bắc Kinh đang tuân theo kế hoạch ban đầu. Nhưng đối với Mỹ, hành động này chỉ khơi dậy thêm nhiều mối ngờ vực xung quanh ý đồ thật sự của Trung Quốc là gì.

Washington vẫn hoài nghi động thái này của Bắc Kinh chỉ nhằm "thiết lập một hiện trạng mới" trên Biển Đông mà chắc chắn Mỹ không bao giờ chấp thuận, New York Times dẫn lời ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, Trung Quốc, nói.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Bắc Kinh đã kết thúc hoạt động cải tạo ở vài bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có đá Gạc Ma và đá Chữ Thập. Ở một số địa điểm khác, quá trình mở rộng cũng gần hoàn tất. Nhưng tại đá Subi và đá Vành Khăn, công tác cải tạo mới chỉ bắt đầu. Nếu Bắc Kinh ngừng các hoạt động ở hai bãi đá trên thì động thái này mới là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thật sự đang hướng tới bước thay đổi lớn trong chính sách. Tuy nhiên, thông báo được phát đi hôm qua từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự chuyển biến này.

Bên cạnh đưa ra thông tin về việc sắp hoàn tất các dự án cải tạo, Trung Quốc còn cho biết sẽ chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian sắp tới. Điều này đồng nghĩa với việc thế trận quân sự trên Biển Đông sẽ thay đổi.

Theo một số báo cáo, Trung Quốc sắp hoàn thành một đường băng dài hơn 3 km trên đá Chữ Thập. Giới quan sát đánh giá công trình này đủ dài để mọi loại phi cơ của Bắc Kinh cất và hạ cánh. Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng các trạm radar cảnh báo và cơ sở liên lạc lớn tại một số đảo nhân tạo. Nước này còn bị nghi ngờ từng chuyển vũ khí tới đảo tranh chấp.

Các chuyên gia từ CSIS cho rằng việc Trung Quốc xây gì trên các đảo này và vận hành chúng như thế nào sẽ cho thấy Bắc Kinh có mục đích hòa bình hay gây chiến. Những động thái quân sự hóa gần đây của Bắc Kinh cho thấy vế sau của nhận định nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.

Ông Rick Fisher, nhà nghiên cứu lâu năm về các vấn đề quân sự ở châu Á, dự đoán khi hoàn thành việc xây dựng các căn cứ mới, quy mô lớn ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ triển khai hải quân và không quân tại đây. Nếu Mỹ tiếp tục các hoạt động tuần tra, Bắc Kinh có thể sẽ gây "rắc rối", khiến tàu và máy bay Mỹ phải chịu thiệt hại.

"Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ khu vực và sẽ chỉ đồng ý thực hiện các biện pháp ngoại giao hoặc đàm phán khi nhận thấy rằng những biện pháp quân sự không giúp họ đạt được mục tiêu của mình", Fisher nói.
Vị trí 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc cải tạo. Đồ họa: The Diplomat. Xem ảnh cỡ lớn hơn


Trung Quốc sắp xây đảo xong, Philippines "cảnh giác" cao độ

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 17/6 cho biết nước này đang “cảnh giác” cao độ sau khi Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn thành cải tạo đảo phi pháp ở Biển Đông. Manila hôm nay cũng hối thúc Bắc Kinh chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose. (Ảnh: Rapler)

Rapler hôm nay (17/6) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tuyên bố: “Chúng tôi nhắc lại quan ngại sâu sắc của Manila trước các hoạt động của Trung Quốc xây đảo nhân tạo quy mô lớn và kế hoạch xây dựng các công trình trên những khu vực này”.

Phát ngôn viên Jose nhận định các hoạt động của Bắc Kinh “nhằm thay đổi đặc tính và hiện trạng của các thực thể trên Biển Đông” và nhằm tạo nên “sự đã rồi” để gây khó dễ cho vụ kiện của Philippines trước tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

“Dù mục đích của Trung Quốc trong các hoạt động bồi lấp đảo và xây công trình trên đó là gì, thì vẫn vi phạm Tuyên bố các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) 2002”, Ông Jose nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines hôm nay cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Rapler dẫn lời ông Jose nêu rõ: “Chúng tôi tiếp tục hối thúc Trung Quốc dừng mọi hoạt động cải tạo đảo và xây dựng trái phép trên Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ DOC”.

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo trên bãi đá Tư Nghĩa, thuộc quần đảo Trường Sa. (Ảnh: SMH)

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh khẳng định sau khi xây xong các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các công trình trên những hòn đảo này để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó có mục đích quân sự.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, thậm chí cả những khu vực cách Trung Quốc đại lục đến 1400km và nằm trên thềm lục địa của Việt Nam hay Philippines. 

