Hotline: 0973 549 00
Menu

Trung Quốc biện bạch trước G7 về việc xây dựng ở Biển Đông

Trung Quốc hôm qua biện bạch trước những lời chỉ trích của Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) về hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông, sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy nước này đang xây đường băng trái phép.


Hình ảnh mới nhất hôm 23/3 cho thấy Trung Quốc đang xây đường băng trên Đá Chữ Thập. Ảnh: Airbus

Theo Sina, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 17/4 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, mọi hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm "cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt" của binh lính đồn trú trên đó, và hoạt động được tiến hành trong "phạm vi chủ quyền" của Trung Quốc.

Các ngoại trưởng G7 hôm 15/4 ra tuyên bố về an ninh hàng hải, trong đó bày tỏ quan ngại về những hành động đơn phương trên Biển Đông, bao gồm "cải tạo đất quy mô lớn làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng".

Hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép một đường băng bê tông trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đường băng này ước tính có độ dài hơn 3.000 m, đủ cho máy bay chiến đấu và máy bay tuần tiễu cất và hạ cánh. Trung Quốc chiếm giữ trái phép đá Chữ Thập của Việt Nam từ năm 1988. 

Ảnh vệ tinh từ hồi tháng ba cũng cho thấy hoạt động cải tạo đất trên Đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa, đã tạo ra một phần đường rộng, nếu nối liền có thể đủ không gian cho một đường băng dài 3.000 m khác.

Ngoài ra, Bắc Kinh đang mở rộng đường băng phi pháp từ 2.300 m lên 3.000 m trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc chiếm giữ trái phép đảo này của Việt Nam vào năm 1956.

Các nhà phân tích nhận định, việc xây dựng chỉ là một phần trong kế hoạch tham vọng biến Biển Đông thành "sân nhà" của Trung Quốc. Nước này tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines. Biển Đông có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua vùng này mỗi năm.

Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố về an ninh hàng hải tại Biển Đông

Hội nghị Ngoại trưởng nhóm G7 ngày 16/4 đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động hàng hải ở biển Đông và biển Hoa Đông. 


Ngoại trưởng các nước G7 và đại diện của Liên minh châu Âu (Ảnh: Spigel)

Sau hai ngày họp tại thành phố Luebeck ở Đức, ngoại trưởng các nước G7, gồm Anh, Pháp, Đức, Italia, Mỹ, Canada và Nhật Bản, đã ra Tuyên bố về An ninh Hàng hải.

Tuyên bố nêu rõ rằng ngoại trưởng các nước G7 quan ngại về những hành động đơn phương, bao gồm cải tạo đất trên diện rộng, vốn làm thay đổi thực trang ở biển Đông cũng như làm gia tăng căng thẳng, của Trung Quốc thời gian qua.

Cũng theo tuyên bố, ngoại trưởng các nước G7 phản đối bất cứ nỗ lực khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải thong qua các hình thức đe dọa, ép buộc hoặc vũ lực.

Cũng tại hội nghị nêu trên, ngoại trưởng các nước G7 cũng kêu gọi các bên liên quan ở Ukraine thực thi đầy đủ trách nhiệm và những cam kết đã ghi trong thỏa thuận Minsk. G7 một lần nữa kêu gọi Nga hợp tác để tìm ra một giải pháp cho tình hình hiện nay tại miền Đông.

Về tình hình tại Trung Đông, ngoại trưởng các nước G7 lên án mạnh mẽ những vụ tấn công tàn bạo và trái pháp luật, cũng như những vụ vi phạm nhân quyền của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Tuyên bố của nhóm G-7 cho rằng cần phải có các biện pháp toàn diện, bao gồm các chính sách kinh tế và giáo dục, giúp ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan lan rộng.

Ngoài ra, một trong những chủ đề được đưa ra thảo luận trong cuộc họp nêu trên của ngoại trưởng nhóm G-7 là về Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Nhóm G7 nhất trí về việc hợp tác bằng cách chia sẻ thông tin vì điều nay giúp bảo đảm quá trình điều hành mỗi quốc gia.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông cùng với người đồng cấp các nước đã thảo luận về môi trường an ninh tại châu Á. Theo ông, đây là vấn đề cấp thiết cần được đưa ra thảo luận vì Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất tham gia nhóm G7.