Hotline: 0973 549 00
Menu

Vì sao cá sủ vàng Việt Nam có giá 1 tỷ/con?

“Cá sủ vàng rất quý hiếm, đặc biệt giá trị trong lĩnh vực y học nên mỗi con bắt được thường có giá trị rất lớn khi được rao bán”, GS. TS. Mai Đình Yên, Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết.

Trước thông tin ngư dân Ngô Văn Đấu (51 tuổi), phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định trong lúc đánh bắt ngoài vùng biển thuộc tỉnh Phú Yên đã bắt được một con cá lạ, nghi là loài cá sủ vàng đặc biệt quý hiếm có giá trị lên đến hàng tỷ đồng đang được dư luận chú ý, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với GS. TS. Mai Đình Yên, Hội Sinh thái học Việt Nam để lý giải vì sao loài cá này lại được rao bán với mức giá “đắt hơn vàng” như vậy.

Cá lạ nghi cá Sủ vàng được ngư dân Bình Định đánh bắt ở vùng biển Phú Yên. Ảnh: Doãn Công

GS. TS. Mai Đình Yên cho biết, cá sủ vàng có bong bóng rất đặt biệt, được các nước phát triển sử dụng trong y học như một công cụ rất hữu hiệu. Cụ thể, bong bóng cá sủ vàng chính là nguyên liệu hữu cơ để sản xuất ra một loại chỉ tự tiêu có khả năng tự hủy sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân, không gây tổn thương đối với mô, giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm.

“Cá sủ vàng được xếp vào loại cá vô cùng đắt đỏ vì những tính năng đặc biệt từ bong bóng cá như vậy. Thịt cá sủ vàng ăn tươi cũng có mùi vị thơm ngon, bóng cá nếu phơi khô là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao”, GS. TS. Mai Đình Yên nhấn mạnh.

Cũng theo GS Yên, thực tế loài cá sủ vàng được phân bố khá rộng trong khu vực cửa sông ở một số vùng trên lãnh thổ Việt Nam như vùng cửa sông châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Các nước khác cũng xuất hiện loài cá này là Trung Quốc, Ấn Độ …

Tuy nhiên, loài cá này rất hiếm gặp và có giá trị đặc biệt về mặt y học nên có giá thành rất cao. Loài cá này sinh sống ở biển nhưng có tập tính đến mùa đẻ sẽ vào các vùng cửa sông nước lợ cặp đôi và đẻ. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống và sau khoảng 1 - 2 năm sẽ dần tìm ra biển.

Theo GS. TS. Mai Đình Yên, loài cá sủ vàng có tên khoa học là Otolithoides biauritus, còn được gọi là cá sủ vây vàng, cá sủ vàng kép hoặc cá thủ. Đây là loại cá lớn nhất trong họ cá Đù thuộc bộ cá Vược, kích thước có thể đạt đến 160cm, nặng trên 120 kg.

Cá sủ là loài cá lớn, mõm nhọn, miệng rộng, hàm dưới kéo dài đến phía dưới sau hốc mắt, răng khoẻ, vây lưng dài. Cá có màu trắng bạc và trắng phớt hồng, phần đầu và lưng có màu xanh xám hoặc xám sáng tuỳ vào môi trường sinh thái nơi cá sống, miệng cá màu vàng nghệ đặc trưng. Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau mà loài cá này không còn sản lượng khai thác và gần như tuyệt chủng nên thuộc loại quý hiếm.

GS. TS. Mai Đình Yên, Hội Sinh thái học Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trước đó, vào khoảng 21h đêm 28.9, trong lúc thả lưới tại vùng biển thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, ông Đấu đã cùng người nhà tình cờ bắt được cá lạ. Nghĩ rằng đây là loại cá Sủ bình thường nên ông Đấu tiếp tục đánh bắt đến sáng hôm sau mới quay về nhà thì thấy cá có nhiều điểm đặc biệt.

Theo ghi nhận, con cá có hình dạng giống như cá sủ biển, nặng 9,7 kg, dài khoảng 0,9 m, toàn thân cá có màu vàng, đặc biệt vây cá có màu vàng óng ánh rất đẹp. Nhiều ngư dân có thâm niên đánh bắt hải sản hàng chục năm ở địa phương cho biết trong cuộc đời đánh bắt họ chưa bao giờ thấy con cá có hình dạng như vậy.

Khi so sánh với những mô tả trên mạng internet, một số người cho rằng con cá trên rất có thể là cá sủ vàng đặc biệt quý hiếm, được thương lái Trung Quốc thu mua với giá rất cao, khoảng 1 tỷ đồng/con, dùng để làm chỉ khâu vi phẫu thuật.

Theo Xuân Ngọc (Dân Trí)

Giá vàng tăng cao, người mua được lợi

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bỏ ngỏ khả năng tăng lãi suất trong tháng 9 tới làm đồng USD trượt giá so với các đồng ngoại tệ khác, giảm 0,7% khiến người mua vàng được lợi, dẫn đến giá vàng tăng cao.

Giá vàng SJC trong nước đến chiều nay (20.8) đã tăng tổng cộng 250.000 đồng/lượng, sau khi tăng 150.000 đồng/lượng vào buổi sáng, hiện vượt mốc 34 triệu đồng/lượng chiều mua vào.

Giá vàng niêm yết của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chiều nay vẫn đang ở mức 34,05 – 34,77 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng tổng cộng 250.000 đồng/lượng. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 34,25 triệu đồng/lượng (mua vào). Giá bán ra ở mức 34,55 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng SJC của Doji ở thời điểm này cũng tăng mạnh 270.000 đồng/lượng so với mốc 33,98 triệu đồng/lượng (mua vào) ngày hôm qua.

Mức chênh lệch giá mua – bán vàng tại Hà Nội vẫn là 300.000 đồng/lượng; còn tại TP HCM chênh lệch tăng lên 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hôm nay đã có sự tăng vọt khi FED cho biết chưa thể tăng lãi suất trong tháng 9 tới. Tín hiệu chậm tăng lãi suất của FED đã làm tăng nhu cầu nắm giữ vàng, đồng thời chỉ số USD giảm 0,7% trong phiên giao dịch. Theo tỷ giá ngoại tệ VND/USD, giá vàng thế giới hôm nay tương đương 30,52 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn lớn, khoảng 4,23 triệu đồng/lượng.

Cùng với giá vàng, tỷ giá VND/USD hôm nay tiếp tục được điều chỉnh tăng lên. Ngân hàng Vietcombank điều chỉnh tăng lên mức 22.350 đồng/USD chiều mua vào và bán ra là 22.430 đồng/USD, tăng 105 đồng chiều mua và 155 đồng chiều bán ra so với ngày hôm qua (19.8).

Ngân hàng Vietinbank tăng tỷ giá VND/USD 60 đồng chiều mua vào và 20 đồng chiều bán ra, hiện niêm yết ở mức mua vào là 22.330 đồng/USD, chiều bán ra ở ngưỡng 22.420 đồng/USD.

Ngân hàng BIDV có tỷ giá mua vào ở mức 22.345 đồng/USD, bán ra ở mức 22.440 đồng/USD, tăng 65 đồng chiều mua vào và 60 đồng chiều bán ra so với ngày 19.8.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong vẫn nhận định: Tỷ giá VND/USD sẽ sớm ổn định trở lại nhưng giá vàng còn còn có những biến động khó lường. “Việc FED không tăng lãi suất trong tháng 9 sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong nước, đồng thời có nguy cơ đẩy giá vàng trong nước tăng lên theo giá thế giới. Người dân và nhà đầu tư mua vàng trong ngắn hạn có thể được lợi nhờ động thái chậm tăng lãi suất của Mỹ nhưng sẽ khó có việc đầu cơ vàng ồ ạt diễn ra trong bối cảnh hiện nay” - ông Phong nhận định.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND/USD từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (tương đương tăng 1%), đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá ngoại tệ và giá vàng trong nước tăng mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do có lúc đã tăng vọt lên 22.500 đồng/USD, giá vàng SJC đã lên đến đỉnh điểm là hơn 35 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1 triệu đồng/lượng. 

“Giá vàng tăng lên tiếp hôm nay nhưng mức độ “sốt” đã giảm nhiều do tâm lý người mua vàng đã trở nên thận trọng hơn” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết.

Cây dược liệu ồ ạt "chạy" sang Trung Quốc

Nhiều loại cây dược liệu mọc tự nhiên trong các cánh rừng ở Nghệ An đang ồ ạt “chạy” sang Trung Quốc với giá bèo. Điều đáng nói, sau khi chế biến, các doanh nghiệp Trung Quốc bán ngược lại nước ta với giá rất cao.

Vài ba năm trở lại đây, tại các huyện miền núi Nghệ An, người dân liên tục vào rừng tìm các loại cây dược liệu như cu li, cây ba gạc, cây huyết đằng, củ ba mươi mang về bán cho các thương lái ở địa phương để xuất sang Trung Quốc. Các thương lái thu mua cây dược liệu khô từ người dân khai thác trong rừng với giá 1.500 - 30.000 đồng/kg…

Tại xã Châu Quang, H.Quỳ Hợp, các loại cây dược liệu này được thương lái thu mua, đem phơi ven đường và các bãi đất trống.

Một người làm công cho một thương lái ở đây cho biết cứ vài ba ngày, người chủ thu mua dược liệu lại chất đầy xe tải đem sang Trung Quốc bán.

Thương lái tại H.Quỳ Hợp (Nghệ An) phơi cây dược liệu trước khi xuất sang Trung Quốc.

Theo anh Vi Văn Hòa (ngụ H.Tương Dương), một người chuyên đi chặt cây dược liệu từ rừng về bán, cho biết trước đây, các khu rừng này có nhiều cây cu li. Dân bản khi bị đứt tay chảy máu, lấy lá đắp vào sẽ cầm máu ngay.

“Giờ thấy nhiều người đến mua, dân bản kéo nhau vào rừng chặt nên cũng hiếm rồi. Bây giờ, đi cả ngày cũng chỉ chặt được khoảng 20 kg” - anh Hòa nói.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu, cho biết Nghệ An là tỉnh có nguồn cây thuốc phong phú vào bậc nhất nước ta. Tại đây có 25 loài cây như ba kích, đinh lăng, địa liền… hoàn toàn có cơ sở để lựa chọn đầu tư phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, Nghệ An có 31 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.

