Hotline: 0973 549 00
Menu

Đại gia Myanmar xuất chiêu, bầu Đức choáng

“Vụ này chỉ có một không hai. Xưa giờ ở Việt Nam tôi chưa bao giờ đụng hàng” – bầu Đức vừa bước lên máy bay, vừa lẩm bẩm một câu chuyện mà theo ông, ở Việt Nam chưa hề xảy ra. Có vẻ như khi đại gia Myanmar xuất chiêu, bầu Đức bị choáng toàn tập.

“Chiều nay có một người Myanmar đến mua nhà. Anh ta mua một lúc 27 căn, chuyển tiền một cái rụp 6 triệu euro. Tôi làm bất động sản ở Việt Nam bao nhiêu năm nhưng chuyện này chưa hề xảy ra” - bầu Đức nói, giọng điệu vừa có vẻ ngạc nhiên vừa thích thú.

“Ở Việt Nam cá nhân mua nhà cao lắm là một, hai căn, và chuyển tiền cũng làm nhiều lần chứ không như trường hợp này. Đúng là không đụng hàng” – chủ tịch HAGL tiếp.

Hiện bầu Đức đang chào bán căn hộ trong Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar. Giá ông bán trung bình 2.700 USD/m2, căn hộ trung bình có giá tầm 250 ngàn đến 320 ngàn USD. Đây được xem là mức giá hời ở khu đất ở Yangon đẹp như đất Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

"Chưa bao giờ tôi thấy có 1 vụ mua bán như vậy, đúng là không đụng hàng" - chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức

Khu phức hợp này HAGL đầu tư 440 triệu USD, bao gồm văn phòng cho thuê, căn hộ, trung tâm hội nghị, tiệc cưới, trung tâm mua sắm và một khách sạn 5 sao mang tên Melia Yangon 430 phòng do tập đoàn nổi tiếng Melia quản lý.

Với mức đầu tư này, HAGL đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Myanamar.

Đây cũng là dự án đầu tư lớn thứ 2 của bầu Đức ra nước ngoài, sau cú đầu tư 1 tỉ USD vào Lào, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của tỉnh Attapeu vốn bị xếp là nghèo nhất nước.

Trong buổi bàn giao giai đoạn một diễn ra ngày 23.6 có sự tham dự của thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, phái đoàn Myanmar do ngài Phó tổng thống Sai Mauk Kham dẫn đầu đã ghi nhận “công lao của ông Đoàn Nguyên Đức đã góp phần giúp giá bất động sản Myanmar gần về với giá trị thực”.

Trong buổi lễ này, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đã khánh thành Trung tâm thương mại và 2 block văn phòng cho thuê 27 tầng với diện tích sàn xây dựng 161.843 m2. Khách sạn 5 sao với quy mô 429 phòng mang thương hiệu Melia Yangon. Đây là tòa nhà cao 23 tầng, diện tích sàn xây dựng là 53.986m2.

Cách đây 2 năm, bầu Đức đã xác định dự án khu phức hợp này sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” cho HAGL trong tương lai bởi bối cảnh lúc đó, và đến tận bây giờ, giá bất động sản cùng giá cho thuê văn phòng hạng A đều ở mức trên trời.

Ngay sau lễ khởi công, bầu Đức đã ra lệnh thi công 24/24 với gần 5.000 lao động địa phương cùng nhân lực cao cấp bên Việt Nam sang, làm việc quần quật để đạt tiến độ do... bầu Đức đề ra.

“Hiện tại giá thuê văn phòng loại B ở Yangon là 80 – 90 USD/m2. HAGL chỉ cho thuê 60 USD/m2 thôi” – bầu Đức cho biết.

Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Yangon, Myanmar đang thi công hoàn thiện

Nhiều khách hàng đã ký hợp đồng cho thuê khi mặt bằng văn phòng vẫn chưa khô bê tông. Trong đó có cả đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar.

Càng làm việc với Myanmar, có vẻ như bầu Đức càng khoái với cách làm ăn của người ở đây, có nhiều cái “không đụng hàng”.

Ngoài cái lạ như đại gia chồng cái rụp 6 triệu euro kể trên còn có một doanh nhân, nhỏ hơn nhiều, đến thuê 190m2 dưới đất tại khu phức hợp để kinh doanh trong 3 năm nhưng không thích trả tiền thuê.

Doanh nhân này đề nghị bầu Đức cầm trước 3 triệu đô la, sau 3 năm “tôi sẽ trả mặt bằng nhưng ngài cho tôi xin lại 3 triệu đô la và coi như tôi miễn trả tiền thuê”.

Cách làm ăn của người Myanmar có vẻ đang khiến bầu Đức “rất khoái”. Ông đang cân nhắc nghiêm túc khả năng bán 50% khu phức hợp cho các đối tác đang đàm phán. Và với tốc độ bán nhà, cho thuê mặt bằng nhanh thế này, nhiều người tiên lượng rằng “dễ gì bầu Đức chịu chặt nửa con gà" cho người khác.