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ vì hành động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Bắc Kinh đang "tuyên bố chủ quyền" với khoảng 8km2 tổng diện tích các đảo, trong đó có 6km2 vừa mới được xây đắp từ tháng 1/2015.

Bộ Quốc phòng Philippines hôm nay cho biết đường băng dài 3 km mà Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ thập ở quần đảo Trường Sa đủ lớn để phục vụ một máy bay Boeing 747 và đã hoàn thành được 75%.

"Nó có thể trở thành căn cứ hoạt động trong tương lai của Trung Quốc, một điểm tiếp nhiên liệu cho tàu và máy bay", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez nói. 

Gần đây, Philippines đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật Bản để củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Philippines và Nhật Bản dự kiến tổ chức cuộc diễn tập hải quân chung lần thứ hai vào tuần tới gần Trường Sa, sau một hoạt động tương tự trên Biển Đông trong tháng này.

Một máy bay trinh sát P-3C và một máy bay BNI-2A của Nhật Bản sẽ tham gia diễn tập cùng một tàu tuần tra của hải quân Philippines.

Philippines chuẩn bị điều trần trong vụ kiện Trung Quốc về biển Đông

Tòa án The Hague sẽ bắt đầu phiên xử vụ kiện của Manila liên quan đến tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông vào tháng 7. Hiện chính phủ Philippines đang ráo riết chuẩn bị cho phiên tòa.

Biểu tình phản đối yêu sách phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông trước văn phòng lãnh sự Trung Quốc tại Makati, Philippines. (Ảnh: AFP)

AFP ngày 15/6 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho hay Tòa án Liên Hợp Quốc ở The Hague, Hà Lan, sẽ tiến hành phiên điều trần về vụ khiếu kiện của Manila đối với Bắc Kinh từ ngày 7/7 tới.

Theo ông Jose, phiên đối chất sẽ kéo dài từ ngày 7/7 đến 13/7. Các quan chức và nhà ngoại giao của Philippines, với sự hỗ trợ của các luật sư Mỹ, sẽ đại diện cho Manila trong quá trình tố tụng.

Phía Philippines cho biết các cuộc điều trần tháng tới đóng vai trò then chốt nhằm xem xét giá trị pháp lý của khiếu nại do Manila đưa ra và quyền tài phán của tòa án với vụ việc.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, thậm chí cả những khu vực cách Trung Quốc đại lục đến 1400km và nằm trên thềm lục địa của Việt Nam hay Philippines. 

Manila đã đệ đơn kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc từ tháng 1/2013, nhằm khẳng định rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là vô giá trị và trái với luật pháp quốc tế.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ vì hành động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Bắc Kinh đang "tuyên bố chủ quyền" với khoảng 8km2 tổng diện tích các đảo, trong đó có 6km2 vừa mới được xây đắp từ tháng 1/2015.

Australia tiếp tục phản đối Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông

Đài RFI đưa tin, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 11/6 đã không ngần ngại nhắc lại lập trường của Canberra phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Australi Julie Bishop. (Nguồn: News)

Phát biểu tại Viện nghiên cứu Lowy ở thành phố Sydney (Australia), bà Bishop cho biết Canberra rất quan ngại trước nguy cơ về bất kỳ hành động đơn phương nào trong khu vực đều “có thể gây căng thẳng, dẫn đến những tính toán hay phán đoán sai lầm để cuối cùng kết thúc bằng một hình thức xung đột nào đó."

Ngoại trưởng Australia đã đề cập đến tình hình Biển Đông, nơi căng thẳng bắt nguồn từ tranh chấp chủ quyền đã gia tăng trong những năm gần đây giữa Trung Quốc với các nước láng giềng xung quanh Biển Đông.

Theo bà Bishop, Australia sẽ lên tiếng phản đối nếu ADIZ được đơn phương tuyên bố tại Biển Đông. Vào năm 2013, Trung Quốc từng làm một việc tương tự trên Biển Hoa Đông, và quyết định đó đã bị nhiều nước đồng loạt lên án, trong đó có Australia, Mỹ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

Ngoại trưởng Australia còn kêu gọi tất cả các quốc gia có lợi ích trong việc duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng Biển Đông nên xác định rõ lập trường của mình đối với Bắc Kinh. Bà Bishop khẳng định rằng Australia hoàn toàn đúng đắn trong việc nêu bật quan ngại về ADIZ trên Biển Đông, và Canberra sẽ tiếp tục lên tiếng cho dù nước này có thể chịu ảnh hưởng về phương diện kinh tế.