Bán rẻ, nhập đắt

Ông Trương Văn Hiền, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An, cho rằng nếu biết tổ chức và có giải pháp thích hợp để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất, trồng để chế biến cây dược liệu thành sản phẩm thuốc dược liệu chữa bệnh, ngành dược sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Có một nghịch lý là 90% nguồn dược liệu ở Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch nhưng lâu nay các thương lái Trung Quốc lại đổ xô đến nhiều vùng rừng núi nước ta để thu gom thảo dược đem về nước.

“Người Trung Quốc mua dược liệu thô với giá rẻ nhưng sau khi chế biến, họ lại nhập lại Việt Nam với giá cắt cổ. Trong khi đó, chất lượng dược liệu mua từ Trung Quốc lại không được cam kết, đảm bảo một cách chắc chắn an toàn cho sức khoẻ người sử dụng vì chúng ta không trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình khai thác, sơ, chế biến” - ông Hiền nói.

Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH-CN Nghệ An, thừa nhận cây dược liệu chưa được quan tâm đúng mức, doanh nghiệp dược cũng chưa quan tâm phát triển lĩnh vực đông dược. Để xóa đói giảm nghèo bền vững cho các huyện miền núi Nghệ An thì việc phát triển dược liệu gắn với công nghiệp dược là một hướng đi đúng, nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên dược liệu, cung cấp thuốc cho nhu cầu chữa bệnh trong y học cổ truyền và hình thành các vùng sản xuất hàng hoá, tạo nguồn dược liệu ổn định để đưa vào sản xuất và xuất khẩu.

Giá xăng giảm 816 đồng/lít từ 15 giờ hôm nay

Bộ Công Thương vừa có văn bản chính thức về điều hành giá xăng dầu trong nước.Theo đó, Bộ này điều chỉnh giảm mạnh giá các mặt hàng xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ hôm nay (8.4). Cụ thể: Giá xăng RON 92 giảm 816 đồng/lít, xăng E5 giảm 816 đồng/lít; dầu hỏa giảm 638 đồng/lít, dầu mazut giảm 562 đồng/kg.

Giá xăng giảm 816 đồng/lít từ 15 giờ hôm nay (Ảnh minh họa)

Như vậy, sau khi giảm, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ở mức: xăng RON 92 giá 19.304 đồng/lít, xăng E5 là 18.809 đồng/lít, dầu diezel là 13.862 đồng/lít, dầu hỏa 13.112 đồng/lít và dầu mazuts là 10.872 đồng/kg.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu doanh nghiệp giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá như hiện hành và thực hiện từ 15 giờ ngày 4.8.

Theo bộ này, giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày kể từ 20.7 đến nay là 69,891 USD/thùng với xăng RON 92; 61,456 USD/thùng với dầu diezel; 62,833 USD/thùng với dầu hỏa và 294,203 USD/tấn dầu mazut.

Giá xăng tính từ đầu năm 2015 đến ngày 4.8 đã được điều chỉnh 9 lần với 5 lần giảm và 4 lần tăng. 
Những lần tăng giá vào các ngày 11.3, 5.5, 20.5 và 19.6. Trong đó, lần tăng giá mạnh nhất là vào ngày 5.5 với mức tăng 1.950 đồng/lít. Tổng cộng 4 lần tăng giá, giá xăng RON 92 đã tăng thêm 5.040 đồng/lít. 
Như vậy, từ đầu năm đến nay, mức tăng của giá xăng vẫn cao hơn nhiều mức giảm giá. 

Biến cây chùm ngây thành món trà ngọt độc đáo

Vị trà ngọt thanh tao và mát dịu được kết hợp từ 3 loại cây- cỏ ngọt, chùm ngây và hoàn ngọc- trong đó chùm ngây chiếm hơn 60%.Nghệ nhân Nguyễn Văn Phúng (xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) được nhà nông ở nhiều nơi biết đến là người có công tạo ra một số giống cây có giá trị.

Anh dùng phương pháp giâm cành và ươm hạt, tạo ra gần 5.000 cây hoa anh đào có chất lượng và cung cấp cho cả nước. Cũng chính anh đã nghiên cứu giống cây chùm ngây để làm trà ngọt có tên gọi “Trà ngọt Nha Trang Hoàng Hoa Thôn” rất được nhiều người yêu thích.

Anh Phúng kiểm tra rễ cây chùm ngây chuẩn bị chế biến trà ngọt. Ảnh: C.T

Đến nhà của Nghệ nhân Phúng trong cái nắng gắt, chúng tôi được chủ nhà mời nhâm nhi ly trà có màu vàng óng ánh. Vị ngọt thanh tao và mát dịu của trà đã làm chúng tôi thấy sảng khoái, mát lạnh. Anh Phúng cho biết, anh đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc mới làm ra được loại trà đặc biệt. Vị trà ngọt này được kết hợp từ 3 loại cây- cỏ ngọt, chùm ngây và hoàn ngọc- trong đó chùm ngây chiếm hơn 60%.

Theo anh Phúng, cây chùm ngây trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được người dân trồng nhiều tại các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh và Ninh Hòa. Người dân thường dùng cây chùm ngây để nấu canh trong các bữa ăn hàng ngày, chưa ai tận dụng hiệu quả loại cây này cho việc mang lại thu nhập cho gia đình. Anh Phúng biết đến giá trị của chùm ngây qua nghiên cứu công trình về các cây thuốc nam của Giáo sư – tiến sĩ Đỗ Tất Lợi. Từ đây, anh nảy sinh ý tưởng dùng chùm ngây chế ra trà. Để có nguồn nguyên liệu dồi dào, anh trồng trên 1ha chùm ngây tại xã Suối Cát, huyện Diên Khánh. Giống cây này sinh trưởng phát triển tốt, trung bình cây có tuổi thọ trên 8 năm tuổi.

Anh Phúng cho biết thêm, cây chùm ngây được tận dụng cả thân, rễ và lá. Chùm ngây trồng khoảng 5 tháng là cho thu hoạch lá và trồng trên 2 năm thì sẽ cho thu hoạch rễ. Hiện anh đang bao tiêu chùm ngây cho nông dân với giá từ 8.000 – 10.000 đồng/kg tươi để phục vụ cho chế biến trà ngọt. Anh Phúng cho rằng, nếu nông dân chịu khó trồng và chăm sóc chùm ngây chắc chắn sẽ có thu nhập cao gấp 3 -4 lần so với trồng hoa màu. Cơ sở chế biến trà ngọt từ chùm ngây của anh đang tạo công ăn việc làm cho 20 lao động của địa phương, với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Bà Trần Thị Thanh Hằng – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, cây chùm ngây là loại cây dễ trồng, có thể trồng được với nhiều loại đất trong vườn, quanh hàng rào, dưới tán cây khác và cho thu nhập tương đối ổn định. Địa phương khuyến khích các hộ nông dân trồng loại cây này.

Theo Danviet.vn

Mỗi ngày, người Việt chi hơn 340 tỷ đồng nhập khẩu ô tô

7 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu 3,4 tỷ USD, bằng 3,68% giá trị nhập xuất khẩu. Đáng chú ý, nhập khẩu ô tô đạt 3,4 tỷ USD, tăng 87,8% cùng kỳ, chiếm 3,6% giá trị nhập khẩu. Tính ra, trung bình mỗi ngày người Việt bỏ ra 340 tỷ đồng để nhập khẩu ô tô

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm 2015, theo đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2015 đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2015 đạt 14,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, riêng tháng 7/2015, thâm hụt thương mại đạt 300 triệu USD.

Nhập khẩu xe 7 tháng đầu năm tăng đột biến, đạt gần 90% so với cùng kỳ năm trước

Tính chung 7 tháng đầu năm 2015, kim ngạch hàng hóa XK ước tính đạt 92,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 95,6 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt cán cân thương mại đạt 3,4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.

Về mặt hàng nhập khẩu, đứng đầu là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 16,6 tỷ USD, tăng 35,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 34,5%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 6,1 tỷ USD, tăng 35% sắt thép đạt 4,7 tỷ USD, tăng 15,1%.

Tuy nhiên, tốc độ gia tăng giá trị nhập khẩu nhanh nhất là nhập khẩu ô tô với 87,9%, đạt 3,4 tỷ USD. Trung bình mỗi tháng, người Việt chi hơn 10.200 tỷ đồng nhập khẩu ô tô, tương đương mỗi ngày chi 340 tỷ đồng để nhập ô tô.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Ước tính, trong 7 tháng qua, Việt Nam nhập khoảng 28,8 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc 16,2 tỷ USD, tăng 31,7%; ASEAN 14,1 tỷ USD, tăng 5,3%; Nhật Bản 8,5 tỷ USD, tăng 23,9%; EU 5,3 tỷ USD, tăng 6,6%; Hoa Kỳ 4,4 tỷ USD, tăng 20%.

Hoa kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 18,9 tỷ USD; tiếp đến là EU đạt 17,8 tỷ USD, tăng 13,2%. Đây tiếp tục là hai thị trường Việt Nam có thặng dư thương mại. Các thị trường khác Việt Nam vẫn tiếp tục nhập siêu lớn như Trung Quốc, Việt Nam nhập siêu 19.5 tỷ USD, Hàn Quốc 12 tỷ USD, ASEAN là gần 4 tỷ USD và Nhật Bản là 600 triệu USD.

Chuối miền Tây lại ế vì Trung Quốc ngưng mua

Khoảng một tháng nay, giá chuối miền Tây liên tục giảm mạnh khiến người trồng chuối vô cùng lo lắng. Trong khi đó, trên thị trường, do lo ngại chuối bị ngâm hóa chất nên người tiêu dùng lại đang e ngại mua những nải lớn, tươi xanh.

1 kg chuối chỉ 2.500 đồng

Chuối miền Tây bán sỉ được bán với giá vô cùng “rẻ bèo”. Giá chuối ta xanh chỉ có giá 2.800 đồng/ kg. Trong khi đó, chuối xiêm cũng chỉ có 2.500 đồng/ kg, giảm khoảng 3.000 đồng so với thời điểm đầu năm. Nếu bán theo nải, giá chuối chỉ dao động ở mức 40.000 – 50.000 đồng/10 nải, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Chuối miền Tây được trồng quanh năm ở các tỉnh Hậu Giang, Tiền Giang, Cần Thơ… nhưng sản lượng nhiều nhất vào khoảng từ tháng 1 tới tháng 5. Tuy nhiên, bây giờ đã vào cuối tháng 7 rồi nhưng giá chuối vẫn ở mức thấp, dù không phải vào mùa thu hoạch rộ.

