Hotline: 0973 549 00
Menu

Bphone trở thành điện thoại bị "hack" nhanh nhất thế giới

Theo ý kiến từ phía chuyên gia, anh Hoàng Nova - Admin diễn đàn LG Việt nhận định: "Trong trường hợp này, chúng ta có thể dùng từ hack thay cho từ root."

BPhone - chiếc smartphone do tập đoàn BKAV tự tay sản xuất, là chiếc điện thoại đầu tiên do người Việt Nam tự nghiên cứu phát triển, mới đây, đã bị root thành công. Thực tế trong trường hợp này các chuyên gia bảo mật nhận định có thể dùng từ "hack".

*Về phía chuyên gia, anh Hoàng Nova - Admin diễn đàn LG Việt nhận định: "Trong trường hợp này, chúng ta có thể dùng từ hack thay cho từ root."

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, "hack" ở đây không có nghĩa là chọc thủng mọi lớp bảo mật của Bphone, mà đơn giản là chiếm quyền điều khiển máy, cho phép chúng ta truy xuất, quản trị vào nhân hệ thống nhằm thực hiện các thao tác mà trước đây không thể tiếp cận được.

Cụ thể ở đây, TekCafe Team là chính là đội ngũ những lập trình viên đầu tiên có thể root và cài custom recovery trên BPhone dù BKAV đã sử dụng rất nhiều phương pháp bảo mật khác nhau để tránh người dùng có thể can thiệp vào hệ thống.

Kịch bản được TekCafe Team đặt ra ngay khi nhận máy là sử dụng công cụ sửa lỗi trên Android do Google cung cấp (gọi tắt là ADB - Android Debug Brigde) để dùng máy tính can thiệp vào BPhone.


Thật bất ngờ khi họ không thể kích hoạt được cho máy tính nhận diện thiết bị dù đã sử dụng Linux - hệ điều hành chuyên dụng cho các thiết bị Android.

Nghi ngờ phía BKAV đã vô hiệu hóa tính năng này. TekCafe đã nhanh chóng chuyển sang phương án thứ hai, sử dụng phần mềm có tên là Android Terminal Emulator để có thể thực hiện các thao tác dòng lệnh (shell) trực tiếp ngay trên BPhone. Quả thật không ngoài dự đoán, BKAV đã vô hiệu hóa tập tin nhị phân quản lý ADB trong /system/bin, tập tin này có tên là adbd (android debug brigde daemon). Đây là lý do khiến máy tính không nhận diện được BPhone thông qua kết nối ADB.


Khi đã truy cập được thông qua giao diện dòng lệnh, các lập trình viên của TekCafe Team bắt đầu len lỏi vào các file, thư mục của hệ thống. Phát hiện 1 số thư mục được cấp toàn bộ các quyền, họ đã tiến hành thử root thông qua 1 số file .sh nhưng không thành công. Dự đoán sẽ còn 1 số chỗ dính lỗ hổng bảo mật như thế này, TekCafe Team đã sử dụng 1 công cụ root có nguyên tắc dựa trên các lỗi này (exploit tools) khá phổ biến để root thử. Đúng như dự đoán, chiếc BPhone đã bị root trong vòng 2 phút thông qua phần mềm này.


Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp root tạm thời, sẽ bị mất root sau khi đặt lại dữ liệu gốc. Việc cần thiết lúc này là trích phân vùng boot ra nhằm mục đích lấy kernel để tiến hành build một custom recovery để có thể nạp file zip nhằm chiếm quyền root vĩnh viễn.

Sử dụng quyền root tạm thời, Team TekCafe đã trích phân vùng boot ra, sau đó tiến hành build Philz Touch Recovery (một dạng custom recovery) từ kernel image (hạt nhân hệ thống) và dt image (device tree) được trích ra từ phân vùng boot. Sau đó đóng gói lại và nạp vào hệ thống.