Tuần trước, tờ nhật báo "The Australian" đưa tin Canberra đang xem xét việc điều một máy bay trinh sát hàng hải P-3 bay vào bên trong vùng 12 hải lý quanh một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa.

Hiện Bắc Kinh đưa ra yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả nhưng nơi rất xa bờ biển Trung Quốc, và đang rầm rộ bồi đắp những bãi đá mà họ kiểm soát tại Trường Sa thành những hòn đảo nhân tạo, trong đó có những cơ sở bị tình nghi là sẽ được dùng vào mục đích quân sự. Bắc Kinh cũng không loại trừ khả năng tuyên bố một ADIZ tại Biển Đông./.

Tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam chỉ bị nhắc nhở?

“Ngư dân chúng ta đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc đập phá rất vô nhân đạo. Nhưng hàng ngàn tàu cá của Trung Quốc xâm phạm trên vùng biển của Việt Nam chủ yếu chỉ bị xua đuổi và nhắc nhở”, đại biểu Cao Thị Xuân nói.

Ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu để nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ cho ngư dân ra khơi đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát lãm rõ biện pháp bảo vệ ngư dân khi nhiều tàu thuyền bị tàu nước ngoài đập phá, ngư dân bị đánh đập thu ngư cụ.

Nhiều tàu bị Trung Quốc bắt, đập phá vô nhân đạo

Chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) băn khoăn, tại sao khi ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, nhiều tàu bị Trung Quốc bắt, đập phá, tịch thu ngư lưới cụ, buộc chuộc tiền, rất vô nhân đạo và trái pháp luật của quốc tế.
Đại biểu Cao Thị Xuân nêu băn khoăn vì việc ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc đập phá, vô nhân đạo

Trong khi đó hàng ngàn tàu cá của ngư dân Trung Quốc xâm phạm trên vùng biển của Việt Nam nhưng số vụ bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam còn ít mà chủ yếu chỉ xua đuổi và nhắc nhở. Đại biểu Xuân đề nghị ông Cao Đức Phát cho biết ý kiến về thực trạng trên.

Trước câu hỏi của đại biểu Xuân, ông Cao Đức Phát cho biết, tàu thuyền các nước xâm phạm chủ quyền Việt Nam cũng bị xử lý nghiêm. “Việc làm này hiện nay chủ yếu thuộc nhiệm vụ của Cảnh sát biển. Tới đây lực lượng Kiểm ngư của Bộ NN&PTNT sẽ tham gia hợp tác, chúng tôi sẽ chỉ đạo làm nghiêm túc theo luật pháp của nước ta và thông lệ quốc tế”, ông Cao Đức Phát nói.

Liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Đại biểu Điểu K` Rứ (Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng đưa ra các biện pháp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam nói chung và của ngư dân nói riêng.

Phúc đáp đại biểu, ông Cao Đức Phát nói rõ việc tàu cá của một số nước xâm phạm vùng lãnh hải của chúng ta, về phía Bộ NN&PTNT có lực lượng Kiểm ngư phối hợp với Cảnh sát biển thường xuyên kiểm tra. Lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển cũng thường xuyên tuần tra, trong nhiều trường hợp đã phát hiện những trường hợp vi phạm và đã có xử lý. 

Ngư dân ra khơi nợ chi phí đèn dầu, đá ướp

Liên quan đến chính sách hỗ trợ ngư dân, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, nhiều ngư dân khó khăn về kinh tế trước khi ra khơi phải nợ chi phí đèn dầu, đá ướp. Để tính chuyện làm ăn lâu dài thì phải nhập cho các đầu nậu. Trong lúc đó nhiều tỉnh không có cơ sở sản xuất chế biến, không có chợ cá và không có trung tâm đấu giá để trao đổi hàng hóa đúng giá trị.

Trả lời đại biểu, ông Cao Đức Phát nói rõ ngành nông nghiệp cũng đã nhìn thấy vấn đề này và Chính phủ cũng đã có chủ trương. Tại Nghị định 67, Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7 năm 2014 đã có một phần chính sách để hỗ trợ ngư dân, đó là cho ngư dân vay vốn để ra khơi sản xuất với chủ trương là khi ngư dân chủ động được về vốn từ nguồn của nhà nước thì không bị phụ thuộc về vốn, phải tạm ứng về vật tư, lương thực, thực phẩm khi ra khơi từ thương lái để rồi khi về phải bán sản phẩm cho thương lái trong một số trường hợp bị ép.