Chuối miền Tây thu mua tại vườn chỉ có giá từ 2.500 - 2800 đồng/ kg (Ảnh: HMC)

Ông Nguyễn Đinh Sáu, tiểu thương chuyên kinh doanh chuối trên đường Lê Văn Thịnh (quận 2) cho biết, chưa có năm nào chuối xuống giá như vậy.

“Tôi nhập chuối tại vườn ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) về bán, chưa năm nào thấy chuối có giá rẻ như vậy. So với các loại trái cây khác, chuối thường ít biến động nhất, vào mùa thì có xuống giá nhưng giảm không đáng kể”, ông Sáu nói.

Một số thương lái cho biết, sở dĩ chuối miền Tây năm nay giảm giá mạnh là do thị trường đầu mối tại Trung Quốc ngưng mua hàng. Thời điểm này, Trung Quốc bước vào mùa thu hoạch chuối nên hạn chế mua chuối Việt Nam khiến chuối bị tồn đọng ngày càng nhiều. Vì chỉ tiêu thụ được trong nội địa nên với số lượng lớn như vậy buộc lòng phải giảm giá để dễ chạy hàng.

Theo ghi nhận của Một Thế Giới, giá chuối bán lẻ trên thị trường dao động ở mức 7.000 – 10.000 đồng/ kg.

Một tiểu thương tại chợ Cây Xoài (quận 2) cho biết, vào các tháng trước, giá chuối khoảng từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, tùy loại, có khi lên đến 15.000 đồng/kg nếu loại ngon. Từ đầu tháng 6, chuối nhập về bán lẻ giá giảm hẳn.

“Dù có giá giảm nhưng sức mua vẫn không nhiều”, tiểu thương này cho biết.

Trên thị trường, chuối dao dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/ kg (Ảnh: Phan Diệu) 

Trước tình trạng chuối miền Tây giảm giá như vậy, nhiều người tiêu dùng cho rằng người nông dân sẽ rất khó khăn mới bán hết lượng chuối còn tồn đọng.

“Tôi đi mua lẻ về ăn mà thấy bán lẻ còn rẻ vậy thì huống chi thu mua tại vườn. Bà con nông dân bán tại vườn một kg chưa đến 3.000 đồng thì đúng là khổ cho họ quá. Trồng chuối cả năm trời, đến khi bán thì bị ép giá, có lúc thương lái lại còn không mua ...”, chị Hoàng Thu Hương, ngụ quận Bình Thạnh nói.

Chuối càng to càng ế

Mặc dù giá giảm mạnh nhưng tại các sạp trái cây, chuối là mặt hàng tồn đọng rất nhiều. Các loại chuối có hình dáng nhỏ như chuối cau…luôn chạy hàng hơn so với các loại chuối Tây, chuối tiêu.

Theo tìm hiểu, một số người tiêu dùng lo ngại rằng khi thu mua, các thương lái thường mua lúc còn xanh để vận chuyển. Sau đó dùng hóa chất để chuối chín nhanh. Do đó, chuối càng to, màu sắc đều và bóng thì người tiêu dùng càng sợ.

Chuối càng to thì càng không bán được (Ảnh: HMC)

Còn các loại chuối nhỏ, màu sắc bình thường, được bán với số lượng ít hơn nên khả năng ngâm hóa chất thấp hơn. Đáng chú ý, nải chuối nào có trái xanh, trái chín không đều được người mua ưu tiên chọn lựa.

Chuối càng to, người tiêu dùng càng sợ bị ngâm hóa chất (Ảnh: Phan Diệu)

“Chuối chín tự nhiên không bao giờ chín nhanh và nhanh bị thối như vậy. Chỉ có ngâm hóa chất thì màu mới đều và trái mới bóng như thế. Nhiều thương vì hám lợi, muốn bán được nhanh hàng nên mới sử dụng các loại hóa chất đó. Suy đi xét lại thì người nông dân lẫn người mua là chịu thiệt. Người trồng chuối chân chính thì bị vạ lây, không bán được hàng. Còn người mua thì phải mua chuối có chứa hóa chất, độc hại”, anh P.H.Tiến, nhân viên văn phòng tại quận 1 cho biết.

Nếu muốn mua chuối chín cây thực sự, không bị ngâm hóa chất thì tuyệt đối đừng ham màu đẹp mà lựa mua (Ảnh: Phan Diệu)

Để phân biệt chuối chín cây với chuối chín cây, chị H.N.T.Anh (ngụ quận 9) cho biết, nếu muốn mua chuối chín cây thực sự, không bị ngâm hóa chất thì tuyệt đối đừng ham màu đẹp mà lựa mua.

“Nhà tôi ở miền Tây có một vườn chuối nên theo kinh nghiệm nhiều năm của tôi, tôi nghĩ chuối to hay nhỏ thì chưa thể khẳng định được loại đó có bị ngâm hóa chất hay không. Nhiều loại chuối có trái nhỏ nhưng thơm, có giá bán cao thì vẫn bị ngâm như thường. Chuối chín cây thực sự là chín lác đác, nghĩa là có trái chín, trái xanh, trái sượng. Chuối chín cây thì màu cũng không đẹp mã lắm. Còn chuối bị ngâm thuốc thì màu vàng răm rắp, màu đẹp, không tì vết nhưng cuống vẫn có màu xanh, để ý kỹ thì thấy vẫn dính nhựa”, chị Anh chia sẻ.

"Đầu cơ" vàng lúc này khá nguy hiểm!

Giá vàng sẽ tăng hay tiếp tục sụt giảm, nên mua vào hay bán ra? Đầu cơ vàng lúc này liệu có lợi nhuận cao hay không? Có tiền nên làm gì? Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đã phân tích mổ xẻ kỹ từng ý để người dân tham khảo và có quyết định đúng cho mình.

Trước hiện tượng giá vàng trong nước sụt giảm về mức dưới 33 triệu/lượng cuối tuần qua và nhiều người dân đem vàng đi bán. Ông nhìn nhận điều này thế nào?

Vì sao có tâm lý bất an người dân chúng lại đổ xô đi bán vàng? Bởi vì họ biết rằng vàng trên thế giới giảm. Họ sợ giá vàng sẽ giảm sâu nữa nên mới đem đi bán. Mấy năm nay, về cơ bản chúng ta đã thành công trong chặn hiện tượng vàng hóa nhưng có lẽ yếu tố tâm lý mang tính bầy đàn vẫn còn đó nên không tránh được việc có người lo lắng.

Theo ông, hiện số người muốn đầu cơ kinh doanh vàng ở Việt Nam còn nhiều không?

Tôi cho là hiện số người kinh doanh vàng không còn nhiều, phần vì luật pháp; phần vì biện pháp xử lý chặn hiện tượng vàng hóa đã thành công. Hiện số người đầu cơ vàng còn lại chỉ là thiểu sổ. Số còn lại ngay cả những người giữ vàng như của ăn của để, khi thấy vàng xuống, họ cũng hết hồn luôn. Ngay cả những người dùng vàng như của để dành họ cũng bị rúng động khi thấy tài sản của mình bị quy đổi ra tiền đồng.

Nếu vàng giảm thiệt hại 1-2 % đã là e ngại; 5% là rúng động mà giảm đến 10% thì đã là một mức vô cùng lớn; chưa kể những ngày qua, có quỹ đầu cơ vàng trên thế giới còn nhận định giá vàng có thể xuống dưới 1000 USD/Oz, nếu so với đỉnh 1850 USD/Oz vàng đã từng thiết lập; quả là không tưởng tượng được.

Có bán vàng mua USD?

Nếu có nhiều người dân bán vàng, số tiền quy đổi sẽ được rót vào đâu: bất động sản; chứng khoán, tiết kiệm hay ngoại tệ. Có không việc người dân bán vàng rồi lại “găm” đô la nhất là trong bối cảnh có dự đoán tỷ giá VND/USD vẫn có khả năng điều chỉnh?

Giá vàng giảm sâu thì VND tăng giá trị, nếu giá vàng giảm xuống thì tạo ổn định cho tiền đồng; nếu tiền đồng được ổn định thì tỷ giá VND/USD cũng được củng cố hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm này, sự liên hệ tương quan giữa vàng và tiền đồng không chặt chẽ như thế. Còn đặt giả sử xảy ra tình trạng giá vàng tiếp tục rơi thì đến một ngưỡng tỷ giá trên thị trường tự do sẽ bị ảnh hưởng, đó là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cơ bản đó chỉ là tác động tâm lý còn tỷ giá chủ yếu phụ thuộc vàokinh tế vĩ mô.

Giá vàng giảm mạnh khiến nhiều người băn khoăn lo lắng

Với vai trò là cơ quan quản lý vàng, ngoại tệ, NHNN có nên giám sát hay can thiệp thị trường không?

Không nên. Hãy để thị trường tự vận hành theo cung - cầu của thị trường. Thị trường vàng không gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ. Điều NHNN cần làm là họ nên linh hoạt theo dõi diễn biến trên thị trường và phải lưu ý vấn đề nhập siêu, cán cân thanh toán; đồng thời yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng. NHNN nên có thông tin kịp thời khi thị trường cần. Hiện tại, giá vàng trong nước và thế giới đang đi theo hướng kéo chênh lệch ngày càng thấp (2,34 triệu đồng/lượng) xuống một cách tự nhiên chứ không có sự can thiệp nào.

Theo nhìn nhận của ông, từ nay đến cuối năm giá vàng biến động thế nào? Nên mua vào hay bán ra?

Có nên mua vào không? Lúc này không nên mua vào vì mình đã trong giai đoạn muốn cắt lỗ, thị trường đang xuống, vàng giảm sâu. Theo dự đoán chung, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục giảm đâu đó khoảng 10%. Bạn nên nhớ, không có thị trường nào xuống mãi cả. Tôi cho đó là ngưỡng giới hạn.

Một câu hỏi nhiều người lúc này quan tâm, có tiền đầu tư vào đâu?

Với chứng khoán dù tăng điểm nhưng chưa có sự ổn định; Thị trường Á châu hiện tại đang trông chờ xem chứng khoán Trung Quốc biến động thế nào. Với giới đầu tư họ đang quan sát bởi Việt Nam và Trung Quốc là những thị trường mới nổi. Còn bất động sản tuy hồi phục nhưng chỉ một vài phân khúc và chỉ những địa bàn có hạ tầng cơ sở tốt. Đối với những người hiện tại đang cầm vàng, sự lo lắng rất lớn vì trên sổ sách họ đang mất tiền. Ai đang đứng ở “thềm” thị trường vàng đừng nên nhảy vào mà phải tiến đến “bãi đỗ” an toàn như gửi tiền ở ngân hàng hưởng lãi suất cao; đầu cơ vàng lúc này khá nguy hiểm vì vẫn còn đang biến động.