Cách thông dụng được các nhà phát triển sử dụng là thông qua fastboot, như chế độ ADB, BKAV đã khóa chức năng nạp các phân vùng thông qua chế độ này. Gõ các lệnh fastboot cơ bản đến nâng cao đều không mang lại kết quả gì do BKAV đã khóa quá chặt chẽ. Họ đánh liều nạp trực tiếp file recovery build được vào phân vùng recovery thông qua giao tiếp dòng lệnh trên điện thoại.

Sau nhiều lần test thử, họ đã thành công. Tuy nhiên vì BKAV chưa công bố mã nguồn nên bộ recovery do TekCafe Team build vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh. Tuy nhiên các tính năng cơ bản đã có thể sử dụng được. Đây là phần tốn nhiều thời gian nhất của Team và họ hứa hẹn sẽ tiếp tục hoàn thiện recovery này trong thời gian tới.


Với bộ recovery này trong tay, TeKCafe đã thành công trong việc nạp file zip chứa các tập tin nhị phân cung cấp quyền root một cách hoàn hảo. Đến lúc này, Bphone chính thức bị root hoàn toàn. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng bộ custom recovery này để nạp các phiên bản phần mềm được cộng đồng hỗ trợ cũng như sao lưu và khôi phục lại dữ liệu trên thiết bị.


Toàn bộ quá trình root bên trên là mạo hiểm và mang đầy sự kịch tính bởi sai lần có thể trả giá bằng chiếc Bphone của bạn. Còn trong tương lai, Tekcafe hứa hẹn sẽ công bố thêm nhiều chi tiết và hướng dẫn cài Recovery cho Bphone và hoàn hảo.

Theo TekCafe

Bphone chưa thể đến tay người tiêu dùng

Những người dùng đã đặt mua Bphone trước đó sẽ không thể nhận sản phẩm trong tuần này mà phải chờ đợi thêm 1 tuần nữa. Lý do cho sự chậm trễ này được đưa ra bởi Bkav là hệ điều hành chưa sẵn sàng để đến tay người tiêu dùng.


Theo như thông tin từ Bkav phát đi ngay 9/6 cho biết: "Hệ điều hành BOS của Bphone được phát triển trên nền Androi 5.1 và Bkav đã ký thoả thuận gọi là Mada với Google (MADA - Mobile Application Distribution Agreement) và thoả thuận này tương tự như các nhà sản xuất khác như Sony, SamSung, HTC khi phát triển sản phẩm. Trong tuần trước, thoả thuận mada giữa Google với các nhà sản xuất có một chút thay đổi về việc nâng cấp một số ứng dụng trên hệ điều hành. Và thay đổi này cũng áp dụng với các nhà sản xuất khác. Vậy chúng tôi cần thêm một chút thời gian để cập nhật các nâng cấp này." 

Chia sẻ thêm, đại diện truyền thông của Bkav cho biết: "Bạn cũng biết, trong lĩnh vực phầm mềm việc nâng cấp là rất phổ biến và nó nhằm mang đến cho người sử dụng những tính năng mới nhất. Ngoài ra Bkav cũng muốn phiên bản thương mại tới tay mọi người sẽ là phiên bản hoàn thiện nhất cả về phần cứng lẫn phầm mềm. Đối với chúng tôi đã gần 5 năm để phát triển sản phẩm này thì thêm một chút thời gian ngắn cũng không phải là vấn đề. Chúng tôi hiểu rằng đối với khách hàng đã đặt mua thì nóng lòng muốn được sử dụng ngay, tuy nhiên cũng mong các khách hàng thông cảm. Trong ngày hôm nay, Bkav sẽ thông báo tới các khách hàng về sự chậm chễ này."

Trước đó, vào ngày 5/6, những chiếc Bphone đầu tiên được trưng bày tại chuỗi bán lẻ FPT Shop ở TPHCM thu hút sự quan tâm lớn từ phía người tiêu dùng. Tại đây, nhiều người dùng trải nghiệm đã tỏ ra "thất vọng" bởi lỗi phát sinh từ phần mềm của máy lẫn màn hình ám xanh. Theo như chia sẻ của một số người dùng, chiếc máy gây lỗi không thể kết nối Wi-Fi, lỗi các thao tác đơn giản và đặc biệt là màn hình lại khá tối, ám xanh nặng. 