Bộ trưởng Cao Đức Phát làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm

Thực hiện Nghị định 67, tới nay cũng đã có nhiều ngư dân đã được vay vốn, với số lượng tổng hợp ban đầu của tôi là đã được vay 23 tỷ đồng và chủ trương này cũng sẽ được tiếp tục. Theo ông Phát vấn đề tổ chức lại sản xuất, hình thành tổ đội sản xuất, hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần và phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến, trực tiếp thu mua sản phẩm do ngư dân đưa về bờ.

Theo đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản, là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân và là một chính sách rất quan trọng nhằm khai thác tiềm năng biển có hiệu quả, không ngừng nâng cao đời sống cho ngư dân và góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy việc thực hiện chính sách này còn nhiều bất cập, hạn chế, như việc đầu tư vốn xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh bão lũ ở nhiều dự án chưa kịp thời, còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Một số quy định của nghị định còn chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung. Việc thành lập quản lý tổ, đội hợp tác xã ở các địa phương còn chậm và thiếu chặt chẽ.

“Đề nghị Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình và hướng đến Bộ trưởng sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu nào để khắc phục những bất cập tồn tại trên nhằm thực hiện chính sách phát triển thủy sản ngày càng mang lại hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân”, đại biểu Cư đề nghị.

Về vấn đề trên, ông Cao Đức Phát cho biết, Nghị định 67 rất đúng đắn, nhưng việc đầu tư, xây dựng các khu neo đậu tàu, thuyền ở các cảng cá còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế hiện nay, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn các địa phương đăng ký về việc đầu tư, yêu cầu đầu tư xây dựng các cảng cá, các khu neo đậu tầu, thuyền.

Đến nay đã có 211 cảng được đăng ký, 131 khu neo đậu tầu, thuyền, chúng tôi đang huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vay vốn ODA để triển khai thực hiện và đã thực hiện được 83 cảng, 65 khu neo đậu tàu thuyền. “Chủ trương này cần phải làm từng bước, không thể nhanh được”, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói.

Vì sao Mỹ muốn điều tàu, máy bay đến khu vực Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông

Đề xuất điều tàu và máy bay của Mỹ đến những bãi đá Trung Quốc đang xây dựng phi pháp nhằm thể hiện lập trường dứt khoát rằng Washington không chấp nhận hoạt động cải tạo của Bắc Kinh, và là bước tiến mới để trấn an các nước nhỏ.


Tàu chiến cận bờ USS Forth Worth của Mỹ tại Biển Đông. Ảnh: US Navy

Mỹ hôm 13/5 thông báo một trong những tàu chiến mới nhất của hải quân, USS Fort Worth, đã hoàn thành cuộc tuần tra kéo dài một tuần ở Biển Đông. Quân đội Mỹ đang xem xét khả năng điều phi cơ và tàu quân sự tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam mà Bắc Kinh chiếm giữ và đang tiến hành cải tạo.

Theo cây bút Shannon Tiezzi của The Diplomat, Lầu Năm Góc đang tìm cách chứng minh rõ ràng rằng Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc cải tạo và xây dựng trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Hoạt động bồi đắp gần đây của Trung Quốc có thể nhằm khiến cộng đồng quốc tế xem xét các đảo nhân tạo Bắc Kinh đang xây dựng như đảo thực sự và được hưởng quy chế đảo.

Theo WSJ, Mỹ tin rằng những nơi Trung Quốc đang cải tạo được coi là đá ngầm, hay là bãi cạn lúc chìm lúc nổi, chứ không phải là đảo theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và do đó không được hưởng lãnh hải 12 hải lý. Hơn nữa, điều 60 (8) của UNCLOS cũng ghi rõ "các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa".

Nếu được thông qua, tàu và máy bay Mỹ sẽ được điều đến quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong phạm vi 12 hải lý để thể hiện rằng Washington không công nhận các thực thể đó đủ điều kiện để được coi là đảo, do đó không được hưởng lãnh hải.

Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông

Mỹ quan tâm đến vấn đề Biển Đông vì Washington khẳng định có lợi ích tại khu vực này, nơi khoảng một phần ba thương mại thế giới đi qua. Điểm quan trọng hơn là các hành vi hung hăng của Trung Quốc, tiêu biểu là hoạt động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đang làm suy yếu lợi ích của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những động thái của Bắc Kinh là mối đe dọa cho các quy tắc, chuẩn mực về ranh giới biển và tài nguyên, tự do hàng hải.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã phát biểu "vấn đề quan trọng đối với chúng tôi tại Biển Đông không phải là các bãi đá, mà là các quy tắc bị vi phạm". Động thái của Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến các đồng minh và đối tác của Mỹ, những nước là nền tảng quan trọng cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Prashanth Parameswaran, cây bút chuyên về Đông Nam Á của The Diplomat, chính sách của Mỹ tại châu Á cho đến nay chưa đạt được hiệu quả mong đợi. Chính quyền Obama đã thực hiện một số bước đi để đáp trả Trung Quốc, bao gồm tăng cường năng lực cho các đồng minh và đối tác then chốt, lên tiếng chỉ trích hoạt động bồi đắp của Trung Quốc, và hỗ trợ vụ kiện của Manila chống lại Bắc Kinh.