Cảm ơn ông!

Theo tienphong.vn

Xăng giảm giá 260 đồng

Giá bán lẻ xăng RON 92 được hạ xuống 20.120 đồng một lít từ 15h ngày 20/7.

Bảng giá được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng từ 15h hôm nay.

Yêu cầu nêu trên vừa được Liên bộ Công Thương – Tài chính đưa ra với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Theo đó, giá xăng RON 92 sẽ được điều chỉnh về mức tối đa 20.120 đồng một lít từ 15h hôm nay, giảm 260 đồng so với trước. 

Mặt hàng xăng sinh học E5 có mức giảm giá 425 đồng mỗi lít, về không quá 19.625 đồng mỗi lít.Trong khi đó, mức giảm với các mặt hàng xầu lớn hơn nhiều. Cụ thể, dầu Diesel giảm 1.112 đồng m một lít, dầu hỏa mức giảm là 1.128 đồng còn dầu madút giảm 872 đồng một kg. Mức điều chỉnh cụ thể như sau:

Mặt hàng Giá bán lẻ hiện hành Giá tối đa mới Chênh lệch
Xăng RON 92 20.380 20.120 260
Xăng sinh học E5 20.050 19.625 425
Dầu diesel 15.790 14.681 1.112
Dầu hỏa 14.870 13.750 1.128
Dầu madút 12.670 11.434 872

Theo thông tin từ cơ quan điều hành, trong thời gian từ 4/7 đến 19/7 giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm, khiến giá cơ sở các mặt hàng mặt hàng đều giảm 787-1.128 đồng mỗi lít, kg. Do đ, cùng với việc điều chỉnh giá, cơ quan quản lý cũng yêu cầu ngừng sử dụng quỹ Bình ổn đối với các mặt hàng xăng, vốn đang ở mức 362-527 đồng một lít.

Biểu giá mới được cập nhật tại một cây xăng trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) lúc 15h. Ảnh: Quý Đoàn

Trước đó, giá xăng đã có 7 lần điều chỉnh từ đầu năm, với 4 lần tăng liên tiếp xen kẽ 3 lần giảm. Mức bán lẻ cao nhất được ghi nhận trong lần điều chỉnh ngày 19/6, khi một lít xăng RON 92 được bán với giá 20.710 đồng một lít

Từ tháng 5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được áp dụng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít, dầu diesel từ 500 đồng lên 1.500 đồng. Ngược lại, cơ quan điều hành cũng tiến hành giảm thuế nhập khẩu và cam kết điều chỉnh thuế môi trường không ảnh hưởng đến giá xăng.

Nấm mối 1 triệu/kg: Mỗi năm 1 lần, tranh nhau ăn vội

Được đồn là bổ dưỡng, có tác dụng chống lão hóa, giảm nguy cơ mắc ung thư… nấm mối – loại đặc sản mỗi năm chỉ xuất hiện một lần - đang được dân Hà thành săn mua về ăn mặc dù giá lên đến 1 triệu đồng/kg.

Chi tiền triệu để mua nấm mối

Được cho là loại “của trời cho” là “quà của đất”, hoàn toàn khai thác từ tự nhiên, mỗi năm chỉ có một thời gian ngắn nên nấm mối được cho là của quý.

Đã vào mùa nấm mối, chị Lê Thị Diệu Hương ở Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết tìm mọi cách để mua loại nấm mối về cho gia đình thưởng thức, đặc biệt là cho cậu con trai đang tuổi ăn dặm của mình.

Chị Hương chia sẻ, năm ngoái vào Bến Tre công tác đúng mùa nấm mối, được giới thiệu là đặc sản tự nhiên hiếm có, lại rất bổ dưỡng nên chị liền nhờ người mua hộ cho 1kg về ăn thử. Về nhà chế biến đơn giản nhưng ai cũng khen ngon, còn bảo sao mua ít thế. Nhưng nấm mối không phải cứ có tiền là mua được.

Năm nay, bắt đầu vào mùa mưa chị lại “đặt gạch” mối quen mua cho 5kg nhưng mãi mới mua được có 1,3kg với giá 1,2 triệu đồng bao gồm cả tiền vận chuyển. Hàng đặt không được nhiều, gia đình chỉ dám đãi ông bà một bữa, còn lại để dành nấu cháo cho con trai ăn dần. Chị còn dặn người quen ở Bến Tre, cứ mua được bao nhiêu gửi ra cho chị bấy nhiêu, chị mua hết, kể cả 6-7kg chị cũng mua.

Nấm mối, loại đặc sản khai thác từ tự nhiên, đang được nhiều người săn mua

Tương tự, gia đình chị Đặng Bùi Mỹ Châu ngõ 188 Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) cũng là “fan cuồng” của loại nấm mối này. Khoảng 4-5 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ vào đầu mùa mưa gia đình chị lại tìm người để đặt mua loại nấm này về ăn.

Chị Châu cho hay, nấm mối chế biến rất đơn giản, có thể chế biến làm đủ các món như: xào thịt, nấu cháo, nướng, nấu canh... đặc biệt, khi chế biến chị không cần thêm bất cứ loại gia vị nào vào nhưng các món ăn vẫn có vị ngọt đậm đà, thơm ngon cực kỳ hấp dẫn.

“Năm nay gia đình tôi may mắn đặt mua được tận 4kg, lại toàn loại nấm mối ngon, vẫn là bụp dù, thân mập mạp”. Tuy nhiên, chị Châu cũng chia sẻ, mỗi năm giá nấm mối lại tăng thêm một chút. Năm ngoái chị mua nấm giá chỉ có khoảng 700.000 đồng/kg, song đến năm nay giá nấm bao gồm cả tiền vận chuyển ra đến Hà Nội đã lên đến 1 triệu đồng/kg.

Hàng hiếm, đặt trước chưa chắc đã có

Anh Huỳnh Văn Đạt (Quận 2, TP Hồ Chí Minh) chuyên bán nấm mối, cho biết, nấm mối xuất hiện vào đầu mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 6 âm lịch. Loại nấm này thường có nhiều ở các tỉnh như: Hậu Giang, Bến Tre, Cần Thơ...

Mặc dù giá lên đến 1 triệu đồng/kg nhưng dân Hà Nội vẫn tranh nhau mua nấm mối về ăn

Theo anh Đạt, loại nấm mối này được khai thác hoàn toàn tự nhiên, thường mọc ở các khu vườn cây ăn trái (mọc trên ổ mối nên được gọi là nấm mối), do đó, nấm này thuộc loại đặc sản rất hiếm. Để lấy được loại nấm mối ngon nhất, người dân phải khai thác nấm từ 3-4 giờ sáng, lúc đó nấm vẫn bụp dù, chưa nở, cây mập. Năm nay thời tiết nắng mưa thất thường, sản lượng giảm đáng kể nên loại nấm này lại càng khan hiếm hơn.

“Hiện tôi đang bán với giá 500.000-700.000 đồng/kg tùy loại, song thường không có đủ hàng để bán, khách muốn mua phải đặt trước. Tôi cũng không dám hứa là bao giờ sẽ có vì loại nấm mối này không phải hàng dễ kiếm, nấm về bảo quản rất khó, dễ hao hụt cân”, anh Đạt cho hay.

Anh Đạt cũng cho biết, danh sách khách đặt mua nấm mối càng ngày càng nhiều, trong khi đó, nguồn cung nấm không ổn định, hôm có, hôm không, số lượng thì chỉ có ít. “Năm nay, ngoài khách ở Sài Gòn, lượng khách ở ngoài Hà Nội đặt mua nấm khá nhiều, có người đặt mua 3-4kg, đợi cả nửa tháng vẫn chưa có nấm”.

Bên cạnh đó, anh Đạt còn chia sẻ, nấm mối về có thể nấu thành nhiều món khác nhau như: xào, nướng, đổ bánh xèo, nấu cháo. Nếu mua được nhiều có thể bảo quản ở ngăn mát trong tủ lạnh được khoảng 1 tuần, còn muốn để ăn dần, mọi người phải sơ chế sạch, bỏ vào túi hay hộp rồi cho vào bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, khi ăn cứ thế bỏ nấm ra, chờ dã đông rồi nấu chứ không được rửa vì rửa nấm sẽ làm mất bớt chất dinh dưỡng.

Chị Nguyễn Thùy Dương ở Khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) kể, đầu tháng chị vào Tiền Giang công tác một tuần, lúc về chị may mắn gặp mối đi khai thác nấm mối về, chị mua hết nấm của mấy người đó được chục cân. Về nhà chị để lại 1kg cho gia đình ăn còn lại rao bán trên facebook cá nhân của mình.

“Cứ nghĩ loại nấm này giá đắt, lên đến 1 triệu đồng/kg sẽ khó bán bởi ít ai dám bỏ ngần ấy tiền ra để mua về ăn. Thế mà, đăng bán nấm chưa đầy 5 phút, con số đặt mua nấm đã đến đến gần 40 người. Trong đó, phần đa mọi người đều đặt mua từ 1-2kg. Không đủ hàng bán, tôi đành phải chiếu theo danh sách, ai đặt trước thì được trước, hết thì thôi”, chị khoe.

Sau vụ đó, chị quyết định tìm mối ở Tiền Giang để lấy nấm về bán ngoài Hà Nội nay, nhưng đến nay, khách đặt thì nhiều mà nấm gom được về bán thì ít. Tuần nào nhiều, may mắn lắm mới gom được 5-6kg, không thì chỉ 2-3kg. Có tuần không gom được kg nào, khách đành phải “xếp hàng” ngồi chờ tới lượt mua, chị Dương cho hay.

Chứng khoán Trung Quốc đổ vỡ là bài học "giá trị" cho Việt Nam

Nhiều định chế tài chính, chuyên gia trong nước và ngoài nước cũng cho rằng, đây sẽ là bài học với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt là việc cho áp dụng rộng rãi công cụ bán khống và đòn bẩy tài chính.

Thị trường đã phải trải qua gần 1 tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Sau một thời kỳ dài gần 7 năm đi ngang và tích lũy, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến một đợt sóng tăng cực kỳ mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 6/2014 và kéo dài liên tục đến nửa đầu năm 2015. 