Ngay sau đó, đại diện từ Bkav đã phát đi thông tin chính thức cho biết: "Đây chỉ là phiên bản demo và không phải là phiên bản chính thức, do đó việc phát sinh lỗi trong trải nghiệm phần mềm hoàn toàn có thể xảy ra. Bkav cũng đang hoàn thiện để giao sản phẩm đến với người dùng trong thời gian tới."

Bkav chuẩn bị mời truyền thông thăm nhà máy sản xuất Bphone

Sau khi kết thúc đợt một bán chiếc điện thoại Bphone, Bkav dự định trong vài tuần tới sẽ mời giới truyền thông thăm quan nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên của mình tại Việt Nam.

Một hình ảnh trong nhà máy sản xuất Bphone tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Sau khi Bkav ra mắt chiếc điện thoại Bphone, nhiều người tỏ ra hoài nghi về “nguồn gốc” của mẫu điện thoại được cho là “thương hiệu Việt” này. Những ồn ào xung quanh những mĩ từ của CEO Nguyễn Tử Quảng dành cho Bphone với tên gọi “smartphone đẹp nhất thế giới”, “siêu phẩm hàng đầu” đã làm dấy lên những tranh cãi về giá trị Việt trong sản phẩm này.

Chia sẻ với Dân trí, đại diện Bkav cho biết công ty này đang lên kế hoạch trong một vài tuần tới sẽ mời giới truyền thông và những người quan tâm tới Bphone tới thăm nhà máy sản xuất chiếc điện thoại này tại Cầu Giấy, Hà Nội. Đây cũng là nhà máy sản xuất thiết bị Nhà thông minh Smart Home khá thành công của Bkav từ 10 năm nay. Nhà sản xuất này cho biết công suất nhà máy ở Cầu Giấy hiện đáp ứng được vài chục nghìn sản phẩm mỗi tháng nhưng hạ tầng mới của họ cũng đã sẵn sàng nếu nhu cầu tăng cao hơn.

“Chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho hạ tầng tại khu công nghệ cao Hoà Lạc với diện tích 2,3 ha. Trong trường hợp thị trường phản hồi tốt, có thể nhanh chóng nâng công suất lên vài trăm nghìn sản phẩm mỗi tháng”, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch phụ trách phần cứng và Smart Home của Bkav, cho biết.

Ông Thắng nhấn mạnh điện thoại Bphone là Smartphone Designed by Bkav made in Việt Nam. Toàn bộ thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết điện tử, thiết kế phần mềm ở tại trụ sở chính của công ty. Phần chế tạo cơ khí ở nhà máy cơ khí để ra được sản phẩm mẫu, theo các thiết kế đã đặt ra, sau đó đặt hàng các nhà cung cấp phụ trợ gia công theo thiết kế mẫu của Bkav.

Chiếc điện thoại Bphone đang là tâm điểm chú ý của giới truyền thông.

“Một số khâu khó, đòi hỏi bảo mật bí quyết cao thì Bkav không đặt đối tác gia công mà sản xuất ngay tại nhà máy để tránh bị nhái. Sau đó, các chi tiết cơ khí cộng với chi tiết linh kiện sẽ được tập hợp tại nhà máy điện tử để lắp ráp thành phẩm. Quy trình này tương tự như quy trình của Apple nhưng khác một điều là Apple thuê cả gia công lẫn lắp ráp thành phẩm. Còn Bkav thì thực hiện luôn cả khâu này. Chúng tôi đang lên kế hoạch trong 1 vài tuần tới sẽ mời giới truyền thông và những người quan tâm tới sản tới tham quan các nhà máy của chúng tôi”, người phụ trách dự án Bphone cho biết.