Với diện tích sàn xây dựng kể trên, và nếu công suất cho thuê đạt 100% thì chỉ trong giai đoạn 1 này, người ta có thể lẩm nhẩm mỗi tháng bầu Đức bỏ túi ngót 10 triệu USD tiền thuê văn phòng.

Và khách sạn 5 sao Melia Yangon 429 phòng, với giá phòng 5 sao tại Yangon hiện tại từ 250 – 300 USD/phòng/ngày, chúng ta có thể nhẩm tính dòng tiền của bầu Đức trong thời gian tới.

Đấy là chưa kể giai đoạn 2 của dự án sẽ đi vào hoạt động năm 2017.

Sẽ có hơn 10 ngân hàng bị “xóa tên” khỏi thị trường

Theo BSC, sẽ có khoảng hơn 10 ngân hàng không còn tồn tại trên thị trường. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong vài năm tới sẽ rút gọn số lượng ngân hàng thương mại (NHTM) xuống khoảng 20 ngân hàng trong toàn hệ thống.


Hoạt động sáp nhập, mua lại ngân hàng đang trở nên sôi động thời gian gần đây

Theo nhận định của Công ty CK Ngân hàng BIDV (BSC), tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Theo đó, nhiều cặp đôi ngân hàng cũng sẽ tiếp tục được sáp nhập, tiêu biểu như Ngân hàng Nam Á (NamABank) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank); Ngân hàng An Bình (ABBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank); Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank). 

Nói chung sẽ có khoảng hơn 10 ngân hàng không còn tồn tại trên thị trường. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong vài năm tới sẽ rút gọn số lượng ngân hàng thương mại (NHTM) xuống khoảng 20 ngân hàng trong toàn hệ thống.

Trong tháng 4 vừa rồi, vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được tiến hành rất mạnh mẽ. Điển hình là kế hoạch cụ thể cho việc sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).

Ngoài ra, NHNN cũng đã thông báo mua lại Ngân hàng CPTM Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng do OceanBank không có các giải pháp khả thi để tăng vốn điều lệ đảm bảo mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN. Và do vậy, căn cứ quy định của luật các TCTD và quyết định 48/2013 của Thủ tướng về việc góp vốn mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã tuyên bố mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại OceanBank. 

Theo nhìn nhận của BSC, thay vì tuyên bố phá sản, điều này sẽ giúp NHNN hoàn toàn chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu OceanBank, đảm bảo chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan các yếu kém của ngân hàng này sang tổ chức tín dụng khác. Ngân hàng VietinBank được NHNN chỉ định tham gia quản trị, điều hành OceanBank. 

Trước đó, NHNN cũng đã mua lại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng và giao Vietcombank tham gia quản trị, điều hành VNCB.

Một thông tin đáng chú ý khác là Chính phủ cũng đã chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại các NHTM (hiện tại trần là 30%). 

Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tạo môi trường, chính sách thuận lợi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cũng như phù hợp với các thỏa thuận, cam kết mở cửa của Việt Nam tại các hiệp định thương mại quốc tế.

10 tỷ phú ngành kim cương giàu nhất thế giới

Họ là những nhà sưu tầm, thương gia và nhà đầu tư có cổ phần tại những mỏ khai thác kim cương lớn nhất thế giới.
Theo hãng nghiên cứu Wealth-X, từ năm 2005, giá kim cương tăng mạnh và được dự đoán sẽ tăng thêm 20% vào năm 2017, chủ yếu nhờ nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Dưới đây là 10 tỷ phú ngành kim cương giàu nhất thế giới.

1. Cheng Yu-tung

Tuổi: 87
Tài sản ròng: 19,6 tỷ USD
Công ty: Tập đoàn trang sức Chow Tai Fook Jewellery Group
Vùng lãnh thổ: Hong Kong

Cheng Yu-tung sinh ra tại Quảng Đông, Trung Quốc. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Cheng được biết đến là "Vua của các loại trang sức" khi ông kiểm soát hơn 30% kim cương nhập khẩu vào Hong Kong. Hiện nay Cheng Yu-tung là chủ tịch danh dự của hãng bán lẻ đồ trang sức lớn nhất thế giới – Chow Tai Fook Jewellery Group. Tập đoàn này hiện có mạng lưới cửa hàng phân phối rộng lớn với hơn 1.800 cửa hàng trang sức và đồng hồ trên toàn Trung Quốc.
Ngoài ra, Cheng còn kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, bán lẻ và khách sạn với tập đoàn The New World Development bao gồm các công ty như NWS Holdings, NW China Land và Mongolia Energy Corporation.