Cụ thể, các chỉ số Shanghai Composite Index và Shenzhen Composite Index đã tăng tới 190%. Bên cạnh việc tăng giá, thanh khoản thị trường cũng đã tăng trưởng đột biến. Giá trị giao dịch trong giai đoạn gần đây đạt gần 400 tỷ USD tăng gấp 10 lần so 12 tháng trước đó, đồng thời đã vượt qua thị trường chứng khoán Mỹ

Tuy nhiên, đà tăng điểm kéo dài suốt 1 năm qua đã xuất hiện những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên khi thị trường chứng khoán Trung Quốc quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/6/2015 với tổng mức giảm lên tới trên 30%. Thị trường đã phải trải qua gần 1 tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong đó riêng 2 tuần đầu, Shanghai Composite Index đã liên tiếp đánh mất 18% số điểm. 

Mặc dù xen kẽ xuất hiện những phiên phục hồi ngắn sau những biện pháp giải cứu của chính phủ, điều này đã không giúp thị trường thoát ra khỏi xu thế downtrend khi giá cổ phiếu sau đó tiếp tục lao dốc mạnh mất thêm 16% số điểm nữa.

Nhiều định chế tài chính, chuyên gia trong nước và ngoài nước cũng cho rằng, đây sẽ là bài học với thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt là việc cho áp dụng rộng rãi công cụ bán khống và đòn bẩy tài chính khiến những nhà đầu tư có ít tiền, thậm chí không có tiền vẫn có thể đầu tư. Từ đó, giá cổ phiếu bị đẩy lên cao và tạo bong bóng.

Trong báo cáo đánh giá nhanh về thị trường chứng khoán Trung Quốc, công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc đổ vỡ là bài học giá trị cho các thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam. 

Theo BSC, mục tiêu chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ Trung Quốc về cơ bản là nhắm vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những hiệu ứng phụ dẫn tới sự gia tăng quá mức của thị trường chứng khoán đã vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính phủ nước này. Điều này cho thấy bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra nếu thiếu sự chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành kinh tế.

Ngoài ra, bài học cũng cho thấy tầm quan trọng của các nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán có một phần lớn nguyên nhân từ phong trào đầu tư mang tính chất dây chuyền của số đông lớp nhà đầu tư cá nhân,nhỏ lẻ với kiến thức hạn chế về kinh tế, tài chính.

Với GDP hàng năm chỉ khoảng 117 tỷ USD, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé và còn rất lâu mới có thể thay thế được thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, cơn hoảng loạn của chứng khoán trong những ngày qua có thể sẽ trở thành lợi thế cho thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn mới cho nhà đầu tư quốc tế.

Theo đánh giá của BSC, khi vốn rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới, cụ thể là Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã nổi lên và gây được nhiều sự chú ý trong con mắt nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài. Nền kinh tế vĩ mô đang trên đà hồi phục tích cực, với nhiều cải cách và thay đổi mang tính “mở” hơn đối với quốc tế, trong đó có chính sách tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp của Việt Nam gần đây.

Mới đây, CNBC dẫn nhận định của Eric Mustin, Phó Chủ tịch của WallachBeth Capital cho hay, nhiều nhà đầu tư là khách hàng tổ chức đã tìm hiểu về thị trường chứng khoán Việt Nam. Mustin cũng so sánh Việt Nam với Trung Quốc thời điểm cách đây một năm, khi mà Việt Nam đang trong quá trình nỗ lực từ thị trường sơ khai trở thành thị trường mới nổi theo xếp hạng của MSCI nhằm có cơ hội thu hút dòng vốn ngoại nhiều hơn. 

Trên thực tế, một báo cáo của ANZ chỉ ra rằng, trong thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng nóng, khối ngoại đã liên tục bán ra. Tuy nhiên, khi thị trường này rơi vào cơn hoảng loạn, khối ngoại lại tiếp tục đổ tiền vào mua cổ phiếu. 

Trong 4 tuần liên tục trở lại đây, khối ngoại đổ gần 20 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Những diễn biến tại thị trường chứng khoán cũng tương tự, nhưng giá trị mua vào của khối ngoại trong cùng giai đoạn ước tỉnh chỉ vào khoảng 25 triệu USD, vô cùng nhỏ nếu mang so sánh với Trung Quốc.

Trang CNBC cũng dẫn nhận định của Erin Gibbs, Giám đốc đầu tư chứng khoán của S&P Capital cho rằng, một rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam là hiện Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức, trong đó việc ổn định lạm phát và tăng trưởng thu nhập GDP bình quân đầu người.

Win Thin, trưởng bộ phận chiến lược thị trường mới nổi tại Brown Brothers Harriman thì cho rằng, đợt bán tháo của thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường Việt Nam có thể hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, với GDP hàng năm chỉ khoảng 117 tỷ USD, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé và còn rất lâu mới có thể thay thế được thị trường Trung Quốc.

Người Trung Quốc bị đầu độc thực phẩm bẩn như thế nào?

Chính quyền tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) vừa triệt phá 2 băng nhóm buôn lậu thịt và bắt giữ 20 đối tượng. Hơn 100.000 tấn cánh gà, thịt bò và thịt lợn đông lạnh trị giá lên đến 3 tỷ NDT (483 triệu USD), trong đó có cả thịt bị thối rữa và thịt đông lạnh có tuổi đời trên 40 năm đã bị thu giữ. 

Vụ việc này một lần nữa lại đặt ra vấn đề về an toàn thực phẩm ở quốc gia đông dân nhất trên thế giới, nơi mà các vụ nhiễm độc và bê bối thực phẩm diễn ra gần như thường nhật dưới sự kiểm soát lỏng lẻo.


Kinh hoàng “Chân gà xác sống”

Theo tờ China Daily, kết quả của chiến dịch truy quét thịt bẩn có quy mô trên toàn quốc vừa kết thúc vào đầu tháng 6 có tổng cộng 21 băng nhóm buôn lậu thịt bẩn ở 14 tỉnh đã bị phát giác, trong đó 2 băng tại tỉnh Hồ Nam - nơi khoảng 800 tấn thịt được tìm thấy trong đợt truy quét gần đây nhất và 20 nghi phạm bị bắt giữ.

Theo lời một cán bộ hải quan Trung Quốc, một phần trong số thực phẩm đông lạnh này được chế biến từ gia súc, gia cầm ốm, và một phần có bao bì ghi thời hạn từ những năm 1970, tính ra tuổi đời của chúng đã phải hơn 40 năm tuổi. Số khác đã thối rữa và đang trong quá trình phân hủy. Sau khi vụ việc này bị phanh phui, các trang mạng Trung Quốc tràn ngập lời bàn tán về tình trạng mất an toàn thực phẩm ở nước này. Cộng đồng mạng đã sử dụng một thuật ngữ mới “chân gà zombie (xác sống)” hay “chân giò 7x”, “cánh gà 8x” để chỉ chân gà thối rữa được ngâm tẩm hóa chất để lừa người tiêu dùng.

Phần lớn truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng, các nhà quản lý đã thu giữ số lượng thịt thối đông lạnh được đóng bao bì có ghi nhãn mác nước ngoài nhưng không rõ nguồn gốc. Rất có thể các băng nhóm buôn lậu đã mua nhiều thịt cũ, thối rữa ở nước ngoài rồi sau đó tuồn vào Trung Quốc. Thịt thối trong các kho đông lạnh sẽ được nhóm buôn lậu phân phối đến nhiều thành phố trong nội địa và cả ra bên ngoài. Thịt thối đông lạnh không rõ nguồn gốc này được đưa vào thị trường bán buôn, nhập vào các quầy hàng thực phẩm, nhà hàng, và thậm chí cả các siêu thị. Trước khi đưa vào thị trường, thịt thối đông lạnh được xử lý tẩy mùi và “phù phép” bên ngoài như tươi mới. Chúng được đưa đến các nhà hàng và qua chế biến tẩm ướp gia vị, nước màu rồi nấu chín làm cho cho người tiêu dùng ăn mà không thể phát hiện ra.

Tờ China Daily nêu cụ thể, những kẻ buôn lậu mua thịt giá rẻ ở nước ngoài rồi tuồn vào Trung Qụốc thông qua các ngả Hồng Kông và Việt Nam. Các chuyến hàng được chuyển đến Hồng Kông, sau đó được đóng gói và chuyển qua cảng Hải Phòng rồi sang Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam). Tờ China Daily cho hay, sau khi xuất hàng qua Việt Nam, những kẻ buôn lậu thuê các cư dân sống ở biên giới với giá rẻ chuyển hàng đến các thành phố ở Trung Quốc để tiêu thụ trong các chợ, siêu thị và nhà hàng trên khắp cả nước hoặc rao bán trên mạng. Theo tờ Tin Tức Bắc Kinh, thịt đông lạnh quá hạn được phát hiện hầu hết tại các thành phố cấp 2 và cấp 3 của Trung Quốc, sau đó bán lại cho các nhà hàng nhỏ ở một số thành phố thuộc tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên.

Nối dài cơn ác mộng “an toàn thực phẩm Trung Quốc”

Một trong 20 đối tượng bị bắt trong chiến dịch vừa qua có tên là Li nói, ông ta và người nhà năm ngoái bán được ít nhất 100 tấn chân gà và chân giò lợn cho một số tiệm ăn uống trong thành phố và một vài cửa hàng ở chợ đầu mối.

Cơ quan chức năng lo ngại rằng, những sản phẩm thịt này có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe vì chúng không được dự trữ, kiểm tra và vận chuyển đúng cách, chưa kể việc hết hạn quá lâu. Một lãnh đạo hải quan ở Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, cho biết bọn buôn lậu thường vận chuyển hàng bằng phương tiện thông thường thay vì xe đông lạnh để tiết kiệm chi phí nên thịt liên tục bị rã đông và biến chất. Nếu loại thịt này chưa rã đông, khách hàng không thể phân biệt chúng là thịt tươi hay thịt thối từ 4 thập kỷ trước.

Thịt có thể bảo quản lâu nếu được làm đông lạnh liên tục, nhưng thịt lậu thường được vận chuyển trong điều kiện bảo quản kém, nhiều lần bị rã đông, nên chất lượng không đảm bảo.