“Nói vui nếu ngày mai mà toàn dân Việt Nam mỗi gia đình mua một chiếc Bphone thì chúng tôi sẽ nhanh chóng có được nhà máy tương đương với nhà máy Samsung ở Thái Nguyên chỉ trong vòng 1 năm vì việc xây dựng nhà xưởng rất đơn giản”, ông Thắng tỏ ra lạc quan.

Trong đợt mở bán đợt một chiếc Bphone, Bkav đã nhận được gần 12.000 đơn đặt hàng. Trong tuần tới, Bkav sẽ bắt đầu chuyển hàng tới những khách hàng đặt sớm. Trong khi đó, những người đặt muộn hơn sẽ chờ tới 2-3 tuần mới được nhận máy.

Bkav lo ngại không sản xuất kịp Bphone cho đợt đầu

Thay vì nhận máy vào đầu tuần sau, nhiều khách hàng đặt mua Bphone ngày 2/6 sẽ phải đợi thêm 2-3 tuần nữa do lượng hàng không đủ.

Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của Bkav cho biết công suất nhà máy ở Cầu Giấy, Hà Nội, của tập đoàn này đáp ứng khoảng vài chục nghìn sản phẩm mỗi tháng. 

Bên trong nhà máy sản xuất Bphone ở Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong khi đó, Bkav ước tính có thể bán được trên 5.000 máy trong đợt đầu tiên (diễn ra từ 10h đến 22h ngày 2/6). Tuy nhiên, thực tế đã có 11.822 sản phẩm được đặt mua trong ngày đầu tiên, gấp đôi dự kiến ban đầu. Thống kê này cũng đã loại trừ các đơn hàng "ảo" vì nếu tính, con số sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

"Chúng tôi mất 5 năm để có thể ra mắt Bphone. Việc chuẩn bị cho lễ công bố lại được tiến hành đồng thời với quá trình hoàn thiện sản phẩm và xây mới hai nhà máy điện tử và cơ khí nên việc sản xuất bị ảnh hưởng đôi chút. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ có thể giao 5.000 sản phẩm tới khách hàng trong một tuần tới", đại diện Bkav giải thích. "Với các đơn hàng còn lại, chúng tôi cố gắng trong tháng 6 này sẽ cung cấp đủ số sản phẩm tới tay khách hàng". 

Anh Trần Mạnh Hùng, trưởng dự án tai nghe của nhóm Joinhandmade và là một trong những người đầu tiên đặt mua trực tuyến hai điện thoại của Bkav, cho hay anh mua Bphone vì tính chất ủng hộ hàng Việt nên việc nhận máy sớm hay muộn vài tuần không thành vấn đề. Anh Hùng cũng nhận định việc bán hàng qua mạng là một quyết định đúng đắn của Bkav vì điều này sẽ giúp họ giảm chi phí, nhờ đó giá bán sản phẩm khi đến tay người dùng sẽ giảm đi.

Anh Hoàng Luyện (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết anh không lo lắng về chuyện mua máy trực tuyến vì Bkav đã "linh hoạt cho người đặt hàng có thể trả tiền sau". "Smartphone là mặt hàng có giá trị cao nên đa số cần cân nhắc kỹ rồi mới quyết định mua. Thay vì bạn phải đến cửa hàng để xem xét, so sánh thì Bphone được mang đến tận nơi cho bạn xem ngay lúc đó rồi mới quyết định trả tiền hay không", anh Luyện nhận xét.