Tuy nhiên, những động thái này chưa thay đổi đáng kể hành vi của Bắc Kinh và cũng không đủ làm các nước Đông Nam Á yên tâm. Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bồi đắp và cải tạo tại Biển Đông, phớt lờ luật pháp quốc tế, đồng thời trì hoãn việc thống nhất về quy tắc ứng xử với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Một số biện pháp Mỹ tiến hành cũng đòi hỏi thời gian, trong khi Trung Quốc lại đang thay đổi hiện trạng một cách nhanh chóng. Vì vậy, rõ ràng Mỹ cần có thêm biện pháp cứng rắn như điều tàu và máy bay đến gần những nơi Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở Biển Đông để kìm hãm Bắc Kinh.

Muhammad Faiz Aziz, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Luật và Chính sách Indonesia (PSHK) cho rằng, nếu Mỹ quyết định điều tàu chiến, nước này sẽ giúp các quốc gia khác đối trọng quân sự với Trung Quốc, đặc biệt là các nước nhỏ có sức mạnh quân sự yếu hơn Bắc Kinh.

Việc điều tàu và máy bay của Mỹ cũng sẽ đảm bảo tự do và an ninh hàng hải. Nhiều tàu quốc tế di chuyển qua khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nếu Trung Quốc chiếm nơi này thì có thể kiểm soát tuyến đường thương mại quan trọng và kiểm tra tàu quốc tế đi qua. Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực có thể ngăn chặn điều này xảy ra, Aziz nhận định.

Biện pháp cứng rắn với Trung Quốc sẽ thể hiện được cam kết của Mỹ với Philippines, đồng minh duy nhất trong Đông Nam Á tham gia vào tranh chấp Biển Đông. Quan hệ Mỹ - Philippines đang phát triển tích cực thông qua tăng cường hợp tác quốc phòng. Hiệp định Washington đã ký với Manila sẽ cho Washington quyền tiếp cận nhiều hơn đến các cơ sở gần Biển Đông.

Nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung

Một số chuyên gia cảnh báo rằng quan hệ Mỹ - Trung có thể tổn hại sâu sắc nếu Washington quyết định điều tàu và máy bay đến gần những cơ sở Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Zhang Baohui, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Đại học Lingnan ở Hongkong, cho biết ông lo lắng về nguy cơ đối đầu giữa hai nước. Việc này có thể dẫn đến "sự leo thang ngoài ý muốn", ông nói. "Liệu họ (Mỹ) có sẵn sàng chấp nhận hậu quả của sự leo thang này?"

Trong khi đó, Parameswara nhận xét quan điểm cho rằng Mỹ không nên cứng rắn hơn với Trung Quốc là khá yếu và không xác đáng. Theo ông, gìn giữ quan hệ song phương không có nghĩa là làm ngơ trước các hành động phá hoại sự ổn định, pháp quyền, và tự do trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; nền tảng mà từ đó, sự thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, đã được xây dựng trong vài thập kỷ qua.

Hơn nữa, muốn xây dựng quan hệ thì phải cần phải có sự nhiệt tình của cả hai phía. Bắc Kinh không thể tiếp tục có những hành động phá hoại lợi ích của Mỹ mà vẫn cho rằng Washington sẽ không có phản ứng dứt khoát để ngăn chặn chúng.

Thực chất, hai nước từng thực hiện một số bước đi "mạo hiểm" trong tranh chấp ở biển Hoa Đông. Các quan chức Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốcđiều tàu đến gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư để thể hiện với Tokyo và những bên khác rằng nước này không công nhận đó là lãnh thổ của Nhật Bản. Mỹ điều hai máy bay ném bom B-52 của nước này bay trên bầu trời khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông để thể hiện Washington không công nhận vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc lập ra. 

Biển Đông sẽ tiếp tục là bài toán quan trọng để xem thế giới và Mỹ có thể đối phó như thế nào với một Trung Quốc đang lớn mạnh nhanh chóng, trong khi vẫn giữ gìn quan hệ với Bắc Kinh.