Yang Bo, Chi cục phó Chi cục Hải quan Trường Sa nói rằng, những loại chân gà, chân giò như vậy chứa đầy vi khuẩn và “ngậm” nhiều hóa chất độc hại. Chúng được ngâm trong hydrogen peroxide (một loại phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng) để trông tươi ngon và để được lâu. Loại thực phẩm bẩn này có thể nhiễm nhiều loại virus, trong đó có virus cúm gia cầm H7N9, bệnh lở mồm long móng, bệnh bò điên và các vi khuẩn khác, vi rút đe dọa tính mạng.

An toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Trung Quốc - nơi các vụ nhiễm độc và bê bối thực phẩm diễn ra gần như thường nhật dưới sự kiểm soát lỏng lẻo. Các lô thịt bẩn sẽ được sử dụng tại các quán ăn vỉa hè, vùng sâu vùng xa hoặc xuất khẩu. Trung tâm An toàn Thực phẩm Hồng Kông (CFS) cho biết chính quyền đặc khu ít khi kiểm tra các lô hàng thực phẩm xuất khẩu hoặc tái xuất. “Vì Hồng Kông là cảng trung chuyển lớn nên chúng tôi không thể kiểm tra tất cả thực phẩm qua đây. Hơn nữa, thật không công bằng phải huy động nguồn lực địa phương để kiểm tra thực phẩm cho các quốc gia khác” - một quan chức hải quan Hồng Kông nói với Tân Hoa Xã.

Rõ ràng cho tới thời điểm này an toàn thực phẩm vẫn là một điều xa xỉ tại đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, và người dân vẫn phải tiếp tục sống chung với các loại thực phẩm dơ bẩn và độc hại. Đó là chưa kể đến việc những kẻ buôn lậu vì lợi nhuận mà tuồn các đồ “bẩn” này sang các quốc gia khác.

177 triệu đồng một chùm nho: Người Nhật nói gì?

Trong cuộc đấu giá diễn ra tại Ishikawa, Nhật Bản vừa qua, chùm nho Ruby Roman gồm 26 quả, nặng 0,7 lạng có giá xấp xỉ 177 triệu đồng.

Tờ WSJ vừa đưa tin chùm nho 26 quá thuộc giống Ruby Roman đã thuộc về tay đầu bếp người Nhật Bản Masayuki Hirai với giá lên đến 315 đô la (tương đương gần 6 triệu đồng) cho một quả nho trong cuộc đấu giá tổ chức tại tỉnh Ishikawa, Nhật Bản. Như vậy, tổng giá trị của chùm nho nặng gần… 7 lạng này lên đến 8.200 đô la (gần 177 triệu đồng).

Masayuki Hirai là người giành chiến thắng trong cuộc đấu giá.

Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, Hirai cho biết sở dĩ ông mua chùm nho “vàng ròng” này là vì ông muốn cả thế giới biết về những điều tốt đẹp ở Ishikawa. Hirai cũng cho biết thêm những trái nho “đắt giá” này sẽ xuất hiện trong bữa tráng miệng tại một nhà hàng của khách sạn Nikko Kanagawa trong vài ngày tới.

Được biết, giống nho Ruby Roman lần đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2008. Đây là loại nho đặc sản của quận Ishikawa, Nhật Bản, nổi tiếng với vỏ màu đỏ anh đào, kích cỡ như trái bóng ping-pong (bóng bàn) và vị ngọt rất đậm.

Giống nho Ruby Roman được giới chuyên gia đánh giá cao

Các chuyên gia ẩm thực nhận xét Ruby Roman vừa có vị ngọt sắc, vừa nhiều nước, hòa quyện với nhau một cách cân bằng, tuyệt hảo. Đây là điều rất khó tìm thấy ở các loại nho khác.

Trong năm đầu tiên, một chùm Ruby Roman được bán giới giá 910 USD, rồi không ngừng tăng giá. Và trong đợt đấu giá năm 2014, con số đó đã tăng lên thành 5.400 USD, tương đương 118 triệu đồng.

Có thể nói, trái cây và các loại thực phẩm đầu mùa được xem là mang lại nhiều may mắn ở Nhật Bản. Chính vì vậy mà đất nước này nhanh chóng nổi tiếng với nhiều loại trái cây được mua với giá cao như dưa hấu, xoài. Thế nhưng, chi hàng ngàn đô la để mua một chùm nho thì chỉ có ở Ruby Roman. Giống nho này nhanh chóng trở thành loại nho đắt nhất thế giới trong lịch sử.

Vàng "lao dốc" còn hơn 33 triệu đồng/lượng

Mở phiên giao dịch sáng nay (10/7), giá vàng trong nước tiếp tục đà giảm và hiện chỉ còn hơn 33 triệu đồng/lượng. Tương tự, tỷ giá tại các ngân hàng cũng giảm nhẹ. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới tăng nhẹ.Giá vàng hôm nay 10/7 vẫn tiếp tục đà đi xuống. Mở cửa phiên giao dịch lúc 8h30' sáng Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 33,97 - 34,00 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng so với chiều hôm qua và giảm tới 100.000 đồng/lượng so với cùng thời điểm sáng qua.

Tương tự, Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu sáng nay cũng báo giá vàng SJC ở mức 33,97 - 34,00 triệu đồng/lượng. 

Trong khi giá vàng SJC lùi sâu thì giá vàng 9999 sáng nay lại tăng trở lại. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết loại vàng này ở mức 30,86 - 31,31 triệu đồng/lượng, lại tăng 30.000 đồng/lượng. 

Giá vàng SJC trong nước sáng nay vẫn giảm sâu

Trên thị trường thế giới giá vàng đóng cửa phiên giao dịch tại Mỹ ở mức 1.160,3 USD/ounce, tăng gần 3 USD/ounce so với giá đóng cửa phiên liền kề trước đó, tương đương mức tăng 0,11%.

Tại thị trường châu Á đang giao dịch sáng nay (lúc 8h30' sáng giờ Việt Nam), giá vàng cũng ở quanh mức 1.160,18 USD/ounce, tính quy đổi tương đương 30,5 triệu đồng/lượng. Mức "vênh" giữa giá thế giới và trong nước tương đương 3,5 triệu đồng/lượng. 

Giá đồng USD trong hệ thống ngân hàng sáng nay cũng có biến động nhẹ. Các ngân hàng giữ nguyên mức giá đầu vào, nhưng lại tăng giá bán ra của đồng USD. 

Đơn cử, Vietcombank tăng 10 đồng/USD so với giá hôm qua, giao dịch quanh mức 21.780 - 21.840 đồng/USD. Tương tự Eximbank cũng tăng 10 đồng/USD giá bán ra, mức 21.760 - 21.840 đồng/USD....

"Sóng thần" chứng khoán Trung Quốc giống hệt Việt Nam 10 năm trước

Theo Ts Nguyễn Trí Hiếu, ảnh hưởng của sự lao dốc không phanh của chứng khoán Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ là tâm lý. Việt Nam có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng chứng khoán.


Khoảng 1.300 công ty ngừng giao dịch cùng với hơn 3.500 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Chứng khoán Trung Quốc đang được ví như "cơn ác mộng" khiến giới đầu tư e ngại, sợ hãi.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, Ts Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc có lẽ được giảm nhẹ hơn nếu Trung Quốc học được từ bài học xương máu từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán của Việt Nam năm 2008.

“Xu hướng nhà nhà chơi chứng khoán, người người lên sàn như của Trung Quốc thời gian qua chẳng khác gì thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 và hệ quả là không lâu sau, năm 2008 chúng ta cũng đã chịu hậu quả tương tự, với nhiều thiệt hại”, TS. Hiếu cho biết.

Phân tích nguyên nhân khiến bong bóng chứng khoán Trung Quốc bị vỡ, ông Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tồn tại tình trạng bong bóng lâu rồi và vỡ là điều tất yếu dù cho Chính phủ Trung Quốc tìm mọi cách can thiệp ngăn chặn để đưa quy mô thị trường này về giá trị thực cũng như biện pháp giảm thiểu tác hại.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu kết luận: Nguyên nhân chính là do Trung Quốc không quyết liệt ngăn chặn bong bóng ngay từ đầu và một lượng lớn nhà đầu tư vẫn còn đầu tư theo tâm lý.

“Khởi đầu của cơn ác mộng này, bắt nguồn từ chính sách hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hồi tháng 11/2014, khiến lượng tiền đổ vào cổ phiếu nhiều hơn, ồ ạt các công ty huy động vốn qua kênh này. Tiếp đó là chủ trương kết nối hai thị trường chứng khoán Thượng Hải - Hồng Kông dẫn đến kỳ vọng nhà đầu tư và đặc biệt biện pháp kỹ thuật là bắt buộc ký quỹ ít, lợi nhuận nhà đầu tư tăng… khiến từ bà nội trợ đến ông lái taxi lên sàn kiếm lời.

Theo giới chuyên môn, có đến 90% người chơi chứng khoán tại Trung Quốc à những bà nội trợ, những người lái xe taxi và những người chơi không chuyên nên tâm lý đám đông ảnh hưởng lớn đến chiến lược đầu tư. Chính vì những biện pháp nới lỏng thị trường mà giá trị cổ phiếu của nước này đến 12/6 lên tăng 150% so với 1 năm trước đó.

Sau khi phát hiện bất thường, chính phủ Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp thắt chặt hơn: yêu cầu các công ty nhà nước chỉ được mua vào, không được bán ra; UBCK Trung Quốc tạm dừng phát hành cổ phiếu, nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài; còn các nhà đầu tư trong nước đẩy mạnh mua vào sau đó ồ ạt bán tháo kiếm lời.

Phân tích thêm về hệ quả của cơn ác mộng chứng khoán Trung Quốc, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia Kinh tế cho biết: “Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, hậu quả có thể kéo dài và tác động của nó là rất mạnh đối với nền kinh tế. Bán tháo, ngừng đổ vốn và rút vốn sẽ được diễn ra trong lúc này và nay mai khỏi Trung Quốc. Ảnh hưởng tâm lý sẽ tăng cao đối với các nền kinh tế khác nếu Trung Quốc là nhà đầu tư. Riêng với Việt Nam, chưa có thống kê nào về doanh nghiệp Việt Nam niêm yết tại Thượng Hải, Hồng Kông nên tác động chỉ là ảnh hưởng tâm lý”.

Ông Phong nói thêm: Với giá trị vốn hóa thị trường Trung Quốc lên tới hơn 7.000 tỷ USD, sự suy giảm 45% doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ tác động rất mạnh vào nền kinh tế nước này cũng như tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu.