Hình thức đặt mua điện thoại trực tuyến của Bkav được thực hiện giống mô hình mà Xiaomi (Trung Quốc) đang triển khai. Thành công của Xiaomi được ví như chuyện cổ tích của làng điện thoại di động bởi họ mới "chân ướt chân ráo" bước vào thị trường smartphone từ năm 2012 nhưng đã nhanh chóng nằm trong số những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Xiaomi từng ghi nhận 15 triệu đơn đặt hàng cho chiếc phablet Redmi Note. Con số này không đồng nghĩa là tất cả người mua đã trả tiền trước cho sản phẩm mà họ tính cả những người mới chỉ đăng ký mua hàng nhưng chưa tiến hành giao dịch thanh toán. Tương tự, trong số gần 12.000 chiếc Bphone được đặt mua, rất nhiều khách hàng lựa chọn trả tiền sau khi nhận máy. Trong 14 ngày, khách hàng có thể đổi trả nếu không thích, tuy nhiên để tránh đơn hàng ảo, Bkav sẽ thu phí đổi trả là 500.000 đồng. Mức phí này tính từ khi người mua ký nhận vào đơn hàng.

Báo giới quốc tế nói gì về Bphone?

Không chỉ giới công nghệ trong nước thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến Bphone, chiếc smartphone cao cấp đầu tiên mang thương hiệu của Việt Nam, chiếc smartphone mới ra mắt của Bkav cũng tạo được tiếng vang nhất định trong khu vực, khi được các trang tin quốc tế quan tâm.

Có thể nói đã khá lâu rồi giới công nghệ trong nước lại có dịp sôi động với sự kiện ra mắt chiếc smartphone Bphone của Bkav. Sở dĩ chiếc smartphone này thu hút được sự chú ý của dư luận trong nước vì đây được xem là chiếc smartphone cao cấp đầu tiên được thiết kế và sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam.

Không chỉ tạo tiếng vang ở thị trường trong nước, Bphone còn được các trang công nghệ và tin tức thế giới chú ý đến.

TechInAsia, trang tin chuyên theo dõi tin tức công nghệ tại châu Á cũng đã có bài viết về sự kiện ra mắt của Bphone vào ngày 26/5 vừa qua.TechInAsia đã gọi Bphone là “smartphone cây nhà lá vườn đầu tiên của Việt Nam”, đồng thời trang công nghệ này xem sự kiện ra mắt Bphone là “sự kiện công nghệ lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam”.


Trang công nghệ TechInAsia nhận định sự kiện ra mắt Bphone là sự kiện công nghệ lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam

TechInAsia nhận định Bkav muốn xây dựng hình ảnh một chiếc smartphone bảo mật và an toàn cao, giống như hình ảnh smartphone của BlackBerry trước đây, luôn được đánh giá hàng đầu về khả năng bảo mật.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng đã có bài viết về sự kiện ra mắt chiếc smartphone Bphone của Việt Nam, với tiêu đề “Người Việt chào mừng chiếc smartphone cao cấp đầu tiên sản xuất ở trong nước”.

Trong bài viết của mình, Tân Hoa Xã đã nêu rõ những tính năng nổi bật của Bphone, như TransferJet, công nghệ truyền dữ liệu không dây ở khoảng ngắn, đồng thời cho biết Bphone là chiếc điện thoại được thiết kế bởi một công ty phần mềm bảo mật, do vậy ưu tiên các tính năng bảo mật, chống virus, phần mềm gián điệp, thư rác...

Tân Hoa Xã cũng đã phỏng vấn nhiều người dùng tại Việt Nam về chiếc smartphone mới ra mắt của Bkav, trong đó phần lớn là những ý kiến ủng hộ cho chiếc smartphone nội địa này.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chiếc smartphone có thể cạnh tranh với những sản phẩm đến từ những quốc gia khác trên thị trường. Đây là sản phẩm của Việt Nam, do vậy nó phải giành được trái tim của người dùng Việt Nam trước khi nhắm đến thị trường nước ngoài”, Đỗ Tuấn, một người dùng tại Việt Nam trả lời Tân Hoa Xã.

“Tôi thực sự hạnh phúc. Sự ra mắt của Bphone chứng minh rằng ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Tôi sẽ mua một chiếc Bphone”, Nguyễn Diệp, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ với Tân Hoa Xã.

Ngoài ra, một số trang công nghệ khác tại châu Á cũng đã đưa tin về sự kiện ra mắt Bphone cũng như phản ứng của người dùng tại Việt Nam về chiếc smartphone này.