2. Beny Steinmetz

Tuổi: 57
Tài sản ròng: 5,8 tỷ USD
Công ty: Tập đoàn kim cương Steinmetz Diamond Group
Quốc gia: Israel
Beny Steinmetz được thừa kế Tập đoàn kim cương Steinmetz 70 năm tuổi có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) từ cha ông.  Steinmetz cũng là người sáng lập của Tập đoàn khai khoáng Beny Steinmetz (BSR Group), công ty đã khai thác 10 triệu carat kim cương từ mỏ Koidu ở Sierra Leone. Năm 2003, Steinmetz Diamond Group chế tác viên kim cương hồng Steinmetz Pink quý hiếm nặng 59,6 carat có giá 100 triệu USD.

3. Dan Gertler

Tuổi: 39
Tài sản ròng: 2,6 tỷ USD
Công ty: Fleurette Group
Quốc gia: Israel
Dan Gertler là ông trùm kim cương người Israel và gây dựng khối tài sản của mình từ việc đầu tư vào các mỏ kim cương và đồng tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Là bạn thân của tổng thống nước Cộng hòa Congo, Joseph Kabila, nên việc Dan Gertler, mua đứt các dự án khai thác kim cương của chính phủ gây ra làn sóng dư luận tại quốc gia này.
Gertler là người sáng lập kiêm chủ tịch của tập Dan Gertler International (DGI) và cùng là người điều hành đầu công ty Gibraltar, thuộc Tập đoàn Fleurette của gia đình.

4. Anne-Marie Graff

Tuổi: 75
Tài sản ròng: 2,1 tỷ USD
Công ty: Graff Diamonds
Quốc gia: Anh
Anne-Marie Graff là vợ của tỷ phú kim cương Laurence Graff. Bà cùng chồng và các con sở hữu số cổ phần trị giá 3,1 tỷ USD tại Graff Diamonds của gia đình.

5. Laurence Graff

Tuổi: 75

Tài sản ròng: 2,1 tỷ USD

Công ty: Graff Diamonds
Quốc gia: Anh
Xuất thân từ một thợ kim hoàn người, Laurence Graff trở thành nhà sáng lập tập đoàn kim cương Graff Diamonds với 35 cửa hàng trên toàn thế giới. Năm 2010, ông chi tiền mua viên kim cương hồng Graff Pink. Đây là một trong những viên kim cương đẹp và đắt nhất thế giới với màu hồng đặc biệt quý hiếm, nặng 24,78 carat với giá 46 triệu USD.

6. Georges Nicolas Hayek Jr

Tuổi: 58
Tài sản ròng: 1,7 tỷ USD
Công ty: Swatch Group
Quốc gia: Thụy Điển
Georges Nicolas Hayek Jr là giám đốc điều hành Tập đoàn Swatch, Thụy Sĩ, một trong những thương hiệu đồ trang sức cao cấp được giới thượng lưu Hollywood  yêu thích .Tháng 5/2013, Georges Nicolas Hayek Jr mua viên kim cương kim cương thô không màu Winston Legacy với giá 26,7 triệu USD.

7. Lev Leviev

Tuổi: 57
Tài sản ròng: 1,4 tỷ USD
Công ty: Mỏ khai thác kim cương Catoca
Quốc gia: Israel

Tỷ phú kim cương Lev Leviev chuyên đầu tư và khai thác các mỏ kim cương ở Nga và châu Phi, nơi có những mỏ kim cương lớn nhất thế giới. Ngoài kinh doanh đồ trang sức, Lev còn sở hữu tập đoàn đầu tư châu Phi Israel (AFI), hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và du lịch.

8. Jorg Bucherer

Tuổi: 77
Tài sản ròng: 1,1 tỷ USD
Công ty: Bucherer Group
Quốc gia: Thụy Sĩ
Jorg Bucherer là chủ tịch tập đoàn trang sức Bucherer, Thụy Sĩ. Hiện tập đoàn này có khoảng 1.500 nhân viên và 26 cửa hàng trên khắp châu Âu.

9. Fred Mouawad

Tuổi: 44
Tài sản ròng: 1,1 tỷ USD
Công ty: Mouawad
Quốc gia: Lebanon
Fred Mouawad, là một trong ba anh em nhà Mouawad – những người điều hành tập đoàn đồng hồ và trang sức Mouawad.

10. Robert Fayez Mouawad

Tuổi: N/A
Tài sản ròng: 1,1 tỷ USD
Công ty: Mouawad
Quốc gia: Lebanon
Robert Mouawad là thế hệ thứ ba của gia đình kim cương Mouawad. Năm 1990, Robert Fayez Mouawad gây chấn động khi mua viên kim cương nặng 101,84 carat với giá 12,76 triệu USD, mức giá đắt nhất cho một viên kim cương giọt lệ thời bấy giờ.
Hoài Thu
Theo Rediff/Infonet