Theo Ts Nguyễn Trí Hiếu, ảnh hưởng của sự lao dốc không phanh của chứng khoán Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ là tâm lý. Và nói cho cùng Việt Nam có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng chứng khoán làm đồng vốn dắt lưng.

Ông Hiếu nói thêm, bài học lớn nhất rút ra sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 2006 – 2008 là việc chúng ta thắt chặt bán khống, tỷ lệ cho vay từ ngân hàng để đổ tiền vào chứng khoán và mới đây nhất Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN, theo đó quy định, các NHTM chỉ được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đáp ứng điều kiện đảm bảo các giới hạn về tỷ lệ đảm bảo an toàn, có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ. Đây là một trong những cách mà Việt Nam ổn định thị trường chứng khoán, tránh đổ vỡ.

"Chặt chém" bá đạo: Tính thêm cả tiền gia vị chế biến

"Đặc biệt, nhà hàng tính thêm cả gia vị bếp nấu 190.000 đồng. Bà chủ quán bảo là gia vị nêm nấu lẩu và nướng món cá lăng. Gọi ông đờn ghita của quán lên để bác mình hát ca cổ thì bị tính 1 triệu đồng nữa”, thành viên này chia sẻ.

Cư dân mạng đang bức xúc và bất bình về câu chuyện một gia đình 9 người đi ăn nhà hàng mà dùng hết tận... 60 cái khăn, uống hết 101 lon bia... Đặc biệt, khách còn bị nhà hàng tính thêm tiền gia vị trong quá trình chế biến.

Thành viên Bồ Công Anh trên facebook cá nhân chia sẻ, gia đình anh vừa đi ăn ở quán Hoàng Y. trên đường Nguyễn Quang Diệu (Quận 3, TP.HCM). Đến khi tính tiền, cả nhà khá bất ngờ bởi trong hóa đơn tạm tính ghi nghêu và sò giá 219.000 đồng/đĩa, trái cây thì tính riêng từng thứ.

"Đặc biệt, nhà hàng tính thêm cả gia vị bếp nấu 190.000 đồng. Bà chủ quán bảo là gia vị nêm nấu lẩu và nướng món cá lăng. Gọi ông đờn ghita của quán lên để bác mình hát ca cổ thì bị tính 1 triệu đồng nữa”, thành viên này chia sẻ.

Ngoài ra, thành viên này còn thắc mắc, gia đình chỉ có 9 người đi ăn, trong đó có cậu và 2 chị nữa uống nước suối, còn lại uống bia. Nhưng đến khi thanh toán, hóa đơn ghi dùng hết tận 60 cái khăn, giá 180.000 đồng; uống 96 lon kia Heineken hết 2,46 triệu đồng, 5 chai bia Tiger. “Không ai uống hết được từng đó bia, song, không biết vỏ lon ở đâu ra mà lắm thế”.

Một gia đình đi ăn bị nhà hàng tính thêm tiền gia vị bếp nấu

Ngay sau khi thông tin được đăng tải, cư dân mạng đã chia sẻ khắp các diễn đàn và bày tỏ sự bất bình về chiêu tận thu của nhà hàng này. Phần lớn đều cho rằng, nếu có 9 người thì không thể dùng hết 60 cái khăn và hơn 101 lon bia được. Nhà hàng có thể nhầm lẫn, hoặc cố tình tính khống để “chặt chém” khách.

Trên trang Vitalk, thành viên Dieulx bình luận: “Mình thấy hơi vô lý, bởi như vậy bình quân một người uống 17 lon bia. Đội quân này hơi siêu nhân. 60 cái khăn chia cho 9 người, nghĩa là một người dùng khoảng 7 cái. Khả năng lau khắp người mới đến số đó”.

Còn thành viên Anh2coi thì thắc mắc: “Gia vị bếp nấu 190.000 đồng, hẳn là nhà hàng này nấu bằng gia vị hiếm có khó tìm”.

Tuy nhiên, thành viên khác lại cho rằng chuyên nhà hàng lấy thêm tiền gia vị bếp nấu có thể xảy ra. “Nếu khách yêu cầu ăn cá lăng mà nhà hàng không có, hoặc khách đem cá lăng đến nhờ nhà hàng chế biến, nấu cho thì tiền gia vị tính vào là hoàn toàn phù hợp, không có gì bất hợp lý cả. Nhưng nếu nhà hàng có món cá lăng mà vẫn tính tiền gia vị bếp nấu cho khách thì là chuyện lạ, khách bị chặt chém rồi”, thành viên Havy bình luận.

Trao đổi với PV chị Nguyễn Thanh Loan, chủ một nhà hàng trên phố Đình Ngang, Hoàn Kiếm khẳng định chuyện tính tiền gia vị khi nấu ăn cho khách là điều quá vô lý, chị chưa từng thấy nhà hàng nào làm như vậy.

Theo chị Loan, giá một món ăn mà nhà hàng niêm yết trong thực đơn đã được tính toán dựa trên giá tiền nguyên liệu, tiền gia vị, tiền công,... đầy đủ. Nếu tính thêm tiền gia vị thì nhà hàng cũng có thể tính thêm rất nhiều loại tiền khác.

Tuy nhiên, một trường hợp khác là khách đem đồ đến nhờ nhà hàng chế biến hộ cho thì nhà hàng có thể tính tiền công. Song, nhà hàng cũng phải thỏa thuận trước tiền công với khách, khách đồng ý thì làm không thì thôi chứ nhà hàng không thể tự ý đưa ra mức tiền, chị Loan cho hay.

“Ngay cả chuyện dùng hết 60 cái khăn và uống hết 101 lon bia cũng vậy. Làm sao có 9 người dùng hết được từng đó đồ?”, chị Loan ngạc nhiên.

Song, theo chị Loan, đây vẫn là thông tin được đưa trên mạng, khó kiểm chứng. Rất có thể chỉ là trò vui của một số người hay một trò cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà hàng với nhau.

Trước đó, cộng đồng mạng cũng xôn xao về chuyện hai vị khách nước ngoài đi ăn tôm sú bị một nhà hàng ở Hải Phòng “chặt chém” tới 1,4 triệu đồng/kg, hay câu chuyện đĩa thịt gà công nghiệp bị một nhà hàng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) tính giá 600.000 đồng cũng khiến nhiều người bức xúc.

Cận cảnh cá Chiên “khủng” giá 40 triệu đồng tại Hà Nội

Một con cá Chiên quý hiếm nặng tới 40kg, dài 1,5m vừa được chủ một nhà hàng tại Hà Nội mua về với giá 1 triệu đồng/kg. Sự xuất hiện của chú cá “độc và lạ” này đã khiến nhiều người tò mò đến xem.

Chiều nay (18/6), trao đổi với PV Dân trí, anh Kiều Hữu Thọ - chủ nhà hàng nói trên cho biết: “Tôi vừa mua con cá này ở trên Ba Vì (Hà Nội), gần khu vực cầu Trung Hà, của 1 người dân câu được ở ngã 3 giao nhau giữa dòng sông Hồng và sông Đà. Khu vực này rất nhiều đá ghềnh. Con cá Chiên này nặng 40kg, rất hiếm gặp. Tôi mua con này với giá 1 triệu/kg. Nó là loài cá quý và rất hiếm, nên dù đắt tôi cũng mua bằng được”.

Anh Thọ (bía trái) phấn khởi mua được con cá Chiên quý, hiếm

Chiều dài con cá Chiên lên tới 1,5m

Miệng cá khá lớn


Theo quan sát, con cá Chiên có trọng lượng lên tới 40kg, dài 1,5m; da phần lưng màu vàng, phía bụng màu trắng. Miệng cá khá lớn và sở hữu bộ răng rất sắc nhọn. Sự xuất hiện của con cá Chiên khá “độc và lạ” này đã khiến nhiều người tò mò đến xem.

Cũng theo anh Thọ, loài cá Chiên này thường sống ở những vùng nước sâu, nhiều ghềnh đá, nước chảy xiết. Cá Chiên thường ăn những con cá nhỏ, giá trị dinh dưỡng rất cao, có thể chế biến được nhiều món. Cá chỉ có 1 xương trụ, không có xương dăm, nên tỷ lệ thịt rất cao. Cá Chiên to và nặng tới 40kg là rất hiếm.

Bất an túi tiền, ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc

Hàng tỷ USD được rút khỏi Trung Quốc trong một thời gian ngắn đang góp phần hình thành một làn sóng dòng tiền rời bỏ thị trường này.

Hàng chục tỷ USD rời Trung Quốc

Tờ Bloomberg vừa trích dẫn số liệu từ EPFR Global cho thấy, chỉ trong một tuần hồi đầu tháng 6, các quỹ đầu tư đã rút tổng cộng 9,2 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có 6,8 tỷ USD rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Làn sóng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi hình thành trong một năm qua do giới đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ và đồng USD. Ban đầu, nó khá nhẹ nhàng, năm 2014, các quỹ đã rút khỏi các thị trường này 24 tỷ USD và tính từ đầu năm cho tới gần giữa tháng 6 là 26 tỷ USD.

Con số gần 7 tỷ USD rút ra khỏi thị trường Trung Quốc trong vòng một tuần qua là rất lớn. Đây là mức cao nhất trong gần chục năm qua và là một tín hiệu bất thường khi TTCK nước này tăng tới hơn 150% trong vòng một năm qua. Giá trị TTCK nước này hôm 15/6 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 10 nghìn tỷ USD, gấp đôi so với TTCK Nhật và bằng 40% so với TTCK Mỹ.

Động thái rút tiền của các NĐT xuất hiện sau khi MSCI Inc đã trì hoãn đưa chứng khoán Trung Quốc vào chỉ số tiêu chuẩn MSCI Emerging Markets Index (đo lường diễn biễn của các thị trường mới nổi).
Theo Bloomberg, lý do các quỹ rút tiền khỏi Trung Quốc là như vậy. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia khác, các NĐT còn nhiều lo ngại về thị trường nước này, trong đó có hàng loạt các rủi ro như bong bóng BĐS, bê bối trên thị trường tài chính, nền kinh tế đang suy yếu và mất cân bằng…

Làn sóng rút tiền khỏi thị trường Trung Quốc đang lan nhanh

Trong thời gian gần đây, TTCK Trung Quốc bất ngờ tăng rất mạnh cho dù nền kinh tế nước này đang ì ạch vật lộn để tìm lại tốc độ tăng trưởng cao trong thập kỷ trước đây. Sự bứt phá ngoạn mục của TTCK trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang cố gắng tài cân bằng, chuyển từ tăng trưởng dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng sang tiêu dùng nội địa khiến nhiều chuyên gia liên tưởng tới những hậu quả của bong bóng tài sản ở Mỹ hồi cuối thập kỷ 20 với kết cục là cuộc đại suy thoái 1930, và bong bóng BĐS và chứng khoán tại Nhật Bản vào thập niêm 80 sau một thời gian kinh tế Nhật tăng trưởng phần lớn nhờ vào xuất khẩu.