Bkav và Nguyễn Tử Quảng vẫn sẽ còn rất nhiều điều cần làm để đưa Bphone cạnh tranh với các đối thủ lớn như Xiaomi hay Apple

Tuy nhiên, nhìn chung sự ra mắt của Bphone vẫn chưa tạo được tiếng vang với làng công nghệ thế giới, khi mà các trang công nghệ lớn trên thế giới (chủ yếu có trụ sở tại Mỹ) hầu như không biết đến hoặc không đề cập đến sự ra mắt của chiếc smartphone này. Mặc dù trước đó, nhiều smartphone của Trung Quốc, chẳng hạn hãng điện thoại OnePlus của Trung Quốc, mới chỉ ra mắt một chiếc smartphone duy nhất là OnePlus One vào năm ngoái, nhưng cũng đã nhanh chóng tạo được tiếng vang và thu hút sự chú ý của giới công nghệ quốc tế, trước khi chiếc smartphone này đổ bộ ra các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Điều này cho thấy để Bphone có thể vươn tầm lên đẳng cấp quốc tế như những gì CEO Nguyễn Tử Quảng đã tuyên bố tại sự kiện ra mắt Bphone đòi hỏi Bkav vẫn còn rất nhiều điều phải làm.

Người dùng Việt "ám ảnh" với cụm từ "nhất thế giới" của Bphone

"Nhất thế giới", "hàng đầu thế giới", "không thể tin nổi" liên tục được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt buổi ra mắt sản phẩm Bphone, đến nỗi người dùng phải ám ảnh với những cụm từ trên.

Những cái nhất!

Sự kiện ra mắt Bphone được đánh giá là một trong những sự kiện công nghệ đáng chú ý nhất trong năm 2015 tại Việt Nam. Sự kiện lần này gây được sự chú ý lớn vì những phát ngôn gây sốc trong thời gian của Bkav về một siêu phẩm Made in Việt Nam với công nghệ được cho là "siêu hạng".Ngay trong sáng nay, chiếc Bphone đã chính thức lộ diện và những bí mật cũng đã hé lộ.

Mở màn cho buổi họp báo, CEO Nguyễn Tử Quảng đã ngay lập tức khẳng định, Bphone là chiếc điện thoại đẹp nhất nhì trên thế giới, và là chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới sử hữu kiểu dáng phẳng, loại bỏ hầu hết các chi tiết thừa.

Dẫn lời từ Phó chủ tịch Bkav, ông Vũ Thanh Thắng, phụ trách dự án sản xuất Bphone, cho rằng chiếc điện thoại của mình sở hữu camera chính 13 megapixel, và là smartphone duy nhất trên thị trường được trang bị camera cao cấp mà không có thiết kế lồi. Ông Thắng còn nhấn mạnh hơn, Bphone còn là một trong hai chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới có tính năng chụp ảnh trước lấy nét sau. Chưa kể, Bphone cũng là một trong hai chiếcsmartphone đầu tiên trên thế giới có tích hợp lớp kính sapphire chống trầy cho camera. 

Chưa hết, đại diện từ Bkav lại tiếp tục phô diễn thêm những cái nhất mà họ đã làm trên sản phẩm Bphone. 


Trong thuyết trình của mình, đại diện Bkav nhấn mạnh rằng: "Bphone là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới trang bị công nghệ giao tiếp không dây tầm ngắn TransferJet, cho phép truyền dữ liệu siêu nhanh, lên tới 200 Mb/s, nhanh hớn 472 lần so với NFC và 8 lần so với Bluetooth 4.0." 

Bên cạnh đó, đây cũng là smartphone đầu tiên được trang bị chip xử lý âm thanh cao cấp, hỗ trợ phát nhạc Hi-Res (lossless) 129 KHz/24 bit. Cho chất lượng âm thanh tốt nhất hiện nay. 

Ngoài ra, Bkav còn phô diễn rất nhiều tính năng và luôn nhấn mạnh về sự "hàng đầu", "đầu tiên" của hãng như: Hệ điều hành thông minh nhất, màn hình hiển thị tốt nhất...

Phản ứng từ cộng đồng mạng 

Điểm qua mạng Facebook vào trưa nay, hàng loạt các status người dùng đăng tải với thông tin Bphone tràn ngập, nhiều nội dung được chia sẻ nhấn mạnh đến việc các công nghệ được cho là hàng đầu thế giới. Đánh giá sơ bộ, Bphone đã khá thành công trong việc lôi kéo người dùng nói về sản phẩm của mình mà ít hãng có thể làm được điều này. Tuy nhiên, hàng loạt các cụm từ "Không thể tin nỗi", "hàng đầu thế giới"... cứ nhắc đi nhắc lại, gây nên những phản ứng trên cộng đồng mạng, thậm chí những bức ảnh chế đã "kịp ra đời" ngay trong sự kiện lần này. 


Theo một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông marketing cho hay: "Khâm phục với những gì mà Bkav làm được với Bphone. Tuy nhiên, cách mà họ tuyên bố các thông tin cũng như truyền tải thông điệp có thể khiến người dùng cảm thấy "phản cảm".

Nói rõ hơn, vị này cho biết: "Nổi tiếng là một điều tốt, nhưng danh tiếng mới là điều mà các thương hiệu nên nhắm tới. Anh Quảng và các cộng sự đã làm nên được sự nổi tiếng, nhưng danh tiếng thì chưa. Có một số nguồn tin nói rằng, họ muốn bán với con số 10.000 máy/1 tháng ở thị trường Việt Nam. Ở phân khúc họ đang định vị Bphone, sẽ không quá nếu tôi nói rằng đó là "ảo tưởng"."

Theo bạn Bảo Lâm: "Phải nói họ làm rất tốt khi lôi kéo người xem nhưng Bphone nên tập trung vào việc khẳng định chất lượng. Việc "nổ" là nhất thế giới này có thể sẽ khiến người dùng thất vọng, quay lưng vì thực thế những hãng điện thoại lớn nhất thế giới cũng không dám nói ra những điều này."

Bạn Mạnh Hùng: "Các công nghệ được chia sẻ tại buổi lễ khá hấp dẫn tuy nhiên cụm từ "hàng đầu thế giới", "Không thể tin được" cứ nhắc đi nhắc lại, nghe mà bị ám ảnh luôn. Thay vì tập trung giới thiệu rõ hơn, nói chi tiết và minh chứng để người dùng có thể cảm nhận được các công nghệ có tốt hơn không? Đâu nhất thiết phải nhấn mạnh như vậy, khi thực tế trải nghiệm sản phẩm không được như quảng cáo, có phải hiệu ứng đi ngược không?" 

Đứng về khía cạnh khác, theo một chuyên gia cùng lĩnh vực marketing mobile đánh giá rằng: "Đơn giản vì đây là “key message - thông điệp chính” trong chiến dịch truyền thông của Bphone, vì là thông điệp quan trọng nhất thì đương nhiên họ phải liên tục nhắc đến để người nghe và công chúng nhớ đến sản phẩm của họ. Cái mà khách hàng nhớ đến sẽ giúp họ bán hàng tốt hơn. Chỉ cần nhóm khách hàng mục tiêu của họ nhớ được điều này thì họ đã thành công. Tất nhiên là thông điệp đó có thật sự gắn liền với trải nghiệm khách hàng không là chuyện khác, khi mà khách hàng mua sản phẩm và trải nghiệm. Dù sao trong trường hợp buổi ra mắt sản phẩm như thế này thì họ đã làm tốt công việc truyền thông “single minded - chân thật” trong suy nghĩ người xem rồi."

Còn ý kiến của bạn thì sao? Hãy nhập các góp ý vào phần bình luận bên dưới bài viết nhé.