Hàng loạt các vụ bê bối trên thị trường tài chính Trung Quốc cũng cho thấy một thực tế đáng buồn về việc đảm bảo tính minh bạch và công bằng trên thị trường này. Theo Financial Times, Trung Quốc không phải là một cơ hội an toàn cho các NĐT nước ngoài. Thị trường BĐS bong bóng nước này đã đứng trước nguy cơ đổ vỡ và sự tăng giá của chứng khoán hầu như mang tâm lý bầy đàn.

Trung Quốc không còn hấp dẫn?
Nhiều DN châu Âu gần đây cũng cắt giảm hoạt động ở Trung Quốc do tăng trưởng sụt giảm và lợi nhuận tại thị trường này ngày càng teo tóp. Trong quý I/2015, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua, cho dù Chính phủ nước này đã đẩy mạnh chi tiêu cũng như cắt giảm thuế và lãi suất.

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, trong khi các yếu tố khác lại dần kém hấp dẫn

Trên tờ WSJ, Phòng Công nghiệp và Thương mại châu Âu (EuroCham) hồi cuối tháng 5 cho biết, nhiều DN châu Âu đang làm ăn tại Trung Quôc đã và đang điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư của mình tại đây. Chỉ 1/5 số DN cho biết Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu cho những khoản đầu tư mới, giảm nhiều so với tỷ lệ 1/3 năm trước.

Không chỉ vốn ngoại, dòng tiền của nhóm nhà giàu Trung Quốc trong vài năm gần đây cũng ồ ạt tháo chạy ra BĐS nước ngoài. Nhiều quan chức và giới nhà giàu Trung Quốc trong khoảng hai năm gần đây đổ hàng chục tỷ USD để mua BĐS ở nước ngoài như một lựa chọn trong tình hình mới.

Hồi cuối năm ngoái, tập đoàn giải trí và bất động Dalian Wanda của tỷ phú từng giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin đã lên kế hoạch mang 1,2 tỷ USD sang Mỹ để thâm nhập Hollywood. Tỷ phú Baidu Robin Li 900 triệu USD cho một tổ hợp nhà ở-khách sạn 5 sao tại Chicago và một cái 1,2 tỷ USD ở trung tâm London…

Các đại gia Trung Quốc dồn dập đổ ra nước ngoài để thâu tóm các thương hiểu nổi tiếng từ châu Á cho tới Mỹ và châu Âu, từ thực phẩm như Smithfield Foods (7,1 tỷ USD), cho tới máy tính (Lenovo mua bộ phận phát triển máy tính cá nhân của IBM), và các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng…

Đánh giá về hiện tượng DN châu Âu đang giảm đầu tư tại Trung Quốc, chủ tịch Eurocham, ông Jörg Wuttke chia sẻ trên WSJ cho rằng: “Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các DN châu Âu ở Trung Quốc. Đối với các công ty đa quốc gia, Trung Quốc vẫn quan trọng nhưng không còn quan trọng như vài năm trước đây”.

Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, trong khi các yếu tố khác lại dần kém hấp dẫn, như chi phí đầu vào bao gồm chi phí lao động tăng cao, rào cản thâm nhập thị trường cao, môi trường pháp lý khó đoán định… Đây là lý do khiến nhiều DN Nhật ở Trung Quốc tìm kiếm cơ hội làm ăn mới ở Việt Nam, Philippines…

Trong khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc lại áp nhiều quy định khiến nhiều NĐT nước ngoài có nguy cơ thiệt hại. Vụ việc Baoding Tianwei Baobian Electric mất khả năng thanh toán trái phiếu khiến không ít NĐT lo ngại.

Môi trường đầu tư giảm thuận lợi cho NĐT nước ngoài của Trung Quốc đã khiến NĐT từ nhiều nước, trong đó có Mỹ, muốn dịch chuyển tới một môi trường mới có lợi hơn. Các nước khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam đang có cơ hội thu hút được dòng vốn đầu tư lớn.

Mận Tàu đội lốt Sapa: Hà thành đua nhau ăn quả lừa

Mận Trung Quốc đội lốt mận Sapa đổ bộ về chợ đầu mối gần một tuần nay đang bán rất chạy. Nếu mua buôn chỉ 6.000-8.000 đồng/kg thì ra khỏi chợ đầu mối, loại mận vàng óng, bóng bẩy này lập tức được nâng lên 35.000-40.000 đồng/kg.

Bán đắt gấp 5-6 lần

Có mặt ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), không khó để thấy các sạp hoa quả bán đầy loại mận vàng ươm, bóng loáng, thỉnh thoảng có điểm vài quả mận đã chín có màu đỏ. Tại khu vực hoa quả của chợ, đây là mặt hàng đang được dân buôn rất quan tâm bởi loại mận này mới xuất hiện ở chợ khoảng vài ba ngày nay.

Trong vai người muốn mua buôn mận về bán lẻ, PV được chị Tân - chủ một mối chuyên bán sỉ mận ở chợ Long Biên chào hàng: “Em mua mận đi, loại này ăn giòn, ngọt, dóc hạt dễ bán lẻ lắm. Em mua cả bao (khoảng 50kg) giá 6.000 đồng/kg, mua lẻ từ 2 yến đổ lại giá 8.000 đồng/kg”.

“Em yên tâm đi, hàng này mới về chợ mấy ngày hôm nay, ra khỏi cổng chợ, dân bán lẻ ở trên phố họ thường bán giá 35.000 đồng/kg, còn các sạp ngoài chợ lẻ có nơi bán 40.000 đồng”, chị Tân nói.

Mận Trung Quốc tại chợ đầu mối có giá 6.000-8.000 đồng/kg

Vừa dứt câu, chị Tân nghe điện thoại sau đó quay lại nói tiếp: “Hết rồi, vừa có người gọi điện đặt mấy tải mận cuối cùng của ngày hôm nay, em không nhanh chân nên hết luôn hàng đó”.

Đang ngồi phân loại sau khi lấy buôn được 3 bao mận, chị Ngân - chuyên bán bán hoa quả tại khu vực chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, loại mận vàng này về chợ được mấy hôm. Chị đi từ 5 giờ sáng ra đây lấy buôn được 3 bao mận (1,5 tạ) để về bán lẻ. Giờ thì ngồi phân làm hai loại (loại một quả to đẹp bán 35.000-40.000 đồng/kg, loại hai quả nhỏ hơn bán 30.000 đồng/kg).

“Loại mận này mới vào đầu vụ, hàng không nhiều nên mỗi ngày chị bán được hơn tạ. Hôm qua 3h chiều chị đã hết hàng”, chị Ngân bật mí.

Theo khảo sát của PV, hiện loại mận vàng đang được bán trên khắp các tuyến phố, chợ ở Hà Nội với mức giá dao động từ 25.000-40.000 đồng tùy loại. Nhiều hàng rong trên phố bán mận còn hét giá 50 - 60 ngàn đồng/kg.

Toàn mận Tàu đội lốt mận Sapa

Tại các chợ đầu mối, không ít chủ hàng cho biết, mận hậu của Việt Nam đang vào thời điểm cuối mùa, còn loại mận vàng óng, bóng bẩy được hàng rong quảng cáo là mận trồng tại Sapa (Lào Cai) thì giờ mới bắt đầu vào vụ, giá bán rẻ hơn rất nhiều so với loại mận hậu.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Hòa, một mối bán buôn mận tại chợ đầu mối Long Biên, mận vàng mới xuất hiện là mận của Trung Quốc.

Ra khỏi cổng chợ, mận Tàu được dân bán hàng rong quảng cáo là mận Sapa, giá bán 25.000-40.000 đồng tùy loại

“Em muốn lấy mận của Việt Nam loại này cũng có nhưng phải chờ hơn một tháng nữa, chứ giờ thì lấy đâu ra. Dân buôn ở đây ai chẳng biết đây là mận Tàu, song, họ cứ nói là mận Hà Giang, Sapa để người mua an tâm thôi”, chị Hòa cho hay.

Theo chị Hòa, loại mận có màu vàng của Trung Quốc ăn rất giòn, có vị ngọt, nhìn bóng bẩy giống loại mận cơm của Việt Nam, nhưng quả to gấp đôi. Còn mận của Việt Nam cùng loại, hình thức xấu hơn, ăn xanh có vị hơi chát, ăn chín cũng không ngọt bằng mà phần thịt gần hạt hơi chua nên dân buôn không thích mua.

“Ai đã ăn mận Sapa chính gốc chỉ cần tinh ý nhìn là phân biệt được ngay đâu mà mận Trung Quốc, đâu là mận Sapa. Mà bây giờ nhiều người trên Sapa còn nhập mận Tàu về bán cho khách du lịch rồi nói mận Sapa đó. Thế nên, đôi khi lên đó du lịch, mọi người cũng rất dễ mua nhầm mận Tàu”, chị Hòa chia sẻ.

Ngoài ra, chị Hòa cũng cho biết, chợ này còn có loại mận đen, mận xanh (mọi người hay gọi là mận lai đào) người bán lẻ cũng quảng cáo là mận Sapa.

Theo ghi nhận của PV, trên các tuyến phố, các hàng rong bán lẻ, hàng nào cũng quảng cáo mận chuẩn nhập từ Sapa, từ Hà Giang mà không ai thừa nhận mận của Trung Quốc. Thậm chí, chưa ra khỏi cổng chợ Long Biên, chủ một xe hàng rong bán mận mời chào: “Mận Sapa của chị ngon lắm, em lấy đi. Hôm nay giá chỉ 35.000 đồng/kg, loại nhỏ giá 30.000 đồng, ăn đảm bảo ngon, không ngon không lấy tiền”.

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng VII (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT) khẳng định, mận Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam, tuy nhiên, số lượng chưa nhiều. Số liệu mới nhất cho thấy, trong hai ngày 14-5/6, có khoảng 30 tấn mận Trung Quốc nhập về Việt Nam.